Rút ra được bài học của Chính sách kinh tế mới và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đối với Việt Nam.
1 câu trả lời
Có thể rút ra một số bài học lớn sau đây:
Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.
Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Phải đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hoạt động thực tiễn; từ kinh tế, chính trị, đối ngoại đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động cụ thể trong từng bộ phận của hệ thống chính trị. Đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.
Ba là, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Dựa vào nhân dân, xuất phát từ thực tiễn và thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới, từng bước tìm ra quy luật phát triển, đó là chìa khóa của thành công.
Bốn là, phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Phát huy nội lực, xem đó là nhân tố quyết định đối với sự phát triển; đồng thời coi trọng huy động các nguồn ngoại lực, thông qua hội nhập và hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát huy nội lực mạnh hơn, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội; Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.