Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua các khổ thơ 1+2 và 8+9. Từ đó rút ra sự vận động của sóng và em trong bài thơ trên
2 câu trả lời
I, Dàn ý tham khảo
1, Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu chung về khổ thơ 1+2 và 8+9
- Giới thiệu chung về vẻ đẹp tâm hồn của nguoqif phụ nữ khi yêu
2, Thân bài
a, Khổ 1: những nét tính cách của sóng cũng là những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ khi yêu và luôn khát khao tìm kiếm tình yêu đích thực
b, Khổ 2: Khát vọng tình yêu trong những trái tim trẻ
c, Khổ 8: Những lo âu trăn trở của người phụ nữ khi yêu
d, Khổ 9: Khát khao
3, Kết bài
- Tình cảm của em dành cho bài thơ
II, Bài văn tham khảo
Bài thơ “Sóng” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Quỳnh. Tác phẩm này được viết vào năm 1967, khi tác giả có chuyến đi thực tế tại biển Diêm Điền. Đứng trước những con sóng nối tiếp, vô tận của biển cả, Xuân Quỳnh đã nhận thấy sự đồng điệu giữa những cung bậc, trạng thái của sóng với cung bậc tình cảm, khát vọng trong tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Bài thơ “Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” – tập thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Trong tác phẩm này, nhà thơ đã sử dụng hai hình tượng “sóng” và “em” khi tách biệt, khi thống nhất, hòa vào làm một để diễn tả vẻ đẹp trong tình yêu của tâm hồn người phụ nữ. Đồng thời, Xuân Quỳnh đã đem đến một quan niệm mới mẻ, nhân văn về tình yêu, về con người trong những năm tháng chống Mỹ đầy khốc liệt.
Tâm hồn người phụ nữ khi yêu luôn có những cung bậc cảm xúc phong phú và khát vọng tìm kiếm tình yêu đích thực:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Hai câu thơ đầu tiên là những nét tính cách của sóng và cũng là những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ khi yêu:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Tác giả đã sử dụng những cặp từ đối lập “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ” để diễn tả những trạng thái tâm lí đặc biệt của sống. Giữa dòng biển khơi, sóng không bao giờ yên định mà luôn có trạng thái khác nhau. Khi biển giông tố, sóng tung bọt trắng xóa cuồng nộ, dữ dội. Khi trời yên biển lặng, sóng ca hát bên đại dương xanh biếc. Những điều đó không hề mâu thuẫn, đối lập mà chỉ là biểu hiện của hình tượng con sóng muôn thưở. Hơn nữa, tác giả còn sử dụng điệp từ “và” vừa để kết nối ý thơ vừa ý nghĩa khẳng định quy luật của sóng. Xuân Quỳnh đã nhận ra sự đồng điệu giữa những cung bậc cảm xúc của sóng với những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ khi yêu. Người phụ nữ khi yêu có lúc dịu nhẹ tha thiết, lúc mạnh mẽ quyết liệt, lúc hiền hòa yêu thương, lúc hờn ghen giận dữ. Những điều đó không hề mâu thuẫn đối lập nhau mà chỉ là biểu hiện thống nhất trong tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Có lẽ phải là nhà thơ nhạy cảm tinh tế Xuân Quỳnh mới có những cảm nhận như vậy về những cung bậc trong tình yêu của người phụ nữ.
Tâm hồn người phụ nữ khi yêu bên cạnh những cung bậc cảm xúc vốn có còn là lòng khát khao tìm kiếm tình yêu đích thực:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Xuân Quỳnh đã khéo léo vận dụng nghệ thuật ẩn dụ để từ quy luật muôn sông đổ ra bể mà khơi dậy hành trình đi tìm tình yêu đích thực của trái tim phụ nữ. Nếu đặt trong mối tương quan giữa sóng và biển, sông trở nên nhỏ hẹp, chật chội, tù túng và tầm thường. Hơn nữa, sông luôn chứa đựng trong mình đầy những bí ẩn lớn lao, những khát vọng hoài bão không giới hạn. Vì vậy, sông không hiểu nổi sóng, không đáp ứng được thỏa mãn của sóng. Người con gái khi yêu cuãng vậy, luôn luôn khát khao một tình yêu cao cả, đẹp đẽ chứ không bao giờ chấp nhận cái nhỏ nhen, ích kỷ. Lâu nay, người ta luôn quan niệm người phụ nữ khi yêu luôn bị động trong tình yêu. Dẫu có yêu mãnh liệt nhưng không dám thổ lộ cứ chôn chặt tận đáy lòng trong tim. Giờ đây, người con gái trong “Sóng” đã táo bạo vượt lên trên quan niệm lạc hậu khuôn khổ cứng nhắc, chủ động giãi bày một cách trực tiếp những khao khát cháy bỏng. Không chấp nhận ngủ yên trong lòng sông chật hẹp, sóng tìm ra tận bể. Đó không phải là hành trình dễ dàng mà chất chứa trong đó biết bao gian nan, thử thách, biết bao trăn trở đắn đo. Hành trình ấy phải rất xa rất dài, phải kỳ công, quyết liệt, táo bạo dũng cảm mới có thể ra tận biển cả, mới có thể đi trọn vẹn hạnh phúc của mình. Đó cũng chính là hành trình của người phụ nữ trong tình yêu, để tìm kiếm tình yêu đích thực, tiếng nói đồng điệu không hề dễ dàng. Nếu như không còn chung sự đồng điệu trong tâm hồn thì người phụ nữ có thể dũng cảm vượt qua sự nhỏ bé, chật hẹp, tù túng để được sống trọn vẹn với tình yêu đích thực cao cả và bền vững hơn.
Người con gái trong thơ Xuân Quỳnh mạnh mẽ, quyết liệt vươn đến biển lớn tình yêu mênh mông, đến bến bờ hạnh phúc viên mãn. Qủa đến với Xuân Quỳnh, thơ Việt Nam mới có tiếng nói bày tỏ những khát khao yêu thương vừa hồn nhiên chân thành, vừa mãnh liệt sôi nổi của một trái tim phụ nữ. Tiếng nói ấy hết sức quyết liệt, táo bạo, mới mẻ, hiện đại.
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Trong bài thơ, hình tượng “sóng” và “em” luôn song hành với nhau, nói chuyện về “sóng” cũng là để thấu hiểu tình yêu trong trái tim “em”. Trước cảm xúc dâng trào của nhân vật “em” trong thơ, Xuân Quỳnh bật lên thành một tiếng “Ôi” đầy tha thiết:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế”
Một trái tim đong đầy cảm xúc, một tiếng “ôi” chứa chan tình cảm của giây phút xuất thần thăng hoa; một tiếng “ôi” như chứa trọn tất cả những cảm xúc, tình cảm, khát khao, kì vọng nhiệt thành, nồng ấm trong trái tim người phụ nữ. Hơn nữa, hình tượng sóng lại được đặt giữa hai từ chỉ khái niệm thời gian “ngày xưa” và “ngày sau” cùng ý nghĩa khẳng định của cụm từ “vẫn thế” đã đem đến cho ý thơ của Xuân Quỳnh đầy màu sắc chủ quan. Phải chăng, nhà thơ như đang muốn nối liền quá khứ với hiện tại, nối liền “ngày xưa” và “ngày sau” để khẳng định cái bất biến, cái vĩnh hằng không chỉ của “sóng” – của tạo hóa, tự nhiên mà còn là tình yêu trong “em”. Tất cả tình yêu trong em, những kỉ niệm cảm xúc “vẫn thế”, vẫn luôn đong đầy, trọn vẹn dù trong quá khứ, hiện tại hay cả tương lai. Cả “sóng” và “em” vẫn sẽ luôn mang trong mình khát vọng trẻ trung, nhiệt huyết, sôi trào. Nếu như ngàn đời con sóng xô bờ cát thì ngàn đời khát vọng tình yêu trong em vẫn mãi cháy bỏng, thiết tha.
Sóng còn tượng trưng cho sự bất diệt của tuổi trẻ và khát vọng tình yêu:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Hai tiếng “bồi hồi” đặt ở đầu câu chất chứa cảm xúc đến lạ. “Bồi hồi” của tiếng sóng hay “bồi hồi” của tiếng lòng em? Trong tiếng “bồi hồi”, người ta cảm nhận được cả nỗi nhớ mong, sự xao xuyến; cảm nhận được cả sự rạo rực, sự trăn trở, lo âu. Trong tình yêu, đặc biệt là tình yêu tuổi trẻ, cái sự “bồi hồi”, những khát vọng luôn tồn tại, luôn hiện hữu. Khát vọng ấy là khát vọng yêu và được yêu; là khát vọng thấu hiểu và được thấu hiểu. Với Xuân Quỳnh, chỉ cần một trái tim chân thành, một trái tim nồng nàn, mãnh liệt mới có thể chứa đựng hết những khát vọng tình yêu muôn đời. Và đó có lẽ chính là những trái tim trẻ tuổi đang khát kháo, ngập tràn trong tình yêu. Tuổi trẻ là gì nếu không yêu và được yêu? Xuân Diệu sống trọn đời vì lí tưởng này, và Xuân Quỳnh cũng vậy, luôn trẻ, vì luôn muốn yêu và được yêu. Mượn quy luật tự nhiên, Xuân Quỳnh diễn tả một triết lí dung dị nhưng thấm thía về tình yêu và tuổi trẻ: còn tuổi trẻ là con khát vọng, mà khát vọng yêu thương mãi còn tức là con người mãi trẻ trung.
Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng vào thời điểm khi nhà thơ vừa trải qua đổ vỡ trong tình yêu. Vì thế Xuân Quỳnh không dễ dàng dứt bỏ những chiêm nghiệm đầy ám ảnh về sự mong manh hữu hạn của đời người, của tình yêu:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Xuân Quỳnh quả thực tinh tế khi sử dụng nghệ thuật đối lập cùng một loạt hình ảnh thơ chỉ sự rộng dài của không gian, thời gian “cuộc đời”, “năm tháng”, “biển rộng”…để nhấn mạnh một thực tế không đổi thay. Những tưởng cuộc đời con người là dài rộng nhưng so với năm tháng vĩnh hằng, vô thủy vô chung, cuộc đời lại thành ra ngắn ngủi chẳng đáng là bao. Cũng như biển kia vẫn cậy mình dài rộng nhưng so với cái bao la của vũ trụ, so với cái mải miết trôi đi của đám mây thì biển cũng trở nên hữu hạn, nhỏ bé trong tầm tay. Ở đời chẳng có gì là mãi mãi, tình yêu và đời người lại càng không thể. Vì thế trong một bài thơ khác, Xuân Quỳnh cũng từng thú nhận rằng:
“Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu mai có thể xa rồi”
Khẳng định điều này không hẳn là Xuân Quỳnh bi quan, tác giả dự cảm và lo lắng thò đúng hơn. Đó là cái âu lo chính đáng của người đàn bà từng trải qua nhiều sóng gió, cái âu lo của người đàn bà biết yêu quý cuộc sống và tình yêu như máu thịt. Đúng như Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ nhận xét: “Tình yêu trong thơ của chị đẹp và trong sáng. Dù có nhiều gian truân, tình cảm luôn trọn vẹn đến tận cùng như con sóng gió nhỏ đến với bờ xa. Vì lẽ đó, thơ chị đầy ắp những lo âu, e ngại”.
Với Xuân Quỳnh “Lo âu mới thực sự là điệu hồn của chị”. Nhưng càng âu lo cả nghĩ bao nhiêu, Xuân Quỳnh lại càng gắn bó với cuộc đời với tình yêu bấy nhiêu. Cặp quan hệ từ “tuy – vẫn”, “dẫu – vẫn” đã khẳng định niềm tin mạnh mẽ của Xuân Quỳnh vào tình yêu và cuộc đời. Dẫu biết cuộc đời hữu hạn chỉ trong thoáng chốc tấc, tình yêu có thể mong manh tựa sương khói mây trời thì Xuân Quỳnh vẫn luôn tin vào tình yêu. Thậm chí có lúc Xuân Quỳnh tin với niềm tin mãnh liệt và tuyệt đối. Xuân Quỳnh tin vào tình yêu sẽ như những đám mây kia, mỏng manh đấy, nhỏ bé đấy nhưng vẫn mãi bay về xa, dẫu cho biển có dài rộng, dẫu cho cuộc đời có nhiều giông tố trái ngang. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh đúng là những cánh hoa trong bão, là nơi chốn nương thân cho một cánh chuồn bay trong gió.
Xuân Quỳnh không chỉ là người phụ nữ dám yêu mà còn dám tận hiến cho tình yêu và luôn có những khát khao cháy bỏng và mãnh liệt:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm ngàn con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Hai câu thơ đầu của khổ thơ thực sự là nỗi niềm băn khoăn đầy thúc bách và chân thành của Xuân Quỳnh. Câu hỏi tu từ “Làm sao được tan ra” như khẳng định những khát khao, những trăn trở tìm kiếm một phép màu nào đó giúp Xuân Quỳnh có thể chiến thắng sự hữu hạn và phù du của kiếp người, của tình yêu. Và phép màu ấy chính là sự tan ra trong khát vọng mãnh liệt và bao dung của người phụ nữ. “Tan ra” không phải là sự buông bỏ mất đi, tan ra là một ước nguyện được hóa thân, được hi sinh và dâng hiến một cách trọn vẹn cái bản ngã của mình, cho khát vọng tình yêu lớn lao. Vậy là Xuân Quỳnh không cam tâm làm một con sóng nhỏ giữa đại dương, Xuân Quỳnh muốn được hóa thân thành trăm ngàn con sóng nhỏ để có thể vượt qua mọi giới hạn chật hẹp và tầm thường, để có thể hòa nhập và thăng hoa trong tình yêu lớn lao của đại dương. Ở câu thơ này, Xuân Quỳnh chỉ ước thành trăm ngàn con sóng nhỏ trong đại dương, tưởng chừng là nhỏ bé khiêm nhường nhưng thực sự lại rất kiêu hãnh và lớn lao. Bởi không có những con sóng nhỏ thì sao có biển lớn. Cũng như không có em thì không thể có tình yêu đôi ta. Đó là cách khẳng định tình yêu khiêm nhường mà mãnh liệt của người phụ nữ luôn có những khát vọng tình yêu lớn lao. Với Xuân Quỳnh, biển rộng dài là thế, tình yêu mong manh là thế nhưng bà biết cách để hóa giải nó. Tình yêu chỉ thực sự mong manh nếu đó là tình yêu vị kỉ và tầm thường. Tình yêu sẽ bền chặt lớn lao khi tình yêu ấy đủ lớn, đủ bao dung để hòa nhập tình yêu cá nhân với tình yêu cuộc đời lớn lao.
Tình yêu hòa nhập để lớn mạnh nhưng khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh không dừng lại ở sự hòa nhập trong không gian đại dương. Xuân Quỳnh còn khao khát một tình yêu, tình yêu ấy phải “ngàn năm còn vỗ”. “Ngàn năm” là từ chỉ số lượng lớn, lớn hơn cả thời gian “trăm năm” của đời người. Đó là thời gian mãi mãi vĩnh hằng và bất biến. Đời người có thể hữu hạn nhưng khát vọng tình yêu là vô hạn. Bởi Xuân Quỳnh đã từng khẳng định “Biết yêu anh cả khi chết rồi”. Khát vọng của Xuân Quỳnh không đồng thuận với sự sống và cái chết. Khi ta biết yêu, sống hết mình thì tình yêu có thể vượt qua mọi giới hạn để hòa nhập vào cái vô biên của đất trời, của thời gian. Xuân Quỳnh dường như muốn bất từ hóa tình yêu, muốn tình yêu tồn tại vĩnh hằng bất biến trong mọi thời gian, không gian của cuộc đời.
Qua những khổ thơ trên, người đọc thấy rõ nét sự vận động trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là sự vận động về nội dung và nghệ thuật. Mỗi khổ thơ có những nội dung và nghệ thuật khác nhau nhưng đều thống nhất thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
“Sóng” là một tác phẩm thành công vang dội của Xuân Quỳnh. Bài thơ bộc lộ tất cả những cung bậc trong tình yêu, thể hiện tình cảm son sắt, thủy chung, tha thiết, cao thượng cùng bao nỗi nhớ thương, niềm tin yêu vào tình yêu cao cả không chấp nhận một tình yêu tầm thường và nhỏ hẹp. Khat vọng một tình yêu cao đẹp thủy chung. Phải có một tâm hồn thủy chung thì mới có những vần thơ đẹp và lung linh đến vậy. Xuân Quỳnh đã góp một hơi thở đắm say, một tiếng sóng đẹp đẽ làm tươi thắm thêm cho thi đàn hiện đại Việt Nam.