2 câu trả lời
Đặc điểm nông nghiệp và định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững tại thành phố hồ chí minh
Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí trung tâm, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, nơi tập trung nhiều Viện, trường, các nhà khoa học có trình độ, chuyên môn cao của cả nước. Thành phố có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với tiềm năng đó, hàng năm thành phố thu hút một lượng lớn về nguồn lực tài chính, nhân lực của cả nước, đây là cơ hội tạo động lực cho phát triển ngành nông nghiệp thành phố về lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản, là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sinh học, nơi ươm mầm và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao cho cả nước. Do đó, ngành nông nghiệp thành phố đã đề ra nhiệm vụ tập trung: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa bò của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố...”.
Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đang là thế mạnh của thành phố về chất lượng và giá bán như rau, hoa, sữa tươi, tôm, cá cảnh, heo, tổ chim yến. Do quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh, trong khi diện tích canh tác không thể mở rộng và đang có xu hướng giảm dần, nhu cầu nông nghiệp thành phố yêu cầu không chỉ đủ sản lượng cung cấp cho trên 12 triệu người mà còn phải có chất lượng, phong phú và đa dạng. Do đó, việc khuyến khích kêu gọi đầu tư nông nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và liên kết phối hợp với các tỉnh khác để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho người dân thành phố luôn là giải pháp hàng đầu mà thành phố quan tâm.
Một số đặc điểm của ngành nông nghiệp thành phố như sau:
- Diện tích đất nông nghiệp gần 114 ngàn ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích toàn thành phố, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 66.000 ha, đất lâm nghiệp 35.684 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 10.798 ha. Với trên 25.300 hộ đang đang sản xuất nông nghiệp, trình độ lao động ngày càng được tăng cao, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo hơn 70%.
- Tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp khá cao, năm 2018 GRDP đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Cơ cấu nông nghiệp với trồng trọt chiếm tỉ trọng 25,1%, chăn nuôi 36,6%, dịch vụ 7,9%, thuỷ sản 29,7%.
- Về trồng trọt: đã có sự chuyển dịch từ đất trồng lúa, mía, muối năng suất thấp sang các loại cây trồng có giá trị cao như rau, hoa cây kiểng, cỏ chăn nuôi và thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.
- Về chăn nuôi: thành phố tập trung chủ yếu vào phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, heo và cải thiện chất lượng đàn giống vật nuôi để cung cấp cây giống cho các tỉnh thành trong cả nước. Phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi đặc sản mới, như phát triển nuôi chim yến…Ngoài ra Thành phố đang chuyển dần những hộ nuôi bò sữa quy mô nhỏ kém hiệu quả sang nuôi quy mô lớn hơn > 5 con, hoặc chuyển qua nuôi bò thịt.
- Về thủy sản: thành phố tập trung chủ yếu nuôi tôm là chính, ngoài ra phát triển nuôi nghêu, sò huyết, cá rô phi, cá chình, lươn, cá thác lác…Đặc biệt là phát triển nuôi cá cảnh theo hướng nông nghiệp đô thị; với diện tích nuôi nhỏ, áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả và thu nhập cho người dân.
- Thành phố có những sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu, tuy nhiên quy mô và giá trị xuất khẩu chưa cao như: hoa lan, giống cây trồng, rau, cá cảnh, cá sấu.
- Thành phố cũng đã đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Trung Tâm công nghệ sinh học (diện tích 23ha), Trại Thực nghiệm và Trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF) với 200 con, 01 Khu Nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 88ha. Đang thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ (89,7ha) và dự án mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu thêm 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Đến năm 2025 triển khai tiếp dự án còn lại là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. 12 doanh nghiệp đầu tư trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu hiện cung cấp cho thị trường các sản phẩm và dịch vụ: 106.221 kg hạt giống bầu bí, 453 kg hạt giống ớt, khổ qua, cà tím, 1.422.000 hạt giống dưa lưới, Nấm các loại: 730.000 bịch phôi, 22.110 túi giống, 43.700 kg nấm ăn và nấm linh chi…Tổng doanh thu của 12 doanh nghiệp hoạt động đạt gần 145 tỷ đồng.
- Tỉ lệ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa cao và đang có xu hướng tăng dần. Nếu như năm 2010, tỷ lệ này khoảng 10% đến năm 2016 là 35,8% , năm 2018 là 38,2%.
- Thành phố đã có 104 hợp tác xã và 01 liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp (85 HTX đang hoạt động). Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX điển hình với những cách làm mới, thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản và đã có sản phẩm xuất khẩu.
- Thành phố phối hợp cùng các trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu khoa học, các công ty các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như Nhật, Hàn Quốc, Israel, Bỉ… trong công tác tập huấn, chuyển giao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao quốc tế[1], hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật, phần mềm quản lý, cử các chuyên gia trực tiếp tham gia công tác huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
- Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
- Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giống vật nuôi lớn nhất nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu, chọn tạo giống mới, đặc biệt là các giống rau, dưa hấu, lúa, bắp,.. cung cấp không chỉ riêng cho sản xuất tại thành phố mà cho cả các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu.
- Thành phố có 01 sân bay quốc tế với công suất 600 ngàn tấn hàng hóa, gần 1.000 km sông rạch có chức năng giao thông thủy, trong đó có khoảng 200km là tuyến hàng hải với 4 khu vực cảng biển. Hiện thành phố có 41 cảng hàng hóa đang khai thác với tổng chiều dài cầu cảng là 14.679m
- Mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
+ Nâng cao tỷ lệ ứng dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất rau, hoa cây kiểng giúp đảm bảo ổn định năng suất, chất lượng cây trồng; các mô hình sản xuất rau thủy canh theo công nghệ màng mỏng dinh dưỡng NFT; mô hình trồng rau, hoa, cây kiểng ứng dụng tưới tự động nhỏ giọt kết hợp châm phân bón tự động…; ứng dụng các thuốc trừ sâu hữu cơ sinh học, các loại thiên địch, chế phẩm sinh học trong phòng trừ sinh vật hại cây trồng, góp phần xây dựng nông nghiệp hữu cơ, không độc hại và thân thiện với môi trường.
+ Hoàn thiện hệ thống thông tin về vùng trồng, diện tích, chủng loại nông sản, dự kiến sản lượng thu hoạch/vụ/năm và dự báo cung cầu một số mặt hàng nông sản chủ lực (rau, hoa, heo,…) để cung cấp thông tin cho người sản xuất nông nghiệp tránh tình trạng cung vượt cầu; bản đồ số hóa các vùng sản xuất rau, nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn thành phố phục vụ cho công tác điều tra, quy hoạch và quản lý vùng sản xuất an toàn; hệ thống quan trắc cảnh báo về môi trường phục vụ sản xuất. Trên cơ sở đó, tiếp tục mở rộng ứng dụng quản lý sang các loại cây trồng khác như hoa, cây kiểng, lúa, cây công nghiệp và cây ăn trái, các vật nuôi chủ yếu.
+ Tiếp tục xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp: Xây dựng, thiết kế phần mềm quản lý dữ liệu sản nông nghiệp phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
+ Nâng cao năng lực quản lý nhà nước thông qua công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành giống, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đặc biệt nguồn nhân lực trong quản lý, sản xuất giống.
+ Tổ chức chứng nhận chất lượng giá trị giống vật nuôi theo các phương pháp tiên tiến; kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng giống bằng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
+ Triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ Chương trình nông thôn mới; vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; quản lý thông tin đất và sử dụng đất cho nông lâm nghiệp và thủy sản; giống cây nông nghiệp, phân bón; thông tin thị trường, xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản; giống vật nuôi (gia súc, gia cầm), thức ăn chăn nuôi, thông tin chăn nuôi tại địa phương; dịch bệnh và diễn biến dịch bệnh, công tác tiêm phòng dịch trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; quản lý tàu cá và sổ nhật ký đánh cá; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quản lý thông tin sâu bệnh, dịch bệnh, công tác phòng bệnh trên cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp; hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh; phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đào tạo nghề.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dịch bệnh (xây dựng bản đồ dịch tễ quản lý dịch bệnh); công nghệ cảm biến trong cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm môi trường chăn nuôi, cơ sở giết mổ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ kỹ thuật trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ cao (TOF) liên quan lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
Ngoài những mục tiêu định hướng chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố, trong từng lĩnh vực thành phố tập trung phát triển chủ yếu các nội dung sau:
Trồng trọt:
Tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố; đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh đồng thời tiếp tục xây dựng và chuyển giao đồng bộ các mô hình chuyển đổi đất trồng cây hiệu quả thấp (lúa, mía, cao su) sang trồng cây có hiệu quả cao hơn (rau, hoa).
Chăn nuôi:
Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung; đồng thời duy trì và hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, chăn nuôi theo hướng GAP; hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh; khống chế không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng tại các cơ sở chăn nuôi; tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch và bảo vệ môi trường; hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, ổn định lâu dài; nâng cao năng suất và chất lượng sữa bò, giống heo, giống bò sữa, bò thịt.
Thủy sản:
- Phát triển thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu thị trường và đạt chuẩn VietGAP. Tiếp tục nhân rộng mô hình doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh liên kết với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, làm vệ tinh cho doanh nghiệp. Sản xuất đúng đối tượng, quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp; doanh nghiệp chịu trách nhiệm tìm đầu ra và tiêu thụ.