Cảm nhận về bài thơ việt bắc

1 câu trả lời

** Em tham khảo dàn ý và bài viết dưới đây nhé **

* Dàn ý

A. Mở Bài

  - Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

  - Khái quát nội dung bài thơ

  - Dẫn dắt vấn đề

B. Thân bài

 1. Bài thơ đã tái hiện thành công tình cảm gắn bó sâu nặng và nghĩa tình đầy thủy chung của người cán bộ cách mạng và đồng bào Việt Bắc

- Tình cảm đó được thể hiện qua kết cấu là lời đối đáp gần gũi, quen thuộc của ca dao.

- Tình cảm gắn bó sâu nặng được thể hiện qua lời của người của người ra đi và người ở lại

- Tình cảm gắn bó sâu nặng được thể hiện qua những kỉ niệm thời kháng chiến.

+ Những kỉ niệm về thiên nhiên, cuộc sống nơi núi rừng Việt Bắc.

+ Kỉ niệm về tình người ấm áp và ân tình Việt Bắc.

2. Bài thơ thể hiện tiếng thơ trữ tình - chính trị của Tố Hữu thông qua các biện pháp nghệ thuật giàu tính dân tộc

- Thể thơ lục bát được vận dụng sáng tạo kết hợp cùng lối kết cấu đối đáp giao duyên.

- Sự kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật.

- Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào tha thiết.

C. Kết Bài

  - Nêu cảm nghĩ

** Bài viết tham khảo

      Trong đội ngũ các thi sĩ của nền thơ Cách mạng Việt Nam, Tố Hữu là người viết sử bằng thơ sớm và đầy đủ nhất. Ông được ca ngợi là nhà biên niên sử, là người ghi lại trung thành những bước đường lịch sử hiện đại: “Khi dân tộc nhịp bước cùng thời đại”. Trong thơ Tố Hữu, có những dấu vết nóng bỏng của thời đại – của ba dòng thác cách mạng, của lịch sử dân tộc với những chặng đường lớn, nhỏ qua các thời kỳ cách mạng. Đặc trưng trong phong cách thơ Tố Hữu là tính trữ tình – chính trị sâu sắc; thơ mang đậm chất sử thi; giọng điệu ngọt ngào, tâm tình tha thiết, chan chứa yêu thương như những làn điệu dân ca êm đềm xứ Huế và mang đậm tính dân tộc, truyền thống.

    Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã phác hoạ chân thật bức toàn cảnh lịch sử hoành tráng một thời như một sử gia tài giỏi đầy mẫn cảm. Với cảm hứng lịch sử mãnh liệt như ngọn lửa luôn thắp đỏ tâm hồn, Tố Hữu đã cảm nhận cuộc đời một cách hết sức thấm thía và sâu sắc trong mọi diễn biến của tiến trình hiện thực. Bằng ngòi bút đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn, Tố Hữu đã tái hiện lại khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu – dấu ấn đậm nét không thể nào phai nhòa trong trí nhớ của người cán bộ về xuôi. 

     Bài thơ đã tái hiện thành công tình cảm gắn bó sâu nặng và nghĩa tình đầy thủy chung của người cán bộ cách mạng và đồng bào Việt Bắc. Trước hết, tình cảm đó được thể hiện rõ thông qua kết cấu của tác phẩm. Bài thơ là lời đối đáp của nhân dân Việt Bắc và người cán bộ cách mạng trong hoàn cảnh những người kháng chiến từ chiến khu Việt Bắc trở về xuôi. Cuộc chia tay lịch sử đó đã được tái hiện thông qua những cung bậc tình cảm đầy da diết về biết bao kỉ niệm đẹp cùng hoài niệm tha thiết về năm tháng đã qua. Tác giả Tố Hữu đã khéo léo vận dụng lối đối đáp gần gũi, quen thuộc với những khúc hát ca dao, dân ca thông qua đại từ "mình" - "ta", tạo nên những vần thơ chan chứa yêu thương và sâu nặng nghĩa tình nhân dân, nghĩa tình cách mạng.

    Khúc hát đầy ân tình thủy chung được tái hiện ngay từ những phút giây đầu tiên qua lời của người ở lại:

"Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?"

      Tác giả đã sử dụng thành công lời ướm hỏi với âm hưởng ngọt ngào, tha thiết để gợi nhắc về "Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng". Đó là quãng thời gian người chiến sĩ cách mạng cùng nhân dân Việt Bắc gắn bó ân tình. Các đại từ "mình" - "ta" vốn gắn liền với tình yêu đôi lứa trong thơ ca dân gian kết hợp với điệp từ "nhớ" được điệp lại bốn lần đã thể hiện thành công tình cảm, nỗi lòng của "kẻ ở".

      Đáp lại tiếng lòng của nhân dân Việt Bắc, "người đi" - những chiến sĩ cách mạng không tránh khỏi sự "bâng khuâng", "bồn chồn":

"- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..."

       Sự lưu luyến của "người đi" đối với cảnh và tình Việt Bắc đã được thể hiện qua những cử chỉ cụ thể, đặc biệt là hành động "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay" diễn tả sự nghẹn ngào trong cảm xúc và không thể diễn đạt thành lời. Nối tiếp mạch cảm xúc đó là những kỉ niệm ấm áp thời kháng chiến gian khổ. Khoảng không gian thuộc về hoài niệm và tâm tưởng đó được mở đầu bằng hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống gắn với tình người Việt Bắc: "Mưa nguồn", "suối lũ", "những mây cùng mù", "Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai" cùng những năm tháng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Nhật: "cây đa Tân Trào", "mái đình Hồng Thái". Nổi bật hơn cả là nỗi nhớ về con người đầy da diết và mãnh liệt:

"Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi."

      Những địa danh, tên gọi cụ thể đã gợi tả thành công nét đẹp rất riêng "Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương". Tác giả đã sử dụng điệp từ "nhớ từng" kết hợp biện pháp liệt kê để diễn tả từng khoảnh khắc thời gian và không gian núi rừng Việt Bắc qua những hình ảnh: "bản khói cùng sương", "rừng nứa bờ tre", "ngòi Thia sông Đáy", "suối Lê" khiến cho nỗi nhớ càng thêm ngân vang với âm hưởng da diết. Đặc biệt, nhớ về Việt Bắc là nhớ về tấm lòng đồng cam cộng khổ cùng những sẻ chia, thấu hiểu thời kháng chiến gian nan: "Thương nhau, chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng". Nghĩa tình gắn bó đó chính là một trong những biểu hiện làm ngời sáng vẻ đẹp của tinh thần yêu nước - mạch ngầm xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

      Vẻ đẹp nghĩa tình cùng sự gắn bó trong tình cảm của "người đi" - "kẻ ở" đã được tái hiện thành công thông qua các biện pháp nghệ thuật giàu tính dân tộc mang đặc trưng của thơ Tố Hữu - một tiếng thơ có sự hòa quyện giữa tính trữ tình và chính trị. Tác giả đã khéo léo vận dụng thành công thể thơ lục bát truyền thống kết hợp lối kết cấu giao duyên quen thuộc trong ca dao, dân ca. Bên cạnh đó, các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ cùng lối nói giàu hình ảnh đã được sử dụng nhuần nhuyễn để tạo nên một giọng thơ tâm tình, ngọt ngào của bài ca về tình cảm son sắt thủy chung mang đậm nghĩa tình cách mạng.

     Như vậy, qua bài thơ "Việt Bắc", chúng ta có thể thấy được tình cảm gắn bó đầy nghĩa tình thủy chung giữa quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến gian khổ cũng như tài năng của nhà thơ Tố Hữu trong việc diễn đạt một câu chuyện mang tính chính trị trở nên da diết, trữ tình và thiết tha.

"Việt Bắc" là tiếng hát ân tình thuỷ chung của người kháng chiến với chiến khu kháng chiến, là khúc ca đầy tự hào về những chiến thắng hào hùng của dân tộc. 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm