Bàn về hình tương người lái đò tring tùy bút người lái đò sông đà của nguyễn tuân có ý kiến cho rằng:"đó là người lao động đầy trí dũng trên sông nước đà giang ".Có ý kiến khác lại khẳng định :"Đó là người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh".Từ cảm nhận của mình về hình tượng người lái đò sông đà hãy bình luận về ý kiến trên.TỪ đó a(chị) liên hệ đến cảnh người chữ tù để nêu nhận xét phẩm chất cao đẹp của người nghệ sĩ
2 câu trả lời
Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, ông có sở trường về tùy bút. Sông Đà là tập tùy bút hay nhất của Nguyễn Tuân viết về cảnh và người Tây Bắc, là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1958 của nhà văn. Ở Tây Bắc, ông sống với bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân làm đường và đồng bào các dân tộc ít người. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã mang lại cho Nguyễn Tuân nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. Phong cảnh Tây Bắc dưới ngòi bút Nguyễn Tuân vừa hùng vĩ uy nghiêm, vừa tuyệt vời, thơ mộng. Trong bài Người lái đò sông Đà rút từ tập tùy bút Sông Đà, nhà thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn hết lời ngợi ca vẻ đẹp của con người Tây Bắc, nhất là những người lái đò trên con sông dữ dội và thơ mộng ấy.
Trong tùy bút, hình ảnh sông Đà hiện lên thật hung dữ:
“Lúc này nước sông Đà reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm của một ấm nước sôi khổng lồ. Ngấn mạn thuyền thấp hơn ngấn nước tứ vi bên ngoài, cạp mui thuyền cắm ngập dưới ngấn nước đang sôi trắng lên. Mặt sông cũng có ổ gà như mặt đường cạn, đi vào ổ gà sông là thuyền bị giật xuống bị dồi lên. Đã gọi là thác, tức là chỗ khúc sông phức tạp có nhiều luồng nước. Có luồng nước đi lầm vào thì chết ngay, có luồng nước đi vào đúng luồng rồi nhưng mà không trúng tim luồng thì cũng vẫn có thể là thập tử nhất sinh như thường...”.
Nhưng hình ảnh sông Đà hiện lên không kém phần thơ mộng, trữ tình:
“Tôi có bay tạt qua sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình...”; “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ...”.
Hình ảnh con sông Đà vừa “hung bạo và trữ tình” là cái nền để người lái đò xuất hiện. Ông lái đò là người anh hùng sông nước: trong cuộc chiến đấu gay go với con sông dữ, ông là người chỉ huy tài ba, trí dũng, can trường. Vượt qua hết các vực xoáy, luồng chết, cửa tử,... để đưa con đò đến nơi sóng yên nước lặng. Về tư thế: “ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”, về phong thái: “tỉnh táo, tự tin, cố nén vết thương do sóng nước gây ra”, về hành động: “hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”, “đánh đòn tỉa”, “đánh đòn âm vào chỗ hiểm”. Sau khi “phá xong cái trùng vi thạch trận, vòng thứ nhất”, ông không một phút “nghỉ tay nghỉ mắt”, phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn “chiến thuật". Khi nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông “ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Thế là những luồng tử đã “bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh”. Sau đó, ông bước vào trận chiến với “một trùng vây thứ ba”. Ông liền “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa” có bọn đá hậu vệ của con thác. Rồi “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được”. Thế là hết thác. Sóng nước lại thanh bình.
Nhìn chung, nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Tuân rất tài hoa. Nhà văn lược bỏ hầu hết các chi tiết về đời tư của ông lái đò, cô lái đò để đi sâu khắc họa ngoại hình, hành động của nhân vật.
Chúng ta thử so sánh nhân vật người lái đò với nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù). Nhân vật Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là một con người tài hoa, khí phách hiên ngang bất khuất, “thiên lương” trong sáng. Huấn Cao viết chữ rất đẹp: “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm (...). Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Trong thị hiếu thẩm mỹ của cố nhân, từ Trung Hoa đến Việt Nam, viết chữ đẹp là một thủ pháp nghệ thuật và chơi chữ đẹp là một thú chơi cao khiết, tao nhã. Bởi vậy, qua những băn khoăn, tính toán, mưu mẹo, biệt đãi, nhẫn nhục, đau khổ, hốt hoảng, hi vọng, tuyệt vọng, hồi hộp, lo sợ, thành kính của viên quản ngục thì cái tài hoa quý hiếm của nhân vật Huấn Cao càng đươc tôn lên đỉnh cao chói lọi.
Về khí phách, Huấn Cao không chịu vào luồn ra cúi, không chịu sống cảnh “cá chậu chim lồng”, ông đi làm giặc triều đình. Đến khi bị bắt đưa vào ngục tử tù, ông không tỏ ra mảy may sợ hãi hay hối tiếc. Cổ mang gông, chân vướng xiềng, bước vào ngục tử tù chờ ngày ra pháp trường, ông vẫn hiên ngang, đường hoàng như bước đi trên đường cái. Chính cái khí phách khác thường của ông đã làm cho ngục quan - một người đầy uy quyền đối với ông - phải tỏ ra “khép nép” khi vào gặp ông tại nhà lao. “Thiên lương” của ông vô cùng trong sáng: cái tài của Huấn Cao chính là nơi phát lộ cái tâm của ông. Tiền bạc, uy quyền không hề lung lạc được ông: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Ông đúng là một nhân cách lí tưởng: “Bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất”.
Vì vậy, khi chưa hiểu được các phẩm chất tốt đẹp của ngục quan (biết trân trọng, thật lòng yêu cái đẹp dù phải sống trong hoàn cảnh xấu xa) thì Huấn Cao có thái độ cứng rắn với ông. Đến lúc cảm được “cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của ngục quan, Huấn Cao mềm lòng thốt lên: “Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Và Huấn Cao sẵn sàng cho ngục quan những dòng chữ cuối cùng của một đáng tài hoa, một bậc anh hùng nghĩa sĩ trong một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có ở chốn lao tù”: “Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Trong một không khí tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa. Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên một tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:
Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo bức lụa trắng với những nét vuông tươi tắn nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá vậy. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”.
Nhân vật Huấn Cao không chỉ đẹp ở tài năng mà còn đẹp ở cái tâm và ý chí bất khuất hiên nang của người quân tử. Ở ông có khí phách của người anh hùng mà không phải ai cũng có thể có được. Thông qua nhân vật Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã bộc lộ niềm tin bất diệt vào những cái đẹp mang giá trị cao quý ngay cả trong những nơi tối tăm, dơ bẩn nhất vẫn tỏa sáng.
Nếu như Huấn Cao được ví như anh tài xuất chúng được xây dựng trong hoàn cảnh có một không hai thì nhân vật ông lái đò lại có chút bình dị hơn. Trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân nhân vật ông lái đò được xây dựng hết sức chân thật qua công việc ông làm. Ông lái đò là người có ngoại hình rất đặc biệt với hai tay "lêu nghêu", chân "khuỳnh khuỳnh", giọng nói thì "ào ào như tiếng nước trước mặt gềnh", đôi mắt thì "vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó"... Với đặc điểm ngoại hình như thế chúng ta thấy được rất phù hợp với môi trường lao động trên sông nước của ông.
Ông lái đò được Nguyễn Tuân miêu tả là một người rất tài trí và có phong thái ung dung pha chút nghệ sĩ. Ông là người làm nghề rất có tâm hiểu biết tường tận từng ngóc ngách của con sông cũng như tính nết của nó. Ông nhớ như đóng đanh vào lòng những luồng nước và tất cả những con thác hiểm chở. Nắm bắt được trận đồ binh pháp của thần sông, thần đá. Thuộc làu quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở. Đặc biệt, ông còn chỉ huy được các cuộc vượt thác một cách tài tình biết rõ từng cửa sinh, cửa tử mà vượt qua.
Nguyễn Tuân miêu tả ông lái đò như một vị tướng hiên ngang "tả xung hữu đột" trước muôn trùng sóng nước của sông Đà. Ông là người rất dũng cảm biết chịu cái đau của thể xác do vật lộn với sóng to gió lớn để chiến thắng thác dữ bằng những động tác táo bạo và vô cùng chuẩn xác. Ta thấy ông lái đò được xây dựng như một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải là một người lái đò bình thường.
Cả hai nhân vật Huấn Cao và ông lão lái đò đều được xây dựng bằng biện pháp lý tưởng hóa. Xuất phát từ cơ sở cái nhìn độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ có thể làm nổi bật lên những vẻ đẹp phi thường trong tài năng, cốt cách của họ. Nhà văn đã đặt hai nhân vật vào những tình huống đầy thử thách để giúp họ bộc lộ được phẩm chất đáng quý của mình.
Nếu như khi xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân sử dụng tri thức nghệ thuật thì xây dựng nhân vật ông lái đò nhà văn lại vận dụng nhiều vốn tri thức đời sống. Chính điều này đã khiến cho ngòi bút Nguyễn Tuân thuyết phục được nhiều đối tượng độc giả. Những tác phẩm văn chương của ông không chỉ đẹp về mặt ngôn từ còn có giá trị nghệ thuật rất đặc sắc mà hậu thế phải công nhận.
Mở bài : - Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò Sông Đà
- Giới thiệu hình tượng người lái đò sông Đà
- Trích dẫn ý kiến
Thân bài :
* Giải thích ý kiến :
- Ý kiến thứ nhất : Khẳng định vẻ đẹp trí dũng của người lái đò sông Đà
- Ý kiến thứ hai : Khẳng định vẻ đẹp tài hoa của người lái đò trong nghệ thuật sông nước
* Nhận xét khái quát về phong cách sáng tác của tác giả Nguyễn Tuân:
- Từ nhan đề, tác giả đã đưa hình tượng con người vào trung tâm, cốt để miêu tả con người
- Phong cách nghệ thuật vốn có của tác giả là hướng tới cái đẹp, cái hoàn mỹ. Ở đây, con người là chủ thể trữ tình và là nhân vật trung tâm, tác phẩm xoay quanh cái đẹp của con người
* Hình tượng người lái đò được xây dựng với những nét đẹp điển hình
- Người lái đò là một người anh hùng trên sông nước.
+ Vượt thạch trận sông Đà đã chứng minh sự dũng cảm, kiên cường của nhân vật: Ông nắm chắc từng luồng nước, từng con sóng, binh pháp của thần sông thần đá.
+ Ông thuộc lòng từng cửa sinh, cửa tử, từng đá hòn đá tảng, từng cái hút nước trên thạch trận.
+ Hình dung ra bộ mặt dữ tợn của nước, đá, sóng, gió, cảm nhận được thái độ giận dữ, tâm trạng cáu kỉnh của nó để rồi có những sách lược chiến thắng từng con thác, từng tảng đá. Phân tích qua về thạch trận Sông Đà để làm rõ luận điểm trên
- Người lái đò là một người nghệ sĩ.
+ Những hành động đều nhanh gọn, dứt khoát và điêu luyện. “Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép, vút, vút… Cửa ngoài rồi cửa trong cùng. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được.”
- Người lái đò là một người lao động bình dị đã cống hiến thầm lặng mà cao cả.
→ Biểu tượng cho những con người say mê với công việc, tình yêu với nghề nghiệp mà bất chấp hiểm nguy, vất vả. Nguyễn Tuân không gọi nhân vật với cái tên cụ thể, chỉ đơn giản là “ông lái đò”, tên gọi gắn liền với nghề nghiệp để khắc họa hình ảnh người lao động bình dị giống bao người khác.
Kết Bài :- Khẳng định hai ý kiến bổ sung nhau
- Khẳng định tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân nói chung và khả năng xây dựng hình tượng nhân vật điển hình của tác giả.