cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh Khuya ko tìm mạng nha
1 câu trả lời
Chiến thắng Việt Bắc, Thu — Đông 1947 đã ghi vào lịch sử bằng những nét vàng son chói lọi của quân và dân ta. Khi chiến dịch đang còn diễn ra vô cùng ác liệt, để thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu nước tha thiết, Người đã sáng tác bài thơ Cảnh khuya để tả cảnh suối rừng Việt Bắc vào một đêm trăng đẹp và nỗi lòng thao thức của Người.
Đến với hai câu thơ đầu tiên, nhà thơ như vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh cảnh khuya trong sáng, lung linh huyền ảo nên thơ, nên họa, nên nhạc. Và hiện lên trên bức tranh đó là hình ảnh người thi sĩ với tâm hồn thanh cao đang sống hòa đồng giữa thiên nhiên chan hòa của chiến khu Việt Bắc.
Quả đúng như vậy, núi rừng Việt Bắc với tiếng suối chảy êm đềm như bản nhạc của con người từ xa vọng lại: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”, tác giả so sánh tiếng suối với tiếng hát của con người. Đây là một nét vẽ tinh tế gợi tả núi rừng chiến khu mang sức sống và hơi ấm của con người. Câu thơ thứ hai với chữ “lồng” thật ấn tượng, chữ “lồng” đã nhân hóa trăng, cổ thụ, hoa làm cho vần thơ dào dạt chất trữ tình. Chữ “lồng” giúp cho sự vật hiện lên sinh động và ấm áp lạ thường: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Câu thơ chỉ bằng ba nét vẽ: tầng cao là trăng, tầng giữa là cổ thụ, tầng cuối cùng là hoa, vần thơ đầy ánh sáng kết hợp với tiểu đối: “trăng lồng cổ thụ >< bóng lồng hoa” tạo nên bức tranh cân xứng, hài hoà với ngôn ngữ trang trọng vừa mang sắc thái cổ điển vừa mang sắc thái hiện đại.
Hai câu thơ cuối cùng “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ, Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”, đây chính là “nhãn tự “ của bài thơ vì nó diễn tả sâu sắc tâm tình của người thi sĩ – chiến sĩ. Câu thơ thứ ba mở ra như một cái bản lề vừa khái quát lại bức tranh tuyệt vời của Việt Bắc, vừa mở ra tâm trạng của người thi sĩ, của vị lãnh tụ. Không những thế, câu thơ thứ tư còn lí giải với người đọc về tâm trạng “người chưa ngủ” không chỉ vì xúc động trước cảnh thiên nhiên đẹp mà còn bởi lẽ: “chưa ngủ vì lo nổi nước nhà”. Điệp từ “chưa ngủ” được nhắc lại hai lần tạo cho âm điệu bài thơ trở nên nhịp nhàng như dòng cảm xúc tâm tình của Người. Chữ “nỗi” đã nói tới những sự việc ngổn ngang chưa xong xuôi của đất nước đang xâm chiếm hết tâm hồn của Bác.
Bài thơ Cảnh khuya là một trong những bài thơ trăng đẹp nhất của Bác Hồ, ở đó đã có sự kết hợp hài hoà giữa tâm hồn thi sĩ lồng vào cốt cách chiến sĩ; màu sắc cổ điển hoà hợp với màu sắc hiện đại. Đó là nét đẹp riêng của bài thơ với cảm hứng thiên nhiên chan hòa, với cảm hứng yêu nước. Do vậy, đọc thơ Người chúng ta càng thêm kính yêu và tự hào về Bác.
@trannguyen