Tác giả
- Nguyễn Tuân (10/07/1910 - 28/07/1987), ông sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
- Ông trưởng thành trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.
- Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay, tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định ngày nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929).
- Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì đi qua biên giới tới Thái Lan mà không có giấy phép.
- Sau khi ra tù, ông bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình.
- Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi...
- Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa và gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị.
- Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới.
- Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.
- Năm 1996, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
- Vang bóng một thời (1940), Tùy bút sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), ...
b. Phong cách nghệ thuật
- Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.
- Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông":
+ Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mỹ thuật.
+ Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời.
- Ông chủ trương chủ nghĩa xê dịch không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên ông đi suốt chiều dài đất nước để tìm những điều mới mẻ,độc đáo.
Tác phẩm
Chữ người tử tù
1. Tóm tắt
Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nên bị kết án tử hình. Trước khi chịu án chém, ông bị đưa đến giam tại một nhà tù. Khi trát gửi đến nhà tù, biết trong danh sách có ông Huấn Cao, người nổi tiếng viết chữ đẹp, viên quản ngục đã cho thầy thơ lại bảo người quét dọn phòng giam nơi Huấn Cao và những người tử tù sẽ ở. Trong những ngày Huấn Cao ở tù, viên quản ngục đã biệt đãi ông và những người đồng chí của ông. Sở nguyện của viên quản ngục là xin được chữ viết của Huấn Cao. Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ý khinh miệt viên quản ngục, nhưng khi hiểu được tấm lòng viên quản ngục, ông đã quyết định cho chữ vào cái đêm trước khi ông bị xử chém. Trong đêm cho chữ, ông Huấn Cao tay viết như rồng bay phượng múa trên tấm lụa bạch còn viên quán ngục và thầy thơ lại thì khúm núm đứng bên cạnh. Sau khi cho chữ, ông Huấn Cao khuyên viên quản ngục về quê để giữ cho "thiên lương" trong sáng. Viên quản ngục nghe lời khuyên của ông Huấn Cao một cách kính cẩn "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
2. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ
- Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn sau được tuyển in trong tập Vang bóng một thời
- Vang bóng một thời in lần đầu năm 1940 gồm 11 truyện ngắn kết tinh tài năng tâm huyết của nhà văn, là văn phẩm đạt đến sự toàn thiện toàn mỹ.
b. Bố cục
4 phần:
- Phần 1: cuộc trò chuyện giữa viên quản ngục và thầy thơ lại về Huấn Cao cùng tâm trạng lo lắng của viên quản ngục
- Phần 2: cuộc nhận tù nhân và sự đối xử đặc biệt của viên quản ngục dành cho Huấn Cao cùng tấm lòng ngưỡng mộ của viên quản ngục với Huấn Cao.
- Phần 3 (còn lại): Cảnh cho chữ
3. Tìm hiểu chi tiết
a. Nghệ thuật thư pháp
- Có truyền thống lâu đời ở phương Đông
- Ở Việt Nam, thời phong kiến thư pháp khá phát triển
- Là nét đẹp trong truyền thống văn hóa người Việt thể hiện tài hoa, tâm hồn, nết người, bản lĩnh,... của người viết
- Người chơi chữ phải có trình độ văn hóa và khiếu thẩm mỹ, biết thưởng thức cái đẹp của chữ, cái sâu của nghĩa
b. Tình huống truyện đặc biệt
- Huấn Cao - một tử tù chờ ngày ra pháp trường và viên quản ngục tình cờ gặp nhau, hiểu lầm nhau và rồi trở thành tri âm tri kỉ trong một hoàn cảnh đặc biệt: nhà lao tỉnh Sơn nơi quản ngục làm việc
- Chính tình huống đặc biệt độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục đồng thời thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm: ca ngợi cái đẹp, cái thiện có thể chiến thắng cái xấu cái ác ngay ở trong nơi bóng tối bao trùm, cái ác ngự trị.
- Bút pháp lãng mạn, lí tưởng hóa được sử dụng thành công
c. Vẻ đẹp các nhân vật
c1. Hình tượng nhân vật Huấn Cao
♦ Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa:
- Là người có tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp. Hơn thế mỗi con chữ của Huấn Cao còn chứa đựng khát vọng, hoài bão tung hoành cả đời người
- Có được chữ ông Huấn là có được báu vật ở đời
⇒ Ca ngợi nét tài hoa của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình: kính trọng những con người tài hoa tài tử, trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc
♦ Khí phách hiên ngang:
- Thể hiện rõ nét qua các hành động: dỗ gông, thảm nhiên nhận rượu thịt
- Trong mọi hoàn cảnh khí phách hiên ngang ấy vẫn không thay đổi
♦ Thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả:
- Quan niệm cho chữ: trừ chỗ tri kỉ ngoài ra không vì vàng bạc châu báu mà cho chữ
- Đối với quản ngục:
+ Khi chưa hiểu tấm lòng quản ngục Huấn Cao cho hắn là kẻ tiểu nhân tỏ ra khinh biệt
+ Khi nhận ra tấm lòng quản ngục Huấn Cao không những cho chữ mà còn coi quản ngục là tri âm tri kỉ
⇒ Huấn Cao là hình tượng có vẻ đẹp uy nghi giữa tài và tâm của người nghệ sĩ, của bậc anh hùng tuy thất thế nhưng vẫn hiên ngang lẫn liệt
c2. Hình tượng nhân vật quản ngục
- Một tấm lòng biệt nhỡn liên tài
- Có sở thích cao quý chơi chữ
d. Cảnh cho chữ: Cảnh tượng xưa nay chưa từng có
- Không gian: ngục tối ẩm ướt, bẩn thỉu
- Thời gian: đêm khuya
- Dấu hiệu:
+ Người cho chữ là tử tù, người xin chữ là quản ngục
+ Người cho chữ mất tự do cổ đeo gông chân vướng xiềng trong khi quản ngục- người xin chữ khúm núm bị động
+ Tử tù lại là người khuyên quản ngục
- Sự hoán đổi ngôi vị:
+ Ý nghĩa lời khuyên của Huấn Cao: cái đẹp có thể sản sinh ở nơi đất chết, nơi tội ác ngự trị nhưng không thể sống chung với cái xấu cái ác. Người ta chỉ xứng đáng được thưởng thức cái đẹp khi giữ được thiên lương
+ Tác dụng: cảm hóa con người
⇒ Điều lạ lùng ở đây không chỉ là thú chơi chữ tao nhã, thanh cao được thể hiện ở nơi tối tăm bẩn thỉu, người trổ tài là kẻ tử tù mà đặc biệt hơn là trong chốn lao tù tối tăm ấy cảnh cho chữ là sự thăng hoa của cái tài, cái đẹp, người tử tù sắp chết lại cảm hóa được người coi tù. Chính những điều này đã tạo nên hào quang rực rỡ, bất tử cho hình tượng Huấn Cao.
e. Giá trị nội dung
- Qua truyện ngắn Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao - một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang bất khuất. Qua đó nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước
f. Giá trị nghệ thuật
- Tác phẩm thể hiện tài năng độc đáo của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo; trong nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật, tạo không khí cổ kính, trang trọng; trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình.
- Xây dựng hình tượng nhân vật qua tình huống truyện éo le, oái oăm đầy kịch tính
- Khai thác triệt để bút pháp lãng mạn, nghệ thuật tương phản để lí tưởng hóa vẻ đẹp nhân vật đến mức phi thường
- Ngôn từ cổ kính trang trọng giàu chất tạo hình, gợi cảm