Cảm nhận ý nghĩa nhan đề các truyện ngắn đã học: Làng, Lặng lẽ Sapa, Chiếc lược ngà.
2 câu trả lời
Chào em, em tham khảo gợi ý:
* Ý nghĩa nhan đề "Làng":
- Ngắn gọn, gợi một đề tài quen thuộc trong văn học: đề tài viết về làng quê.
- Tác giả đặt tên tác phẩm là “Làng” chứ không phải “Làng Chợ Dầu” vì:
+ Làng Chợ Dầu là một danh từ riêng, chỉ một ngôi làng cụ thể. Do đó, phạm vi phản ánh của tác phẩm bị thu hẹp.
+ Làng là một danh từ chung, có sức khái quát, có ý nghĩa bao trùm hơn. Qua đó, nhà văn có dụng ý khẳng định có nhiều làng kháng chiến như làng chợ Dầu và có nhiều người nông dân yêu làng, yêu nước, yêu kháng chiến chứ không riêng ông Hai ở làng Chợ Dầu.
- Qua đó, nhà văn thể hiện chủ đề tác phẩm: Ca ngợi tình yêu làng, yêu nước của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp.
* Ý nghĩa nhan đề Lặng lẽ Sa Pa:
- Nhan đề xuất hiện một địa danh nổi tiếng.
- Nhan đề sử dụng nghệ thuật đảo ngữ đưa tính từ lặng lẽ lên trước danh từ Sa Pa để nhấn mạnh tính chất của miền đất - một miền đất thanh bình, nên thơ, một chốn nghỉ dưỡng để thư giãn.
- Tính từ lặng lẽ còn để chỉ tới công việc của con người nơi đây. Họ đang âm thầm, lặng lẽ, cống hiến miệt mài cho quê hương.
- Nhan đề làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, vẫn có những con người âm thầm, bền bỉ làm việc cống hiến cho Tổ quốc.
* Ý nghĩa nhan đề Chiếc lược ngà
- «Chiếc lược ngà » là một nhan đề hay, giàu ý nghĩa, gây ấn tượng sâu đậm với người đọc.
- Nghĩa thực: Đây là cây lược được làm bằng chất liệu ngà voi.
- Nghĩa tượng trưng: Chiếc lược ngà là kỉ vật thiêng liêng của ông Sáu dành cho bé Thu, là cầu nối của tình cảm cha con.
+ Với bé Thu : ban đầu là ước mơ của một cô bé 8 tuổi, một ước ao rất giản dị, trong sáng, rất con gái. Nhưng trên hết, chiếc lược ấy chính là hình ảnh người cha (trong tâm khảm).
+ Với ông Sáu : Những ngày xa con ở chiến khu, bao nhiêu nhớ thương, day dứt, ân hận và cả niềm khát khao được gặp con, anh dồn cả vào việc làm chiếc lược ngà. Với anh, chiếc lược nhỏ xinh xắn ấy cũng là hình ảnh cô con gái bé bỏng, là tất cả tình cảm của người cha dành cho con, cho gia đình.
+ Với bác Ba : Chiếc lược ngà là lời ủy thác thiêng liêng, thể hiện tình cảm đồng đội.
Ý nghĩa nhan đề:
* Làng:
- Kim Lân đặt tên truyện là “Làng” (chứ không phải là “Làng Chợ Dầu”) vì truyện đã khai thác một tình cảm bao trùm, phổ biến trong tâm hồn người dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp: tình yêu, gắn bó sâu nặng với quê hương, với đất nước.
- Nhan đề góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm: ca ngợi tình yêu làng gắn bó, hòa hợp với tình yêu nước của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
- Nhan đề Làng gợi hình ảnh người nông dân và nông thôn, đây là mảng sáng tác thành công nhất của Kim Lân.
* Lặng lẽ Sapa:
- Đảo chữ “lặng lẽ” lên đầu đã nhấn mạnh cái vẻ lặng lẽ bên ngoài của một nơi yên tĩnh, vắng vẻ, nơi mà nhắc đến tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Nhưng thực ra đằng sau cái vẻ lặng lẽ của Sa Pa là cuộc sống sôi nổi của những con người đầy trách nhiệm đối với công việc, đối với đất nước, với mọi người mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao.
- Gợi ra sự đối lập, nhan đề tác phẩm làm nổi bật chủ đề: ca ngợi những con người ngày đêm lao động hăng say, đầy nhiệt huyết, miệt mài lặng lẽ, âm thầm cống hiến cho đất nước.
* Chiếc lược ngà:
- Chiếc lược ngà trong tác phẩm là kỷ vật cuối cùng người cha gửi tặng cho con trước lúc hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
- Chiếc lược ngà đã chứng minh tình cha con bất diệt trong hoàn cảnh éo le của cuộc chiến tranh. Nó còn là cầu nối cho những tình cảm mới mẻ, cao đẹp ở con người. Đây là một hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa thể hiện chủ đề tác phẩm: ca ngợi tình cha con, tình cảm gia đình trong chiến tranh.