cảm nhận của anh chị về bức tranh tứ bình trrong trích đoạn '' việt bắc '' (Tố Hữu )

2 câu trả lời

Bộ tranh tứ bình về 4 mùa Việt Bắc: có lẽ đẹp nhất trong nỗi nhớ về Việt Bắc. Cảnh và người hoà quyện , đan xen vào nhau , cứ câu thơ lục tả cảnh thì câu thơ bát tả người . Mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng tạo thành một bức tranh tứ bình tràn ngập ánh áng , màu sắc , đường nét , âm thanh vui tươi , ấm áp . Khung cảnh mùa đông : Nhớ về mùa đông Việt Bắc , nhà thơ không nhớ về cái giá rét âm u mà lại nhớ tới những ngày nắng đẹp rực rỡ . Biện pháp tiểu đối rừng xanh với hoa chuối đỏ tươi đã tái hiện một không gian rừng núi mênh mông , bạt ngàn màu xanh tươi của cây cỏ Trong núi rừng ấy còn có những con người vượt lên không gian , xuất hiện trên đỉnh đèo cao ở tư thế đầy kiêu hãnh , xuất hiện trong ánh sáng lấp lánh của mặt trời phản chiếu vào chiếc dao đi rừng gài ngang lưng. Hình bóng con người lồng lộng trong không gian , giữa núi và nắng, giữa trời và rừng xanh chính là kết tinh vẻ đẹp của núi rừng , là điểm nhấn của núi rừng Khung cảnh mùa xuân: Mùa xuân đến đem theo sức sống mới , làm cho từng cây mơ nở hoa trắng rồi dần dần làm cho cả núi rừng tràn ngập sắc hoa trắng tinh khiết , dịu dàng , thơ mộng . Màu trắng của hoa mơ khiến cho lòng người không khỏi xao xuyến, bâng khuâng và nhà thơ đã nhớ đến những người đan nón. Hành động chuốt từng sợi giang là biểu hiện của sự cần mẫn , khéo léo , tài hoa trong tâm hồn , tính cách người dân Việt Bắc . Họ nhẫn nại , tỉ mỉ trong từng cử chỉ để tạo ra những sản phẩm đẹp cho đời . Khung cảnh mùa hè: Qua cách miêu tả của nhà thơ , tiếng ve râm ran như khúc nhạc rộn rã không chỉ làm cho núi rừng vang động mà còn làm cho màu sắc cây lá biến đổi Khi tiếng ve vang lên báo hiệu hè đến , cả rừng phách xanh tươi bỗng khai nở muôn nghìn cánh hoa màu vàng óng ả như được trộn bằng mật ong và nắng rừng ngọt ngào . Trong giàn nhạc và thảm hoa ấy , nhà thơ nhớ đến một người em gái . Cô sơn nữ một mình trong núi rừng không gợi ấn tượng buồn hiu hắt mà lại mang vẻ đẹp khoẻ khoắn vì cô hiện lên trong tư thế lao động vất vả , giản dị nhưng cũng rất thơ mộng , vui vẻ . Khung cảnh mùa thu: Nhà thơ không thể nào quên ánh trăng, mở ra một không gian tràn ngập ánh trăng thanh bình soi chiếu khắp núi rừng chiến khu . Ánh trăng ấy không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên mà nó còn gắn với niềm xúc động của những con người từng trải qua bao năm khốc liệt Trong khu rừng thấm đẫm ánh vàng ấy bỗng ngân nga lên tiếng hát ân tình làm rạo rực lòng người. Tiếng hát bộc lộ lòng người , bộc lộ tâm hồn thuỷ chung , tình nghĩa của con người Việt Bắc cũng chính là tấm lòng của người về xuôi với chiến khu . Thế nên dường như ánh trăng cũng ngời sáng hơn và tiếng hát cũng du dương và vang xa hơn. => Nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi đã khắc sâu thiên nhiên núi rừng Việt Bắc với vẻ đẹp vừa hiện thực vừa thơ mộng , thi vị , riêng biệt , độc đáo , khác hẳn những miền quê khác của Tổ quốc . Gắn liền với cảnh là những con người lao động bình dị nhưng chính họ đã gióp phần to lớn tạo nên chiến tháng vĩ đại của dân tộc .
Tố Hữu là một trong số những gương mặt tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông là đỉnh cao của khuynh hướng trữ tình - chính trị, mang đậm khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và tinh thần dân tộc. Và có thể nói, Việt Bắc là một trong số những sáng tác tiêu biểu nhất cho đặc điểm thơ Tố Hữu. "Việt Bắc" là khúc anh hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về kháng chiến và về con người. Và có lẽ, những ai đã đọc Việt Bắc sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp của bức tranh tứ bình trong bài thơ - vẻ đẹp với sự gắn bó, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người Việt Bắc. Mở đầu đoạn thơ miêu tả bức tranh tứ bình trong "Việt Bắc" là một câu hỏi tu từ - một câu hỏi để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng khôn nguôi: Ta về, mình có nhớ ta Ta về, ta nhớ những hoa cùng người Với hình thức câu hỏi tu từ, ngắt nhịp chẵn cùng việc sử dụng điệp từ "ta" tác giả như muốn nhấn mạnh nỗi nhớ, cùng tấm lòng thủy chung son sắt của mình. Nỗi nhớ ấy, tấm lòng ấy gửi đến "hoa cùng người". Cách nói tách đôi "hoa" và "người" giúp người đọc nhận thấy sự kết hợp hài hòa, đan xen vào nhau giữa "hoa" - thiên nhiên Việt Bắc với "người" - những người dân Việt Bắc, những người tham gia vào cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ của dân tộc. Những nét vẽ đầu tiên cho bức tranh tứ bình trong bài thơ là khung cảnh mùa đông đẹp đẽ, tràn đầy sức sống nơi núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Hình ảnh thiên nhiên gợi ấn tượng đậm nét với bạn đọc về khung cảnh thiên nhiên Việt Bắc vào đông với một màu xanh bạt ngàn, vô tận ánh ngời lên sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, cảnh vật nơi đây. Và để rồi, trên cái nền xanh ấy là sự điểm xuyết màu đỏ rực rỡ của những bông hoa chuối rừng. Hai gam màu ấy quyện hòa vào nhau dưới ánh nắng vàng làm cho bức tranh thêm sinh động ấm áp. Trên cái nền thiên nhiên vào đông ấy, hình ảnh con người hiện lên thật khỏe khoắn, mạnh mẽ và đầy chủ động "dao gài thắt lưng". Con người ở đây được đặt trong không gian thiên nhiên rộng lớn, bao la, kì vĩ song vẫn nổi bật lên một cách vững chãi, sánh ngang với tầm vóc thiên nhiên. Không chỉ là khung cảnh Việt Bắc vào đông mà hình ảnh vào xuân của thiên nhiên Việt Bắc cũng được tác giả miêu tả một cách sinh động, độc đáo: Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Có thể nói, sắc trắng của hoa đào, hoa mận đã trở thành nét đặc trưng riêng của thiên nhiên Tây Bắc mỗi độ xuân về và ở đây, tác giả Tố Hữu đã thể hiện rõ điều đó. Đó là một bức tranh mùa xuân viên mãn và tràn đầy sức sống với sắc trắng của rừng mơ tinh khôi, trẻ trung, thơ mộng. Cái đẹp, cái quyến rũ của thiên nhiên dường như được tăng lên bội phần bởi chính cảm xúc trầm trồ, ngưỡng mộ của tác giả qua cách sử dụng từ "trắng rừng". Trên cái nền xao xuyến ấy của thiên nhiên, hình ảnh con người hiện lên thật lặng lẽ. Từng động tác "chuốt từng sợi giang" vừa gợi sự cẩn trọng, tỉ mỉ vừa gợi sự khéo léo, tài hoa của những người lao động Việt Bắc. Dường như, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu ân tình được người lao động gửi trọn vào trong đấy. Nếu như bức tranh mùa xuân được tác giả vẽ lên bằng màu sắc của thiên nhiên Việt Bắc thì bức tranh mùa hè được tác giả gợi nên từ cả màu sắc lẫn âm thanh: Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Thiên nhiên có sự quyện hòa giữa sắc vàng của phách và âm thanh của tiếng ve để rồi như rộn lên những cảm xúc yêu mến, xốn xao khi phải chia li. Âm thanh và màu sắc cộng hưởng vào nhau, dường như, tiếng ve đã đánh thức màu sắc để tạo nên sự chuyển động mau lẹ "rừng phách đổ vàng". Chữ "đổ" được tác giả sử dụng thật tinh tế, gợi nên sự căng tròn, tràn trề và cả nguồn sống rạo rực. Trong cảnh sắc ấy, con người vẫn âm thầm "một mình" chăm chỉ "hái măng". Đó chính là hình ảnh người lao động chịu thương, chịu khó lặng thầm cống hiến cho đất nước, cho kháng chiến. Hình ảnh kết thúc bức tranh tứ bình trong Việt Bắc đó chính là bức tranh về mùa thu - mùa thu hòa bình: Mùa thu trăng rọi hòa bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung Bức tranh thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ trong vẻ êm đềm, thơ mộng với ánh trăng tỏa sáng, chiếu rọi khắp núi rừng. "Trăng rọi hòa bình" là hình ảnh gợi tới ngày mai tươi sáng. Có thể nói, đây là một hình ảnh thơ được tạo nên bởi sự hòa quyện giữa cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng lịch sử. Và để rồi, trong không khí ấy, con người hiện lên không phải bởi gương mặt, hình dáng mà bởi tiếng hát, với nét đẹp tâm hồn từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam: ân tình, thủy chung, lạc quan và luôn tin vào một ngày mai tươi sáng. Tóm lại, bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc hiện lên thật đẹp, thật sinh động bởi nó có sự gắn bó, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Đồng thời, qua đó, chúng ta thấy được tài năng của Tố Hữu trong việc sử dụng ngôn ngữ, lựa chọn hình ảnh và tấm lòng ân tình, thủy chung của ông đối với quê hương cách mạng Việt Bắc ( hơi dài nha 🥲🥲)
Câu hỏi trong lớp Xem thêm