các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đất nông nghiệp

2 câu trả lời

Đất, nước, không khí, điều kiện khí hậu là các yếu tố vô cùng quan trọng đối với trồng trọt. 

1. Nhiệt độ

Từng loại cây, giống cây, các bộ phận của cây, các quá trình sinh lý của cây, sẽ phát triển thích hợp và chỉ an toàn ở một nhiệt độ nhất định. Cây ưa nóng là những cây sinh trưởng và ra hoa kết quả tốt ở nhiệt độ trên 20oC, cây ưa lạnh là những cây sinh trưởng và ra hoa kết quả tốt ở nhiệt độ dưới 20oC, cây trung gian là những cây yêu cầu nhiệt độ xung quanh 200C để sinh trưởng, phát triển bình
thường. Theo Nguyễn Hữu Tề và cs (1997) [43] cây lúa nhiệt đới yêu cầu tổng nhiệt độ: 3.500 – 4.500oC. Những giống lúa dài ngày cần tổng số trên 5.000oC và những giống lúa ngắn ngày yêu cầu tổng nhiệt độ thấp hơn: 2.500-3.000oC. Với cây ngô là cây ưa khí hậu ấm, nhiệt độ yêu cầu từ khi trồng đến lúc ra hoa, suốt thời kỳ nảy mầm, thích hợp với nhiệt độ khoảng 18,3oC; nhiệt độ dưới 12,8oC dẫn đến giảm năng suất. Nhiệt độ tối thiểu cho cây ngô sinh trưởng phát triển nằm giữa 9 – 10oC (Đinh Thế Lộc và cs, 1997) [29].

2. Lượng mưa

Nước là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với cây trồng. Cây trồng đòi hỏi một lượng nước lớn gấp nhiều lần trọng lượng chất khô của chúng. Lượng nước mà cây tiêu thụ để hình thành một đơn vị chất khô của một số cây trồng (gọi là hệ số tiêu thụ nước) như ngô: 250 – 400, lúa: 500-800, bông: 300-600, rau: 300 – 500, cây gỗ: 400-600, Trần Đức Hạnh và cs, (1997) [19]. Hầu hết lượng nước sử dụng cho nông nghiệp là nước mặt và một phần nước ngầm, các nguồn này được cung cấp chủ yếu từ lượng mưa hàng năm. Nước mưa ảnh hưởng đến quá trình canh tác như làm đất, thu hoạch. Mưa ít hoặc mưa nhiều quá so với yêu cầu đều làm ảnh hưởng tới thời vụ gieo trồng và thu hoạch. Tùy theo lượng mưa hàng năm, khả năng cung cấp và khai thác nước đối với một vùng cụ thể, để xem xét lựa chọn cơ cấu cây trồng thích hợp. Đặc biệt, ở vùng đất đồi núi miền Bắc nước ta thì những trận mưa rào ảnh hưởng đến xói mòn, rửa trôi lớp đất bề mặt do độ che phủ của cây trồng chưa kép
kín. Tiến trình xói mòn và thoái hoá đất xảy ra khi có những trận mưa rào và lượng nước không thể thâm nhập sâu được vào trong đất và khi đó bắt đầu xuất hiện dòng chảy bề mặt (Benites, 2007) [79].

3. Đất đai

Đất đai là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất trên thế giới, bảo vệ, duy trì và cải tiến nguồn tài nguyên này là tiêu chuẩn để tiếp tục duy trì chất lượng cuộc sống ở trên trái đất (Henry và cs, 1996) [90]. Đất là công cụ sản xuất đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Đất và khí hậu hợp thành phức hệ tác động vào cây trồng. Hiểu được mối quan hệ giữa cây trồng với đất thì sẽ dễ dàng xác định được cơ cấu cây trồng hợp lý ở một vùng nào đó. Tuỳ thuộc vào địa hình, chế độ nước, thành phần lý tính và hoá tính của đất để bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp.

Thành phần cơ giới của đất quy định tính chất của đất như chế độ nước, chế độ không khí, nhiệt độ và dinh dưỡng. Đất có thành phần cơ giới nhẹ thích hợp cho trồng cây lấy củ. Đất có thành phần cơ giới nặng và có nước trên mặt phù hợp cho các cây ưa nước. Các cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu tương … thường sinh trưởng tốt và cho năng suất cao trên các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ (Phạm Bình Quyền và cs, 1992) [39]. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất quyết định đến năng suất cây trồng hơn là quyết định đến tính thích ứng. Tuy vậy, trong các loại cây trồng cũng có những cây ưa trồng trên những loại đất có hàm lượng dinh dưỡng cao và cũng có cây chịu được đất có hàm lượng dinh dưỡng thấp, đất chua, mặn, có độ độc. Theo nghiên cứu của Yadav (2001) [102], ở Modipuram, Ấn Độ khi so sánh quản lý dinh dưỡng đất theo 3 hình thức: theo kiểu nông dân; sử dụng tổng hợp phân hữu cơ và vô cơ; sử dụng NPK. Kết quả sau 11 năm thử nghiệm so sánh với
trước khi thử nghiệm thì hàm lượng mùn và lân dễ tiêu trong đất gia tăng mạnh nhất ở kiểu sử dụng tổng hợp giữa phân hữu cơ và vô cơ, sau đó đến kiểu sử dụng NPK và cuối cùng là kiểu nông dân, kali dễ tiêu thì lại giảm dần theo trình tự các kiểu.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa sinh trưởng phát triển và năng suất cây trồng ở vùng đất đồi núi hưởng nước trời của Indonexia cho thấy hạn chế chủ yếu để cây trồng tăng trưởng và cho năng suất tốt là độ màu mỡ của đất thấp. Phân bón, đặc biệt là phân đạm và phân lân là yếu tố chính để giải quyết vấn đề này (Suryatra và cs, 1982) [99]. Như vậy, bón phân và canh tác hợp lý là biện pháp hữu hiệu điều khiển dinh dưỡng đất. Nước ta có khoảng 25 triệu ha đất vùng đồi núi, chiếm 2/3 tổng diện tích đất tự nhiên của Việt Nam, có độ dốc nhất định. Gieo trồng cây ngắn ngày thường làm giảm hàm lượng hữu cơ và dự trữ mùn, đạm. Hệ số mùn hoá thấp chỉ 4 – 5 %/năm, phần lớn chất hữu cơ ở dạng tự do và liên kết kém bền vững với Sesquioxyd có chỉ số Polime cực thấp, dễ bị khoáng hoá và rửa trôi. Bề mặt chất hữu cơ liên kết yếu đã kéo theo hàng loạt suy thoái về cơ chế vật lý đất đai, chế độ nước dự trữ và dạng dinh dưỡng dễ tiêu. Để phục hồi đất đồi núi cần bổ sung vùi vào đất một lượng chất hữu cơ mới (phân chuồng, phân xanh, cỏ rác, tàn dư cây trồng…) khoảng 10-15 tấn/ha/năm. Chuyển từ cơ cấu độc canh cây ngắn ngày sang đa canh sẽ tăng mạnh mức hữu cơ và nhịp độ tuần hoàn hữu cơ trong đất. Đây là một đảm bảo cho sử dụng đất lâu bền (Nguyễn Văn Bộ, 2001) [5].

4. Cây trồng

Cây trồng là thành phần trung tâm của hệ sinh thái đồng ruộng (Đào Châu Thu và cs, 1990) [49]. Bố trí HTCT hợp lý là lựa chọn loại cây trồng nào để lợi dụng được tốt nhất các điều kiện tự nhiên cũng như các nguồn tài nguyên khác của vùng. Sử dụng những nguồn lợi đó một cách tốt nhất, nghĩa là phải lựa chọn cho cây trồng những điều kiện thuận lợi nhất để chúng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Theo nghiên cứu của Vilamanya (1986) [100] ở vùng Galicia của Tây Ban Nha, mô hình luân canh cây trồng được bố trí năm thứ nhất: ngô trồng xen với cỏ Ý; năm thứ hai: cây ngô (khoai tây) với cây lúa mì hoặc lúa mạch đen với cây củ cải Thụy Điển và sau đó là lúa mạch đen và bỏ hoang. Điều kiện khí hậu và các yếu tố khác như độ màu mỡ của đất, hình thức canh tác và yêu cầu lao động ảnh hưởng đến thâm canh cây trồng và mức độ thâm canh ảnh hưởng đến tổng năng suất khô hàng năm trên đơn vị sử dụng đất. Khác với khí hậu và đất đai là các yếu tố mà
con người ít có khả năng thay đổi, còn với cây trồng thì con người có thể thay đổi các yếu tố đầu vào, chọn lựa, di thực,… (Edwards, 1989) [85]. Với trình độ công nghệ sinh học ngày nay, con người có thể thay đổi bản chất của cây trồng theo ý muốn thông qua các biện pháp như lai tạo, chọn lọc, gây đột biến, nuôi cấy vô tính.

Hệ thống cây trồng hợp lý của một vùng nào đó là sự bố trí hợp lý của từng loài cây, giống cây trồng gắn với các yếu tố sinh thái. Ngoài những yếu tố kinh tế-xã hội thì sản xuất nông nghiệp luôn luôn phụ thuộc vào các yếu tố sinh thái: đất, nước, không khí, năng lượng mặt trời và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Rõ ràng, về sức sản xuất, hệ thống cây trồng bền vững luôn có mối quan hệ phức hợp tương tác giữa các yếu tố sinh thái này mà con người cần hiểu sâu sắc những yếu tố chi phối đó để chúng được quản lý như là một hệ thống tổng hợp (Pimentel và cs, 1989) [96].

5. Hệ sinh thái

HSTNN hiện diện như là một hướng có tính khoa học được sử dụng trong nghiên cứu, đối thoại và lựa chọn mục đích để quản lý giảm chi phí đầu vào của hệ sinh thái nông nghiệp. Làm sáng tỏ những vấn đề của tính bền vững trong nông nghiệp là mục tiêu chủ yếu của HSTNN (Altieri, 1989) [76]. Xây dựng hệ thống cây trồng là xây dựng hệ sinh thái nhân tạo, đó là HSTNN mà trong đó cây trồng là thành phần chủ yếu. Do đó cần phải duy trì yếu tố cần thiết của hệ thống cây trồng như đất nông nghiệp, đất rừng và bảo tồn duy trì đa dạng gen (IUCN, 1980) [92]. Trong hệ thống cây trồng nếu thiếu sự phù hợp của cây trồng được xác định là yếu tố cản trở tới việc ứng dụng thực hiện HSTNN ở một chừng mực nhất định của vùng nhiệt đới (Becker và cs, 1992) [77].

Vì vậy, việc xác định chủng loại và từng giống cây trồng phù hợp trong hệ thống ở từng nơi là rất quan trọng. Điều kiện để xác định, quyết định tính phù hợp của chúng tại một địa phương cụ thể là các yếu tố sinh thái (Nguyễn Tất Cảnh và cs, 2004) [7]. Ngoài thành phần chính là cây trồng, hệ sinh thái còn có các thành phần sống khác như cỏ dại, sâu, bệnh, vi sinh vật, các động vật, các côn trùng và những sinh vật có ích khác. Các thành phần sống ấy cùng với cây trồng tạo nên một quần thể sinh vật, chúng chi phối lẫn nhau, tạo nên các mối quan hệ rất phức tạp. Tạo dựng và duy trì cân bằng sinh học trong hệ sinh thái theo hướng hạn chế được các mặt có hại, phát huy mặt có lợi đối với con người là vấn đề cần quan tâm trong HSTNN. Bố trí hệ thống cây trồng cần chú ý đến các mối quan hệ giữa các thành phần sinh vật trong HSTNN, dựa theo các nguyên tắc là: (i) Lợi dụng mối quan hệ tốt giữa các sinh vật với cây trồng; (ii) Khắc phục, phòng tránh hoặc tiêu diệt mầm mống có hại đối với cây trồng cũng như đối với lợi ích của con người. Các mối quan hệ giữa sinh vật với cây trồng trong hệ sinh thái được biểu hiện qua các mối quan hệ cạnh tranh, cộng sinh, ký sinh và ăn nhau theo nguyên tắc hình tháp số lượng trong dây chuyền dinh dưỡng (Lê Văn Khoa và cs, 1997) [24]. Vì vậy, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần chú ý đến các nội dung sau: (i) Xác định thành phần, tỷ lệ giống cây trồng thích hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng cơ sở sản xuất; (ii) Chọn thời vụ tốt nhất để tránh thời tiết bất thuận, tránh độc canh, chọn giống gieo trồng hợp lý sẽ bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, hạn chế được tác hại của cỏ dại, sâu bệnh và thời tiết bất lợi gây ra; (iii) Trồng xen nhiều loại cây trồng trong cùng một diện tích một cách hợp lý có thể hạn chế được sự gây hại của cỏ dại, sâu bệnh, đồng thời làm tăng được hệ số sử dụng đất đai.

6. Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế là một phạm trù phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh tế. Mục tiêu của sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật chất và tinh thần của toàn xã hội khi nguồn lực tự nhiên có giới hạn. Nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế nghĩa là tăng cường trình độ lợi dụng các nguồn lực sẵn có trong một hoạt động kinh tế. Đây là đòi hỏi khách quan của nền sản xuất xã hội do nhu cầu vật chất cuộc sống của con người ngày một tăng. Theo Nguyễn Thị Tân Lộc (1999) [30], do yêu cầu của công tác quản lý kinh tế cần thiết phải phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của các hoạt động kinh tế và do đó đã làm xuất hiện phạm trù hiệu quả kinh tế. Vận dụng vào việc phát triển bền vững hệ thống cây trồng cho thấy cần phải tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên để bố trí cơ cấu cây trồng, chủng loại cây trồng sao cho hợp lý trên một đơn vị diện tích. Đồng thời có thể tăng vụ, thay đổi
giống cây trồng hoặc tăng đầu tư thâm canh…, nhằm khai thác tối đa điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề tăng vụ lại chỉ có thể giải quyết được trong một phạm vi nhất định do yếu tố cây trồng và điều kiện kinh tế – xã hội cũng như vấn đề tăng vụ đồng thời chịu sự chi phối lớn của điều kiện tự nhiên và tính thời vụ của các loại cây trồng.

Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là phải sản xuất đa dạng, ngoài cây trồng chủ yếu cần bố trí những cây trồng bổ sung để tận dụng các nguồn lợi thiên nhiên của vùng và cơ sở sản xuất (Nguyễn Thị Nương, 1997) [34]. Tóm lại, về mặt kinh tế cơ cấu cây trồng cần thỏa mãn các điều kiện: (i) Đảm bảo yêu cầu chuyên canh và tỷ lệ sản phẩm hàng hoá cao; (ii) Đảm bảo việc hỗ trợ cho ngành sản xuất chính và phát triển chăn nuôi, tận dụng các nguồn lợi tự nhiên; (iii) Đảm bảo thu hút lao động và vật tư kỹ thuật có hiệu quả kinh tế; (iv) Đảm bảo chất lượng và giá trị hàng hoá cao hơn cơ cấu cây trồng cũ; (v) Khi đánh giá hiệu quả kinh tế của cơ cấu cây trồng có thể dựa vào một số chỉ tiêu như: năng suất, tổng sản lượng, giá thành, thu nhập và mức lãi của các sản phẩm hàng hoá. Việc đánh giá này rất phức tạp do giá cả sản phẩm luôn biến động theo thị trường.

7. Thị trường

Thị trường không phải chỉ do cạnh tranh điều khiển mà còn do sự hợp tác và tương trợ lẫn nhau. Tiếp tục nghiên cứu về thị trường các nhà xã hội học và chính trị học cho rằng thị trường còn do các điều kiện xã hội và chính trị quyết định mà kinh tế học trước đó thường quên không đề cập (Đào Thế Tuấn, 2003) [65]. Theo Nguyễn Cúc và cs (2007) [9] điều kiện để hình thành thị trường cần phải có các yếu tố sau đây: (i) Đối tượng trao đổi là hàng hoá, dịch vụ; (ii) Đối tượng tham gia trao đổi là người mua, người bán; (iii) Điều kiện để thực hiện trao đổi là khả năng thanh toán, địa điểm trao đổi; (iv) Có thể chế hoặc tập tục để đảm bảo hoạt động mua bán được an toàn, nhanh chóng. Theo nhà kinh tế học người Anh Francis, (1984) [89]:

Thị trường là các quyết định sản xuất và tiêu dùng của hộ và cá nhân, các tác động kết hợp trong đó dẫn tới việc xác định giá cả thị trường của hàng hoá. Kinh tế thị trường là một mô hình kinh tế vận động, phát triển dựa trên cơ sở các quy luật của thị trường, trong đó quan hệ hàng hoá – tiền tệ trở thành phổ biến và bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế. Thị trường là động lực thúc đẩy cải tiến hệ thống cây trồng hợp lý. Theo cơ chế thị trường thì cơ cấu cây trồng phải làm rõ được các vấn đề:

Trồng cây gì, trồng như thế nào và sản phẩm của chúng cung cấp ở đâu, cho ai.

Thông qua sự vận động của giá cả, thị trường có tác dụng định hướng cho người sản xuất nên trồng cây gì, với số lượng chi phí như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và thu được kết quả cao. Thông qua thị trường, người sản xuất điều chỉnh quy mô sản xuất, cải tiến cơ cấu cây trồng, thay đổi giống cây trồng, mùa vụ cho phù hợp với thị trường. Thị trường có tác dụng điều chỉnh hệ HTCT, chuyển dịch theo hướng ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Cải tiến hệ thống cây trồng chính là điều kiện và yêu cầu để mở rộng thị trường (Nguyễn Cúc và cs, 2007) [9]..

Khu vực nông thôn là thị trường cung cấp nông sản hàng hoá cho toàn xã hội và là thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp, cung cấp nông sản cho ngành dịch vụ và đó cũng là nơi cung cấp lao động cho các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do vậy, thị trường và sự cải tiến hệ thống cây trồng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thị trường là động lực thúc đẩy cải tiến cơ cấu cây trồng, song nó có mặt hạn chế là nếu để cho phát triển một cách tự phát sẽ dẫn đến sự mất cân đối ở một giai đoạn, một thời điểm nào đó. Vì vậy, cần có những chính sách của Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của thị trường.

Kinh tế hàng hoá là một hình thức tổ chức kinh tế trong đó người ta sản xuất ra sản phẩm để mua bán, trao đổi trên thị trường, giá trị của sản phẩm hàng hoá phải thông qua thị trường và được thị trường chấp nhận. Giá thành sản phẩm bị chi phối bởi các yếu tố như vốn, trình độ lao động, giá cả dịch vụ, phạm vi địa lý… Vì vậy, khi đánh giá hiệu quả kinh tế của cơ cấu cây trồng cần phải xem xét một cách tổng quát (Vũ Biệt Linh và cs, 1995) [28]. Hiện nay, thị trường nông thôn đang phát triển với sự tham gia đắc lực của tư thương, kể cả các mặt hàng xuất khẩu. Các hộ nông dân ngày càng phụ thuộc vào thị trường tự do, thiếu hoạt động của hợp tác xã chế biến và tiêu thụ nông sản. Nếu các hợp tác xã nắm được khoảng 30 % khối lượng hàng hoá thì tư thương sẽ mất độc quyền trong buôn bán (Đào Thế Tuấn, 1997) [64].

8. Nông hộ

Theo Đặng Kim Sơn (2006) [42], ở nước ta trong thời kỳ đổi mới, các chính sách mới một lần nữa xác lập vị trí số một của kinh tế hộ nông dân ở nông thôn.

Trong nông thôn có 3 nhóm hộ chính là: (i) Nhóm hộ sản xuất hàng hoá (chiếm khoảng 30%); (ii) Nhóm hộ bước đầu đi vào sản xuất hàng hoá nhưng còn ít, quy mô nhỏ (chiếm gần 55%); (iii) Nhóm hộ nghèo (chiếm dưới 15%). Theo Đào Thế Tuấn (1997) [64], thì nông hộ là đơn vị kinh tế tự chủ và đã góp phần to lớn vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp của nước ta trong những năm qua. Nguyễn Đức Truyến (2003) [57] nghiên cứu về kinh tế hộ gia đình và các quan hệ xã hội ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng trong thời kỳ đổi mới cho rằng nông dân ở đồng bằng sông Hồng luôn được hình thành trên một diện tích đất nông nghiệp nhất định.

Tất cả các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu được thực hiện thông qua nông hộ. Do vậy, quá trình chuyển đổi hệ thống cây trồng thực chất là sự cải tiến sản xuất nông nghiệp ở các hộ nông dân. Vì vậy, nông hộ là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của khoa học nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kinh tế nông hộ là kinh tế của hộ sống ở nông thôn, bao gồm cả thu nhập từ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hộ nông dân là các nông hộ có phương tiện sống từ ruộng đất, sử dụng chủ yếu lao động gia đình trong sản xuất nông trại, nằm trong một hệ thống
kinh tế rộng hơn, nhưng về cơ bản được đặc trưng bằng việc tham gia hoạt động trong thị trường với một trình độ ít hoàn chỉnh. Tác giả Fanks Ellis cho rằng nông dân là các hộ nông nghiệp chỉ hợp nhất từng phần vào thị trường không hoàn hảo và không đầy đủ (dẫn theo Phạm Thị Mỹ Dung và cs, 1995) [12]. Theo đó cho thấy hộ nông dân có những đặc điểm sau: (i) Hộ nông dân là một đơn vị kinh tế cơ sở, vừa là một đơn vị sản xuất, vừa là đơn vị tiêu dùng; (ii) Quan hệ giữa tiêu dùng và sản xuất biểu hiện ở trình độ phát triển của hộ từ tự cấp hoàn toàn đến sản xuất hàng hoá hoàn toàn. Trình độ này quyết định đến quan hệ giữa nông hộ với thị trường; (iii) Các hộ nông dân ngoài hoạt động nông nghiệp còn tham gia vào hoạt động phi nông nghiệp với mức độ khác nhau, nên khó giới hạn như thế nào là một hộ nông dân. Vì vậy, hộ nông dân tái sản xuất giản đơn nhờ vào ruộng đất thông qua quá trình cải tiến hệ thống cây trồng, nhờ đó mà tái sản xuất mở rộng trong nông nghiệp, phục vụ lợi ích chung của xã hội nên cần thiết phải có chính sách xã hội đầu tư thích hợp cho lĩnh vực này.

Mục tiêu sản xuất của các hộ quyết định sự lựa chọn sản phẩm kinh doanh, cơ cấu cây trồng, quyết định mức đầu tư, phản ứng với giá cả vật tư, lao động và sản phẩm của thị trường. Quá trình phát triển của các hộ nông dân trải qua các giai đoạn từ thu nhập thấp đến thu nhập cao. Giai đoạn nông nghiệp tự cấp: Nông dân trồng một cây hay một vài cây lương thực chính, năng suất thấp, kỹ thuật thô sơ, rủi ro lớn. Do sợ rủi ro nên việc tiếp thu kỹ thuật mới bị hạn chế và thị trường nông thôn là thị trường chưa hoàn chỉnh. Giai đoạn kinh doanh tổng hợp và đa dạng: Lúc mới chuyển sang sản xuất hàng hoá, nông dân bắt đầu trồng thêm các cây hàng hoá, đa canh để giảm bớt rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ có thêm thu nhập nên có thể đầu tư để cải tiến kỹ thuật và thâm canh, nếu lao động thừa nhiều có thể phát triển ngành nghề phi nông nghiệp (Đào Thế Tuấn, 1997) [64]. Theo đó, nông hộ chuyển dần sang hình thức canh tác kiểu trang trại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị
trường. Ở những nước công nghiệp phát triển như Anh thì hình thức sản xuất có lợi nhất của các nông hộ không phải là hình thành các xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn mà các nông hộ canh tác kiểu trang trại gia đình dùng lao động làm thuê. Theo Nguyễn Phượng Vỹ (1999) [73], trang trại là một hình thức tổ chức kinh tế trong nông-lâm-ngư nghiệp phổ biến được hình thành trên cơ sở kinh tế hộ nông dân nhưng mang tính sản xuất hàng hoá. Cho dù nông hộ chuyển đổi hình thức canh tác như thế nào thì lực lượng lao động nông hộ là yếu tố quan trọng, đặc biệt nông hộ sản xuất theo hình thức trang trại bất kỳ ở quốc gia phát triển hay đang phát triển thì đây là lực lượng sản xuất kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội để thu lợi nhuận cao về cho chính họ trong thế kỷ XXI (Trần Đức, 1998) [17]. Như vậy, hộ nông dân tiến hoá từ tình trạng tự cấp sang sản xuất hàng hoá ở các mức độ khác nhau và quá trình cải tiến cơ cấu cây trồng gắn với thị trường được thực hiện ngày càng hoàn thiện hơn. Trong thực tế, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, quá trình này cũng diễn ra nhưng rất chậm và trong quá trình phát triển sẽ nảy sinh các vấn đề làm cản trở tiến trình cải tiến cơ cấu cây trồng, cải tiến hệ thống canh tác. Ở nước ta, sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII thì các nông hộ tự chủ, với tư cách là các chủ thể kinh tế chủ yếu trong nông thôn phải là một lực lượng chủ yếu tham gia và góp phần quan trọng vào công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Sự tham gia của nông hộ vào CNH, HĐH chủ yếu thông qua các hoạt động
kinh tế của nông hộ theo sự định hướng của Nhà nước và được sự hỗ trợ của thành phần kinh tế quốc doanh. Theo Hoàng Việt (1998) [71], kinh tế hộ nông thôn ở nước ta trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng còn những tồn tại không nhỏ, đó là: (i) Tỷ lệ hộ nông nghiệp còn cao; (ii) Bình quân ruộng đất nông nghiệp một hộ rất thấp; (iii) Mức trang bị kỹ thuật còn ở mức thấp; (iv) Thu nhập của nông hộ chưa ở mức cao; (v) Trình độ dân trí vẫn còn ở mức thấp, nhiều nơi còn rất lạc hậu, số người mù chữ vùng cao ở mức cao (hơn 50%).

Những tồn tại trên đây của nông hộ là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến luân canh cây trồng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ,… khắc phục những tồn tại trên đây nhằm mục tiêu hướng tới là phát triển hệ thống cây trồng vùng miền núi chúng ta cần phải căn cứ vào những nội dung bao hàm của phương pháp tiếp cận hệ thống như đã trình bày.

9. Chính sách

Nhà kinh tế học người Anh Franks Ellis cho rằng không có một định nghĩa “duy nhất” về thuật ngữ chính sách. Các nhà kinh tế thường nghĩ chính sách là mục tiêu và phương pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm tác động vào mức độ của biến động kinh tế như giá, thu nhập, thu nhập quốc dân, tỷ giá hối đoái…và từ đó ông cho rằng chính sách được xác định như là đường lối hành động mà Chính phủ lựa chọn đối với một lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả các mục tiêu mà Chính phủ tìm kiếm và sự lựa chọn các phương pháp để theo đuổi các mục tiêu đó (dẫn theo Phạm Thị Mỹ Dung và cs, 1995) [12].

Muốn quá trình chuyển đổi hệ thống cây trồng có hiệu quả phải thúc đẩy một cách đồng bộ sự phát triển của tất cả các kiểu hộ nông dân chứ không thể chỉ thúc đẩy các hộ sản xuất giỏi. Hơn nữa, nếu không thúc đẩy được các vùng hay tất cả các hộ phát triển nhanh thì sẽ gây nên những khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Quá trình phát triển kinh tế sẽ phân hoá giàu nghèo, có sự chênh lệnh về thu nhập giữa nông thôn và thành thị, cần thiết phải rút lao động ra khỏi nông nghiệp bằng cách phát triển công nghiệp nông thôn và thâm canh tăng vụ để sản xuất hàng hoá. Đa dạng cây trồng nhằm đa dạng hoá sản phẩm là quá trình chủ yếu cải tiến cơ cấu cây trồng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường nông nghiệp ngày càng đa dạng. Đào Thế Tuấn (1997) [64] cho rằng: quá trình đa dạng hoá cây trồng là do sự phát triển của kinh tế hộ quyết định và còn tuỳ vào từng vùng, nhưng yếu tố khó khăn về vốn mang tính quyết định nhất. Các hộ nghèo kinh doanh rất đa dạng, chỉ khi họ giàu lên thì mới tập trung vào một số ngành nhất định.

Như vậy, chuyên môn hoá chỉ có thể xảy ra khi trình độ sản xuất hàng hoá đã phát triển đến mức cao. Một khó khăn khác làm cho nông dân ngần ngại không dám đầu tư vào sản xuất và cải tiến cơ cấu cây trồng là do thiếu thị trường cho nông sản.

Để giải quyết vấn đề thị trường, Nhà nước cần tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu là giao thông, thuỷ lợi, thông tin. Sự phân hoá của hộ nông dân và trình độ sản xuất của các kiểu hộ ảnh hưởng rất lớn đến cải tiến cơ cấu cây trồng. Các kiểu hộ nông dân khác nhau có trình độ tiếp thu và áp dụng kỹ thuật ở các mức khác nhau. Kỹ thuật là yếu tố quan trọng trong sự cải tiến cơ cấu cây trồng của các hộ nông dân trong giai đoạn đầu sản xuất hàng hoá, khi kỹ thuật áp dụng chưa phải cần nhiều vốn thì việc đa dạng hoá sản xuất là một xu thế cần cho sự phát triển.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống cây trồng một cách có căn cứ và kịp thời. Theo Đặng Vũ Bình và cs (2002) [3] thì Nhà nước cần có chính sách về khoa họccông nghệ thông qua nghiên cứu, nhằm thiết lập ngay trên đồng ruộng của người nông dân những mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và chuyển giao kỹ thuật thích ứng cho nông dân. Đồng thời, sự phát triển đa dạng trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn cần có chính sách quan tâm đến sự phát triển về giới. Như vậy, hệ thống cây trồng được hình thành từ điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội cụ thể.
Con người không thể áp dụng một hệ thống cây trồng mới không phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của con người.

   MK ko chắc có đúng ko nữa bạn cứ tham khảo nhé!

Câu hỏi trong lớp Xem thêm
6 lượt xem
2 đáp án
23 giờ trước