Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” Nguyễn Khuyến. đừng có mà đi copy trên mạng ghi đủ ý không cần phải ghi dài
1 câu trả lời
Tình bạn là một chủ đề quen thuộc trong thơ ca Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn trung đại. Có rất nhiều bài thơ hay, thể hiện những tình bạn đẹp thắm thiết như Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến, Bồi Giang Phiếm Chu Tống Vi Ban Quy Kinh của Đỗ Phủ,… Nhưng chắc chắn không có bài thơ nào diễn tả sâu sắc cái đẹp của tình bạn trong một hoàn cảnh hết sức éo le như bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến.
Bài thơ mở ra một hoàn cảnh hết sức éo le: Đã lâu bạn mới đến chơi nhà, nhưng lại không có gì để tiếp đãi bạn cả. Và hoàn cảnh ấy là cái nền để tình bạn tri âm, tri kỉ nổi bật lên.
Câu thơ mở đâu là câu dẫn chuyện:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,”
Ngay từ câu thơ mở đầu ta đã thấy được tình cảm gắn bó thân thiết của nhà thơ với người bạn của mình. Cách xưng hô “bác” là minh chứng rõ ràng nhất, nó là cách xưng hô giữa những người thân thuộc, ruột thịt đồng thời thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Bằng giọng thơ tươi vui, hóm hỉnh, câu thơ còn thể hiện được niềm vui mừng hân hoan của nhân vật trữ tình khi bạn mình qua chơi. Thế nhưng đến những câu thơ tiếp theo, nhà thơ lại khắc họa một tình huống lúng túng, mang nét cười hóm hỉnh:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có”
Cả năm câu tiếp theo, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật để liệt kê ra hàng loạt những khó khăn hiện tại của mình. Không có những đồ đắt giá ở ngoài thì sẽ làm cho khách những đồ từ chính cây nhà lá vườn cũng được. Ấy vậy mà, tác giả lại vô cùng thất vọng bởi ở nhà cũng chẳng có gì khả thi để dùng được. Hai người già thì sao có thể bắt cá giữa những đợt sóng lớn hay bắt gà ở trong khoảng vườn rất rộng được đây. Ngay cả những món rau dân dã cũng không có sẵn ở trong vườn. Hàng loạt những dẫn chứng của tác giả như lời than trách “cải chửa ra cây”, “cà mới nụ”, “bầu vừa rụng rốn”, “mướp đương hoa”, … Trong đầu của người chủ nhà, dần dần từng thứ được đưa ra, từ những thứ cao sang cho tới những thứ gần gũi và bình dị đối với món ăn thường ngày của mỗi người vậy mà vẫn không có đủ để dành cho bạn. Cuối cùng, ngay cả tới miếng trầu được gọi là “đầu câu chuyện” cũng chẳng có để đưa cho bạn mình - thứ cơ bản nhất trong những cuộc gặp mặt. Thế nhưng dù cho có vô vàn lý do đi chăng nữa thì tất cả như được vỡ ào cảm xúc và trở thành linh hồn của bài thơ trong câu thơ cuối
“Bác đến đây chơi, ta với ta.”
Bác hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của nhà ta, chúng ta đến với nhau bằng tấm chân tình, không phải đến với nhau bằng vật chất. Cho nên dù không có mâm cao cỗ đầy đón tiếp, bác vẫn vui vẻ đến thăm nhà ta. Cụm từ “ta với ta” ở cuối bài vang lên như một lời khẳng định mối quan hệ khắng khí giữa ta và bác. Bác và ta tuy hai nhưng mà tâm hồn đồng điệu như một.
Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, niêm, luật bằng trắc, đối chặt chẽ, hợp cách. Ngôn ngữ thuần nôm nghe thanh thoát nhẹ nhàng tự nhiên. Ta có cảm giác như Nguyễn Khuyến xuất khẩu thành thơ. Bài thơ nôm khó quên này cho thấy một hồn thơ đẹp, một tình bằng hữu thâm giao. Tình bạn của Nguyễn Khuyến thanh bạch, đẹp đẽ đối lập hẳn với nhân tình thế thái “Còn bạc còn tiền còn đệ tử - Hết cơm hết rượu hết ông tôi” . Tấm lòng ấy thật xứng đáng là tấm gương đời để mọi người soi chung.