Cảm nhận vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau: Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành (Tây Tiến - Quang Dũng - Ngữ văn 12, tr89) Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm - Ngữ văn, tr120)
2 câu trả lời
Em tham khảo câu trả lời dưới đây nhé:
* Dàn ý:
1. MB:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm và Quang Dũng
- Giới thiệu hai tác phẩm "Đất nước" và "Tây Tiến"
- Nếu như đoạn thơ của Quang Dũng nói về sự hi sinh của những người lính thời kì kháng chiến chống Pháp thì đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm là sự tiếp nối truyền thống cha anh, Nguyễn Khoa Điềm đã kêu gọi mọi người có trách nhiệm đoàn kết, gắn bó thời kháng Mĩ.
2. TB:
- Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh khốc liệt biết bao: người chiến sĩ hi sinh nơi đất khách quê người rải rác với những nấm mồ
- Những chàng trai Hà thành ra đi với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh nên họ sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ để cống hiến cho đất nước.
- Những manh chiếu rách đắp lên thân xác của người lính lúc này như chiếc áo bào đầy uy nghi kharwnh định sự hi sinh, sự cống hiến của các anh dành cho tổ quốc
- Sự ra đi của các anh khiến cho thiên nhiên, đất trời cũng phải than khóc, đau đớn, xót xa
- Trong đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm, ông đã nêu ra lên trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước
- mỗi một con người phải biết gắn bó và san sẻ. Gắn bó là yêu thương, quan hệ mật thiết với nhau.
- Đất nước là một thực thể sống, là sự gắn kết của cả cộng đồng
- Những câu thơ đậm chất duy lý cất lên như tiếng gọi của trái tim, vì thế nó không thiết tha, thúc giục lòng người.
- Hai đoạn thơ tưởng như không liên quan tới nhau nhưng lại có sự gắn kết chặt chẽ. Nhờ sự hi sinh lớn lao của người lính thời kháng Pháp mà những năm chống Mĩ Nguyễn Khoa Điềm muốn tiếp nước cha anh, kêu gọi những người trẻ tuổi, những con người của đất nước hãy gắn bó hòa hợp với nhau để giữ gìn, dựng xây đất nước mà bao ông cha đã đổ máu để giữ gìn
3. Kb:
- Khẳng định lại vấn đề
* Bài làm:
Quang Dũng và Nguyễn Khoa Điềm đều là hai nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Nếu như tên tuổi của Quang Dũng gắn liền với "Tây Tiến" thì Nguyễn Khoa Điềm cũng được biết đến nhiều nhất qua "Đất nước". Hai tác phẩm sáng tác trong hai thời kì khác nhau nhưng lại có sự liên quan với nhau. Đặc biệt là hai đoạn trích trên. Nếu đoạn trích trong "Tây Tiến" nói về sự hi sinh của những người lính thời kì kháng chiến chống Pháp thì đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm là sự tiếp nối truyền thống cha anh, Nguyễn Khoa Điềm đã kêu gọi mọi người có trách nhiệm đoàn kết, gắn bó thời kháng Mĩ.
Ở câu thơ trong đoạn thơ của Quang Dũng ta thấy "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" nếu tách riêng ra rất dễ gây cảm giác nặng nề bởi đó là câu thơ nói về cái chết, về nấm mồ của người lính Tây Tiến ở nơi "viễn xứ". Từng chữ từng chữ dường như mỗi lúc một nhấn thêm nốt nhạc buồn của khúc hát hồn tử sĩ. Chẳng phải thế sao? Nói về những nấm mồ, lại là những nấm mồ "rải rác" dễ gợi sự hoang lạnh, lại là "rải rác" nơi "viễn xứ", những nấm mồ ấy càng gợi sự cô đơn côi cút.
Tuy nhiên với câu thơ thứ hai, ta lại thấy hình ảnh những nấm mồ rải rác nơi biên cương đã trở về với sự ấm cúng của niềm biết ơn của nhân dân, của đất nước. Bởi đó chính là nấm mồ của những người con anh dũng "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đồng thời cũng chính câu thơ thứ hai đã làm cho những nấm mồ rải rác kia được nâng lên những tầng cao của đài tưởng niệm, của Tổ quốc đối với người lính đã vì tiếng gọi của chiến trường mà hiến dâng tuổi xanh của mình. Trong thơ Quang Dũng luôn là một sự nâng đỡ nhau của nhiều hình ảnh như vậy.
Sự hy sinh của người lính còn được tráng lệ hoá trong câu thơ "áo bào thay chiếu anh về đất". Bao nhiêu thương yêu của Quang Dũng trong một câu thơ như vậy về một đồng đội của mình. Ai bảo Quang Dũng không xót thương những người đồng đội của mình ra đi trong cách tiễn đưa ấy, cảnh tiễn đưa với bao thiếu thốn, khó khăn, cái thuở những người lính Tây Tiến chết vì sốt rét nhiều hơn chết vì chiến trận. Câu thơ của Quang Dũng đẩy lên thành cảm hứng tráng lệ, coi chiếu là áo bào để cuộc tiễn đưa trở nên trang nghiêm, cổ kính. Cũng có người hiểu đến chiếc chiếu cũng không có, chỉ có chính tấm áo của người lính. Dù hiểu theo cách nào thì cũng phải thấy Quang Dũng đã tráng lệ hoá cuộc tiễn đưa bi thương bằng hình ảnh chiếc áo bào và sự hy sinh của người lính đã được coi là sự trở về với đất nước, với núi sông. Cụm từ "anh về đất" nói về cái chết nhưng lại bất tử hoá người lính, nói về cái bi thương nhưng lại bằng hình ảnh tráng lệ. Mạch cảm xúc ấy đã dẫn tới câu thơ đầy tính chất tráng ca:
"Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Từ sự kết hợp một cách hài hoà giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung, một bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc thần kỳ chống thực dân Pháp. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến ấy. Đó là bức tượng đài được khắc tạc bằng cả tình yêu của Quang Dũng đối với những người đồng đội, đối với đất nước của mình. Vì thế từ bức tượng đài đã vút lên khúc hát ngợi ca của nhà thơ cũng như của cả đất nước về những người con anh hùng ấy.
Bốn câu thơ cuối đoạn của bài thơ "Đất nước" cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:
Em ơi em đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời…
“Em ơi em” – một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về đất nước: “Đất nước là máu xương của mình”. Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời. Vì “Đất nước là máu xương của mình” nên Trần Vàng Sao đã viết:
Nuôi lớn người từ ngày mở đất,
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng
(Bài thơ của một người yêu nước mình, 19/12/1967)
Với Nguyễn Khoa Điềm thì “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. “Phải biết gắn bó và san sẻ… phải biết hoá thân…” thì mới có thể “Làm nên đất nước muôn đời”. Điệp ngữ “phải biết” như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, chấn động. Có biết trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời tại một nơi nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thì mới cảm nhận được các từ ngữ: “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là tiếng nói tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ” như một nhà ngôn ngữ học lừng danh đã nói.
Tứ thơ rất đẹp. Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất nước muôn đời”. Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình hàm ẩn tính công dân của thời đại mới. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ tìm tòi.
“Em ơi em, đất nước là máu xương của mình…” – một tứ thơ rất đẹp! Một tứ thơ lung linh mang vẻ đẹp trí tuệ! Lúc hoà bình phải biết đem “trí lực” để xây dựng Đất Nước, “làm nên đất nước muôn đời”, đất nước “to đẹp hơn đàng hoàng hơn”. Lúc có chiến tranh phải đem xương máu để bảo toàn sông núi. “Gắn bó, san sẻ, hoá thân” cho đất nước, ấy là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng, ấy là tình yêu đất nước của “anh và em” hôm nay, của thế hệ Việt Nam “Mai này con ta lớn lên”…
Hai đoạn thơ tưởng như không liên quan tới nhau nhưng lại có sự gắn kết chặt chẽ. Nhờ sự hi sinh lớn lao của người lính thời kháng Pháp mà những năm chống Mĩ Nguyễn Khoa Điềm muốn tiếp nước cha anh, kêu gọi những người trẻ tuổi, những con người của đất nước hãy gắn bó hòa hợp với nhau để giữ gìn, dựng xây đất nước mà bao ông cha đã đổ máu để giữ gìn
Như vậy qua hai đoạn thơ của Quang Dũng và Tây Tiến ta thấy được sự hi sinh lớn lao của ông cha ta trong thời kì kháng chiến cũng như một chân lý sâu sắc, đúng đắn về cách giữ gìn và dựng xây đất nước.
* Bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé!
I, Dàn ý tham khảo
1, Mở bài
- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu về hai đoạn thơ
2, Thân bài
a, Phân tích đoạn văn 1
- Sự hi sinh của người lính Tây Tiến
b. Phân tích đoạn 2
- Những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của nhà thơ
=> So sánh về hai đoạn thơ trên.
3, Kết bài
- Tình cảm của em dành cho hai đoan văn cũng như hai tác phẩm trên
II, Bài văn tham khảo
Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt –Lào, đồng thời đánh tiêu hao lực lượng địch. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ nhưng họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Cuối năm 1948 khi rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, ông viết bài thơ “Tây Tiến”.
Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. “Mặt đường khát vọng” là trường ca độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, ra đời trong chiến tranh ác liệt thời chống Mĩ, tại chiến trường Trị – Thiên – một điểm nóng – trên chiến trường miền Nam vào năm 1971. Bài thơ đã truyền đến người đọc bao xúc động, tự hào về đất nước và nhân dân. Trong bài “Có một thời đại mới trong thi ca”, Trần Mạnh Hảo viết: “Vào đêm giao thừa Tết âm lịch 1973 – 1974, dưới rừng Phước Long, chúng tôi xúc động nghe trích đoạn “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm phát trên Đài phát thanh. Những suy nghĩ về đất nước, về dân tộc đã được nhà thơ hiện đại hoá bằng chất suy tư lắng đọng và cảm xúc mãnh liệt”
Nhớ về người lính, Quang Dũng nhớ về những hi sinh vừa chân thực, vừa cao cả:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường ra đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Khi viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, không có nhà thơ nói về sự hi sinh đẫm máu của những người lính nhưng Quang Dũng không hề né tránh hi sinh thậm chí là cả hi sinh khốc liệt: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Từ láy “rải rác” kết hợp cùng nghệ thuật đảo ngữ đã nhấn mạnh tính khắc nghiệt của cuộc chiến tranh. Hơn nữa, nhà thơ còn sử dụng các từ Hán Việt “biên cương”, “mồ viễn xứ” vừa gợi ra sự trang trọng cho câu thơ vừa nhấn mạnh hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Đó là những người lính phải nằm lại ở nơi biên cương xa xôi, héo lánh, hoang lạnh. Sự ra đi ấy rất đơn độc. Quang Dũng nói về cái chết, nhưng đó lại là sự hi sinh cao cả và đẹp đẽ: “Chiến trường ra đi chẳng tiếc đời xanh”. “Đời xanh” là tuổi trẻ, là bao ước vọng đang đón chờ mỗi người phía trước. “Chiến trường” khốc liệt mà câu thơ nghe sao bình tĩnh quá, có chút ngạo nghễ khinh đời để rồi hai từ “ chẳng tiếc” mang vẻ bất cần cho “ đời xanh”. Tuổi trẻ ai chẳng cần cho mình khát vọng tình yêu, thanh xuân thơ mộng. Người lính Tây Tiến hiểu lắm, biết lắm vẻ đẹp của “đời xanh” nhưng chết cho tổ quốc chính là chết cho lí tưởng thiêng liêng. Đó chính là vẻ đẹp thời đại “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Quang Dũng đã sử dụng hình ảnh “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hy sinh của người lính Tây Tiến. Nhà thơ từng trải lòng về câu thơ trên “Sự thật khi người lính ngã xuống không có được mảnh vải liệm. Nói áo bào là nói theo cách của thơ xưa để an ủi những người đã nằm xuống”. Sự khắc nghiệt của chiến trường, sự khó khăn gian khổ trong chiến đấu, vậy mà khi ngã xuống câu thơ sao mà nghe nhẹ nhàng đến vậy. Không phải là ngã xuống, không phải là chết mà đơn giản là “anh về đất”. Mỗi chúng ta ai chẳng sinh ra từ đất mẹ Xi –ta, ai chẳng từ luống cày mà lớn lên. Vậy nên giờ đây các anh chỉ là đang ngủ một giấc thật dài, thật bình yên bên đất mẹ dịu dàng và ấm áp. Câu thơ với biện pháp nói giảm nói tránh đã tạo cho câu thơ bi mà không lụy ý, thơ mang đến một cảm giác vĩnh hằng, là thế giới của:
“Những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”
(Nguyễn Đình Thi)
Khép lại đoạn thơ là hình ảnh "Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Địa danh sông Mã được lặp lạitạo nên một kết cấu trùng lặp. Sông Mã gắn bó với từng chặng đường hành quânvà có mặt ngay cả trong giờ khắc người lính hi sinh. Bên cạnh đó, nghệ thuật nhân hoá kếthợp động từ mạnh trong ý thơ "gầm lên khúc độc hành" vừa tái hiện cảm xúc đau đớn, giận dữ của dòng sông Mã trước sự ra đi của người lính Tây Tiến. Dường như sông Mã thay lời đất nước cất lên lời tiễn biệt với người lính. Nói đến đây ta lại nhớ đến một nhận xét khá tinh tế của nhà thơ Vũ Quần Phương khi cho rằng cái âm vang của sông Mã chính là âm vang rung chuyển và ngự trị cả một vùng thiên nhiên đất trời được sinh ra từ những mất mát câm lặng của con người.
Bốn câu thơ của bài thơ "Đất nước" là đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Cấu trúc của câu thơ cũng theo kiểu suy luận: Đất Nước là... nêu lên một tiền đề. Từ tiền đề ấy, phải biết... / phải biết... để làm nên... Câu thơ giàu chất duy lý nhưng không lên gân mà trở thành lời nhắn nhủ tha thiết, ở đây có những từ tượng trưng rất đáng chú ý: máu xương, gắn bó, san sẻ, hóa thân, dáng hình, muôn đời. Sau rất nhiều suy nghĩ cụ thể về đất nước, đến đây nhà thơ khẳng định Đất Nước là máu xương của mình. Máu xương là sự sống. Rất ít trường hợp người ta ví một điều gì với máu xương, bởi nó biểu trưng cho sự thiêng liêng. Đất nước là máu xương có nghĩa là đất nước tồn tại như một sự sống và để có sự sống ấy hẳn phải có rất nhiều hy sinh. Quả đúng như vậy, biết bao con người, bao thế hệ đã ngã xuống cho sự sống còn của đất nước. Vì thế, mỗi một con người phải biết gắn bó và san sẻ. Gắn bó là yêu thương, quan hệ mật thiết với nhau. Từ gắn bó ấy mới có thể san sẻ, san sẻ về trách nhiệm, san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhau.
Đất nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống. Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá nhân rời rạc mà là một cộng đồng. Hóa thân cũng có nghĩa là dâng hiến. Thời bình, người ta dâng hiên sức lực, mồ hôi cho Tổ quốc. Thời chiến, người ta dâng hiến cả sự sống của mình. Sự dâng hiến ấy, theo suy ngẫm của nhà thơ, là cuộc hóa thân. Bóng dáng mỗi người đã làm nên bóng dáng quê hương, xứ sở, đất nước. Không có sự hóa thân kia làm sao đất nước trường tồn, làm sao có được Đất nước muôn đời!
Những câu thơ đậm chất duy lý (khá chặt chẽ, lô gích) cất lên như tiếng gọi của trái tim, vì thế nó không thiết tha, thúc giục lòng người.
Đoạn thơ trên là một đoạn thơ hay trong bài Đất Nước. Nhà thơ đã thể hiện những suy nghĩ mới mẻ của mình về đất nước bằng một giọng trữ tình, ngọt ngào. Câu chuyện về đất nước đối với mỗi người luôn là câu chuyện của trái tim, vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết. Từ suy nghĩ và tình cảm ấy, khi đối diện với kẻ thù của dân tộc, hẳn người ta phải biết làm chi cho Tổ quốc, giang sơn.
Hai đoạn thơ trên đều có sự giống nhau và khác nhau. Về giống nhau, hai đoạn thơ đều thể hiện tình cảm, tâm trạng của tác giả và được viết bởi ngòi bút độc đáo, tài hoa. Về khác nhau, nếu đoạn một nói về sự ra đi của người lính Tây Tiến thì đoạn hai lại đề cập đến sự hi sinh của những người anh hùng dân tộc, những người vô danh, nguyện cống hiến và hi sinh sức mình cho đất nước. Từ đó mà mỗi chúng ta phải biết gắn bó, biết trân trọng những điều đó.
Ngày nay, đất nước đã sạch bóng quân thù. Nhưng trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước vẫn rất cần đặt ra thường xuyên, bởi đó là câu chuyện không bao giờ cũ.