Phân tích nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc trong truyện ngắn Làng-Kim Lân Đừng lấy trên mạng nhé mình cảm ơn ạ ❤️

1 câu trả lời

Bạn tham khảo nhé!

Kim Lân là nhà văn hiện đại Việt Nam có sở trường về truyện ngắn. Ông vốn am hiểu sâu sắc những gì gắn bó với nông thôn và người nông dân. Vì thế, ông được xem là nhà văn của nông thôn, của người dân quê hương Việt Nam với những vẻ đẹp mộc mạc và đậm đà. Ra đời vào năm 1948 - thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, "Làng" của Kim Lân đã xây dựng rất thành công hình tượng người nông dân thời kì cách mạng mà tình yêu quê hương đã hoà nhập cùng với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến của dân tộc. Ông Hai - nhân vật chính của truyện có những nét tình cảm cao đẹp đáng quý đó. Và có lẽ nổi bật trong đó là tình huống truyện: Ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian từ miệng những người dân tản cư qua làng ông.

Khi mới nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông Hai sững sờ, xấu hổ và uất ức: "Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được". Bình tĩnh được phần nào, ông vẫn còn chưa dám tin cái tin ấy, nhưng rồi đối diện với những lời nói chắc như đinh đóng cột và rành rọt của những người dân tản cư, lại khẳng định họ "vừa mới ở dưới đấy lên" làm ông không thể không tin. Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ngang tai ấy. Cái mà ông yêu quý nhất cũng quay lưng lại với ông. Không chỉ xấu hổ với bà con mà ông cũng mất đi cái hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông chẳng khác nào đã chết đi một nửa. Trong tâm trí ông, cái tin dữ ấy sao mà lại cay đắng, xót xa đến thế, nó như bắt ông phải trốn chạy thực tại tàn nhẫn, không muốn ai phát hiện ra mình là người làng chợ Dầu. Nếu trên đường đến phòng thông tin hiên ngang bao nhiêu thì bây giờ ông lại cúi gằm mặt mà đi.

Mang trong mình cả một khoảng trời giông bão, cả một mớ dây hỗn loạn, ông Hai lê từng bước về nhà "nằm vật ra giường". Nhìn lũ trẻ mà "nước mắt ông lão cứ giàn ra". Biết bao cay đắng giằng xé trong lòng ông: "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?". Nghệ thuật độc thoại nội tâm đã khắc hoạ thành công nỗi lòng của lão nông dân ấy. Ông xót thương cho số phận của chính mình và lũ trẻ non nớt mới mấy tuổi đầu. Căm phẫn lũ đồ phản nước theo giặc, tất cả như dồn nén vào từng câu chữ đanh thép: "Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này". Ông kiểm lại từng người anh em đã đồng cam cộng khổ với mình thuở trước, từng con dân của làng chợ Dầu. Trong tâm trí ông, họ đều là những người sung sức, có tinh thần kháng chiến, tràn đầy tinh thần yêu nước nồng nàn... Những dòng suy nghĩ đó cứ dồn dập trong tâm trí ông như những nhát dao đâm vào trái tim đau điếng cả một linh hồn, một nỗi đau không sao tả xiết: "Chao ôi! Cục nhục chưa, cả làng Việt gian". Ông đâu chỉ đau cho mình, ông còn đau cho những người đồng hương cùng cảnh ngộ: "Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái sự này chưa". 

Nỗi bứt rứt tâm can của ông bị dồn nén khi nói chuyện với bà Hai, ông cáu gắt vô cớ. Cả đêm hôm đó, ông trằn trọc không sao ngủ được vì lo lắng và sợ hãi. Ông sợ mụ chủ nhà biết chuyện. Nỗi lo lắng, sợ hãi của ông khiến ông "chân tay nhủn ra", thất thần "trống ngực đập thình thịch", "nín thở", "lắng tai ra bên ngoài".

Kể cả những ngày sau đó, ông Hai cũng không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở góc nhà để "nghe ngóng binh tình ở bên ngoài ra sao", một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Thoáng nghe tiếng "Tây", "Việt gian", "cam-nhông" là ông lão lủi ra một góc nhà "nín thít". "Thôi lại chuyện ấy rồi!". Tin dữ đã trở thành nỗi ám ảnh nặng nề, sự lo sợ thường xuyên trong ông. Ông sống trong mặc cảm giống như chính mình là người có tội.

Đỉnh điểm của nỗi sợ hãi là khi mụ chủ nhà nói rằng "Có lệnh đuổi hết người làng chợ Dầu" không cho ở nơi tản cư nữa. Ông Hai lo sợ, ngồi lặng ở góc giường, bao nhiêu "ý nghĩ đen tối" bời bời lướt qua trí não. Ông rơi vào tình thế tuyệt vọng, tiến thoái lưỡng nan: Về làng không được vì làng đã theo giặc. Về làng là bỏ khàng chiến, bỏ cụ Hồ, là quay về với cuộc sống nô lệ cục nhục như xưa. 

Ở lại nơi tản cư cũng không được, trong hoàn cảnh này, ông Hai quyết định chọn con đường theo cách mạng và kháng chiến: "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Như vậy, tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình yêu làng quê của ông Hai. Ông lão, người thật thà, chất phác đã nhận ra một điều vô cùng lớn lao của thời đại: Yêu làng phải thống nhất với yêu nước, yêu làng phải đứng trong làng ngũ của toàn dân tộc đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Tình yêu làng của ông Hai là tình cảm có nhận thức cách mạng. 

Mặc dù đã xác định như vậy nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ được tình cảm với làng quê làm ông càng thêm đau xót tủi hổ. Mâu thuẫn trong nội tâm và tình thế trước mắt khiến ông Hai rơi vào bế tắc. Khi tâm trạng bị dồn nén lâu ngày, ông chỉ còn biết thả trôi nỗi lòng của mình vào đứa con út. Đoạn tâm sự ấy đã thể hiện rất cảm động tấm lòng sâu sa, bền chặt, chân thành của ông với quê hương, đất nước, cách mạng và kháng chiến. Nói với con thực chất là ông đang tự nhủ với lòng mình, tự giãi bày và tự minh oan cho mình. Nó giúp ông bày tỏ tình yêu sâu nặng của ông với làng chợ Dầu. Ông muốn con ghi nhớ hai điều: Một là "nhà ta ở làng chợ Dầu" để sau này dù có đi đâu, ở đâu cũng không thể quên được quê cha đất tổ - nơi chôn rau cắt rốn của mình; Hai là phải trung thành với cách mạng, với kháng chiến mà biểu tượng là cụ Hồ. Trước sau như một, bố con ông chỉ "ủng hộ cụ Hồ Chí Minh".  

Từ một người nông dân yêu làng, ông hai trở thành một công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng và lòng yêu nước đã hoà trong cùng một ý nghĩ, tình cảm của ông Hai. Khi phải chọn giữa tình yêu làng với tinh thần yêu nước, ông đã đặt tình yêu nước cao hơn tình yêu làng, dứt khoát chọn con đường kháng chiến. Hai tình yêu ấy thống nhất hoà quyện trong ông Hai. Đó là nét đẹp truyền thống và cũng mang tinh thần thời đại của người dân Việt Nam.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm