Ai giúp em vào vai bé Thu và tả lại câu chuyện Chiếc lược ngà có sử dụng yếu tố miêu tả nội tầm với ạ không copy mạng nha mọi ngườiAi giúp em vào vai bé Thu và tả lại câu chuyện Chiếc lược ngà có sử dụng yếu tố miêu tả nội tầm với ạ không copy mạng nha mọi người

1 câu trả lời

Trong những năm chống Mĩ, công việc giao liên, đưa đón cán bộ đã đem lại cho tôi nhiều cuộc gặp gỡ lạ kì. Một lần đưa cán bộ qua vùng giặc chiếm, tôi đã gặp bác Ba, một người bạn chiến đấu của ba tôi thuở nào. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với bác đã giúp tôi nhận được kỉ vật mà người cha anh dũng của tôi gửi gắm lại cho tôi với biết bao tình yêu thương: chiếc lược ngà. Cầm chiếc lược trên tay, biết bao kỉ niệm bỗng chốc ùa về.

Những ngày đầu kháng chiến, ba tôi theo các chú, các bác vào chiến khu. Lúc ấy tôi còn nhỏ dại. Sau này, mẹ thường hay kể lúc ba đi, tôi chưa biết nói, chỉ đứng ngoắc tay với ba mà thôi. Từ đó cho đến lúc lớn lên, kí ức về ba trong tôi không gì khác hơn là khuôn mặt một người đàn ông rắn rỏi, nhưng hiền hậu trong bức ảnh cưới chụp với má tôi ngày còn trẻ. Thỉnh thoảng, má hay chỉ vào tấm hình và nói: “Đừng lạ ba nghen con, chừng ít lâu nữa ba về”. Nghe lời mẹ, tôi ghi nhớ khuôn mặt ba vào đầu, và cứ mỗi chiều có ghe lạ vào xóm, tôi lại ngóng xem đó có phải ghe ba hay không.

Cho đến một ngày, mẹ nói chiều ba con được về, ra đón ba với mẹ. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp xen lẫn vui sướng khi nhón chân trông thuyền vào bến, và tôi cũng không thể nào quên được sự thất vọng pha chút sợ hãi khi người trên thuyền bước xuống không giống như trong hình. Người này già hơn, đen đúa hơn, và nhất là, có một vết sẹo gớm ghiếc trên mặt. Không, ba tôi không như thế, ba tôi trong hình đẹp hơn, hiền hơn. Tôi hét lên, rồi ù té chạy về nhà ngoại, mặc cho phía sau, tôi nghe tiếng người đàn ông đó lo lắng gọi với theo: “Thu, Thu, ba đây mà con”.

Những ngày tiếp theo, tôi vẫn giữ thái độ cứng đầu đó với ba, mặc cho má tôi hết lời khuyên can. Tôi nhất quyết không gọi một tiếng “ba” nào, mà chỉ nói trổng, mời trổng. Làm sao có thể gọi tiếng ba thiêng liêng với một người mà tôi không quen biết, không giống với kí ức mà tôi lưu giữ. Ngay cả lúc bí bách, như nhắc nồi cơm sôi, tôi cũng tự làm lấy. Má giận lắm, còn ba thì chỉ cười buồn. Chiều tối hôm trước khi hết hạn nghỉ phép, tôi thấy mâm cơm có vẻ buồn. Ba má lặng lẽ nhìn nhau, chẳng ai nói tiếng nào. Bỗng, ba gắp cho tôi một cái trứng cá vàng ươm. Tôi lạnh lùng, hất văng cái trứng cá đó ra mâm cơm. Tôi không cần sự quan tâm của người đàn ông đó, ông ấy không phải ba tôi. Rồi như đã chịu đựng hết nổi, ông ấy đánh tôi một cái rất đau. Tôi không khóc, tôi cũng không hiểu tại sao lại có thể làm ra vẻ cứng rắn như thế, tôi thản nhiên ra sau nhà, mở dây buộc xuồng khua rổn rảng, rồi chèo sang nhà ngoại.

Sang đến nhà ngoại, tôi mới òa khóc, kể cho ngoại nghe. Đêm ấy, ngoại kể cho tôi nghe vì sao ba không giống trong hình. Thì ra ba tôi đi kháng chiến, bị thương trong một trận công đồn Tây, nên gương mặt mới có vết sẹo. Hóa ra, vết sẹo ấy lại là chứng tích cho một chiến công trong kháng chiến. Vậy mà tôi lại coi đó là vết sẹo gớm ghiếc để chối bỏ người cha anh hùng của mình. Đêm đó tôi thức rất lâu mới ngủ được.

Đến sáng, tôi vội vã trở về nhà, vừa đúng lúc ba tôi lên đường cùng bác Ba. Tôi chạy lại, đứng im lặng hồi lâu, rồi tôi gọi thật to: “Ba!”. Ba tôi bất ngờ, đứng sững lại, rồi chạy đến ôm tôi thật chặt, hứa: “Con ở nhà, hết chiến tranh rồi ba về với con”. Lúc ấy, tôi như cảm nhận được sự ấm áp của tình cha con, và cả hơi ấm của những giọt nước mắt xúc động mà ba tôi cố giấu không cho tôi thấy.

Tôi vẫn bám chặt cổ ba, không cho ba đi. Ba nhẹ nhàng nói với tôi: “Đất nước thống nhất, ba sẽ về, ba đi nghen con!”. Má tôi gỡ tay tôi ra, nói để ba đi cho kịp giờ. Tôi lấy tay quệt nước mắt, nói vội: “Ba về mang cho con cây lược nghen ba!”. Ba tôi gật đầu cười trong nghẹn ngào. Rồi ba lên đường. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ba.

Giờ đây, khi cầm chiếc lược ngà kỉ vật của ba gửi lại, tôi thấy bồi hồi xúc động khôn xiết. Đã có thời gian dài tôi hối hận vì không chịu nhận ba sớm hơn, để ba phải buồn, để lần gặp cuối cùng lại chỉ vụt qua trong thoáng chốc. Rồi tôi tự nhủ, phải biết quý trọng những giây phút bên cạnh những người thân yêu của mình, để không bao giờ phải hối tiếc. Ba tôi đã hi sinh, nhưng những kí ức về ba sẽ sống mãi trong lòng tôi, sống mãi trong hình ảnh của chiếc lược ngà.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu : “Không chỉ học ở trường lớp, chúng ta còn có thể học hỏi từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống, dưới nhiều hình thức. Học là việc cả đời, chẳng bao giờ kết thúc, ngay cả khi bạn đã đạt được nhiều bằng cấp. Đối với một số người, việc học kéo dài liên tục và suốt đời, không hề có một giới hạn nào cho sự học hỏi. Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng. Nhà văn Conrad Squies luôn tâm niệm: “Học hỏi giống như sự hình thành các cơ bắp trong lĩnh vực kiến thức, tạo nền tảng cho sự thông thái, khôn ngoan”. Và dĩ nhiên, để thành công trong cuộc sống, để sống bình an trong một thế giới đầy biến động như hiện nay thì bạn cần phải trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm sống, để nâng cao những kỹ năng làm việc của bản thân mình.” (Theo Cho đi là còn mãi – Azim Jamal & Harvey McKinnon, biên dịch : Huế Phương, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, tr. 67) Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Xác định biện pháp tu từ so sánh trong đoạn trích. Câu 3. Em có đồng tình với quan niệm của tác giả :“Học là việc cả đời, chẳng bao giờ kết thúc, ngay cả khi bạn đã đạt được nhiều bằng cấp.” ? Vì sao? Câu 4. Em hiểu thế nào về ý kiến : “Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng.”

3 lượt xem
2 đáp án
17 giờ trước