Câu 1
Câu chuyện trong Một chuyện đùa nho nhỏ được kể bằng lời người kể chuyện ngôi thứ mấy? Người kể chuyện là nhân vật phụ chứng kiến, người được nghe kể lại hay nhân vật tham gia hành động chính?
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Dựa vào cách xưng hô và quá trình kể chuyện để chỉ ra ngôi kể và nhân vật của người kể chuyện.
Lời giải chi tiết:
- Người kể chuyện kể bằng ngôi thứ nhất, xưng “tôi”.
- Người kể chuyện là nhân vật tham gia hành động chính, là nhân vật “tôi” trong câu chuyện.
Câu 2
Dựa vào sự thay đổi thời gian, địa điểm, thành phần nhân vật trong mạch truyện kể, có thể xác định truyện ngắn gồm mấy phần? Tóm lược nội dung từng phần.
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Dựa vào sự thay đổi thời gian, địa điểm, thành phần nhân vật trong mạch truyện kể, có thể xác định bố cục của tác phẩm và nêu nội dung của từng phần.
Lời giải chi tiết:
Truyện ngắn gồm 5 phần:
- Phần một: từ đầu đến “…chăm chú nhìn chiếc găng tay của mình”: lần đầu tiên trượt tuyết và khởi đầu của trò đùa câu nói “Na-đi-a, tôi yêu em!” của nhân vật “tôi”.
- Phần hai: tiếp theo đến “…sợ hãi như những lần trước”: lần thứ hai trượt tuyết và sự thắc mắc, tò mò ai là người nói câu đó với Na-đi-a.
- Phần ba: tiếp theo đến “…cốt sao say là được”: những lần trượt tuyết tiếp theo của hai nhân vật và sự say mê câu nói ngọt ngào ấy của Na-đi-a.
- Phần bốn: tiếp theo đến “…trở vào nhà xếp đồ đạc”: lần trượt tuyết một mình của Na-đi-a và tâm trạng của hai nhân vật khi trò đùa kết thúc bởi câu nói “tôi yêu em” cuối cùng.
- Phần cuối: còn lại: tâm trạng của nhân vật “tôi” khi kể về cuộc sống hiện tại của Na-đi-a và của mình.
Câu 3
Căn cứ vào những gì được biểu hiện trong lời tả và kể của nhân vật “tôi” về lần trượt tuyết đầu tiên, hãy đoán định tình cảm thực sự của nhân vật với Na-đi-a.
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Căn cứ vào những gì được biểu hiện trong lời tả và kể của nhân vật “tôi” về lần trượt tuyết đầu tiên để chỉ ra tình cảm thật sự của hai nhân vật.
Lời giải chi tiết:
Tìm cảm thật sự của nhân vật “tôi” với Na-đi-a có thể là thứ tình cảm thầm mến, yêu quý. Nhân vật “tôi” quý mến Na-đi-a và có lẽ để thử lòng nàng mà anh chàng đã bày ra trò đùa với câu nói “Na-đi-a, tôi yêu em!” đó.
Câu 4
Sau lần trượt tuyết đầu tiên, từ khi nảy sinh ý đùa với Na-đi-a, những hành động, cử chỉ, lời nói nào của nhân vật “tôi” cho thấy anh không còn khả năng đồng cảm với Na-đi-a nữa? Vì sao có thể nói nhân vật “tôi” cũng chính là người mất mát sau “một chuyện đùa nho nhỏ” của mình?
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý những chi tiết viết về hai nhân vật sau lần trượt tuyết đầu tiên để chỉ ra những hành động, lời nói cho thấy nhân vật “tôi” không còn đồng cảm với Na-đi-a nữa.
- Từ đó giải thích vì sao nhân vật “tôi” cũng là người mất mát sau trò đùa của mình.
Lời giải chi tiết:
- Những hành động, cử chỉ, lời nói cho thấy nhân vật “tôi” không còn khả năng đồng cảm với Na-đi-a nữa là:
+ Hành động thờ ơ đứng nhìn Na-đi-a tự leo lên những bậc thang và trượt tuyết một mình trong nỗi sợ hãi.
+ Những cử chỉ xa cách, đứng nhìn nàng từ xa và lời nói thì lãnh đạm, không còn sự nồng nhiệt, đắm say như xưa nữa.
- Nhân vật “tôi” cũng là người mất mát sau trò đùa của mình vì tuy anh bày ra trò đùa nhưng nó lại không mang đến kết quả tốt đẹp gì. Na-đi-a vẫn không biết ai là người nói câu nói ấy và anh vẫn chưa thật sự bày tỏ tấm lòng mình với nàng để rồi phải đi xa trong sự u sầu.
Câu 5
Câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!” có ý nghĩa thế nào với Na-đi-a? Vì sao bất chấp nỗi sợ, cô quyết định ngồi vào xe trượt xuống “một mình” để “thử xem có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không”?
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý tâm trạng của Na-đi-a mỗi khi nghe câu nói ấy để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!” có ý nghĩa quan trọng với Na-đi-a, câu nói có sự mê hoặc to lớn khiến nàng say đắm đến nỗi không thể sống thiếu nó được, nàng thường xuyên đi trượt tuyết chỉ để có thể nghe câu nói ấy.
- Na-đi-a bất chấp nỗi sợ, quyết định ngồi vào xe trượt xuống “một mình” để “thử xem có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không” vì nàng muốn tìm kiếm câu trả lời rằng liệu gió có phải là người nói câu ấy với mình không hay nhân vật “tôi” mới là chủ nhân câu nói.
Câu 6
Cảnh chia tay của hai nhân vật lúc xuân sang gợi lên cho bạn những cảm nghĩ gì về các nhân vật và cuộc đời? Nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, bạn ứng xử ra sao?
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý đoạn văn viết về sự chia tay của hai nhân vật lúc xuân sang để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Cảnh chia tay của hai nhân vật lúc xuân sang gợi lên một suy nghĩ sâu sắc về các nhân vật và cuộc đời. Mỗi nhân vật rồi sẽ có lúc phải chia xa nhau, cuộc đời dù muốn hay không vẫn sẽ có những cuộc chia ly khiến ta thấy đau buồn.
- Nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, có lẽ tôi sẽ tiến đến và nói lời chia tay với Na-đi-a, thú nhận về tình cảm cũng như trò đùa với nàng, trải lòng để biểu đạt tâm trạng của mình.
Câu 7
Trong phần kết, khi kể về tình trạng cuộc sống của Na-đi-a và của mình nhiều năm sau, người kể chuyện có tâm trạng thế nào? Hãy nêu nhận xét về cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn.
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Đọc kĩ phần kết kể về tình trạng cuộc sống của Na-đi-a và của nhân vật “tôi” để nêu tâm trạng của người kể chuyện.
- Nhận xét về cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn.
Lời giải chi tiết:
- Trong phần kết, khi kể về tình trạng cuộc sống của Na-đi-a và của mình nhiều năm sau, người kể chuyện có tâm trạng phức tạp, một sự băn khoăn và hơi chút hoài niệm. Nhiều năm sau, Na-đi-a đã có hạnh phúc của riêng mình và câu nói ấy đã trở thành một kỉ niệm đẹp với nàng, còn nhân vật “tôi” vẫn chưa hiểu được lý do bản thân bày ra trò đùa đó.
- Cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn là cảm hứng yêu thương, nhớ lại những sự việc trong quá khứ nay đã trở thành một kỉ niệm. Truyện ngắn lấy cảm hứng từ một kỉ niệm của tác giả, gợi nhớ lại trò đùa về câu nói “tôi yêu em” như một cách gửi gắm tình cảm của mình đến người con gái ấy.
Kết nối đọc - viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích hình ảnh “hàng rào” trong truyện ngắn Một truyện đùa nho nhỏ.
Phương pháp giải:
- Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Đọc kĩ đoạn văn viết về chi tiết hình ảnh “hàng rào” để viết đoạn văn phân tích.
Lời giải chi tiết:
An-tôn Sê-khốp là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga, những tác phẩm truyện ngắn của ông là những “truyện không có chuyện” và truyện ngắn Một chuyện đùa nho nhỏ cũng vậy, là một câu chuyện kể về một trò đùa của tác giả với câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!” như một cách để tác giả bày tỏ tình cảm của mình đến nàng Na-đi-a. Hình ảnh “hàng rào” trong câu chuyện là một mấu chốt quan trọng, là một hình ảnh biểu tượng ngăn cách tâm hồn hai nhân vật. Sau khi bày ra trò đùa nói câu “Na-đa-a, anh yêu em!” mỗi khi đi trượt tuyết, nhân vật “tôi” trước khi phải đi Pê-téc-bua đã đứng nhìn Na-đi-a qua khe hở của hàng rào cao có đinh nhọn, anh chàng đã bày ra trò đùa nho nhỏ ấy như một cách để anh bày tỏ tình cảm của mình đến nàng Na-đi-a, câu nói theo gió bay đến với nàng Na-đi-a thế nhưng chính nhân vật “tôi” cũng bị thiệt thòi bởi trò đùa đó. Hình ảnh “hàng rào” ngăn cách khu vườn nhà nhân vật “tôi” với sân nhà nơi Na-đi-a đang đứng nhìn trời với tâm trạng u sầu như một hình ảnh ẩn dụ về bức tường ngăn cách hai nhân vật. Hai con người, hai tâm hồn dù ở cùng một không gian địa lý nhưng lại không chạm được đến nhau, bị ngăn cách bởi một hàng rào mỏng manh. Cũng qua hàng rào ấy mà nhân vật “tôi” đã nhờ gió gửi đến nàng Na-đi-a câu nói “anh yêu em” như một câu nói chào tạm biệt nàng vậy. Người đọc có thể cảm nhận được khi nhân vật “tôi” đứng nhìn Na-đi-a qua hàng rào đã có một tâm trạng đau buồn, khiến ta thấy thương cảm cho số phận hai nhân vật ấy. Hình ảnh “hàng rào” tuy chỉ là một chi tiết nhỏ bé nhưng nó có ý nghĩa rất lớn trong câu chuyện như một mắt xích để người đọc thấy được sự chuyển biến tâm trạng của hai nhân vật sau trò đùa ấy.