Em hãy viết một bài văn giới thiệu về nhân vật Thủy Kiều qua đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" đã học. Giúp mik vs mn

1 câu trả lời

Danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là một nhà thơ thiên tài của Việt Nam. Nhắc đến Nguyễn Du người ta nhớ đến "Truyện Kiều" - một kiệt tác của thi ca và văn học Việt Nam. Cùng nền tảng văn học trung đại và khai thác về đề tài bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội đương thời thế nhưng trong thơ của Nguyễn Du lại đặc biệt chú trọng khắc họa chân dung vẻ đẹp nhan sắc và tài năng của nhân vật. Nhân vật Thúy Kiều chính là một trong những nhân vật khẳng định đỉnh cao trong bút pháp tả người của Nguyễn Du, hình tượng Thúy Kiều được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích "Chị em Thúy Kiều".

Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" là đoạn thơ giới thiệu về chị em Thúy Kiều, có thể nói, đây là đoạn thơ hay nhất và đẹp nhất của thiên truyện. Mở đầu, nhà thơ giới thiệu khái quát về xuất thân, vị trí và vẻ đẹp của Thúy Kiều:

"Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.

Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười."

Gia đình ông bà Vương viên ngoại có hai người con gái và Thúy Kiều chính là chị cả trong gia đình, nàng được miêu tả vẻ đẹp bằng bút pháp ước lệ ẩn dụ giàu sức gợi cảm "Mai cốt cách tuyết tinh thần" - một vẻ đẹp thanh tao, duyên dáng, trong trắng và tinh khôi như mai như tuyết. Vẻ đẹp đó "mười phân vẹn mười" tức là một vẻ đẹp hoàn mĩ, toàn diện không có thiếu sót, mới đầu bài thơ mà nhà thơ quả thực đã khơi dậy sự tò mò cho người đọc muốn được biết về vẻ đẹp của Thúy Kiều. Tuy nhiên, nhà thơ vẫn không trực tiếp đi vào miêu tả vẻ đẹp của Kiều mà lại miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân trước, sau khi dựng lên bức chân dung sắc đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du mới từ chính vẻ đẹp đó khẳng định Kiều là một giai nhân tuyệt thế:

"Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành."

Dụng ý của nhà thơ rất khéo léo và đạt hiệu quả cao, vẻ đẹp của Vân đã là quá đẹp, khiến cho tạo hóa phải chào thua, nhường nhịn, ấy thế mà vẻ đẹp của Kiều còn đẹp hơn, đẹp tới mức khiến cho tạo hóa phải hờn ghen, đẹp "nghiêng nước nghiêng thành". Đôi mắt nàng trong và sáng như làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân, nét đẹp ấy là vẻ đằm thắm, sắc sảo và mặn mà. Nhan sắc của nàng Kiều thực sự đã vượt xa khỏi những chuẩn mực của tự nhiên và khuôn khổ dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Những vần thơ của Nguyễn Du cũng đẹp và gợi cảm chẳng kém vẻ đẹp của Kiều, ngòi bút đa dạng kết hợp các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa đã tạo nên một bóng giai nhân hết sức thần tình. Vẫn chưa dừng lại ở nhan sắc, cái đẹp toàn diện của Kiều bao trọn cả tài lẫn sắc "Sắc đành đòi một, tài đành họa hai", Nguyễn Du đã không tiếc những mĩ từ tuyệt đối để nói về tài năng của Thúy Kiều:

"Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

Cung thương lầu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương."

Ở Thúy Kiều, trí thông minh đã "vốn sẵn tính trời", lại thêm tài hoa lỗi lạc, xuất chúng về mọi phương diện: Cầm, kì, thi, họa, môn nghệ thuật nào cũng giỏi và "ăn đứt" khắp thiên hạ. Nàng thuộc làu các cung bậc và đánh đàn Hồ cầm thành thạo, hơn thế nàng còn giỏi sáng tác nhạc, vừa đánh đàn vừa hát về thiên bạc mệnh khiến cho ai nghe cũng phải đau khổ, sầu não. Các từ "vốn sẵn tính trời", "pha nghề", "đủ mùi", "lầu bậc", "ăn đứt" đã biểu thị một giá trị tuyệt đối trong tài năng của Thúy Kiều. Có thể nói, qua cách miêu tả của Nguyễn Du về Thúy Kiều, người đọc ấn tượng mạnh mẽ về một hình tượng nhân vật xuất chúng, xưa nay hiếm có. Tuy nhiên tài sắc vượt trội của Kiều lại mang những dự báo chẳng lành về tương lai của nàng, về sắc đẹp người xưa đã có câu "Hồng nhan bạc mệnh", mà về tài năng lại nói rằng "Chữ tài liền với chữ tai một vần", trên cả hai phương diện Kiều đều xuất chúng, khó tránh khỏi quy luật của định mệnh, những sóng gió và bi kịch trong cuộc đời sau này của nàng. Nữ giai nhân xuất thế Thúy Kiều không chỉ tài sắc vẹn toàn mà còn là người con gái đức hạnh:

"Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai."

Nàng sống trong gia đình phong lưu, gia giáo, được giáo dục chu đáo, theo khuôn khổ gia phong, lễ nghĩa, lối sống rất có chừng mực, kín đáo và theo khuôn phép. Chính bởi vậy dù đã tới tuổi cập kê nhưng trước những kẻ ong bướm, nàng không mảy may để tâm tới.

Bức chân dung về Thúy Kiều là bức chân dung mang cả vẻ đẹp, tính cách và số phận. Nói về nhan sắc và tài năng của Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã thực sự đề cao và trân trọng vẻ đẹp cũng như giá trị phẩm hạnh của người phụ nữ. Bên cạnh đó, những dự cảm về tương lai cuộc đời Kiều lại cho thấy tấm lòng thương cảm đậm chất nhân văn của nhà thơ. Nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" đã tô đậm tài năng khắc họa chân dung nhân vật bằng thơ của đại thi hào Nguyễn Du.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm