Câu 1: Văn xuôi Hải Phòng sau năm 1975 đã chuyển hướng ở những mặt nào? Nêu những thành tựu của văn xuôi Hải Phòng sau năm 1975? Câu 2: Thơ Hải Phòng sau năm 1975 có những cây bút tiêu biểu nào? Họ đã đổi mới như thế nào? Câu 3: Thơ Hải Phòng sau năm 1975 có những đóng góp như thế nào? Mọi người giúp mình với nha! Hứa vote 5* + CTLHN. Cảm ơn trước!

1 câu trả lời

Giai đoạn 1975-1985 là giai đoạn bản lề, mở ra thời kì mới cho văn học nghệ thuật nước nhà. Đây là giai đoạn văn học quan trọng, khởi phát những tín hiệu mới, với không ít thành tựu và triển vọng, có ảnh hưởng và tác động đáng kể đối với văn học thời kì Đổi mới sau 1986.

Từ thời điểm 1975 và vài năm sau đó, khi đất nước bước vào thời bình, văn học, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, đã rơi vào thực trạng đáng suy nghĩ. Lúc này lực lượng cầm bút đông đảo hơn, sách in ra nhiều hơn nhưng người đọc lại thờ ơ, lạnh nhạt với văn học. Bởi sách thì nhiều mà tác phẩm thì hiếm hoi. Văn học hậu chiến vẫn theo đà quay quán tính, cuộc sống đã thay đổi mà nó vẫn chưa mấy chuyển động để hòa nhập với nhịp sống đời thường.

Trước tình trạng đáng báo động của văn học nghệ thuật lúc này, không phải không có những văn nghệ sĩ đã âm thầm tự đổi mới, trong số đó Nguyễn Minh Châu xứng danh là “người mở đường tinh anh và tài hoa” nhất. Với những truyện ngắn đề cập đến khía cạnh đạo đức thế sự trong đời sống thường nhật của con người, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã hướng tới đẩy lùi bóng tối còn rơi rớt trong mỗi cá nhân, khơi mở “nguồn cảm hứng nhân văn” cho những sáng tác tiếp theo của mình. Nhịp bước với Nguyễn Minh Châu góp phần tạo nên sự chuyển đổi theo hướng mới, nhất là vào thời điểm đầu thập niên tám mươi, là các nhà văn như Nguyễn Khải với Cha và con, và…, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Bùi Hiển với Tâm tưởng, Nguyễn Quang Sáng với Dòng sông thơ ấu, Nguyễn Mạnh Tuấn với Đứng trước biểnCù lao Tràm, Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Nguyễn Hiểu Trường với Chân dung một quản đốc, Triệu Xuân với Giấy trắng, Thái Bá Lợi với Họ cùng thời với những ai, Phạm Hoa với Ngày không bình thường…, là các nhà thơ như Nguyễn Duy với Ánh trăng, Xuân Quỳnh với Tự hát, Sân ga chiều em đi, Ý Nhi với Người đàn bà ngồi đan, Thanh Thảo với Những người đi tới biển, Những ngọn sóng mặt trời, Hữu Thỉnh với Đường tới thành phố…, là các nhà viết kịch như Xuân Trình với Mùa hè ở biển, Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm với Nhân danh công lí, Lưu Quang Vũ với Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Hồn Trương Ba da hàng thịt… Trong số các thể tài hiện diện trong đời sống văn học thời điểm đó, văn xuôi và kịch thể hiện rõ tinh thần nhập cuộc hơn cả. Các nhà văn, nhà viết kịch đã có ý thức thay đổi cách nhìn hiện thực, trực tiếp đối mặt với thực trạng xã hội và con người. Họ rút ngắn cự li giữa văn học và hiện thực, giữa tác phẩm và người đọc, giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận, nhờ vậy họ không chỉ góp phần làm nóng lên đời sống văn nghệ đương thời mà còn làm bước trung chuyển tích cực cho cao trào đổi mới văn học từ sau năm 1986. Ở bài viết này, người viết chọn văn xuôi làm đối tượng khảo sát và tìm hiểu, để thấy những nỗ lực chuyển đổi của thể loại này trong những năm tiền Đổi mới.

Điều cần nhấn mạnh trước hết ở văn học giai đoạn 1975-1985 là sự đổi mới quan niệm về nhà văn, về chủ thể viết. Quan niệm về nhà văn là một phương diện quan trọng làm nên ý thức và ý nghĩa văn học mỗi giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn chuyển từ không gian văn học thời chiến sang không gian văn học thời bình. Sau những giây phút ngỡ ngàng trước bước ngoặt của đất nước, những người cầm bút thời hậu chiến ngày càng nhận thức rõ hơn nhu cầu thay đổi cách nghĩ, cách viết, cách diễn ngôn. Phải thay đổi để tồn tại và phát triển, để phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của công chúng và thời đại là một nhu cầu khẩn thiết và bức xúc của các thế hệ nhà văn. Mở rộng đường biên phản ánh và thể hiện, tôn trọng sự thật đã làm thay đổi ít nhiều diện mạo các sáng tác giai đoạn này.

Nhưng “sự thật” hay “tính chân thật” được miêu tả, thể hiện trong các sáng tác xét trên khía cạnh nào đó chưa làm nên giá trị của một tác phẩm văn học. Cảm hứng chống tiêu cực, cảm hứng phê phán, phơi bày mặt khuất tất, tăm tối của hiện thực đến một lúc nào đó đã trở thành lối viết “minh họa ngược”, có khi dẫn tới bóp méo, khuếch đại hóa bởi cái nhìn chủ quan của người viết, không khỏi gây phản cảm với người đọc. Hơn nữa vấn đề chống tiêu cực đã được báo chí và các phương tiện truyền thông góp phần làm “bão hòa” trong khâu tiếp nhận của công chúng. Tính chân thật trong tác phẩm cho thấy văn học đã tham gia vào quá trình dân chủ hóa nhưng tính chân thật ấy không đơn thuần là tính chân thật của sự phản ánh, miêu tả mà còn là tính chân thật của thái độ, cách phân tích, đánh giá của mỗi nhà văn có khả năng đưa đến cho người đọc những khái quát mang tính nhân văn sâu sắc và lâu dài. Người cầm bút có thể bày tỏ cảm xúc, nhận thức, khám phá hiện thực và con người trên những chiều kích khác nhau về một vùng thẩm mĩ mà họ sở trường và tâm huyết.

Văn xuôi 1975-1985 nổi lên dòng mạch đề tài chiến tranh và người lính. Mảng sáng tác này làm nên tên tuổi của một số nhà văn quen thuộc như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Nguyễn Trí Huân, Chu Văn, Thái Bá Lợi, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Sinh, Vũ Kỳ Lân, Xuân Đức… Hiện thực chiến tranh trong các tiểu thuyết, truyện ngắn và kí của các nhà văn này là kết tinh của sự từng trải, của sự dày công tích lũy tư liệu, của cái nhìn về cuộc chiến khách quan, chân xác và nhân văn. Bên cạnh sự hồi tưởng những biến cố đầy hào hùng bi tráng của chiến tranh là sự tìm tòi, khai thác những vấn đề của cuộc chiến gắn với cuộc sống thời bình, là sự tái nhận thức về chiến tranh ở các cấp vĩ mô và vi mô. Chiến tranh “đâu phải trò đùa”, chiến tranh “không mang gương mặt phụ nữ”. Ý thức về số phận con người khiến chất sử thi mất dần đi vẻ thuần khiết, trở nên có sự phối trộn với những yếu tố đời tư, thế sự, thấm đượm khuynh cảm nhân sinh.

Trong các tác phẩm Đất trắng - Nguyễn Trọng Oánh, Cửa gió - Xuân Đức, Năm 1975 họ đã sống như thế - Nguyễn Trí Huân, Họ cùng thời với những ai - Thái Bá Lợi, Biển gọi - Hồ Phương, Nắng đồng bằng - Chu Lai, Mở rừng - Lê Lựu, Sao đổi ngôi - Chu Văn, Lửa từ những ngôi nhàNhững người đi từ trong rừng raMiền cháy - Nguyễn Minh Châu, Trong cơn gió lốc - Khuất Quang Thụy, Kí sự miền đất lửa - Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân…, người viết đã tìm cách tiếp cận mới, trong đó nổi bật khuynh hướng phân tích hiện thực chiến tranh, mối quan hệ giữa nó với con người, mối quan hệ giữa những người là đồng đội cùng chung chiến hào. Họ không ngần ngại khi viết về sự hèn nhát và phản bội của sĩ quan cao cấp, những người thiếu lòng tin ở chính mình, ở ngày chiến thắng (Đất trắng), về cuộc đấu tranh làm trong sáng đội ngũ của các chiến sĩ hải quân (Biển gọi), về vấn đề đạo đức, nhân cách của người lính trong chiến đấu (Họ cùng thời với những ai), về sự thăng trầm của số phận con người trong thời chiến cũng như thời bình (Sao đổi ngôi), về số phận của một lớp người trong chiến tranh (Mở rừng), về những vấn đề nhân thế mang đậm màu sắc thời hậu chiến (Những người từ trong rừng ra)…

Có thể nói, đội ngũ các cây bút viết về chiến tranh đã thành công nhất định trong việc khai thác bối cảnh, không gian thời chiến để gửi gắm những vấn đề mang tính thời đại. Nhưng cuộc chuyển giao giữa chiến tranh và hòa bình đối với một dải đất kinh qua hàng chục năm chiến tranh là một cuộc chuyển giao thời đại, thay đổi hệ hình tư duy, tập tính, thay đổi năng lực sống. Đó là những vấn đề hết sức gai góc mà văn học giai đoạn tiền Đổi mới không thể vượt thoát một sớm một chiều, do vậy vẫn cần sự trợ giúp của cây gậy thần thời gian. Văn xuôi viết về chiến tranh và người lính giai đoạn 1975-1985 đã bắt đầu dịch chuyển trong cảm hứng và thi pháp từ cuộc “chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc” sang cuộc “chiến đấu cho quyền sống của từng con người” (Nguyễn Minh Châu). Quá trình vận động này sẽ là bước chuyển tiếp nhằm đạt tới trình độ mới, chất lượng mới ở các cây bút sở trường về đề tài chiến tranh trong không khí cởi mở, dân chủ hóa của công cuộc đổi mới văn học với sự xuất hiện đúng lúc của Thời xa vắng - Lê Lựu, Chim én bay - Nguyễn Trí Huân, Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, v.v…

Bên cạnh đội ngũ những người viết về chiến tranh, vào nửa đầu những năm tám mươi, các cây bút chuyên viết về đề tài nông thôn đã cho ra mắt hàng loạt các sáng tác mới, cho thấy sự khởi sắc trở lại của văn xuôi đề tài này - mảng đề tài đã làm nên sự phong phú của văn học Việt Nam từ trước năm 1975. Đào Vũ vốn quen thuộc với người đọc từ Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm đã trình diện Bí thư cấp huyện, Nguyễn Kiên có Nhìn dưới mặt trời, Nguyễn Phan Hách có Tan mây, Nguyễn Hữu Nhàn có Dốc nắng, Ngô Ngọc Bội có Ao làng, Hoàng Minh Tường có Đồng chiêm, Nguyễn Thị Ngọc Tú sau Đất làng, Buổi sáng là Hạt mùa sau… Đọc những tác phẩm về nông thôn này, người đọc gặp một đời sống nông thôn đã có sự đổi khác, không còn yên ả, ổn định như trước đó. Đã diễn ra ở đây cuộc đấu tranh đầy khó khăn, phức tạp cho một cơ cấu mới, cách làm ăn mới. Các tiểu thuyết của Nguyễn Kiên, Đào Vũ, Nguyễn Phan Hách đã phản ánh cuộc đấu tranh khẳng định chính sách khoán trong nông nghiệp. Đây là một vấn đề mới trong sản xuất, nhưng sự hình thành và chiến thắng của nó là cả một quá trình tự vượt lên trong nhận thức và hành động của con người. Các tiểu thuyết Bí thư cấp huyện, Nhìn dưới mặt trời, Tan mây đã miêu tả khá quyết liệt diễn biến tâm lí phức tạp nơi số đông người dân và hàng ngũ cán bộ cấp xã, huyện về vấn đề khoán trong sản xuất nông thôn thời hậu chiến. Hạt mùa sau, Dốc nắng lại đi sâu khai thác mối quan hệ và ứng xử của con người. Nếu Hạt mùa sau là cuộc đấu tranh bảo vệ chân lí khoa học ở một viện nghiên cứu giống lúa để ghi nhận nhân cách và tinh thần làm việc của những nhà khoa học trẻ thì ở Dốc nắng là sự đấu tranh đến cùng của người nông dân để xây dựng nền sản xuất lớn.

Cũng như ở các khu vực đề tài khác, trong văn xuôi viết về nông thôn vấn đề con người đã được quan sát kĩ lưỡng hơn. Nếu như tiểu thuyết những năm sáu mươi thường chú ý tới sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa của quần chúng thì tiểu thuyết những năm đầu tám mươi lại đề cập đến sự giác ngộ của hàng ngũ lãnh đạo nông thôn ở cấp xã, huyện. Lớp cán bộ này trong bối cảnh nông thôn sau chiến tranh đã ít nhiều bộc lộ sự thoái hóa, tiêu cực, chính họ trở thành lực cản của nhịp sống mới, cơ cấu làm ăn mới. Đó là kiểu nhân vật vừa hạn chế về năng lực, tri thức, lại vừa thiếu hụt về tư cách, đạo đức trước phong trào chung của nông thôn mới. Nếu như trước đây, đối với một cán bộ cơ sở, đạo đức được đặt lên hàng đầu thì hiện tại, tiêu chí ấy cần nhưng chưa đủ, song hành với đạo đức phải là năng lực, trình độ, là sự mẫn cảm, nhạy bén trước thực tế và chính sách. Các cây bút viết về nông thôn giai đoạn này đã có cái nhìn mới về con người, đưa ra được những hình mẫu cán bộ am hiểu đời sống thực tiễn, trung thực với công việc, với chính mình và cái khó là đấu tranh và vượt qua rào cản của những cán bộ biến chất đang là trở lực của họ. Họ là những người dám nhìn thẳng vào sự thật, bảo vệ sự thật và cũng là những người dám đứng vững trên cương vị của mình, thấy được trách nhiệm của mình với mọi người, với công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn vào thời điểm chuyển giao cơ chế trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên các sáng tác về nông thôn không tránh khỏi việc lệ thuộc vào “sự ưu đãi của hiện thực”, mới chỉ quan tâm tới tính vấn đề, tính thời sự của nó. Người đọc mong muốn các tác phẩm viết về đề tài này đi sâu hơn nữa vào những chuyển động, những mạch ngầm bên trong của đời sống để nhận diện đầy đủ và thực chất bộ mặt nông thôn, văn hóa nông thôn. Sang thời kì Đổi mới, các tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng - Dương Hướng, Chuyện làng Cuội - Lê Lựu, Lão Khổ - Tạ Duy Anh… đã bổ khuyết xuất sắc cho mảng đề tài “tam nông” này.

Mỗi thời kì văn học đều có một lớp tác giả bộc lộ sở trường với một loại thể tài và qua đó tham gia vào cuộc sống, khám phá sâu hơn vào thế giới bên trong của con người ngõ hầu phát hiện những cảm xúc, suy tư của họ về cuộc đời, về giá trị của mỗi cá nhân. Đi vào xu hướng này, nhà văn muốn người đọc cùng suy ngẫm và đồng sáng tạo. Người viết không chỉ miêu tả, phản ánh thực tế mà còn quan sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh ở chiều sâu của nó, mong tìm ra những kiến giải xác đáng, thuyết phục về số phận con người. Cảm hứng nghiên cứu thực tại, nghiên cứu con người đã hiển lộ trong một số tác phẩm, cho thấy sự đổi mới tư duy sáng tạo cùng quan niệm nghệ thuật mới về hiện thực và con người của các nhà văn giai đoạn 1975-1985 như Cha và con, và..., Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người - Nguyễn Khải, Sống với thời gian hai chiều - Vũ Tú Nam, Cuộc đời bên ngoài - Vũ Huy Anh… Trong tiểu thuyết của mình, Vũ Huy Anh tái hiện những trạng thái ý thức trước những trạng thái đời sống. Nhà văn này đã thể hiện khá sâu sắc diễn biến tâm lí, những giằng xé nội tâm của nhân vật với “cuộc đời bên trong”, đi đến dứt bỏ sự tù túng, hà khắc của khuôn phép nhà thờ để ra với “cuộc đời bên ngoài”. Người đọc đồng cảm với nhân vật nhờ một giọng tâm tình, nhỏ nhẹ, một ngôn ngữ mang màu sắc tôn giáo được chắt lọc và sự tìm hiểu, quan sát kĩ lưỡng của nhà văn. Đây là hướng đi khả dĩ để Vũ Huy Anh đạt được thành tựu cao hơn với tiểu thuyết Trăm năm thoáng chốc ở thời kì Đổi mới. Cũng tiếp cận vấn đề tôn giáo nhưng ở Cha và con, và… không còn những xung đột gay gắt, những đối đầu quyết liệt như trong Xung đột của cùng tác giả trước đây. Lịch sử bước sang một thời kì mới, chính quyền đã đủ sức tập hợp phần đông quần chúng hòa nhập vào quỹ đạo của mình khiến cho tôn giáo “ngày càng bộc lộ là một tồn tại đứng bên lề”. Con đường mà cha Thư, nhân vật chính của tiểu thuyết Cha và con, và… lựa chọn là đi đến hòa giải vấn đề thực hiện bổn phận và được là chính mình. Với Gặp gỡ cuối năm, Nguyễn Khải thêm một lần nữa tỏ rõ thế mạnh của ngòi bút ở cảm hứng nghiên cứu thực tại, ở sự khơi mở những dòng suy tư mang đậm chính kiến cá nhân để những nhân vật khác nhau về tuổi tác, vị thế cùng đối thoại, tranh biện nhằm đi đến một sự lựa chọn trước thời cuộc mới. Thời gian của người lại là một khám phá mới của Nguyễn Khải về mối quan hệ giữa số phận cá nhân và tác động của lịch sử, giữa chủ nghĩa xã hội và đức tin ở góc nhìn mới, với nhận thức sâu hơn, cởi mở hơn về tôn giáo, về tín ngưỡng thời hiện đại.

Ngoài ra ở giai đoạn 1975-1985, có một số nhà văn đã quen thuộc với bạn đọc trước đó tìm thấy thế mạnh của mình ở xu hướng đi vào phong tục và lịch sử. Tô Hoài viết Quê nhà, khám phá sâu hơn về vùng đất ven đô, làm sống dậy đời sống tinh thần của người dân vùng quê ngoại thành Hà Nội trong những năm đầu chống thực dân Pháp. Và tác giả vẫn tỏ ra tâm huyết với mảng phong tục - lịch sử của vùng Tây Bắc qua tiểu thuyết Họ Giàng ở Phìn Sa. Đi theo hướng này, những Rừng động - Mạc Phi, Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải - Ma Văn Kháng, Hoa hậu xứ Mường - Phượng Vũ… đã góp phần làm phong phú hơn mảng đề tài dân tộc và miền núi mang đậm tính phong tục và lịch sử. Ở phía Nam, với tiểu thuyết Chân dung một giám đốc, tác giả Nguyễn Hiểu Trường đã cho thấy tính cách một mẫu người của miền đất miền trong trải dài từ thời kì tiền khởi nghĩa, qua Cách mạng tháng Tám, vào kháng chiến chín năm, đến giai đoạn chống Mĩ, rồi giải phóng miền Nam, bước vào thời kì xây dựng. Đây là cuốn tiểu thuyết có giá trị,  cuốn hút được người đọc bởi tác giả với vốn sống, sự từng trải và tri thức của mình đã “phản ánh lịch sử thông qua số phận con người”, cho thấy nhân vật là “con người này”, con người Nam Bộ ngang tàng mà trung thực, lừng lững đối diện và đối thoại với người đọc.

Chiến tranh kết thúc, văn học Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chuyển đổi nhiều mặt của xã hội. Trong đó văn xuôi là loại hình có sự vận động và chuyển đổi nhanh nhạy và hiệu quả hơn cả. Những chuyển động chính trị, xã hội và văn hóa của đời sống thời bình đã thực sự tác động đến tư duy nghệ thuật của các thế hệ nhà văn. Thời đại mới đem đến cho họ cảm giác được nhìn lại, được tái nhận thức quá khứ để tự hiểu mình hơn đồng thời từ đó thúc đẩy họ phản ánh và thể hiện cuộc sống hôm qua và hôm nay trong cái nhìn tự nghiệm và tự đổi mới của mình. Điều đó bộc lộ sự chuyển mình, làm thức dậy tâm thế sáng tạo của mỗi người cầm bút. Cũng từ đó đẩy cái nhìn của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận lên một tầm mới không chỉ với không gian văn học 1975-1985 mà cả với không gian văn học ở thời kì tiếp theo của lịch sử dân tộc.

Thực tiễn cho thấy, toàn bộ sự thay đổi sâu sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại gắn với khát vọng dân chủ hóa ý thức nghệ thuật và tâm thế sáng tạo. Văn học nói chung và văn xuôi giai đoạn 1975-1985 nói riêng đã từng bước bứt phá khỏi những khuôn thước thể loại, mở rộng đường biên sáng tạo, đáp ứng kịp thời và phản ánh nhanh nhạy những vấn đề của xã hội và con người thời hậu chiến. Ở giai đoạn tiền Đổi mới này, các sáng tác chưa hẳn đã đạt đến chiều sâu nhận thức cũng như sự kết tinh nghệ thuật, song nó đã hoàn thành “nhiệm vụ” và chức năng nghệ thuật của mình. Đó chính là những tín hiệu tiên phong có ý nghĩa làm bàn đạp vững chắc để cỗ xe văn học dân tộc tiến thẳng vào thời kì Đổi mới.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm