Cảm nhận của anh(chị) về người lái đò trong đoạn trích: […]nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy ống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi nó mở ra năm cửa trận, có 4 cửa tử 1 cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như cưỡi hổ. DònG thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lê mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những buồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn 1 trùng vây thứ 3 nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng 3 này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái dược lượn được. Thế là hết thác[…]
1 câu trả lời
Những năm 1958 – 1960, cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc đã khoác lên mảnh đất này một sắc màu mới, sức sống mới. Miền Bắc đang từng ngày đổi thay trên hành trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, con người miền Bắc phơi phới, tin cậy, mơ ước, chan hòa với cuộc đời. Cảm hứng đẹp về chủ nghĩa xã hội khơi nguồn cho những sáng tác mang tính cổ vũ, động viên nhân dân chung tay xây đắp quê hương. “Sông Đà” của Nguyễn Tuân là bức tranh sinh động về thiên nhiên và con người lao động Tây Bắc qua ngòi bút tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Công trình này là kết quả của chuyến đi thực tế gian khổ mà hào hứng đến với Tây Bắc, khám phá “chất vàng” của màu sắc núi sông cùng với “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn con người. Trong đoạn trích “Người lái đò sông Đà”, bên cạnh hình tượng thiên nhiên sông Đà – không gian nghệ thuật của bài bút kí – thì hình ảnh người lái đò vượt thác là hình tượng trung tâm góp phần thể hiện tư tưởng của Nguyễn Tuân. Nhà văn tập trung miêu tả ông lái đò trong trận chiến, tiêu biểu là những chi tiết: ông “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đòn tỉa, đòn âm vào chỗ hiểm” và ông cùng những người lái đò khác không “bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng quân dữ tợn vừa rồi” sau khi vượt hết thác.
“Người lái đò sông Đà” đã gợi ra con đường lên Tây Bắc. Những trang viết của Nguyễn Tuân chan chứa chất thơ, chất trữ tình, hướng tới chân trời rộng mở của cuộc sống mới. Đứng trên “cái thế giới núi cao lồng lộng những nắng, những gió, những mây, những trời của vùng cao Tây Bắc”, bêncạnh cái hùng vĩ dữ dội lẫn thi vị như “áng tóc trữ tình” của sông Đà, Nguyễn Tuân hình dung ra một tương lai “tiếng máy nổ của kế hoạch kinh tế sẽ trùm lên tiếng cối nước giã gạo cầm canh”. Nhà văn hào hứng nghĩ tới “một sự chuyển vần mới, một vận hội mới đang mở ra trong lòng người”. Sông Đà là phông nền cho sự xuất hiện của nhân vật ông lái đò. Đây là một nhân vật có thật mà Nguyễn Tuân may mắn được tiếp xúc. Ông lái đò Lai Châu “làm nghề chở đò dọc suốt Sông Đà đã mười năm liền, và thôi làm đò cũng đã đôi chục năm nay”, dày dặn kinh nghiệm chinh chiến trên sông nước. Con sông Đà với ông lái đò không phải là kẻ thù nữa mà là “một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than chấm câu và những đoạn xuống dòng”. Hình ảnh ông lái đò được Nguyễn Tuân tập trung miêu tả trong cuộc vượt thác, qua ba trùng vi thạch trận mà thiên nhiên sắp đặt. Thiên nhiên hung bạo, dữ dội và hiểm trở chính là đối thủ của ông lái đò trong một cuộc giao chiến mà thoạt nhìn, cuộc chiến ấy hoàn toàn không cân sức: một bên là thiên nhiên hùng vĩ với thác nước, đángầm mang “tâm địa của thứ kẻ thù số một”, còn một bên là con người đơn độc, nhỏ bé, trên tay chỉ có mái chèo lèo lái chiếc thuyền đuôi én. Đúng là lửa thử vàng, gian nan thử sức, từ trong cuộc chiến toát lên phẩm chất trí dũng tuyệt vời của ông lái đò.
Để làm nổi bật vẻ đẹp hùng dũng, oai phong của người lao động bình thường với một nghề ít được quan tâm: chèo đò, Nguyễn Tuân đã đặt người lái đò trong tình thế sóng nước tấn công, vậy mà ông vẫn “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đòn tỉa, đòn âm vào chỗ hiểm”.Thật là bình tĩnh, đầy bản lĩnh! Trong cuộc chiến đấu, tương quan giữa con người và thiên nhiên có sự chênh lệch rất lớn. Dòng sông xảo quyệt, bày binh bố trận sẵn sàng đón đợi chiếc thuyền và người lái đò bước vào cuộc giao chiến. Bằng nghệ thuật nhân hóa, Nguyễn Tuân khắc đậm “tâm địa” của dòng sông này khi nó “giao việc cho mỗi hòn”, “Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền”, đồng thời “sóng nước như thể quân liều mạng”, còn dòng thác hùm beo thì đang “hồng hộc tế mạnh trên sông đá”. Trước tình thế đó, “cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn”. Thiên nhiên sông Đà có sức mạnh ghê gớm, sức mạnh của một kẻ đô vật. Đối tượng mà con sông nhắm vào chính là người lái đò đang vững tay chèo trên chiếc thuyền đăm đăm tiến về phía trước. Tuy nhiên, dẫu có bản lĩnh và quyết tâm “giữ chặt mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình” cũng có lúc thất thủ bị sóng thác phản công bất ngờ, vì thế mà ông lái đò bị thương.Như một cuộc chiến thực sự, “miếng đòn hiểm độc nhất” cuối cùng cũng được sóng thác tung ra định bụng hạ gục ông lái đò. Hành động mưu mô độc ác của sóng thác: “luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò”. Những tưởng người lái đò sẽ “ngã tay chèo” khi bị sóng thác làm thể xác đớn đau, và rồi con thuyền sẽ tan xác giữa dòng sông nhiều đá ngầm, cạm bẫy. Nhưng không, Nguyễn Tuân đặc biệt chú trọng thái độ đối mặt với hiểm nguy của người lái đò. Như một dũng tướng trong cuộc chiến một mất một còn, người lái đò nén chịu cái đau đớn thể xác: “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm”. Hiểm nguy, đau đớn có sá gì, với cái tuổi già nua mà trông vẫn “trẻ tráng quá”, ông đò vẫn “cố nén vết thương”, gắng gượng giữ lấy bình tĩnh, ứng phó với thác nước sông Đà một cách thật thông minh. Ở phần giới thiệu nhân vật, Nguyễn Tuân có nhắc đến chi tiết đôi chân người lái đò: “chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống tưởng tượng”. Với nghệ thuật so sánh, Nguyễn Tuân đã để lại ấn tượng về cái bệnh nghề nghiệp ăn sâu vào máu người lái đò. Tư thế quen thuộc của đôi chân “kẹp lấy một cái cuống” mà trong những cuộc chinh chiến ông lái đò đã từng làm như thế. Lần ông đò bị thất thế ở trùng vây thạch trận thứ nhất cũng vậy. Ông lái đò định thần “hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái” để ứng phó. Những từ ngữ thuộc lĩnh vực võ thuật, quân sự được Nguyễn Tuân vận dụng khéo léo vào trong câu văn để gợi tả sự thâm độc và sức mạnh ghêgớm của sông Đà. “Đánh hồi lùng” là cách đánh liên tiếp, không ngắt quãng. Sông Đà quyết tâm hạ gục người lái đò bằng cái đòn đánh liên hồi như thế. “Đòn âm” là những đòn ngầm từ dưới lòng sông bất giác vung lên để ông đò bất ngờ không kịp trở tay. Đối tượng mà sóng thác sông Đà nhằm ở người lái đò chính là “chỗ hiểm”. Qủa là táo tợn! Nhưng mà đau, cái đòn “độc hiểm” ấy làm sao mà không đau cho được? Người lái đò không giấu được nỗi đau hiện hình trên khuôn mặt của mình, bằng từ tượng hình: “méo bệt” Nguyễn Tuân đã diễn tả sắc mặt tái xanh, nhắn rúm đi vì đau của ông lái đò. Song, nỗi đau thân xác chẳng đáng là gì bởi ông là người đã từng chinh chiến “độ sáu chục lần cho những chiếc thuyền đuôi én sáu chèo” trên sông Đà. Nỗi đau ấy dần dần thành quen. Bởi thế mà tiếng chỉ huy ngắn gọn, oai phong của ông vẫn văng vẳng trên chiếc thuyền đuôi én, chuẩn bị tiến vào phá trùng vi thạch trận thứ hai. Từ đây, ta thấy được sức vươn dậy của con người chẳng những trong chiến đấu mà còn trong lao động. Chính sự nỗ lực, ý chí quyết tâm đã giúp con người đủ sức mạnh chinh phục và cải tạo thiên nhiên, xây dựng đất nước.
Hùng dũng là vậy, nhưng ông lái đò trong bút kí của Nguyễn Tuân cũng thật lãng mạn. Phảng phất trong cuộc hành trình chinh phục thác nước sông Đà là chất nghệ sĩ dịu ngọt trong tâm hồn người đàn ông bản lĩnh này. Điều đó được thể hiện ở chặng kết thúc thác nước, ông cùng những người lái đò khác không “bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng quân dữ tợn vừa rồi”.Người lái đò đối mặt với ba trùng vi thạch trận để rồi khi hết thác nước, người lái đò chẳng bận tâm gì đến chặng thác vừa qua. Không lo âu, sợ hãi. Không ngợi ca bản thân mình dẫu chiến thắng con sông Đà là chiến thắng thật ngoạn mục mà không phải ai cũng có thể làm được. Đến quãng sông êm ả thanh bình, thác nước với vô vàn những hòn đá dàn bày trận địa sẵn ở lại phía sau. Trước mắt ông lái đò là cái bến cát có hang lạnh, bờ bãi xanh ngắt, thiên nhiên tràn đầy sức sống và con sông cứ “vặn mình” liên khúc, quanh co. Dòng sông Đà trở nên dịu dàng, thơ mộng hơn xoa dịu tâm hồn người lao động. Mới hay, sông Đà đâu phải là kẻ thù của con người? Sông Đà là bạn, là hình dáng trù phú, tốt tươi, linh hồn của núi rừng Tây Bắc. Câu văn có vẻ như dứt khoát nhưng thực chất lại ngân dài, mềm mượt trữ tình: “Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”. Đó là độ bình tĩnh, tâm hồn thanh thản vô cùng sau khi vượt thác của ông lái đò và những người khác trong hành trình xuôi dòng sông Đà về xuôi. Vì sao vậy? Nguyễn Tuân đã lí giải rằng: “Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sự sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hội hộp hay đáng nhớ”. Người lao động trên sông Đà luôn nhìn gian lao, thách thức bằng cái nhìn điềm nhiên, xem nó chẳng là gì cả. Thử thách mà thác nước sông Đà đặt ra cho Nguyễn Tuân có chăng cũng chỉ là môi trường, hoàn cảnh tôi luyện tính cách của người lái đò, giúp con người dạn dày kinh nghiệm sông nước đó giang. Sông Đà trở thành hình tượng đẹp trong tùy bút của Nguyễn Tuân, mang đặc trưng của xứ sở Tây Bắc hoang dã, dữ dội mà đôi khi cũng nên thơ, mượt mà. Người lái đò sông đà là nhân vật trung tâm của “Sông Đà”, là con người lặng thầm nhưng bản lĩnh đêm ngày nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, hòa mình hưởng ứng cuộc vận động xây dựng kinh tế - xã hội Tây Bắc. Tác phẩm thể hiện sự thay đổi trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: mới mẻ, đa chiều, tài hoa uyên bác. Phải chăng vì mạnh mẽ thay đổi chính mình, phá vỡ khuôn mòn mình đã đi và dám đương đầu với những thách thức mới về đề tài, hoàn cảnh xã hội… mà văn Nguyễn Tuân vẫn đủ sức cuốn hút bạn đọc cho đến ngày hôm nay? Và trên hết, Nguyễn Tuân chính là nhà văn lao động nghệ thuật nghiêm túc, chịu trách nhiệm trước ngòi bút của chính mình…