II. NHỮNG BIẾN CHUYỂN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM
1. Các vùng nông thôn
- Giai cấp địa chủ phong kiến đã đầu hàng và trở thành chỗ dựa, tay sai cho thực dân Pháp. Tuy nhiên, có một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước.
- Giai cấp nông dân, số lượng đông đảo, bị áp bức bóc lột nặng nề nhất, họ sẵn sàng hưởng ứng, tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Một bộ phận nhỏ mất ruộng đất phải vào làm việc trong các hầm mỏ, đồn điền.
2. Đô thị phát triển, sự xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới.
- Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, đô thị Việt Nam ra đời và phát triển ngày càng nhiều: Hà Nội, hải Phòng, Sài Gòn – Chợ Lớn còn có Nam Định, Hòn Gai, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Biên Hòa, …
- Tầng lớp tư sản đã xuất hiện, có nguồn gốc từ các nhà thầu khoán, chủ xí nghiệp, xưởng thủ công, chủ hãng buôn... bị chính quyền thực dân kìm hãm, tư bản Pháp chèn ép.
- Tiểu tư sản thành thị cũng là tầng lớp mới xuất hiện, bao gồm chủ các xưởng thủ công nhỏ, cơ sở buôn bán nhỏ, viên chức cấp thấp và những người làm nghề tự do. Họ có trình độ học vấn, nhạy bén với thời cuộc, …. nên sớm giác ngộ và tích cực tham gia các phong trào cứu nước.
- Giai cấp công nhân phần lớn xuất thân từ nông dân, làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, …. lương thấp nên đời sống khổ cực. Đây là giai cấp có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống đế quốc, phong kiến.
3. Xu hướng mới trong cuộc vận động giải phóng dân tộc
- Các tư tưởng dân chủ tư sản ở châu Âu được truyền bá vào nước ta qua sách báo Trung Quốc. Nhật Bản đi theo con đường tư bản chủ nghĩa và trở nên giàu mạnh kích thích nhiều nhà yêu nước muốn noi theo con đường cứu nước của Nhật Bản.
- Những tri thức Nho học tiến bộ đã lao vào cuộc vận động cứu nước theo con đường dân chủ tư sản với tất cả nhiệt tình tuổi trẻ.