Những chính sách đảng và nhà nước ta có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển kinh tế, xã hội và ổn định an ninh quốc gia GDCD

1 câu trả lời

Trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, Đại hội VII (1991), Hội nghị Trung ương 3 (khóaVII) và Đại hội VIII (1996) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tiếp đề ra và phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển" nhằm mục tiêu "giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dânchủ và tiến bộ xã hội"

Từ năm 1991 đến nay, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam diễn ra cùng một lúc trên 4 mặt :

Một là, tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc củng cố và thúc đẩy các mối quan hệ song phương, nhất là quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nhận thức rõ điều đó, hoạt động đối ngoại đã tập trung giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao song phương cấp cao với các nước ASEAN, chủ động tham gia các hoạt động của Hiệp hội và năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia ASEAN. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN là một quyết định đúng đắn và kịp thời. Cùng với việc giải quyết hòa bình vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nối lại quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, ký Hiệp định khung với với Liên minh châu Âu, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, củng cố và mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc và các nước đang phát triển ở châu á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh và các nước công nghiệp phát triển trên thế giới... việc Việt Nam gia nhập ASEAN góp phần phá thế bị bao vây, cô lập, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đưa Việt Nam hội nhập về kinh tế với khu vực và quốc tế. Mặt khác, để góp phần bảo đảm an ninh và ổn định cho đất nước, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã góp phần chủ động và tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại với các nước láng giềng và các nước ở khu vực như đàm phán và ký Hiệp định biên giới với Lào, thỏa thuận về khai thác chung với Ma-lai-xi-a trên vùng chồng lấn, phân định vùng chồng lấn với Thái Lan, đàm phán và ký Hiệp định về biên giới trên bộ với Trung Quốc và đang đàm phán để có thể ký Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc trong năm 2000, tiếp tục đàm phán với In-đô-nê-xi-a về phân định thềm lục địa, tiếp tục đàm phán với Campuchia để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về biên giới lãnh thổ. Hoạt động đối ngoại cũng đã góp phần kiên quyết đấu tranh chống âm mưu và hành động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền", "dân chủ" và "tự do tín ngưỡng" để can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam. Toàn bộ các hoạt động trên đã góp phần quan trọng và thiết thực vào việc tạo dựng môi trường khu vực tương đối ổn định và thuận lợi cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, mở rộng hợp tác kinh tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nhờ những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã làm thất bại chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và đồng minh, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương với hơn 130 nước và lãnh thổ, đón nhận nguồn đầu tư trên 36 tỷ USD của hơn 60 nước và lãnh thổ, tranh thủ hơn 13 tỷ USD từ nguồn viện trợ ưu đãi chính thức của các chính phủ và các tổ chức quốc tế và hàng tỷ USD viện trợ không hoàn lại của nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Việc tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước cũng là sự đóng góp trực tiếp và thiết thực cho yêu cầu bảo đảm an ninh.

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, lực lượng sản xuất phát triển nhanh và quốc tế hóa cao độ, đẩy nhanh xu thế toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó, các nước đều tìm cách giành cho mình một vị thế xứng đáng trong phân công lao động quốc tế, tranh thủ vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý để phát triển, đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình. Nhận rõ xu thế đó, Việt Nam đã đề ra chủ trương hội nhập và kiên trì thực hiện chủ trương đó. Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định "đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới". Từ đầu những năm 90 Việt Nam đã khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, tiếp đó năm 1995 chính thức gia nhập ASEAN và tham gia AFTA. Năm 1996 Việt Nam tham gia Diễn đàn hợp tác á - Âu (ASEM) với tư cách là thành viên sáng lập và năm 1998 trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam cũng đã đàm phán và ký Hiệp định Thương mại với Mỹ và đang đàm phán về việc gia nhập WTO, mức hội nhập cao nhất, rộng nhất, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thiết lập môi trường buôn bán và quan hệ hợp tác kinh tế với toàn bộ thế giới.

Ba là, nâng cao vị thế nước nhà trên trường quốc tế. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước thuộc tất cả các châu lục và lần đầu tiên trong lịch sử có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trong điều kiện quốc tế ngày nay khi quá trình hội nhập ngày càng được xúc tiến nhanh, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên thế giới. Việt Nam đã hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên hợp quốc (ủy viên ECOSOC, ủy viên Hội đồng chấp hành UNDP, UNFPA và UPU...), phát huy vai trò thành viên tích cực của phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, ASEAN ... Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp năm 1997 và đặc biệt là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998 đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín và vị thế của đất nước. Có thể nói ngoại giao đa phương là một điểm sáng trong hoạt động ngoại giao thời đổi mới. Những kết quả đạt được trong mối quan hệ đan xen này đã củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước , tạo ra thế cơ động linh hoạt trong quan hệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ độc lập tự chủ và an ninh cũng như công cuộc xây dưng đất nước.

Bốn là, chủ động tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các hoạt động đối ngoại phong phú, đa dạng cả theo đường Đảng lẫn Nhà nước và các hoạt động quốc tế nhân dân đã góp phần duy trì và củng cố quan hệ đoàn kết hữu nghị với các đảng phái chính trị, trước hết là các Đảng cộng sản và công nhân, các tổ chức tiến bộ đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, từ đó tranh thủ sự hỗ trợ về chính trị có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm "Việt nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại trong thời gian tới là tiếp tục tạo môi trường và điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam sẽ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.