Viết một bài văn đóng vai người lính trong bài thơ "Đồng Chí" của Chính Hữu thành một câu chuyện kể (càng dài càng tốt)
2 câu trả lời
Ngồi trên chiếc ghế đá mát lạnh tôi ngước nhìn khung trời màu xanh biếc, vô tận mà tôi nhớ đến ngày xưa. Những ngày tháng tôi cùng đồng đội ở chiến khu, nơi biên cương, cửa ải chuẩn bị ra trận. Tôi hớp một ngụm chè xanh có hương vị đăng đắng đặc trưng quen thuộc, rồi xoay đầu qua nhìn ông bạn Tâm cũng đang chăm chú nhìn phương xa. Tôi bảo: “Mới đây nhanh quá ông nhỉ, thoắt đã hơn chục năm rồi.”, ông ấy mỉm cười nói: “Ừ, đúng thế". Và cả hai cùng ngồi thẫn ra, đều mang vẻ vui buồn lẫn lộn…
Những năm 1946, thực dân Pháp lại một lần nữa xâm chiếm đất nước, cùng với một quy mô hùng hậu và nhiều loạt vũ khí tối tân thời bấy giờ. Lúc ấy tôi chỉ vừa tròn hai mươi tuổi nhưng vì độc lập đất nước, tôi đã gia nhập đội ngũ bằng cả trái tim của mình dù biết phải xa gia đình để đến chiến khu. Tuy ở chiến khu rất gian nan và khó khăn nhưng ở đấy tôi không hề cô đơn. Vì tôi đã có thêm rất nhiều người anh em, có cùng chí hướng với tôi là giành lại tự do cho đất nước, cho nhân dân và tôi gọi họ là những “đồng chí”. Trong đó có ông bạn vẫn luôn gắn bó với tôi đến bây giờ.
Lúc đầu tôi chưa quen lắm, nhưng dần dần chúng tôi trở nên thân thiết nhiều hơn như bằng hữu lâu năm. Mỗi tối bọn chúng thường ngồi tụ lại với nhau rồi kể chuyện của mình cho những người còn lại nghe. Bỗng có một anh lớn hơn tôi tầm hai, ba tuổi hỏi: “Quê chú ở đâu ra sao?” tôi trả lời: “ Em ở một ngôi làng nghèo đất cày lên sỏi đá luôn đó anh.” Nói đến đây tôi chợt nhớ đến ba mẹ chốn quê nhà, không biết mẹ có còn đau chân hay không, ba có đỡ bệnh chưa. Rồi anh ấy lại nói: “Quê hương anh cũng nghèo lắm, nước thì mặn, đồng thì chua. Khổ lắm chú ạ, lúa nó cứ chết hoài.”. Mọi người say sưa ngồi cười cười, nói nói suốt đêm mà không ai hay biết gì hết, cho đến tận trời tờ mờ sáng.
Tôi nhớ những ngày còn ở chiến khu, túp lều của chúng tôi được dựng ở những cánh rừng núi hoang vu nên đêm xuống sương ẩm che phủ khắp mọi nơi. Chúng tôi đã cố gắng san sẻ chăn cho nhau để giữ ấm rồi trở thành những đôi tri kỷ. Nhưng cho dù chúng tôi có chăn đi nữa thì nó vẫn không đủ ấm và có một số người bị bệnh rất nặng. Vì là rừng nên muỗi cũng nhiều đặc biệt là loại muỗi truyền bệnh sốt rét. Bộ đội đã bỏ xác không ít người chỉ do loại bệnh chết người này, đội ngũ dần ít đi. Điều đó khiến những người còn lại trong đó có tôi vô cùng hoảng loạn nếu tình hình này vẫn cứ tiếp tục…
Nhưng chúng tôi, những người yêu quê hương, tổ quốc sẽ không bao giờ gục ngã bởi bất kỳ trở ngại nào. Vì nền độc lập đất nước, không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đã bỏ qua sự ích kỷ của riêng mình, nỗi sợ hãi cá nhân để xung phong lên đường cứu nước. Nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người nhớ luôn đến người thân ơi quê nhà, lo lắng nhà cửa bây giờ có bình yên hay không. Tất cả chúng tôi bỏ lại sau lưng những nỗi nhớ da diết vì đại cuộc, cho dù phải hy sinh.
Trên con đường hành quân, mọi người chúng tôi phải leo lên từng con dốc, băng qua từng dòng suối siết chảy. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, từ ngày này qua ngày kia không kể bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Mặc cho thời tiết có như thế nào, dù nắng hay mưa, chúng tôi vẫn luôn vượt qua. Đi đến nỗi quần áo của mọi người cũng bạc màu và rách đi vài chỗ. Không chỉ thế, chân chúng tôi cũng đã chai sần vì đi quá nhiều vả lại chúng tôi chẳng có một đôi giày chắc chắn để mang. Tuy thế chúng tôi không màng đến. Đôi lúc khi trời rét lạnh nhưng bên trong chúng tôi vẫn hừng hực lửa, quyết tâm chống chọi lại với sự ghẻ lạnh của thiên nhiên và mỉm cười cùng đồng đội, cùng nắm tay đi qua hết đoạn đường đầy chông gai này.
Ban đêm, khu rừng ngập tràn sương muối lạnh buốt cả hai tay. Xung quanh tối mù mịt, những tán cây cũng trở nên tối đen, chỉ còn ánh trăng óng ánh màu bạc tỏa chiếu khắp nơi. Chúng tôi núp dưới bụi cây to, vai vác trên mình những cây súng thô sơ chờ địch đến rồi chớp lấy thời cơ mà xông lên. Đó là một trận quyết liệt giữa quân dân Việt Nam và bọn thực dân hung ác.
Giờ đây chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi cũng đã lớn tuổi nhưng kỷ niệm thời niên thiếu về những lần xông pha trên chiến trường sẽ không bao giờ xóa nhòa trong lòng tôi, cũng như mọi người. Những kỷ niệm chúng tôi ngồi kể chuyện, ca hát với nhau về niềm tin chiến thắng của đất nước. Tất cả như một câu chuyện mà tôi không bao giờ kể hết được nhưng nó sẽ chẳng bao giờ có thể mất được.
Chiến tranh đã qua đi nhưng kỉ niệm về những năm tháng quân ngũ vẫn vẹn nguyên trong kí ức tôi. Trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng ấy, điểm tựa tinh thần vững chắc của những người lính chúng tôi chính là tình đồng chí đồng đội.
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo vùng đồi núi trung du. Ở cái nơi đất chỉ cày lên toàn sỏi đá ấy, cuộc sống của những người nông dân chúng tôi tuy nghèo khổ nhưng bình yên dưới những nếp nhà tranh. Rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi cùng bao trai tráng trong làng lên đường ra lính. Hành trang của những người lính nông dân chúng tôi chẳng có gì ngoài lòng yêu nước nồng nàn cháy bỏng.
Đơn vị chúng tôi phần lớn là những người nông dân mặc áo lính. Trong thời gian tham gia chiến dịch Việt Bắc tôi đã gắn bó thân thiết với một người đồng đội tên Nam. Quê anh ở Hà Nam, vùng chiêm trũng nước mặn đồng chua. Cùng cảnh nông dân nghèo nên chúng tôi dễ thân nhau. Cuộc sống thật kì diệu, tôi với anh từ những con người xa lạ, chẳng hẹn mà quen nhau. Chính tình yêu Tổ quốc lớn lao, sự đồng lòng, đồng chí hướng đánh giặc đã gắn kết chúng tôi trong cùng một chiến hào chống Pháp. Rồi từ những đêm đồng rét mướt nơi chiến trường Việt Bắc, sẻ chia với nhau tấm chăn ấm áp mà chúng tôi đã trở thành tri kỉ của nhau.
Chúng tôi thường tâm sự với nhau về gia đình, quê hương và cả những ước mơ khi giải ngũ. Nam cũng như tôi đã để lại sau lưng ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa , đó là tất cả những gì gần gũi, thân thiết nhất với người nông dân chúng tôi. Khi ra lính, chúng tôi đều hi vọng sẽ có ngày trở về để tiếp tục cấy cày trên mảnh ruộng xưa. Hi vọng này không chỉ của tôi, của Nam mà còn là của tất cả những người lính nông dân. Mặc dù Nam không nói ra nhưng tôi hiểu trong lòng người đồng chí luôn thường trực nỗi nhớ gia đình, quê hương. Tôi biết bạn cũng như tôi thường mơ về thửa ruộng mới cày, về những buổi hẹn hò bên gốc đa đầu làng, về những nếp nhà bình dị ẩn mình sau lũy tre xanh. Chính nỗi nhớ ấy đã giúp những người lính chúng tôi thêm vững vàng tay súng nơi chiến trường.
Những ngưòi lính chúng tôi đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi nơi chiến trường ác liệt. Chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, ám ảnh nhất với những người lính chống Pháp chúng tôi chính là những cơn sốt rét rừng. Tôi và Nam đã trải qua những cơn sốt đến run người khiến vầng trán ướt mồ hôi. Trong cơn sốt mê man, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay ấm áp của người đồng chí đang nắm chật lấy tay tôi và cả ánh mắt đầy lo lắng, thương cảm của bạn. Cuộc đời người lính dù ốm đau, bệnh tật, dù áo rách, quần vá, chân không giày song chúng tôi vẫn nở nụ cười lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Bởi chúng tôi tin rằng một ngày không xa, đất nước sẽ hòa bình, chúng tôi sẽ được trở về nhà.
Những đêm cùng đồng đội phục kích chờ giặc nơi rừng hoang biên giới đã cho tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của tình đồng chí. Tôi và Nam đứng cạnh bên nhau, khẩu súng trên tay, đạn đã lên nòng, ngón tay đặt vào cò súng. Dù thời tiết khắc nghiệt, sương muối giá lạnh song chúng tôi vẫn thấy ấm áp vì có người đồng chí kề vai sát cánh trong chiến đấu. Đêm khuya, vầng trăng trên cao như treo trên đầu ngọn súng. Tôi nhìn vầng trăng rực sáng và mơ về một ngày mai thanh bình và tôi biết ngưòi đồng chí bên cạnh cũng mơ ước như tôi.
Rồi ngày đất nước hòa bình cũng đã đến. Tôi chia tay Nam trở về quê hương. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng những năm tháng hào hùng ấy mãi khắc ghi trong tâm khảm tôi. Trong những năm tháng ấy, chính nhờ tình đồng chí đồng đội mà cuộc đời người lính chúng tôi đã trở thành bài ca không bao giờ quên.