Muốn làm thằng Cuội
I. Đôi nét về tác giả Tản Đà
- Tản Đà (1889- 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu
- Quê quán: làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây( nay là huyện Ba Vì, Hà Nội)
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:
+ Tản Đà xuất thân là một nhà nho
+ Vì mấy lần đi thi không đỗ nên ông đã chuyển sang sáng tác văn chương quốc ngữ rồi sớm nổi tiếng, nhất là những năm 20 của thế kỉ XX.
+ Ngoài viết thơ Tản Đà còn nổi tiếng với nhiều bài văn xuôi, tản văn, tùy bút, tự truyện…
+ Những tác phẩm tiêu biểu: Giấc mộng con, Thề non nước, Khối tình con…
- Phong cách sáng tác:
+ Thơ Tản Đà tràn đầy cảm xúc lãng mạn, lại vô cùng đậm đà bản sắc dân tộc, thơ ông có những tìm tòi và sáng tạo rất mới mẻ. Thơ Tản Đà như một gạch nối giữa thơ cổ điển và thơ hiện đại Việt Nam
II. Đôi nét về bài thơ Muốn làm thằng Cuội
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Bài thơ Muốn làm thăng Cuội in trong tập “Khối tình con I”(xuất bản năm 1917)
2. Bố cục
- Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng có những mới mẻ và sáng tạo riêng
3. Giá trị nội dung
- Bài thơ chính là tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng bầu bạn với chị Hằng để thoát khỏi những thứ tầm thường ấy
4. Giá trị nghệ thuật
- Bài thơ có nhiều sáng tạo, mới mẻ trong hình thức với thể thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển. Giọng thơ hóm hỉnh, phóng túng pha một chút ngông. Ngôn ngữ thơ bình dị, trong sáng mà tự nhiên có sử dụng nhiều khẩu ngữ
III. Phân tích tác phẩm
a) Dàn ý
I. Mở bài
- Khái quát về tác giả Tản Đà: Một tác giả như một dấu gạch nối giao thời giữa thơ cũ và thơ Mới
- Giới thiệu chung về bài thơ Muốn làm thằng Cuội: bài thơ là tâm sự của tác giả về thực tại
II. Thân bài
1. Hai câu đầu
- “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!”: lời cảm thán gợi không gian: Đêm thu, trăng sáng
- Nhà thơ bộc lộ trực tiếp suy tư của bản thân về trần thế: “buồn lắm”, “Trần thế em nay chán nửa rồi”: Lí do là vì cõi trần lắm bon chen, bất công, đất nước mất độc lập, tự do, thân phận nô lệ.
- “Chán nửa”: trong sâu thẳm vẫn tha thiết yêu cuộc sống
- Xưng hô: chị- em (nhún nhường mà bất trị- ngông)
⇒ Biểu cảm trực tiếp, giọng thơ như lời than thở nhấn mạnh tâm trạng buồn sầu da diết, không nguôi, niềm bất hoà sâu sắc với xã hội
2. Bốn câu giữa
- Bày tỏ mong muốn thoát li lên cung Quế (cung trăng) - nơi đẹp đẽ, thanh cao trong sáng - ở cạnh chị Hằng - người đẹp .
⇒ Ước muốn rất ngông
- Niềm mong muốn được vui trong cảnh bầu bạn, thả hồn cùng mây gió
⇒ Đó chỉ là niềm vui gượng, vui nhạt vì nó chỉ có trong mộng tưởng.
3. Hai câu kết
- Cảnh: thi sĩ mãi mãi ở trên cung trăng cùng chị Hằng, đêm rằm trung thu tháng 8 thi sĩ kề vai chị Hằng trông xuống thế gian cười
⇒ Hình ảnh bất ngờ, thi vị thể hiện cao độ hồn thơ ngông của Tản Đà.
- Thi sĩ thoả mãn vì đã đạt được khát vọng, thoát li mãnh liệt, xa lánh hẳn được cõi trần bụi bặm
- “Tựa nhau trông xuống thế gian cười” : sự mỉa mai khinh bỉ cõi trần gian
⇒ Khao khát sự đổi thay XH theo hướng tốt đẹp, thoả mãn nhu cầu sống cá nhân.
III. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm: Với Lời lẽ giản dị, trong sáng, giọng điệu nhẹ nhàng hóm hỉnh, sức tưởng tượng phong phú, bài thơ là lời tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường mà xấu xa
- Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân
b) Phân tích tác phẩm
Phân tích tác phẩm Muốn làm thằng cuội – Bài văn mẫu số 1
Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu xuất hiện trên văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỷ với một cá tính độc đáo: một nhà thơ của sầu và mộng, ngông và đa tình. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội đã thể hiện rất rõ cá tính ấy của ông.
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội in trong tập Khối tình con (1916). Mặc dù tác phẩm được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật song người đọc sẽ thấy ở đây, dưới cái hình thức còn là của thơ cổ ấy những dấu hiệu mới mẻ của cảm xúc. Tâm sự của nhà thơ ở một thời đại mới đã khiến cho cái hình thức thơ cũ có chiều hướng giảm nhẹ đi tính trang trọng, mực thước. Sự giản dị, trong sáng gần với khẩu ngữ tự nhiên làm nên nét duyên của bài thơ này.
Ngay từ nhan đề của bài thơ đã cho thấy một giọng điệu suồng sã, như là đã giải tỏa được một nhu cầu nói thật, thẳng thắn của nhà thơ và cũng lại cho thấy cái ngông nghênh, bất đắc chí: muốn ở đây như một nhu cầu bức xúc, chẳng cần giấu giếm, vòng vo. Nhưng muốn cái gì? Muốn làm cuội thì đích thực là muốn thoát lên trên rồi. ước vọng lên trên thơ mộng thế mà nói tựa như là muốn ăn, muốn uống, muốn ngủ... thật là thành thực!
Và, nếu muốn thoát tục, lên trên thì thiếu gì những hình mẫu tiên để ước sao cứ phải là thằng Cuội? Thằng chứ không phải chú - cũng là một kiểu nói ngông. Thế thì chính là thi sĩ đa tình này muốn lên cung trăng rồi!
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần thế em nay chán nửa rồi!
Chị Hằng thì phải ở cung trăng chứ còn gì nữa! Thì ra thi sĩ của chúng ta muốn làm thằng Cuội để tâm sự cùng chị Hằng Nga xinh đẹp. Hai câu mở đầu bài thơ như một tiếng kêu than. Chẳng cần phải mượn cái khác để diễn tả nỗi buồn trong lòng mình, thi sĩ bộc bạch ngay nỗi lòng mình. Hai chữ buồn lắm thật chân thành.
Thi sĩ chỉ lòng mình ra trong tiếng gọi tha thiết. Ta thường gặp trong thơ Tản Đà một vẻ buồn chán, cái buồn lan trùm tất cả. Vì buồn lắm như thế nên thi sĩ mới "muốn làm thằng Cuội . Nhưng không phải là cái buồn vô cớ, càng không phải kiếm cớ buồn đẽ được lên tiên. Cái buồn ở đây là cái buồn đời, buồn chán cuộc đời tối tăm, đen bạc, đảo điên.
Không ít lần Tản Đà kêu chán đời: "Đời đáng trách biết thôi là đủ - Sự chán đời xin nhủ lại tri âm", "Gió gió mưa mưa đã chán phèo - Sự đời nghĩ đến lại buồn teo"... Sống trong bối cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến những năm đầu thế kỉ XX, chẳng phải chỉ riêng Tản Đà buồn chán.
Không khí tù hãm, u uất của một dân tộc bị mất nước bao trùm hết thảy, đè nặng tâm trí con người, nhất lại là những con người nhạy cảm như thi nhân. Tâm trạng buồn chán là tâm trạng của thời đại. Có trăm ngàn vẻ buồn khác nhau song đều thấy điểm chung là sự bế tắc trước thực tại cuộc đời, từ đó mà sinh ra chán nản, bất mãn đối với thời cuộc.
Cái buồn của Tản Đà cũng bắt nguồn từ đấy. Và thế là thi sĩ tìm lối thoát bằng cách thoát li khỏi cuộc đời, sống trong một thế giới khác, thế giới mộng mơ, thần tiên. Thi nhân gọi trăng là chị, xưng với trăng là em thì vừa là muốn thân tình, gần gũi để giãi bày, vừa là chơi ngông. Bốn câu thơ tiếp càng thể hiện cái ngông của Tản Đà:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Ngông thực chất là một thái độ ứng xử đối với cuộc đời, một biểu hiện khác của sự chán ngán, bất mãn với thời cuộc. Phải là người yêu đời lắm, tha thiết với cuộc sống lắm thì mới tỏ ra buồn chán đến bất hòa trước cuộc đời đang rối ren, đen tối như thế. Câu 3 của bài thơ là lời ướm hỏi, rồi đến câu 4 là lời đề nghị. Nếu Cung quế chưa có ai thì chị cũng buồn, cũng cô đơn lắm nên hãy để em lên chơi cùng, em đỡ buồn mà chị cũng bớt cô đơn. Tính từ đây mà cũng ngang tàng đấy! Xin chị đừng từ chối nhé, bởi vì em có lí lẽ đây này:
Có bầu có bạn, cùng tri kỷ
Cùng gió cùng mây, thế mới vui.
Cái lí của thi nhân thật là thuyết phục. Song trong sự thuyết phục để thoát li, xa lánh trần thế ấy chúng ta thấy một thực trạng buồn vắng, cô đơn của tâm hồn thi sĩ. Vốn đa tình đa cảm nên thi nhân luôn luôn có khát vọng được người tri kỉ, mà cõi trần thì "Chung quanh những đá cùng cây; Biết người tri kỉ nơi đâu mà tìm".
Cái vui của thi nhân là cái vui được tâm giao, tâm đồng. Gió, mây thơ mộng được không nếu chẳng có bầu có bạn". Khát vọng lên trên, lánh đời ở đây thực ra là một cách bộc lộ khao khát đồng cảm, tri âm trong cuộc đời của Tản Đà. Và cái cách ở đây là ngông. Chưa hết, thi nhân còn vẽ ra viễn cảnh:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười
Lãng mạn hết mức, tưởng tượng ra cảnh "tựa nhau" cùng chị Hằng thì quả là cái ngông đã đến đỉnh điểm. Tác giả hạ chữ cười ở cuối bài thật đắt. Cười ở đây chứng tỏ cái hả hê thỏa mãn khi trong ước vọng được thoát tục, rồi bỏ được trần ai mà lên tiên. Cười còn là thái độ mỉa mai, khinh khi cái cuộc đời đang đầy những sầu khổ, cô đơn dưới kia. Cười thách thức. Cười ngông.
Bài thơ tuân thủ khuôn mẫu của một bài thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển. Nhưng nguồn cảm xúc tự nhiên, không chừng bay bổng đã tự tìm đến những lời thơ tựa như lời nói hàng ngày: "buồn lắm chị Hằng ơi", "em nay chán nửa rồi", "đã ai ngồi đây chưa", "xin chị nhắc lên chơi", "thế mới vui", "tựa nhau trông xuống thế gian cười"; xưng hô khẩu ngữ (chị - em) tự nhiên, không đẽo gọt cầu kì và ngữ điệu biểu hiện đa dạng (ơi, rồi, đó chửa, xin, thế mới). Lên tiên, thoát tục là thi đề quen thuộc trong thơ cổ, ở đây cái không mới ấy đã được làm mới bằng giọng điệu, bằng lời thơ.
Cái ngông của Tản Đà trong bài thơ này là một hình thức ứng xử vốn nằm trong cốt cách của nhà nho tài tử trong thơ truyền thống. Song, như chúng ta đã thấy, cái ngông ấy lại là thái độ của Tản Đà đối với xã hội ta những năm đầu thế kỉ XX, bộc lộ một nguồn xúc cảm mới, đầy cá tính đa tình, phóng túng. Cái mơ mộng thành ra cái ngông thì quả là đậm chất riêng của Tản Đà.
Phân tích tác phẩm Muốn làm thằng cuội – Bài văn mẫu số 2
Sau hơn mười năm đầu thế kỉ XX bước vào thời kì hiện đại hoá với những áng văn chương yêu nước nổi tiếng của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu,... nền văn học nước ta bước vào giai đoạn chuyển biến cực kì sôi động. Từ những nãm 20 trở đi, trên văn đàn xuất hiện các nhà văn mạnh dạn đổi mới cả nội dung lẫn hình thức văn chương. Họ kết hợp những vẻ đẹp của truyền thống với yêu cầu cách tân của thời đại, sáng tác ra những tác phẩm thơ văn đặc sắc mang hơi thở của một lớp người giàu khát vọng, yêu nước, yêu đời, nhưng bế tắc,...
Một trong những người mở đầu cho dòng văn chương này là thi sĩ Tản Đà. Tản Đà đã sáng tác nhiều tác phẩm mà chỉ đọc tên, chúng ta cũng thấy rõ tính độc đáo, đầy mộng mơ, lãng mạn: Khối tình con I, II, III, Giấc mộng lớn, Giấc mộng con,... Trong tập thơ Khối tình con có bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" được nhiều người coi là độc đáo nhất. Quả đúng như vậy. Qua nhan đề tác phẩm và ít phút đọc - hiểu ban đầu, chúng ta đã cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của bài thơ.
Đây là một ước muốn khác đời, kì quặc, hay dãy là một giấc mơ kì thú, ngông nghênh, lãng mạn? Muốn làm thằng Cuội tức là muốn bay lên cung trăng, muốn thoát li cuộc đời trần giới để sống với trăng sao, tiên cảnh ư ? Tại sao nhà thơ lại có ước muốn ấy ? Ước muốn ấy có ý nghĩa gì ?... Biết bao câu hỏi thú vị hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta.
Cũng là thơ thất ngôn bát cú theo luật thơ Đường, cũng viết bằng chữ Nôm, nhưng so với nhiều bài thơ Nôm thời kì vãn học trung đại và hai bài thơ ra đời trước đó ít năm của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, nhưng hồn thơ, giọng điệu và ngôn từ của Muốn làm thằng Cuội có nhiều nét khác hẳn.
Bài thơ mang giọng điệu nhẹ nhàng, thanh thoát pha chút tình tứ hóm hỉnh, có nét phóng túng, ngông nghênh của một hồn thơ lãng mạn, thoát li. Hai câu thơ đầu (vào đề) là lời thở than buồn và chán của một thi sĩ, một con người trần thế :
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi,
Nét độc đáo dễ thấy là hai đại từ nhân xưng "chị" và "em" nghe thật duyên dáng. Nhân hóa vầng trăng, rồi nữ hóa trăng, gọi bằng cái tên Hằng (theo cách nói của nhiều thi sĩ xưa - Hằng Nga - ả Hằng), kèm theo đại từ "chị", xưng mình là "em", nhà thơ tạo ra một quan hệ bất ngờ, thân mật mà dân dã, đúng quan hệ để tâm sự sẻ chia nỗi niềm. Nỗi niềm của nhà thơ bộc bạch trực tiếp bằng hai từ biểu cảm buồn và chán.
Buồn trong đêm thu là tâm trạng quen thuộc của các vãn nhân nghệ sĩ xưa nay. Bởi vì, mùa thu về, dẫn theo hơi thu se lạnh, gió thu nhè nhẹ hiu hiu, cây cỏ mùa thu héo úa, đợi ngày tàn lụi,... Biết bao thi sĩ dân tộc từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, từ Hồ Xuân Hương đến Bà Huyện Thanh Quan, rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương,... đã từng thấm nỗi buồn của mùa thu để rồi làm đầm ướt những dòng thơ.
Là một thi sĩ tài danh, nhạy cảm, trước mùa thu, hẳn Tản Đà đã thấm cái hồn thu đất trời, cỏ cây tàn tạ và lây những dòng buồn của văn chương, của các thi sĩ. Đấy là nỗi buồn lãng mạn, nhè nhẹ, bâng khuâng, như vô cớ mà có duyên. Còn tâm trạng "chán nửa rồi" thì không còn là lãng mạn vô cớ kiểu nghệ sĩ nữa. Đó là nỗi buồn chán đẫm chất thế sự của một tâm hồn từng âu lo cho nước cho dân trong cảnh lầm than nô lệ.
Đêm thu... buồn, cộng Trần thế... chán, cảnh đất trời thiên nhiên cộng với cảnh đời tối tăm đau khổ đã xui giục nhà thơ cất tiếng thở than, để tìm người chia sẻ. Có lẽ chưa tìm dược ai xứng với mình, nên dành ngẩng mặt than với mây trời, với trăng sao. Trong vòm trời đêm mênh mông kia, có lẽ chí mặt trăng dáng làm tri kỉ. Bởi vì trăng sáng ngời, tròn trịa, phúc hậu, vô tư, vô ngôn mà đầy gợi cảm.
Dưới đôi mắt, đúng ra là qua trái tim nhạy cảm đa tình của mình, thi sĩ Tản Đà đã thấy ở vầng trăng hình ảnh một mĩ nhân có thể kết bạn tâm giao. Nhà thơ gọi trăng là "chị" - "chị Hằng", tôn xưng người đối thoại là "chị", nhận mình là "em" thật khéo, khéo trong ứng xử (nếu "chị Hằng" là có thật) và khéo trong dẫn dát ý thơ.
Hiện lên sau hai câu thơ cấu trúc kiểu lời gọi, tiếng than là một ước nguyện chân thành, tha thiết khiến người nghe, người được cậy nhờ không thể chối từ và người đọc thơ cũng không thể dừng lại. Đến bốn câu thực và luận, lời ước nguyện, cầu xin trở thành một giấc mơ độc đáo:
Cunq quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
Nếu xét về luật bố cục và đối xứng Đường thi thì bốn câu trên đã phạm luật, không đúng nội dung của hai câu thực (tả thực) và hai câu luận (suy luận, mở rộng), từng cặp câu cũng chưa thật đối nhau trong ngôn từ và ý nghĩa. Song đọc lên, ta vẫn thấy ngôn ngữ trôi chảy, ý tứ khoáng đạt, hồn thơ phát triển tự nhiên, gắn bó hài hòa với hai câu mở đề, Đó là những dòng cách tân Đường luật để ý tình được tung phá, "cái tôi" thi sĩ được bay bổng, tự nhiên.
Bốn câu thơ cất lên những tiếng nói ước nguyện, những dự cảm thật độc đáo. Câu thứ nhất thăm dò "Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?". Câu thứ hai, không đợi trả lời, liền đề đạt, cầu xin mạnh dạn "Cành đa xin chị nhắc lên chơi". Những hình ảnh "cung quế", "cành đa", "ai ngồi đó" gợi biết bao chuyện huyền thoại về "cung Quảng Hàn" (mặt trăng), về "cây đa, chú Cuội" mà nhiều người Việt Nam đều biết.
Đó đâu phải một nơi chốn của con người mà là những địa chỉ siêu nhiên, những con người siêu nhân chí có trong tưởng tượng, trong những giấc mơ. Phải chăng, khi cất lên những tiếng thơ đó, thi sĩ Tản Đà đang ru hồn mình vào trong một giấc mơ! Ta có cảm giác ông đang bé lại, nhỏ nhắn, tí hon như nhân vật chú Cuội ngày xưa bám vào "cành đa" bay lên, bay lcn, lên đến tận cung trăng, rồi từ từ hạ xuống, ngồi dưới gốc đa, bên cạnh chú Cuội. Sau đó là một cảnh tượng, một bức tranh kì thú :
Có bầu, có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
Nhà thơ đã đến đích, được gặp chị Hằng, chú Cuội, được kết bạn với gió, mây. Hai cụm từ "can chi tủi" và "thế mới vui" thể hiện rõ tâm trạng thoả thuê, quên hết nỗi buồn khổ ở trần gian để tìm nguồn vui nơi tiên giới. Âm điệu của ngôn từ như ngân lên pha chút hóm hỉnh, cười đùa, ngông nghênh mà rất tình tứ.
Có thể nói, tâm hồn lãng mạn của thi nhân đã tìm được một địa chí lí tưởng dể thoát li. Lên tới mặt trăng, ẩn mình trong mây bay, gió cuốn tức là Tản Đà đã hoàn toàn xa lánh được cuộc đời "buồn chán", xa lánh "cõi trần nhem nhuốc". Nhưng ước nguyện của Tản Đà không chí hoàn toàn là trốn chạy, xa lánh.
Đó chính là những giấc mơ, những khát vọng chân chính của một con người luôn gắn bó với cuộc dời, luôn mong muốn cuộc đời nói chung, đời mình nói riêng có niềm vui, có hạnh phúc, được gặp những bạn bè nhân hậu, chân tình. Nhà thơ từng than thở :
Chung quanh những đá cùng cây,
Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm.
Và đã từng ước mơ :
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm đôi chim nhạn tung trời mà hay .
Với ước nguyện Muốn làm thằng Cuội, cái khát vọng chính đáng kia bắt gặp một giấc mộng của hồn thơ đa tinh, trở thành một cách nói có phần ngông nghênh, ngạo đời, lãng mạn. Chán đời, buồn thu, giờ đây được sánh vai bầu bạn với người đẹp Hằng Nga, được vui chơi thoả thích với mây gió, còn gì thú hơn và làm sao còn cô đơn, sầu tủi được! Cam hứng lãng mạn của Tản Đà mang đậm dấu ấn thời đại và đi xa hơn người xưa là ở chỗ đó. Dấu ấn thời đại và tầm xa trong hổn thơ Tản Đà được đẩy thêm một bậc, bất ngờ là ở hai câu kết bài thơ:
Rồi cứ mồi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Đêm trung thu, trăng sáng, người người ngẩng đầu chiêm ngưỡng trăng sao, báu trời, thì nhà thơ lại đang ngồi tít mãi trên cung trăng tựa vai người đẹp Hằng Nga nhìn xuống, ngắm nghía trần gian, rồi... cười. Vì sao nhà thơ cười ? Có thể vì đã đạt được ước mơ, khát vọng thoát li, xa lánh cõi đời trần tục, nên thỏa mãn, cười vui. Cũng có thể vì được đứng ớ vị trí tầm cao, đứng trên mọi thói đời nhỏ bé, thấp hèn, nên nhà thơ nhìn rõ những điều xấu xa, bẩn thỉu, đáng cười, đáng khinh của cõi trần chật hẹp nhỏ nhoi.
Cũng có thể đầy là cái cười tự trào, tự giễu mình... chơi ngông, hơn đời, khác đời. Một chữ cười mà mở ra hai ba nghĩa, thật thú vị. Phải chăng hai câu thơ kết, nhất là từ cuối cùng của bài thơ ("cười") là đỉnh cao của hồn thơ lãng mạn, phong thái phóng khoáng, ngông nghênh mà rất duyên dáng, đa tình của Tản Đà.
Tóm lại, bài Muốn làm thằng Cuội là tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với xã hội tầm thường, xấu xa, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng, vui cùng mây gió. Đó là một giấc mơ kì thú, ngông nghênh, lãng mạn. Sức hấp dẫn của bài thơ chính là ở vẻ đẹp của giấc mơ ấy được thể hiện ở những từ ngữ, những hình ảnh đậm chất dân tộc, ở những tìm tòi đổi mới thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật của Tản Đà.
Nhờ những đổi mới trong hồn thơ, tìm tòi trong nghệ thuật, thi sĩ Tản Đà đã góp phần mở ra một giai đoạn cách tân sôi động, hào hứng cho lịch sử thơ ca hiện đại Việt Nam, đúng như nhà nghiên cứu Hoài Thanh nhận xét : "Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát li ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo... Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đương sắp sửa...".
Phân tích tác phẩm Muốn làm thằng cuội – Bài văn mẫu số 3
Tản Đà (1889-1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu là một người đa tài ông làm thơ, làm văn và còn là một nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta. Sở dĩ ông lấy bút danh là Tản Đà cũng là vì ông là một người yêu quê hương đất nước, ông muốn bút danh của mình gắn liền với quê hương, Tản Đà có nghĩa là sự gắn kết giữa núi Tản Viên và sông Đà của quê hương ông.
Ông nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa sáng tạo trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông viết những bài thơ lãng mạn với những ý tưởng rất ngông, đậm chất phóng khoáng, cá tính mạnh mẽ, ông cũng được đánh giá là người chuẩn bị cho sự nghiệp ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là "gạch nối liền giữa hai thời kì văn học cổ điển và hiện đại". Thơ ông chủ yếu mang đậm màu sắc "ngông" tiêu biểu là bài thơ "Muốn làm thằng Cuội".
Bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" được ra đời vào năm 1916 in trong tập Khối tình con (1916). Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, nhưng nó chịu ảnh hưởng của phong cách thơ ông, thể thơ dù dưới hình thức là thơ cổ nhưng có những dấu hiệu mới mẻ, khác của cảm xúc.
Đó là lời tâm sự của tác giả ở một thời đại mới đã khiến cho cái hình thức thơ cũ được giảm nhẹ đi phần nào tính trang trọng, nghiêm luật như trước. Trong ngôn từ cũng vậy sự giản dị cùng với khẩu ngữ tự nhiên đã làm nên cái sáng tạo, cái hay và nét riêng độc đáo cho bài thơ. Bài thơ tuy ngông nhưng vẫn mang giọng điệu nhẹ nhàng, pha thêm chút hóm hỉnh lãng mạn và cả thêm sự phóng túng ở bài thơ.
Ta bắt gặp một giọng điệu suồng sã ở ngay nhan đề của bài thơ, nói lêm cái ý muốn khác người, hay đó là một giấc mơ kì thú, có thêm phần ngông và tất nhiên có cả lãng mạn. Tác giả muốn làm thằng Cuội có nghĩa là muốn thoát khỏi thế giới trần tục và lên ở cùng cõi tiên.
Làm người thì họ muốn có những ước mơ như sống trong vinh hoa, hưởng lạc trọn đời nhưng còn tác giả tại sao ông lại muốn lên trời sống cũng trăng, sao? Ngay ở phần nhan đề chúng ta đã thấy rất riêng và hấp dẫn thì có lẽ nội dung của tác phẩm còn thú vị hơn nữa. Ở hai câu thơ đầu
"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi"
Lời thơ tuôn ra như một lời than thở, buồn chán muốn được tâm sự cùng ai đó của một người trần thế. Ta bắt gặp hai đại từ nhân xưng "chị", "em" tác giả tự nhận mình là em nghe rất thân mật gần gũi như đã quen từ lâu, thật êm tai. Đến bốn câu tiếp theo đó là lời ước nguyện:
"Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
Ở bốn câu thơ này nếu xét về bố cục và đối xứng Đường thi thì đã phạm luật, không đúng với nội dung của hai câu thực, hai câu thực vốn là tả thực còn hai câu luận (suy luận và mở rộng), từ cặp câu chưa đối nhau trong ngôn từ và ngữ nghĩa. Nhưng ta vẫn thấy cái hay của bài thơ, từ ngữ sáng tạo, ngôn ngữ thơ phát triển tự nhiên ta thấy sự cách tân trong bài thơ này của Tản Đà.
Bốn câu thơ này nói về ước nguyện của tác giả và cầu xin ước mơ độc đáo của ông trở thành hiện thực. Đầu tiên ông hỏi dò xem đã có ai ở trên cung trăng hay là chưa. Sau đó ông tiếp cầu xin ngỏ lời muốn chị Hằng đưa mình lên cành đa chơi. Những hình ảnh trong thơ như "cung quế", "cành đa", đó là những nơi chỉ người tiên mới ở được và chỉ có ở trong tưởng tượng của người Việt ta hay thường nhắc tới câu chuyện cây đa chú cuội.
Ý thơ như là tác giả đang chìm đắm trong một giấc mơ đẹp. Và ở hai câu luận tác giả đã được thỏa lòng mong muốn của mình khi được bầu bạn với mây gió và cùng nhau chơi đùa trên cung trăng, thỏa lòng mong muốn "thế mới vui" như là tác giả đã quên đi hết nỗi buồn ở trần gian và được vui ở chốn tiên cảnh. Câu thơ mang cảm giảm hóm hỉnh, tinh nghịch khiến cho người đọc có cảm giác như đang phiêu lưu trên cung trăng cùng tác giả. Ở hai câu kết còn có sự bất ngờ vô cùng lớn:
"Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười".
Trung thu là đêm hạnh phúc của mỗi gia đình, gia đình sum họp ngoài trời cùng nhau ngắm trăng, trăng đêm trung thu là sáng nhất mọi người cùng nhau vui vẻ trò chuyện. Vậy mà nhà thơ lại khác, nhà thơ đang ngồi trên cung trăng, tựa lưng vào chị Hằng rồi cùng nhau trông xuống thế gian, ngắm nơi trần thế mọi người đang vui vẻ nhưng tại sao nhà thơ lại cười, là tại vì ông vui nên cười hay còn ngụ ý khác?
Đúng vậy nhà thơ cười là đang cười chế giễu vì nhà thơ đang ở tầm cao nên có thể thấy hết mọi chuyện đáng cười, đang khinh ở trên đời, cũng có thể nhà thơ đang tự cười mình có cái ý tưởng ngông nghênh khác đời.
Qua bài thơ "Muốn làm thằng cuội" ta thấy rõ cái ngông của ông trong đó, và cũng thấy được nỗi chán ghét nơi trần thế của ông, ông muốn bỏ nơi đó thật xa, ông muốn được lên ở cõi tiên, ông du dương trong giấc mơ, tưởng tượng của mình để được lên trời cao làm bạn với mây gió. Ta cũng thấy được sự cách tân Đường thi ở bài này, ông đã góp một phần quan trọng trong giai đoạn cách tân đổi mới thơ ca hiện đại Việt Nam.
Phân tích tác phẩm Muốn làm thằng cuội – Bài văn mẫu số 4
Tản Đà là tài năng văn học lớn của Việt Nam, ông là gạch nối giữa văn học trung đại và hiện đại. Muốn làm thằng cuội thể hiện tâm trạng chán nản, bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, muốn thoát li vào thế giới mộng tưởng của tác giả. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện những cách tân mới mẻ, táo bạo trong sáng tác của ông.
Nhan đề bài thơ vô cùng đặc sắc, tác giả sử dụng từ "muốn" thể hiện khát khao chuyển đổi không gian sống và muốn hóa thân thành người khác, cụ thể ở đây là thành chú Cuội. Ngay từ nhan đề đã cho thấy cái tôi ngông nghênh và đa tình của nhà thơ. Một ước muốn xa vời nhưng hết sức thực tế vì tác giả muốn thoát khỏi thực tại tầm thường, thấp kém.
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Thực tại tầm thường, giả dối tác giả không biết tâm sự cùng ai đành tìm đến chị Hằng để giãi bày nỗi lòng của mình. Điều đó cho thấy sự cô đơn, lạc lõng của ông giữa cuộc đời. Đêm thu - thời điểm khơi gợi nỗi buồn trong những tâm hồn nhạy cảm - bởi vậy cõi lòng nhà thơ càng trở nên trống trải, cô đơn hơn.
Không chỉ buồn, sầu, cô đơn Tản Đà còn gửi cả vào câu thơ sự chán chường với cuộc đời. Ở câu thơ tác giả đã thể hiện trực tiếp cái cô đơn của bản thân, điều này vốn rất ít khi được thể hiện trong văn học trung đại. Tản Đà đã phá vỡ quy tắc của thơ ca cổ điển, thể hiện trực tiếp tình cảm cá nhân, đây chính là điểm mới mẻ trong thơ ông.
Chính bởi cuộc sống tầm thường nên tác giả có ao ước được thoát li cuộc đời trần thế. Cách thoát li thực tế của Tản Đà hết sức đặc biệt: muốn lên cung trăng làm bạn với chị Hằng. Câu hỏi thăm dò dường như chỉ là cái cớ: Cung quế đã ai ngồi đó chửa?, không chần chờ, không đợi câu trả lời của chị Hằng, ông đã đề nghị: "Cành đa xin chị nhắc lên chơi". Cuộc đối thoại trong mộng tưởng của Tản Đà thật thơ mộng và tình tứ. Đồng thời thể hiện cái tôi ngông ngạo của ông.
Đẩy trí tưởng tượng của mình đi xa hơn một bước, tác giả tưởng tượng cảnh mình được ngồi ở cung quế trò chuyện vui đùa cùng chị Hằng. Nơi ấy tác giả thoát khỏi nỗi sầu, nỗi cô đơn vì đã có chị Hằng làm bạn: "Có bầu có bạn can chi tủi/ Cùng gió, cùng mây thế mới vui". Những hình ảnh gió mây làm cho tâm hồn tác giả càng thêm bay bổng, lãng mạn hơn. Cái ngông của Tản Đà được thể hiện trong nguyện ước được thả hồn cùng gió mây để ngao du trong trời đất.
Hai câu thơ cuối thể hiện nguyện ước được mãi mãi ở nơi cung quế của tác giả. Các chữ "cứ mỗi năm" diễn tả dòng thời gian lặp đi lặp lại thể hiện mơ ước không muốn rời xa nơi đây. Và ở cung quê ông cùng chị Hằng "Tựa nhau trông xuống thế gian cười", nụ cười của ông có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa: cười bởi không thể thỏa mãn được khát vọng thoát li, xa lánh cõi trần gian hay cười vì mỉa mai, khinh bỉ cõi đời xô bồ, đen tối, ngột ngạt. Dù hiểu theo cách nào thì đó cũng thể hiện nỗi sầu của kẻ chán ghét và muốn thoát li thực tại.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, tuân thủ quy tắc về niêm luật nhưng không công thức, gò bó. Ý thơ phóng khoáng, tự do, bay bổng, mang đậm dấu ấn cá nhân. Thủ pháp đối lập cũng được vận dụng tài tình.
Qua bài thơ, Tản Đà đã gửi gắm nỗi niềm tâm sự của một người bất hòa sâu sắc với thực tại xã hội lúc bấy giờ, mong muốn thoát li vào cõi mộng tưởng. Bài thơ hấp dẫn ở giọng thơ ngông ngạo, trí tưởng tượng phong phú, cảm xúc mãnh liệt, bay bổng lại cũng vô cùng thiết tha, sâu lắng.
Phân tích tác phẩm Muốn làm thằng cuội – Bài văn mẫu số 5
Tản Đà là một nhà thơ có phong cách nghệ thuật đặc biệt trong làng thi sĩ Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Bài "Muốn làm thằng Cuội" là bài thơ kiệt tác, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tản Đà thi sĩ:
"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười"
Mở đầu bài thơ là một tiếng kêu "buồn lắm chị Hằng ơi!". Một tiếng kêu đầy ắp tâm sự. Ba tiếng "Chị Hằng ơi!" rất biểu cảm, ý vị làm giọng thơ thiết tha thân mật. Câu thơ man mác sự buồn và chán. Tản Đà đã từng viết "Đời đáng chán hay không đáng chán?" Nay thì đã "chán nửa rồi".
Bài thơ in trong tập "Khối tình con" xuất bản năm 1961, qua đó ta thấy rõ nguyên cớ sâu xa, buồn và chán vì trần thế, vì cuộc đời xấu xa, vì chế độ thực dân nửa phong kiến ngột ngạt, thối nát, tù hãm. Vì công danh dở dang: "Tài cao, phận thấp, chí khí uất". Buồn vì non nước đang bị ngoại bang thống trị "lệ ai giàn giụa với giang sơn". Đó là nỗi buồn của một hệ thống trong vòng nô lệ lầm than. Là một thi sĩ đa cảm, đa tình, nỗi buồn đã kết thành mối sầu: "Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh lụy"
Một mối tơ tằm mấy đoạn vương"
(Đề khối tình con thứ nhất)
Một chữ "xin" rất chân thành tha thiết, như nài nỉ:
"Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành hoa xin chị nhắc lên chơi"
Hai câu thực đã làm rõ đề bài "Muốn làm thằng Cuội" ở nơi cung trăng, cung quế. Câu hỏi tu từ gợi nhiều man mác bâng khuâng. "Cành đa" đã trở thành cái thang bắc lên chín tầng mây xanh để "chị nhắc lên chơi" cung quế. Đó là giấc mộng thoát li. Mộng vì chán đời, ngán đời. Mộng có tính phủ định:
"Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời"
(Nhớ mộng) Có lên được cung quế mới đỡ "tủi", mới thỏa thích, "thế mới vui". Có chị Hằng bầu bạn; có gió, có mây cùng chơi với. Điệp ngữ (có, cùng) và phép đối được sáng tạo, có cả tiểu đội bình và đôi. Cách ngắt nhịp 2/2/3 tạo nên giọng thơ nhún nhảy lâng lâng. Thấm đẫm vần thơ là chất phong tình lãng mạn. Đọc lên nghe rất thú vị:
"Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui"
Đúng như nhà phê bình văn học Lê Thanh trong cuốn "Tản Đà thi sĩ" (1939) đã nhận xét "Thơ của ông (Tản Đà) là chất thơ trong như lọc với cảnh tượng không rõ rệt, những hình ảnh mờ mờ, ông vẽ những bức tranh tuyệt bút; với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mĩ...".
Cái ngông, cái phong tình của thi sĩ đã dâng lên cực điểm. Đêm Rằm tháng Tám, là đêm trung thu đẹp nhất, chẳng còn buồn vị cô đơn nữa, thi sĩ được cùng chị Hằng "Tựa nhau trông xuống thế gian cười". Cáicử chỉ "tựa nhau" và nụ cười ấy cũng là một giấc mộng đẹp. Thoáng một chút mỉa mai (cho trần thế) nhưng đầy thú vị được thoát li, được thỏa thích nơi cung quế:
"Rồi cứ mỗi năm Rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười"
Cái kết thoát li. Một cách nói phong tình, tài hoa. Có đọc bài thơ Hầu Trời mới thấy được, cảm được cái hay, thú vị của bài "Muốn làm thằng Cuội".Nửa đêm, Tản Đà tỉnh dậy đun nước pha trà, rồi ngâm thơ... Trời nghe giọng ngâm bèn sai hai tiên nữ xuống cõi trần rước thi sĩ bay lên. Thi sĩ đọc thơ cho Trời và bầy tiên nghe. Tất cả đều tấm tắc khen:
"Văn đã giàu thay, lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!
Chư Tiên ao ước tranh nhau dặn:
Anh gánh lên đây bạn chợ Trời!"
(Hầu Trời)
Bài "Muốn làm thằng Cuội" là một bài thơ có thi đề độc đáo, thú vị. Giọng thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, chơi vơi. Trí tưởng tượng phong phú, kì diệu. Chất mộng ảo, sắc màu lãng mạn thấm đẫm bài thơ.
Tuy có nói đến buồn, nói đến chán, có nói đến thoát li, có thấm vị phong tình... nhưng toàn bài thơ thoát lên một tinh thần phủ định thực tại xã hội thực dân nửa phong kiến xấu xa, khao khát được sống trong sạch hơn, thanh cao hơn, để mãi mãi giữ trọn thiên lương cao đẹp. Giá trị đích thực của bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" là ở chỗ ấy.