Viết bài văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bạn đến chơi nhà(không chép mạng).
2 câu trả lời
@danggiabao0
Nguyễn Khuyến là nhà thơ của nông dân và làng quê, với những đóng góp lớn cho lịch sử văn học Việt Nam. Trong thơ ông ta luôn bắt gặp hình ảnh của thiên nhiên làng quê bình dị, quen thuộc, đẹp nhẹ dịu, thanh sơ nhưng lại có nét lặng buồn. Ngay cả khi viết về tình bạn, ta vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh của làng quê vùng đồng chiêm trũng. Điều đó thể hiện rõ trong tác phẩm “Bạn đến chơi nhà” của ông.
“Bạn đến chơi nhà” là tác phẩm được nhà thơ sáng tác bằng thể thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện tình bạn chân thành, giản dị nhưng đáng quý của nhà thơ dành cho người bạn của mình. Mở đầu bài thơ là lời chào hỏi thân mật hết sức đời thường:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Ngay từ câu thơ mở đầu ta đã thấy được tình cảm gắn bó thân thiết của nhà thơ với người bạn của mình. Cách xưng hô “bác” là minh chứng rõ ràng nhất, nó là cách xưng hô giữa những người thân thuộc, ruột thịt đồng thời thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Bằng giọng thơ tươi vui, hóm hỉnh, câu thơ còn thể hiện được niềm vui mừng hân hoan của nhân vật trữ tình khi bạn mình qua chơi. Thế nhưng đến những câu thơ tiếp theo, nhà thơ lại khắc họa một tình huống lúng túng, mang nét cười hóm hỉnh:
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu, sóng cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Sau khi niềm nở đón tiếp bạn, nhà thơ suy nghĩ tới việc sẽ tiếp đãi bạn mình thật chu đáo, sung túc. Thế nhưng lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu “trẻ đi vắng, chợ thì xa”. Chính vì vậy, có lẽ nhân vật trữ tình sẽ tiếp đãi bạn bằng những thứ “cây nhà lá vườn”. Nhưng chưa dừng lại ở đó, thi nhân lại bất chợt nhận ra hiện trạng của cây vườn bấy giờ: ao sâu, sóng lớn không thể bắt cá; có nuôi gà nhưng vườn thì rộng, hàng rào lại thưa nên cũng không thể đãi gà. Không thể chiêu đãi những món ngon như thịt cá, gà, nhà thơ nghĩ tới những thứ bình dị hơn như rau củ, thế mà lại: cải chưa lớn, cà mới lên nụ, bầu non mới chỉ vừa rụng rốn, dàn mướp vừa đơm hoa. Tác gải đã sử dụng một loạt hình ảnh liệt kê, từ đó vừa khắc họa hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của nhà thơ khi về ở ẩn, đồng thời như là một lời tự thuật lại để người bạn có thể thông cảm cho mình, khi mà muốn tiếp đãi bạn thật chu đáo nhưng hoàn cảnh lại cho phép. Hoàn cảnh ấy khó khăn tới mức:
“Đầu trò tiếp khách trầu không có”.
Người xưa vốn quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu là thứ đơn giản, bình dị nhất nên có trong mỗi buổi trò chuyện. Thế nhưng bây giờ nhà thơ đến điều giản dị nhất ấy cũng không có để tiếp khách. Vậy là khi người bạn đến không có bất cứ gì để tiếp đãi, chỉ có hai người bạn già ngồi trò chuyện tâm sự. Thế nhưng, sau khi liệt kê ra một loạt những thứ không có thì câu thơ cuối được nhà thơ chốt lại đầy cảm xúc, về một thứ có còn quan trọng hơn tất cả những thứ vật chất kia:
“Bác đến chơi đây, ta với ta.”
Chính trong hoàn cảnh khó khăn, cái gì cũng không có ấy mới khiến cho cái có duy nhất hiện lên tỏa sáng nhất. “Bác” đến chơi nhà đâu cần tiếp đãi sang trọng, đâu cần những thứ vật chất bên ngoài, điều quan trọng nhất chính là tấm lòng của hai người bạn già cùng chí hướng, của những con người thân thuộc như ruột thịt. “Ta với ta”, cái “ta” đó vừa là tôi vừa là bác, tưởng như hai nhưng đã hòa quyện vào một tự bao giờ.
Với cách nói hóm hỉnh, vui nhộn, sử dụng một loạt hình ảnh làng quê quen thuộc, kết hợp cùng thể thơ thất ngôn bát cú, “Bạn đến chơi nhà” đã khắc họa thành công tình bạn đẹp đẽ, chân thành của nhà thơ. Từ đó thể hiện được tài năng, vị trí của nhà thơ trong thi đàn Việt Nam.
Tình bạn là một đề tài quen thuộc trong thơ . Một trong những tác phẩm hay viết về đề tài trên là bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến:
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”
thơ mở đầu giới thiệu về việc người bạn của tác giả đến chơi nhà. Cụm từ “đã bấy lâu nay” chỉ thời gian, mang nghĩa là rất lâu rồi bạn mới ghé thăm. Việc sử dụng cách xưng hô “bác” cho thấy thái độ đầy thân mật và gắn bó giữa những người bạn. Giọng điệu cởi mở, thân thiết giúp người đọc thấy được sự hiếu khách của tác giả.
Nhưng nhà thơ lại xây dựng một hoàn cảnh thật éo le khi người bạn đến chơi nhà. Đó là “trẻ thời đi vắng” - không có ai để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn. Và “chợ thời xa” nghĩa là chợ ở cách đây rất xa. Việc đi chợ rất mất thời gian cũng như không có người ở nhà tiếp bạn. Tưởng rằng như vậy là chưa đủ, nhà thơ còn liệt kê một loạt các sự vật như “ao sâu - khôn chài cá”, “cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Thậm chí miếng trầu - ngay cả thứ quan trọng nhất bởi có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây cũng không có. Chúng ta có thể thấy được rõ ràng đây là sự thiếu thốn về vật chất.
Nhưng điều đó chỉ càng làm cho tình bạn đáng trân trọng hơn. Điều đó thể hiện trong câu thơ cuối cùng: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Tôi đã từng bắt gặp cách nói quen thuộc - “ta với ta” trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta"
Nhưng chúng ta có thể thấy, cách dùng “ta với ta” của hai tác giả là hoàn toàn khác nhau. Trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, “ta với ta” chỉ nói đến nhà thơ với sự cô đơn nơi đèo Ngang hoang vắng. Nhưng trong thơ Nguyễn Khuyến, đại từ “ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. “Ta với ta” là cách nói biểu hiện một tình bạn chân thành, tri kỉ, thắm thiết. Họ lấy sự hiểu nhau, cảm thông với nhau làm điều quý giá nhất, hơn tất cả mọi phẩm vật trên đời. Tuy cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn về vật chất đến ngay cả miếng trầu tiếp khách cũng không có. Nhưng việc người bạn vẫn trân trọng tình cảm, vậy là đã rất đáng quý rồi. Nhà thơ ở đây không hề buồn thương, cô độc mà rất vui vẻ, ấm áp bởi tình bạn tri kỷ. Đọc câu thơ lên, chúng ta như cảm nhận được một sự lạc quan, hào hứng trong giọng điệu của nhà thơ.
Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến đã cho thấy một tình bạn tri kỉ giữa hai con người. Đọc bài thơ, chúng ta càng thêm yêu mến những trang thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến.