1 câu trả lời
Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với tư cách là vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Mà Người còn được biết đến với tư cách một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Đặc biệt trong số các tác phẩm của Bác, em cảm thấy ấn tượng nhất với bài thơ “Cảnh khuya” - một bài thơ tứ tuyệt được Người viết năm 1947 trong những năm đầu đầy khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
(1) Khung cảnh thiên nhiên đêm khuya nơi núi rừng Việt Bắc ở hai câu thơ đầu tiên được họa lên mới đẹp làm sao! (2) Bác đã dùng tâm hồn của một người thi sĩ để vẽ nên bức tranh thiên nhiên đẹp hoàn mỹ. Bức tranh núi rừng hiện ra rất sinh động bởi nó có cả tiếng suối, có trăng, có bóng hoa.
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"
(3)“Tiếng suối” được ví von với “tiếng hát xa” gợi cho ta một cảm giác thanh bình. (4) Qua ngòi bút và tâm hồn lãng mạn của Người cùng với biện pháp nghệ thuật so sánh độc đáo, âm thanh tiếng suối trong trẻo, ấm áp như tiếng hát ngọt ngào, quen thuộc gần gũi ở quê nhà.
(5) Bức tranh đêm rừng Việt Bắc không chỉ đẹp bởi âm thanh trong trẻo của tiếng suối, của sức sống toát lên từ không gian núi rừng, cỏ cây mà còn đến từ vẻ đẹp của sắc màu, hình ảnh trong câu thơ thứ hai:
“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
(6) Điệp từ "lồng" tô đậm sự đan cài khiến cho người đọc liên tưởng đến sự gắn kết tuyệt đẹp khi trăng trên cao đã "xà" xuống thế gian, hòa bóng mình vào thiên nhiên, vào bóng cây cổ thụ, bóng lá, tạo nên muôn vàn hình hoa trên mặt đất. (7) Tài năng miêu tả tinh tế cùng lòng yêu thiên nhiên tha thiết của Bác đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên thật tuyệt vời, đầy thơ mộng và huyền ảo.
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
(8) Nếu như hai câu thơ đầu bằng biện pháp nghệ thuật so sánh và sử dụng điệp ngữ, tác giả đã cho ta thấy bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc đẹp lung linh, huyền ảo thì hai câu thơ cuối tập trung khắc họa hình ảnh Bác Hồ và tâm trạng của người.
(9) Người “chưa ngủ” phải chăng vì bức tranh thiên nhiên đẹp như vẽ hay “chưa ngủ” là vì Người đang lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. (10) Điệp từ “chưa ngủ” được lặp đi lặp lại hai lần đã nhấn mạnh tâm trạng lo âu, trăn trở của nhà thơ đối với cuộc sống của nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Với ngôn từ giản dị, trong sáng toát lên tình yêu thiên nhiên, yêu nước và sự lạc quan, yêu đời của Bác. Bằng các biện pháp tu từ so sánh, điệp từ, hình ảnh núi rừng Việt Bắc hiện lên vừa cổ điển vừa mang nét hiện đại, gợi cho người đọc về cảm xúc sâu sắc về tấm lòng Bác. Bác đã để lại cho đời những vần thơ hay đầy ý nghĩa, những vần thơ đó đã khơi dậy trong em tình yêu thiên nhiên và niềm kính yêu vô hạn đối với vị Cha già của dân tộc