Suy nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên trong văn bản “Lặng lẽ Sa pa” của Nguyễn Thành Long . Viết thành 1 bài văn ý mn . ko chép mạng nhưng cũng khá dài. mik cần gấp vì ngày kia là thi giữa kì rồi

2 câu trả lời

thách kím được trên mạng , bài độc quyền

Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 60 – 70, chuyên viết về truyện ngắn và kí. “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhẹ nhàng có cốt truyện đơn giản nhưng thật thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bình thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác quan trắc khí tượng. Nhân vật anh thanh niên chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh về phẩm chất và tâm hồn tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc lúc bấy giờ.

“Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Truyện in trong tập “Giữa trong xanh” (1972) của Nguyễn Thành Long.

Tình huống cơ bản của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” chính là cuộc gặp gỡ của người thanh niên làm việc một mình ở trạm khí tượng với bác lái xe và hai hành khách trên chuyến xe ấy - ông họa sĩ già và cô kĩ sư lên thăm trong chốc lát nơi ở và nơi làm việc của anh thanh niên. Tình huống gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để tác giả khắc họa bức chân dung nhân vật chính – anh thanh niên – một cách tự nhiên và tập trung, qua sự quan sát của các nhân vật khác và qua chính lời lẽ, hành động của anh. Đồng thời qua bức chân dung của anh, tác giả đã làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm: Trong cái lặng lẽ, vắng vẻ trên trên núi cao Sa Pa, nơi mà nghe tên người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, vẫn có bao nhiêu người đang ngày đêm làm việc miệt mài, say mê cho đất nước.

Trước tiên, nhân vật anh thanh niên đẹp ở tấm lòng yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình. Trong lời giới thiệu với ông họa sĩ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Đã bốn năm nay, anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, không một bóng người, “bốn bề chỉ là cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc hằng ngày của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Công việc ấy đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi ngày anh phải ghi chép những con số rồi gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Nhiều mùa, nhiều đêm anh phải đối mặt với gió tuyết và lặng im. Vậy mà anh rất yêu công việc của mình. Anh sống với triết lí: "khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?". Được làm việc có ích đối với anh thế là niềm vui. Hơn nữa công việc của anh gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí khác ở những điểm cao hơn hoặc thấp hơn. Từ suy nghĩ cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mang lại hạnh phúc cho mọi người, anh tự nguyện dồn tất cả thời gian và công sức để hoàn thành xuất sắc công việc vốn hết sức vất vả và đơn điệu. Anh làm việc nghiêm túc đúng giờ, tận tâm, tận lực, có ý thức trách nhiệm và kỷ luật cao, dù bất kể thời tiết thế nào cũng không bỏ một ngày, không quên một buổi. Anh tự hào biết bao khi sự thành thạo, am hiểu công việc của anh đã góp phần bắn hạ phản lực Mĩ. Anh đã nói với ông họa sĩ: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

Trong lời tâm sự của anh với cô kĩ sư trẻ, ta thấy anh có sự lạc quan đến lạ thường: “lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà!”. Thái độ của anh với những cuốn sách đã giúp người đọc hiểu thêm về một tâm hồn phong phú, ham hiểu biết để làm giàu thêm đời sống tinh thần của mình. Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, vẫn biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định. Anh sống trong "Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách.". Một cuộc sống giản dị, ngăn nắp của một người yêu đời, say mê công việc và không có vẻ gì của sự buồn chán. Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách. Thỉnh thoảng anh xuống đường, tìm gặp bác lái xe và hành khách để trò chuyện cho nguôi nỗi nhớ nhà, vợi bớt cô đơn.

Sống trong hoàn cảnh như thế, sẽ có người dần thu mình lại trong nỗi cô đơn. Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi “thèm người”, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Anh từng chặt cây ngáng đường ngăn xe dừng lại để được gặp người, "nhìn trông và nói chuyện một lát". Nỗi "thèm người" ở anh thanh niên không phải nỗi nhớ cuộc sống đông đúc, tiện nghi, an nhàn, như anh nói: "Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng". Cái sự "thèm người" của anh là lẽ bình thường của những con người khao khát gắn bó với đời và tha thiết yêu thương con người. Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu, lòng mến khách, sự nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Niềm vui được đón khách dào dạt trong lòng anh, toát ra từng nét mặt, cử chỉ. Anh biếu bác lái xe củ tam thất để mang về cho vợ bác mới ốm dậy. Anh mừng quýnh đón quyển sách bác mua hộ. Anh hồ hở đưa mọi người lên thăm nhà mình và hồn nhiên kể về công việc, cuộc sống của mình, của bạn bè nơi Sa Pa lặng lẽ. Chúng ta khó có thể quên việc làm đầu tiên của anh thanh niên khi có khách lên chơi nhà: hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái chưa hề quen biết. Củ tam thất gửi vợ bác lái xe, pha trà ngon mời khách, làn trứng, bó hoa tiễn người họa sĩ già và cô gái trẻ tiếp tục cuộc hành trình, đó là những kỉ niệm của một tấm lòng sốt sắng, nhiệt tình, đáng quý.

Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước như thế nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình nhỏ bé, bình thường so với bao người khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông họa sĩ già phác thảo chân dung của anh vào cuốn sổ tay. Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho họa sĩ những người đáng để vẽ hơn mình. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa vượt qua bao khó khăn, vất vả để tạo ra những củ su hào to hơn, ngon hơn cho nhân dân toàn miền Bắc, là anh cán bộ khí tượng dưới trung tâm suốt mười một năm nay chuyên tâm nghiên cứu và thiết lập một bản đồ sét. Dù còn trẻ tuổi, anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa mà mình được sinh ra, lớn lên, thấm thía sự hi sinh lặng thầm của những con người ngày đêm làm việc, lo nghĩ cho đất nước.

Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy trong Lặng lẽ Sa Pa, có hai nhân vật hầu như chỉ lặng lẽ nghe và suy ngẫm. Đó là người hoạ sĩ và cô kĩ sư trẻ. Trước chàng trai trẻ trung yêu đời, hiểu và yêu công việc thầm lặng của mình, người hoạ sĩ nhận ra rằng Sa Pa, cái tên mà chỉ nghe đến "người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi", có những con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Còn cô gái? Khi từ biệt, "Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta trao cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay". Cô đã hiểu được nhiều điều từ cuộc sống, công việc của chàng trai. Có lẽ trong cái bắt tay ấy là niềm tin, là ý nghĩa đích thực của lao động, là cả sự thầm lặng cống hiến cho đời,... Những điều đó sẽ giúp cô vững vàng hơn trong những bước đầu tiên vào đời.

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa nổi bật ở nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi trên một hành trình dài, nhưng tác giả Nguyễn Thành Long đã khắc họa được vẻ đẹp trong tư tưởng, trong tâm hồn của mỗi nhân vật. Truyện ngắn cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, vận dụng linh hoạt các lời đối thoại, độc thoại để xây dựng tính cách nhân vật. Câu chuyện được kể qua góc nhìn của ông họa sĩ, và do vậy nhà văn có thể nắm bắt được những chi tiết đặc sắc giàu sức gợi thông qua quan sát tinh tường của nhân vật. Hơn nữa, ngôn ngữ truyện ngắn cũng đậm chất thơ, với những câu văn giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh, góp phần miêu tả rất thành công chân dung bình dị tự nhiên của con người, và vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của cảnh vật thiên nhiên.

Tóm lại, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long nhẹ nhàng mà sâu sắc, thẫm đẫm chất thơ. Nhẹ nhàng, kín đáo như Sa Pa thành phố trong sương, và cũng giàu sức sống với hoa trái ngát hương bốn mùa. Lặng lẽ mà không buồn tẻ, những con người nơi đây đang từng ngày thầm lặng cống hiến sức lực của mình, thầm lặng đem lại hương sắc cho cuộc sống. Đọc truyện ngắn này, chúng ta có thể đồng cảm với nhau: "Sa Pa không chỉ là một sự yên tĩnh. Bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc!" Nguyễn Thành Long đã cho người đọc thấy cái không lặng lẽ của Sa Pa. Với những nét vẽ mộc mạc, bức chân dung về mảnh đất trên cao ấy có sự ấm áp toả ra từ những bàn tay, khối óc đang từng ngày bền bỉ, thầm lặng cống hiến. Trân trọng, khâm phục những nhân vật đáng quý, đáng mến trong “Lặng lẽ Sa Pa”, ta nghĩ tới trách nhiệm, hành động của thanh niên chúng ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.

    Nguyễn Thành Long là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và bút kí. Truyện của ông rất giàu chất thơ hoạ. Tiêu biểu nhất là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai vào mùa hè năm 1970. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, một con người có lòng yêu nghề, có lý tưởng có lối sống đẹp đã âm thầm lặng lẽ cống hiến sức mình cho đất nước.

    Anh thanh niên 27 tuổi, chưa có người yêu đáng ra phải bay nhảy với cuộc sống, phải vui chơi ở phố phường nhộn nhịp. Anh lại chọn rời xa nơi thành thị ồn ào, rời xa gia đình để gắn bó với công việc vất vả mà vô cùng cô đơn này “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc đầy những khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao, vậy mà anh lại đam mê với nó. Công việc phải luôn canh đúng giờ, đối mặt với gió, bão, tuyết, hoang thú và sự cô đơn.

    Trong công việc, anh có lòng yêu nghề, thấy được công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống. Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, không có ai giám sát, thúc giục anh vẫn luôn tự giác, tận tụy. Suốt mấy năm ròng rã ghi và báo “ốp” đúng giờ. Anh có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc "Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao coi là một mình được?". Với anh, công việc là niềm vui, là bạn và “cất nó đi thì buồn đến chết mất”. Thái độ của anh khi nói về công việc đầy thú vị và tự hào: tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu hay sản xuất nhưng anh lại gián tiếp giúp phần rất quan trọng làm nên thành công của sự nghiệp chung. Được làm việc với anh là một niềm hạnh phúc.

     Trong lối sống và cách ứng xử, anh biết tổ chức, sắp xếp một cuộc sống gọn gàng, nề nếp và giản dị: Anh trồng hoa, vườn hoa khoe sắc rực rỡ,…như động viên tinh thần của anh khiến tâm hồn của anh thêm tươi trẻ và tin yêu cuộc sống. Anh đã tìm thấy niềm vui trong công việc và xem sách như một người bạn để trò chuyện, để thanh lọc tâm hồn.  

     Nhân vật anh thanh niên được lí tưởng hóa từ nhiều điểm nhìn, nhiều góc nhìn. Được đặt trong tình huống đặc sắc: Là thanh niên trẻ trung, sôi nổi, yêu đời nhưng lại làm việc ở một nơi heo hút, hẻo lánh và cô đơn. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa anh với ông họa sĩ, cô kĩ sư trên đỉnh Yên Sơn đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của anh. Không gọi nhân vật bằng tên cụ thể mà bằng đặc điểm giới tính, nghề nghiệp. Khắc họa nhân vật qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu sức gợ. Sống cống hiến cho con người, đất nước; mang lại niềm hạnh phúc niềm vui cho con người. Cuộc sống giản dị nhưng đẹp của một con người.

    Anh thanh niên có quan điểm sống tích cực, đẹp đẽ, đại diện tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam lặng lẽ cống hiến, xây dựng đất nước. Hình tượng anh thanh niên miệt mài, hăng say lao động chính là hình ảnh đẹp của thế hệ thanh niên thời kì xây dựng tổ quốc. Đây là hình ảnh có sức lan tỏa tuyệt vời và đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng đổi mới đất nước. Nhắc nhở thế hệ trẻ cần biết ơn và sống, cống hiến làm việc hết mình để thay đổi vận mệnh đất nước.

         Thi Tốt Nha>.<

Câu hỏi trong lớp Xem thêm

Các bạn giúp mình bài này mình cần gấp KHÔNG CÓ đoạn văn đâu!!!!! Có một câu chuyện như sau: Một tù trưởng Cherokee đưa hai đứa cháu của mình vào rừng dạo chơi. Sau một lúc đi dạo, ba ông cháu ngồi nghỉ bên một gốc cây và ông bắt đầu nói với hai đứa trẻ: “Có một cuộc chiến tồi tệ đang xảy ra ở bên trong ông. Đây là cuộc chiến giữa hai con sói. Một bên là con sói của nỗi sợ hãi, đều giả, kiêu ngạo và tham lam. Bên kia là con sói của lòng dũng cảm, tử tế, khiêm nhường và yêu thương”. Hai đứa trẻ im lặng lắng nghe câu chuyện của ông cho đến khi thấy ông bảo rằng: “Cuộc chiến đang xảy ra giữa hai con sói này cũng đang diễn ra trong các cháu, không khác gì mọi người”. Hai đứa trẻ suy nghĩ một lúc rồi hỏi vị tù trưởng: “Ông ơi, vậy con sói nào sẽ chiến thắng?”. Người ông nhẹ nhàng nói: “Con sói mà cháu đang nuôi dưỡng.” (Theo “Sau này con sẽ hiểu” – Marc Gellman) Câu 1: Tìm lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn trên và cho biết dấu hiệu nhận biết của nó. Câu 2: Trong câu chuyện với hai đứa trẻ, tù trưởng Cherokee luôn nhắc đến “một cuộc chiến”. Em hiểu cuộc chiến này là gì? Từ đây, em hãy cho biết ý nghĩa câu chuyện này cần được hiểu theo nghĩa tường minh hay hàm ý? Câu 3: Nếu được lựa chọn một nhan đề cho câu chuyện, em sẽ lựa chọn như thế nào? Câu 4. Xác định và chỉ rõ 2 phép liên kết có trong đoạn văn trên.

10 lượt xem
2 đáp án
17 giờ trước