Tìm hiểu chung
Tóm tắt văn bản
Truyện kể về cuộc đời của vợ chồng A Phủ. Mị là cô gái trẻ đẹp, nhà nghèo, sống ở Hồng Ngài. Cô bị bắt cóc về làm vợ A Sử, làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cô phải lao động quần quật, sống không khác gì con trâu, con ngựa. Khi mùa xuân đến, cô cũng muốn đi chơi liền bị A Sử trói đánh đứng trong buồng. Chỉ đến khi A Sử bị đánh, cô mới được cởi trói để đi lấy lá thuốc, xoa dầu cho chồng.
A Phủ là một chàng trai nghèo, mồ côi, khỏe mạnh, gan góc và giỏi lao động. Vì đánh A Sử đến phá rối cuộc chơi nên bị bắt, bị đánh đập, bị phạt vạ, rồi trở thành người ở đợ trừ nợ cho nhà thống lí. Một lần để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, bị bỏ đói suốt mấy ngày đêm. Một đêm, khi trở dậy thổi lửa để sưởi, Mị bắt gặp dòng nước mắt chảy trên gò má đen sạm của A Phủ. Mị nghĩ về thân phận mình, đồng cảm về cảnh ngộ của A Phủ. Cô đã cắt dậy trói giải thoát cho A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra.
Hai người đến Phiềng Sa, thành vợ thành chồng, tạo dựng một cuộc sống mới. A Phủ được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng A Châu trở thành tiểu đội trưởng du kích. Họ cùng mọi người cầm súng để gìn giữ bản làng.
Bố cục (3 phần)
- Phần 1 (từ đầu đến "bao giờ chết thì thôi"): Tâm trạng và hoàn cảnh sống của Mị.
- Phần 2 (tiếp theo đến "đánh nhau ở Hồng Ngài"): Hoàn cảnh của A Phủ.
- Phần 3 (còn lại): Cuộc tự giải thoát của Mị và A Phủ.
Câu 1
Video hướng dẫn giải
Câu 1 (trang 14 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Cảnh ngộ và bi kịch của cuộc đời Mị:
- Cảnh ngộ: Mị là cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, được nhiều người mê, yêu tự do. Vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ mà Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra.
- Cuộc sống nhà thống lý Pá Tra:
+ Ban đầu: Mị khóc mấy tháng liền, chốn về nhà cầm lá ngón trên tay định tự tử
=> Mị vẫn có ý thức về cuộc sống, tinh thần phản kháng.
+ Sau này: Mị dần trở nên cam chịu, "lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa"
=> Từ cô gái trẻ trung, yêu đời, có ý thức bản thân, Mị dần trở nên câm lặng, cam chịu.
* Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân:
- Những chất xúc tác khách quan khơi dậy tâm hồn Mị: thiên nhiên Hồng Ngài khi vào xuân, cảnh chuẩn bị đón tết, tiếng sáo gọi bạn, men rượu…
- Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị:
+ Mị nghe tiếng sáo Mị bỗng thấy tâm hồn như phơi phơi trở lại. Mị cũng uống rượu ngày tết, Mị uống ực từng bát như uống cho hết nỗi nhục số phận.
+ Mị nằm lại trong nhà nghe tiếng sáo thổi, Mị bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày trước.
+ Nhưng rồi tự nhiên Mị thấy uất nếu như có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nghĩ nữa
⇒Sức sống trong Mị đã hồi sinh.
+ Mị thấy mình còn trẻ và Mị muốn đi chơi.
+ Mị vào buồng thắp sáng đèn như thắp sáng chính cuộc đời mình.
+ Mị với tay lấy chiếc váy hoa chải lại đầu tóc để đi chơi. Nhưng A Sử ngăn cản hành động đó của Mị.
+ A Sử buộc Mị vào cột giữa nhà cột cả tóc lên khiến Mị không thể cúi đầu được. Nhưng khi ấy Mị vẫn còn đang say sưa theo tiếng sáo, rồi bỗng chốc Mị nghe tiếng chân ngựa đạp mạnh vào vách Mị cựa quậy không xong. Mị lại đau khổ
* Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ:
- Mùa đông đến Mị thường dậy nửa đêm để hơ lưng hơ tay cho đỡ lạnh
- Khi ấy Mị bắt gặp A Phủ đang bị trói, ban đầu Mị dửng dưng không thấy gì vì cảnh tượng này trong nhà thống lý đã quá bình thường
- Nhưng rồi bắt gặp ánh mắt của A Phủ với hai dòng nước mắt lấp lánh. Mị thương người, thương mình. Mị quyết định cắt dây trói thả A Phủ đi. Hành động cắt dây trói cứu A Phủ cũng chính là hành động cắt sợi dây trói vô hình của cuộc đời Mị ở nhà thống lý.
- Trong lúc sợ hãi Mị chạy theo A Phủ hướng đến cách mạng và sự tự do.
Câu 2
Video hướng dẫn giải
Câu 2 (trang 15 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Tính cách của nhân vật A Phủ:
+ Mạnh mẽ, hồn nhiên, tự do, phóng khoáng: lưu lạc từ thuở bé, không chịu ở đất thấp nên bỏ trốn lên Hồng Ngài, không có tài sản nhưng vẫn cùng trai làng đi chơi ngày xuân tìm người yêu.
+ Khỏe khoắn, dũng cảm, căm ghét sự hống hách của A Sử: đánh nhau với A Sử.
+ Gan lỳ nhưng nhẫn nhục, cam chịu: “im như cái tượng đá” dù bị đánh đập dã man vì cuối cùng A Phủ cũng chỉ là một kẻ nghèo khổ, phải chịu đi ở gạt nợ cho thống lý.
+ Chăm chỉ, chất phác, vô tư: khi làm công gạt nợ cho thống lý, A Phủ làm phăng phăng mọi việc một cách tháo vát; mải bẫy nhím để hổ bắt mất bò…
* Khác biệt trong bút pháp miêu tả nhân vật Mị và nhân vật A Phủ:
+ Nhân vật Mị được miêu tả chủ yếu qua diễn biến tâm lý bên trong. Ngoài ra, còn có các yếu tố hỗ trợ như miêu tả lời nói, dáng vẻ, hành động.
+ A Phủ chủ yếu được miêu tả qua hành động (yếu tố bên ngoài) và ngoại hình.
Câu 3
Video hướng dẫn giải
Câu 3 (trang 15 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Sự độc đáo trong quan sát và diễn tả về đề tài miền núi của Tô Hoài:
- Am hiểu sâu sắc, miêu tả sinh động sinh hoạt và phong tục của người Mèo ở Hồng Ngài:
+ Cứ gặt hái xong là ăn tết không kể ngày tháng nào; chuẩn bị đón Tết, con gái Mèo phơi váy hoa trên các mỏm đá, lũ trẻ chơi quay đùa nghịch trước nhà.
+ Cảnh ăn tết vui xuân của người Mèo: bữa cơm bữa rượu nối tiếp bên bếp lửa; trai gái đánh pao, đánh quay, thổi sáo rồi đêm đêm hẹn hò nhau đi chơi;
+ Phong tục cướp vợ, cúng trình ma.
+ Cảnh xử kiện lạc hậu, tàn bạo thời kỳ trước cách mạng của bọn thống lý tàn ác.
- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với nhũng chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ ("trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá xòe như những con bướm sặc sỡ... Đám trẻ con, chơi quay cười ầm trước sân nhà")
- Nghệ thuật dẫn truyện: tự nhiên, chân thực với ngôn ngữ mang đậm nếp cảm, nếp nghĩ, nếp diễn đạt của người dân miền núi.
Luyện tập
Truyện Vợ chồng A Phủ chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc với những biểu hiện cụ thể sau:
+ Cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần và thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ.
+ Phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
+ Tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến xương tủy.
+ Hướng người lao động nghèo khổ đến con đường tươi sáng là tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.
Tổng kết
Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Tác phẩm khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách, và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ. |