cảm nhận về hình tượng người phụ nữ trong tự tình 2 và thương vợ

1 câu trả lời

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi ném thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”

Từ ca dao đến văn học trung đại, đề tài người phụ nữ đã trở thành cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ. Người phụ nữ dù cho có phải chịu nhiều khổ đau, vất vả nhưng luôn ngời sáng lên vẻ đẹp của phẩm giá và nhân cách. Hình ảnh người phụ nữ cũng được thể hiện rất sâu sắc và thấm thía qua hai bài thơ Thương vợ của Tú Xương và Tự tình của Hồ Xuân Hương.

Trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương, ta thấy hình ảnh bà Tú hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp muôn đời của người phụ nữ Việt Nam. Trước hết, Tú Xương làm nổi bật bao nỗi gian truân, khó nhọc của bà. Cái gian truân, khó nhọc ấy được cụ thể hóa bằng thời gian, không gian: quanh năm, mom sông. Bà Tú phải làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng ở một địa điểm chênh vênh, cheo leo, không vững vàng. Qua đó ta thấy bà là một người chịu thương, chịu khó, không quản khó khăn vất vả để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Cách đếm thật đặc biệt ấy cho thấy công lao to lớn của bà Tú. Trên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé là gánh nặng chồng con, thế nhưng bà lúc nào cũng lo toan hết sức chu đáo cho gia đình: “nuôi đủ”. Cuộc đời bà hiện lên vô cùng lận đận, vất vả vì cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Vẻ đẹp đáng quý nhất ở bà Tú có lẽ là đức hi sinh cao cả. Ông Tú mải mê với nghiệp văn chương, học hành, một tay bà lèo lái gia đình nhưng không một lời kêu ca, oán trách. Lặng lẽ và âm thầm hi sinh vì gia đình, đó cũng là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.

Đến với Tự tình II của Hồ Xuân Hương, ta bắt gặp tiếng lòng của người phụ nữ trong xã hội cũ. Thế nhưng, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không ngồi yên cam chịu số phận mà ẩn chứa một tinh thần phản kháng tiềm tàng mạnh mẽ, trong bi kịch vẫn có bản lĩnh và khát khao hạnh phúc. Giữa đêm khuya thanh vắng chỉ có tiếng trống từ xa vọng lại, người phụ nữ nhỏ bé hiện lên thật đáng thương trong nỗi cô đơn, hiu quạnh, trơ trọi giữa cuộc đời: “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Bi kịch lớn hơn với người phụ nữ bên cạnh nỗi cô đơn là không có người tri âm, tri kỉ, hạnh phúc dở dang, lỡ làng. Đau đớn làm sao khi muốn tìm quên trong hơi men nhưng càng uống lại càng cô đơn, trống vắng: “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”. Tuy có xót xa cho thân phận nhưng ẩn sau nó vẫn là ý thức phản kháng mãnh liệt, thể hiện cá tính rất Hồ Xuân Hương:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Người phụ nữ đã dám đứng lên để đòi quyền làm chủ cuộc sống của mình, khao khát được tự do, hạnh phúc và dám phá vỡ những hủ tục, luật lệ hà khắc của xã hội phong kiến, những bất công trong xã hội. Bài thơ kết thúc trong nỗi ngậm ngùi về tình duyên số phận:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Đó là tâm trạng chung của phận làm lẽ: mảnh tình đã nhỏ được san sẻ nay lại càng ít ỏi, nhỏ bé hơn. Hồ Xuân Hương đã nói hộ tiếng lòng sâu kín của tất cả những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Người phụ nữ trong thơ của Hồ Xuân Hương tuy phận hẩm duyên ôi, hạnh phúc lỡ làng, tình duyên không trọn vẹn nhưng ta không bao giờ bắt gặp một sự bi quan hay tuyệt vọng, ở đâu đó vẫn thấy lóe lên một bản lĩnh, sự ý thức về cái tôi và những khát khao căn bản rất con người.

Qua hai bài thơ, chúng ta đã có hình dung phần nào về vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Dù phải chịu nhiều bất công, tủi cực trong chế độ phong kiến, những người phụ nữ ấy vẫn dám mạnh mẽ vươn lên để làm tròn bổn phận, trách nhiệm trong gia đình, đồng thời vượt lên trên khổ đau để kiếm tìm hạnh phúc.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm