Phân tích hình ảnh người vợ trong bài thơ thương vợ của Trần Tế Xương
1 câu trả lời
** Em tham khảo dàn ý này nhé
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Khái quát nội dung bài thơ
B. Thân bài
1. Bà Tú- người phụ nữ vất vả và lam lũ
- Bà Tú " nuôi đủ năm con với một chồng".
- Làm việc "quanh năm" và ở nơi " mom sông".
- Sự vất vả, lam lũ được thể hiện trong sự bươn chải kiếm sống của bà.
+ Hình ảnh " thân cò"
+ " Năm nắng mười mưa"
⇒ Tác giả miêu tả thực cảnh mưu sinh của bà Tú để làm nổi bật lên nỗi vất vả, lam lũ.
2. Nổi bật lên những nét đẹp và phẩm chất đáng quý trọng.
- Dù trong hoàn cảnh như vậy nhưng vẫn chăm lo cho chồng con.
- Sự tần tảo, đảm đang của bà Tú.
⇒ Cuộc sống đầy gian truân nhưng cũng đã làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của bà Tú.
C. Kết bài
- Đánh giá chung
- Suy nghĩ của bản thân.
** Bài viết tham khảo
Trong văn học, người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho các tác giả. Nhưng tỏng bài thơ “Thương vợ” của mình, Tú Xương đã viết về người phụ nữ với tư cách là một người vợ hiền đảm đang bằng tình cảm của một người chồng. Chân dung bà Tú đã được hiện lên rõ nét nhất ,được tái hiện lại bằng cả tấm chân thành của một người chồng dành cho vợ.
Hình ảnh bà Tú hiện lên trước hết gắn liền với bao nỗi gian truân khó nhọc. Thân đàn bà chân yếu tay mềm nhưng bà Tú vẫn phải một mình làm lụng buôn bán, một mình xông pha, lặn lội nơi đầu sông, bến chợ để lặn lội kiếm sống. Cái gian truân khó nhọc được cụ thể hoá bằng thời gian quanh năm, bằng không gian ven sông, quãng vắng, buổi đò đông. Cái vất vả nhọc nhằn còn được hiện rõ trong gánh nặng mà bà Tú phải gánh trên vai: Một gia đình với năm con và một chồng. Năm đứa con với biết bao nhu cầu, bao đòi hỏi hàng ngày, bên cạnh đó đức ông chồng giàu chữ nghĩa đã không giúp vợ được gì lại còn trở thành một mối bận tấm lo lắng của vợ. Chính vì vậy mà phải bươn chải nắng mưa khuya sớm, bất kể hiểm nguy hay đơn độc. Hình ảnh bà Tú gợi cho ta nghĩ tới hình ảnh của những người đàn bà đảm đang, lam lũ, lặn lội kiếm sống nuôi chồng, nuôi con đã lặng lẽ đi qua trong cuộc sống dân tộc.
Cuộc đời nhiều gian truân vất vả đó là sự thiệt thòi của bà Tú. Thế nhưng cũng chính cuộc đời đó đã làm nổi bật bao vẻ đẹp đáng quý ở người phụ nữ này, vẻ đẹp đầu tiên là vẻ đẹp của sự tảo tần, chịu thương chịu khó. Gánh cả một gánh nặng gia đình trên vai với bao khó khăn cơ cực, lại cô đơn thui thủi một mình, không người sẻ chia giúp đỡ, ấy vậy mà vẫn cần mẫn, không một chút chểnh mảng, bỏ bê công việc. Bà Tú cứ vậy, chăm chỉ, miệt mài, chịu thương, chịu khó, không nề hà khó khăn nguy hiểm, không quản ngại nắng mưa khuya sớm. Hình ảnh thơ không chỉ diễn tả bao nỗi vất vả mà còn làm nổi bật sự nhẫn nại, kiên trì kiếm sống chu tất cho chồng, cho con của bà Tú.Cảnh làm ăn kiếm sống của bà Tú thật không dễ dàng gì, nhưng không lúc nào ta thấy bà Tú bó tay chùn bước, lúc thì một mình lặn lội nơi quãng vắng, khi lại đua chen giành giật chốn đò đông.
Được tái hiện bằng tấm lòng thương vợ chân thành, sâu sắc của Tú Xương, hình ảnh bà Tú trong bài thơ đã trở thành mội hình ảnh đẹp tiêu biểu, điển hình cho những người phụ nữ, những người vợ Việt Nam ngàn đời.