ai phân tích hộ 8 câu đầu tây tiên ko chép mạng dài một chút
1 câu trả lời
I, Dàn ý tham khảo
1, Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu tám câu thơ đầu bài thơ "Tây Tiến"
2, Thân bài
* Thiên nhiên và con người Tây Tiến qua nỗi nhỡ của tác giả
- Nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, địa danh
- Nội dung: Thể hiện nỗi nhơ da diết cháy bỏng của nhà thơ tới thiên nhiên và con người miền Tây.
3, Kết bài
- Đánh giá về nội dung, nghệ thuật, phong cách của tác giả
- Liên hệ mở rộng
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm
II, Bài văn tham khảo
Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài. Thơ Quang Dũng vừa hồn nhiên vừa tinh tế, mang vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng và đậm chất lãng mạn. Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt –Lào, đồng thời đánh tiêu hao lực lượng địch. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ nhưng họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đơn vị Tây Tiến, cuối năm 1948 khi rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, ông viết bài thơ “Tây Tiến”. Trong bài thơ ông đã thể hiễn nỗi nhơ da diết của mình đến thiên nhiên và con người miền Tây. Điều này được thể hiện qua tám câu thơ đầu tiên của bài.
Mở đầu bài thơ, tác giả gợi mở về những địa danh khởi nguồn cho những cuộc hành quân của người lính Tây Tiến: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”. Hình ảnh “sông Mã” có hai cách lí giải. Nó có thể là dòng sông chảy xiết như ngựa phi, nó có thể là sông mẹ bởi từ Hán Việt “mã” có nghĩa là mẹ. Nhưng dù hiểu theo cách nào nó vẫn là con sông hùng vĩ, hoang sơ, lắm thác nhiều gềnh. Thế nhưng, đối với Quang Dũng, dòng sông ấy không đơn thuần chỉ là địa danh mà nó còn là dòng sông của âm vang lịch sử, nó như ôm trọn từng bước đường, là chứng nhân cho những vui buồn của người lính Tây Tiến. Gắn với địa danh sông Mã là hai từ “xa rồi”. Cảm giác như hai thanh bằng ấy đã làm cho câu thơ trùng xuống trong sự tiếc nuối, nhớ thương. Và để rồi từ nỗi nhớ da diết ấy cất lên thành tiếng gọi tha thiết “Tây Tiến ơi”. Tây Tiến không chỉ là tên của một binh đoàn mà Tây Tiến dường như là một người đồng hành, gắn bó, thân thương trìu mến với người lính. Cùng với tiếng gọi tha thiết là cảm xúc “nhớ chơi vơi” của nhà thơ: “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. Điệp từ “nhớ” được lặp lại hai lần, đặt ở đầu hai vế của câu thơ vừa tạo tính nhạc cho lời thơ vừa diễn tả nỗi nhớ da diết, cháy bỏng về rừng núi, không gian đã từng gắn bó của nhà thơ. Cũng có rất nhiều nhà thơ viết hay về nỗi nhớ. Ta có thể bắt gặp nỗi nhớ mãnh liệt của Xuân Diệu: “Anh nhớ hình, anh nhớ ảnh, anh nhớ em/ Anh nhớ lắm, em ơi” hay nỗi nhớ nồng nàn trong mọi không gian, thời gian của Xuân Quỳnh “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Nhưng nỗi nhớ của Quang Dũng độc đáo hơn cả, nhà thơ đã sử dụng từ láy “chơi vơi” kết hợp với thanh bằng nhằm tạo cảm xúc về nỗi nhớ đặc biệt. Nỗi nhớ bảng lảng ẩn hiện giữa núi rừng, đất trời Tây Bắc. Nỗi nhớ không định hình, định lượng, nó cứ mênh mang, lan tỏa.
Hơn thế nữa, khung cảnh thiên nhiên và con người Tây Tiến còn hiện lên cụ thể trong nỗi nhớ mênh mang của nhà thơ:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Trước hết là thiên nhiên Tây Tiến hiện lên vừa khắc nghiệt, dữ dội vừa thơ mộng, huyền ảo “Sài Khao sương lấp”. Sài Khao là bản làng thân quen với con đường hành quân của người lính Tây Tiến. Địa danh ấy lại gắn liền với hình ảnh “sương lấp”. Hình ảnh ấy không phải là sự mờ ảo của không gian mà là sự khắc nghiệt của núi rừng. Khi miêu tả thiên nhiên, Quang Dũng bao giờ cũng sử dụng hai nét vẽ đối lập nhau. Vì vậy, sau cái dữ dội, khắc nghiệt lại là hình ảnh lãng mạn: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Một lần nữa, Quang Dũng lại sử dụng từ chỉ địa danh. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều địa danh trong thơ ca kháng chiến của các nhà thơ. Đó có thể là những địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc “Hồng Thái, Tân Trào, Điện Biên…” trong Việt Bắc của Tố Hữu. Nhưng Quang Dũng thì ngược lại, ông dùng những địa danh rất bình dị, thân thuộc, gắn liền với chặng đường hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến. “Mường Lát” là tên của một bản làng, gợi ra nhiều điều thơ mộng. Cạnh bên địa danh ấy là hình ảnh “hoa về”. Tại sao không nói “hoa nở” mà nói “hoa về”? Bởi lẽ “hoa nở” là sự chuyển động một cách sinh học còn “hoa về” lại có nhiều cách hiểu. Nó có thể là những bông hoa của núi rừng, hay là hình ảnh cô gái địa phương nào đó, nó cũng có tể là hình ảnh của những người lính trở về sau cuộc hành quân với bó đuốc trong tay. Nhưng dù hiểu theo cách nào, “hoa về” đều là một hình ảnh thơ rất đẹp và lãng mạn. Đọng lại trong câu thơ thứ hai là hình ảnh “đêm hơi”. Khác với “sương lấp” ở câu thơ trên, “đêm hơi” vừa gợi ra sự hư ảo, bảng lảng, nhẹ nhàng, mơ hồ vừa gợi ra vẻ đẹp lãng mạn.
Hình ảnh người lính Tây Tiến tập trung thể hiện trong hình ảnh “đoàn quân mỏi”. Chỉ một chữ “mỏi” đã phản ánh cả một hiện thực gian khổ của cuộc sống chiến đấu mà người lính hằng ngày phải vượt qua. Nhưng ẩn đằng sau sự mệt mỏi ấy, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế, lãng mạn của người lính trẻ qua hình ảnh “hoa về trong đêm hơi”.
Bức tranh thiên nhiên miền Tây hiện lên đặc sắc qua những nét vẽ tài hoa của Quang Dũng. Trước hết đó là vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ được thể hiện rõ nét qua ba câu thơ đầu:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”
Đoạn thơ mở đầu bằng một câu thơ đậm chất hội họa “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Một câu thơ mà có đến hai từ “dốc” lại đặt ở đầu hai vế câu thơ khiến cho người ta cảm nhận được một không gian trùng điệp, gối thúc, nối tiếp lên nhau tưởng như bất tận. Còn từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” lại tựa như một nét chạm khắc tài hoa giàu giá trị tạo hình. Qua đó gợi mở ra không gian núi rừng với tất cả sự gập ghềnh, hiểm trở, cheo leo, ngút ngàn. Đặc biệt hơn nữa, câu thơ bẩy chữ mà có đến 5 thanh trắc vừa gợi ra không gian hùng vĩ, dữ dội của núi rừng Tây Bắc vừa giúp người đọc cảm nhận được hơi thở nhọc nhằn đầy gấp gáp của người lính trên chặng đường hành quân. Ý thơ của Quang Dũng gợi nhắc đến cho chúng ta câu thơ của Tản Đà: “Tài cao phận thấp chí khí uất”. Nếu câu thơ của Tản Đà thiên nhiều về cảm xúc thì câu thơ của Quang Dũng thiên nhiều về chất tạo hình.
Câu thơ tiếp theo tiếp tục được vẽ bằng một nét đầy khỏe khoắn “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Với việc sử dụng từ láy “heo hút” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ vừa tiếp tục lột tả được địa hình hùng vĩ hiểm trở vừa gợi thêm cái nét hoang vắng tĩnh mịch thâm u của núi cao vực sâu. Đặc biệt trong câu thơ là hình ảnh lãng mạn giàu chất thơ “súng ngửi trời”. Hình ảnh nhân hóa ấy vừa gợi tả được không gian cheo leo, chênh vênh, ngút ngàn đồng thời cũng gợi ra được cái tư thế chạm đến trời xanh của người lính, thể hiện một cách nói đầy tếu táo của người lính. Ý thơ của Quang Dũng gần với câu thơ “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu. Cả hai câu thơ đều là hình ảnh đẹp và được hai nhà thơ viết bởi bút pháp lãng mạn. Nhưng câu thơ của Quang Dũng nghiêng về khắc họa nét đặc sắc đậm chất tạo hình của không gian núi rừng.
Khép lại vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của bức tranh thiên nhiên miền Tây là câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Với việc sử dụng nghệ thuật đối lập kết hợp cùng cách ngắt nhịp 4/3 làm cho câu thơ như bị bẻ đôi tạo thành hai vế tiểu đối cân xứng hài hòa. Vì thế mà không gian núi rừng như bị gập gãy bởi hai phần lên xuống: lên cao thì cao đến vời vợi, mà khi hạ xuống thì xuống đến thăm thẳm. Từ ý thơ của Quang Dũng làm chúng ta nhớ đến ý thơ đậm chất Đường thi của Lý Bạch:
“Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dài ngân hà tuột khỏi mây”
Cả hai ý thơ đều đi vào đặc tả được cái cao, cái sâu, cái hùng vĩ bất tận của trời đất, sông nước.
Bức tranh thiên nhiên miền Tây còn hiện lên thơ mộng, trữ tình qua nét vẽ của Quang Dũng:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Câu thơ toàn thanh bằng kết hợp bởi những âm tiết mở vừa gợi mở ra không gian núi rừng mênh mông, rộng lớn, bất tận vừa giúp người đọc cảm nhận được sự bình yên, thư thái và tươi mới của tâm hồn người lính sau một chặng đường hành quân gian khổ. Hơn nữa, đại từ phiếm chỉ “nhà ai” đặt ở đầu câu thơ vừa như một câu hỏi nghi vấn vừa gợi cảm xúc xốn xang, sự chạnh lòng nhớ về quê nhà của những người lính trẻ. Đọng lại trong lòng người đọc là hai hình ảnh thơ rất đẹp “nhà ai” và “mưa xa khơi”. Hai hình ảnh này vừa dung dị đời thường vừa rất đặc trưng cho núi rừng muền Tây vừa gợi ra một cái gì đó rất bình yên , sự êm ấm với những ngôi nhà nhỏ nép mình bên những sườn đồi, sườn núi. Vừa lại gợi cho ta không gian thơ mộng, hư ảo. Với hai nét vẽ đối lập, Quang Dũng đã tạo nên khung cảnh miền Tây vừa hùng vĩ dữ dội vừa thơ mộng lãng mạn. Ẩn đằng sau bức tranh ấy chính là hình tượng người lính Tây Tiến.
Cảm ơn Quang Dũng đã đưa đến một bài thơ tuyệt diệu về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Phải là một người am hiểu tường tận thiên nhiên và con người nơi đây thì tác giả mời có thể viết được một bài thơ hay đến từng ngôn từ này!