Em có suy nghĩ gì về vấn đề văn hóa truyền thống giữa thời kỳ hội nhập hiện nay

2 câu trả lời

1.Giới thiệu vấn đề

2.Giải thích

-Văn hóa là gì

-Văn hóa truyền thống là gì

-Văn hóa truyền thống trong thời kì hội nhập là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu

3.Phân tích

-Thực trạng văn hóa truyền thống trong thời kì hội nhập: có xu hướng bị hòa tan

-Nguyên nhân của thực trạng

-Giải pháp

4.Liên hệ bản thân

Bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là bước vào một thời kỳ mà khoa học kỹ thuật, công nghệ, thâm nhập sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ sản xuất vật chất đến lĩnh vực sản xuất tinh thần, từ sinh hoạt cá nhân đến giao tiếp xã hội, từ lao động, học tập đến nghỉ ngơi, giải trí... Tầm nhìn, cách suy nghĩ của mỗi con người không còn bị giới hạn trong địa phương mình, trong quốc gia mình, mà thường xuyên được tiếp cận với những nhân tố mới ở mỗi quốc gia, châu lục. Những điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự “thanh lọc”, thậm chí có thể là một sự “thay da đổi thịt” trong đời sống của mỗi cá nhân, đặc biệt ở thế hệ trẻ - những người nhanh nhạy với cái mới, đồng thời cũng là những người chưa có nhiều trải nghiệm về các truyền thống của dân tộc. Thời cơ, thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt những nước chưa có sự phát triển công nghiệp và chưa có điều kiện hội nhập sâu sắc với thế giới bên ngoài là ở đây. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện đại, mà tiêu biểu là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cảm quan của con người về không gian, thời gian, về cái hữu hạn và vô hạn. Cái chân lý “tri thức là sức mạnh” không còn chỉ có ý nghĩa trên sách vở, trừu tượng, mà đã trở thành một thực thể sống động giúp con người tồn tại. Tri thức không chỉ là sức mạnh, mà còn là điều kiện để tồn tại, để phát triển. Đó là nhân tố mới, là yêu cầu mới mà thời đại đang đặt ra.

Trước đây, con người có thể sống chỉ bằng kinh nghiệm của những người đi trước. Ngày nay, tình hình đã thay đổi. Con người phải thường xuyên đối diện với những cái mới, những cái chưa từng có. Tư duy theo chủ nghĩa kinh nghiệm vốn là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp đang dần dần bị thay thế bởi tư duy khoa học. Với sự xuất hiện và phổ biến của tư duy khoa học, cuộc sống của mỗi con người và của toàn xã hội sẽ trở nên năng động, tích cực. Mỗi con người và cả xã hội sẽ hình thành khả năng soát xét lại toàn bộ hành trang của mình: cái gì đã có, cái gì chưa có, cái gì cần mang theo, cái gì cần loại bỏ, cái gì cần bổ sung. Toàn xã hội cũng như từng cá nhân sẽ hình thành thước đo mới: cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì không hợp lý thì không tồn tại. Tinh thần duy lý được sự hỗ trợ bởi tầm nhìn rộng lớn ra thế giới, càng kích thích sự tìm tòi, sáng tạo, khắc phục sự trì trệ, bảo thủ trong tư duy con người truyền thống của dân tộc.

Những biến động gần đây trong xã hội đã báo hiệu sự xuất hiện những nhân tố mới trong đời sống, từ sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần, quản lý xã hội v.v.. Khi người đứng đầu Chính phủ tuyên bố xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, thì tinh thần cơ bản của khẩu hiệu đó đòi hỏi các thành viên chính phủ, từ người ở cương vị cao nhất, là phải vào cuộc, phải hành động như những người lao động bình thường, phải trong sáng trong lối sống, phải tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân. Có nghĩa là các thành viên Chính phủ không còn là những người chỉ biết vạch ra kế hoạch để người khác thực hiện.Về phía người dân cũng vậy. Nếu trước đây trong nền văn minh nông nghiệp, các hoạt động kinh tế còn rất giản đơn, số ngành nghề còn rất hạn chế. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi là chủ yếu, các ngành nghề thủ công cũng phần lớn là các nghề truyền thống nhằm tự cung tự cấp. Tình hình đó không đòi hỏi và cũng không tạo điều kiện để người lao động tìm tòi, sáng tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất cả chỉ làm theo kế hoạch phân bổ của Nhà nước. Việc hình thành nền kinh tế tập trung trước đây, dù là tất yếu trong thời kỳ cả nước có chiến tranh, nhưng nó đã để lại hậu quả khá nặng nề trong tư duy, tâm lý, lối sống của người dân. Cho đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, bước vào kinh tế thị trường, nhưng tâm lý ỷ lại, bảo thủ, bình quân vẫn còn tồn tại trong đại bộ phận người dân, kể cả trong cán bộ, đảng viên.

Việc khởi xướng phong trào khởi nghiệp tuy có chậm so với nhiều nước, kể cả một số nước trong khu vực, nhưng bước đầu đã làm thay đổi tư duy, lối sống, phong cách ở một số người, nhất là các bạn trẻ, trên một số lĩnh vực. Nếu trước đây hầu hết các bạn trẻ sau tốt nghiệp phổ thông đều muốn vào đại học, chỉ với mục đích sau khi học xong sẽ được vào biên chế nhà nước, và có đồng lương hàng tháng (dù còn thấp). Ngày nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các bạn trẻ không đi theo quỹ đạo đó. Thậm chí có người xin ra khỏi biên chế để về quê mua đất làm nghề trồng hoa hoặc chăn nuôi, theo hướng kinh doanh. Để làm điều đó, họ sẵn sàng bỏ tiền đi tham quan và học tập kinh nghiệm ở cả trong hoặc ngoài nước, thuê chuyên gia về hướng dẫn… để tạo thương hiệu. Kết quả việc làm của họ không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người khác.