Tóm tắt
Người xưa có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Cái hơn ấy có thể được đánh giá qua nhiều phương diện khác nhau và chắc hẳn mỗi người đều có trong mình câu trả lời. Bài viết này đề cập đến những yếu tố liên quan đến nước nhà và dân tộc. Có lẽ mặt mạnh nhất thuộc về văn hóa (trong) giữ nước với truyền thống yêu nước, tinh thần và bản lính chiến đấu để bảo vệ nước và không để dân tộc bị đồng hóa. Điều đó đã được dẫn chứng rõ ràng khi đất nước phải đương đầu với nhiều các thế lực mạnh hơn ta hàng nghìn năm nhưng dân tộc ta không bị đồng hóa, vẫn bất diệt. Xa hơn là thời đại Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, ... với những thắng lợi vẻ vang hay đến thời Hồ Chí Minh vẫn được nối tiếp xứng đáng.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại điều bất cập rằng cho đến nay, ta vẫn chưa có được một Việt Nam phát triển và trách nhiệm nặng hơn đang thuộc về thế hệ lãnh đạo và công dân sau 1975 đến nay. Chúng ta cần ra sức đổi mới và sáng tạo, biết chắt lọc và phát huy, nâng cao những giá trị tốt đẹp mà cha anh để lại sao cho phù hợp với xã hội hòa bình. Một trong những điều quan trọng nhất đó là giáo dục lớp trẻ nhưng phải luôn để lại cho lớp trẻ chính bản thân họ. Cần loại bỏ cách giáo dục theo lối bề trên áp đặt dạy dỗ bề dưới vì lớp trẻ cũng cần phải được bình đẳng với mọi người. Đồng thời, lớp trẻ cần có tính khiêm tốn, chịu khó tự học không ngừng, học tập kinh nghiệm của cha anh và của thế giới. Từ đó, Việt Nam có được một dân tộc và đất nước phát triển.
Chuẩn bị
- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.
- Lưu ý cách đọc một văn bản nghị luận xã hội.
- Đọc trước văn bản Con phải hơn cha để nhà có phúc, tìm hiểu thêm về tác giả và bài viết.
Trong khi đọc
Câu 1 (trang 62, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Vấn đề được nêu lên để bản luận ở phần 1 là gì?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn văn thuộc phần 1.
- Đánh dấu những ý chính có trong phần 1
Lời giải chi tiết:
Vấn đề được nêu lên để bàn luận ở phần 1 bao gồm:
- “Con hơn cha là nhà có phúc” xét trên phương diện liên quan đến nước nhà và dân tộc.
- Điểm mạnh nhất của người Việt Nam là truyền thống yêu nước, giữ nước và không để dân tộc bị đồng hóa.
Câu 2 (trang 62, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Nội dung chính của phần 2 là gì?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ phần 2 của văn bản.
Lời giải chi tiết:
Nội dung chính của phần 2: Làm rõ tinh thần chiến đấu, sự bất diệt của nhân dân ta và những thời đại lịch sử vẻ vang, hào hùng. Đồng thời, nhìn nhận ra những mặt còn hạn chế để tìm cách khắc phục.
Câu 3 (trang 62, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Chú ý các lí lẽ và dẫn chứng.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 2 của văn bản.
- Đánh dấu các lí lẽ và dẫn chứng có trong phần 2.
Lời giải chi tiết:
Lí lẽ | Dẫn chứng |
- Một dân tộc yêu hòa bình nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc đã phải đương đầu với các thế lực mạnh hơn ta rất nhiều đến từ phương Bắc và phương Tây. - Nếu như không có những chiến công hiển hách và những người anh hùng ấy thì có lẽ lịch sử dân tộc chỉ còn là những trang ảm đạm, tối tăm, buồn tủi. | - Đương đầu với phương Bắc hàng chục lần và có thời kì họ đã đô họ nước ta hàng nghìn năm, dùng mọi thủ đoạn để đồng hóa dân tộc Việt Nam. - Dẫn chứng về các thời đại, tên anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt; thời đại Hồ Chí Minh; Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. |
=> Nhận xét: Các lí lẽ và dẫn chứng luôn đi kèm với nhau, giúp làm nổi bật luận điểm và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người về quá khứ vẻ vang một thời của dân tộc.
Câu 4 (trang 63, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Chú ý câu văn chuyển ý.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu văn chuyển ý
Lời giải chi tiết:
Ở câu văn chuyển ý này, tác giả đã sử dụng phương tiện liên kết qua từ “Tuy nhiên”, mang ý nghĩa báo hiệu sự đối lập giữa đoạn văn này so với đoạn văn trước đó.
Câu 5 (trang 63, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Hạn chế mà “chúng ta” cần khắc phục là gì?
Phương pháp giải:
Đọc đoạn văn cuối thuộc phần 2.
Lời giải chi tiết:
Hạn chế mà “chúng ta” cần khắc phục là: “Khi đất nước đã hòa bình, thống nhất gần nửa thể kỉ rồi, khi nhiều nước đã tiến vượt bậc, còn chúng ta vẫn chưa phát triển lên được”.
Câu 6 (trang 63, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Câu nào nêu ý chính của phần 3?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 3.
- Đánh dấu câu văn nêu ý chính của phần 3.
Lời giải chi tiết:
Câu nêu ý chính của phần 3: “Lúc này, trước tình hình như vậy, phải ra sức đổi mới và sáng tạo”.
Câu 7 (trang 64, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Tầm quan trọng của yếu tố con người được thể hiện ở câu nào?
Phương pháp giải:
- Đọc phần 3.
- Đánh dấu câu văn nêu lên tầm quan trọng của yếu tố con người.
Lời giải chi tiết:
Tầm quan trọng của yếu tố con người được thể hiện ở câu: “Còn để lại tất cả (nếu có) mà không để lại được con người thì tất cả cũng sẽ không còn”.
Câu 8 (trang 64, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Tác giả mong có một lớp trẻ như thế nào?
Phương pháp giải:
- Đọc phần 3.
- Chú ý những câu văn nói lên mong muốn của tác giả về một lớp trẻ.
Lời giải chi tiết:
Tác giả mong có một lớp trẻ:
+ Hơn cha anh, bằng tầm nhìn thay thế cho kinh nghiệm, biết sử dụng thành thạo ngoại ngữ để hiểu và tiếp cận văn minh, biết quản trị đất nước theo cách hiện đại nhất, để từ đó mà làm nên một quốc gia phát triển.
+ Hóa giải những hận thù mà lớp trước chưa giải quyết xong, để cả dân tộc cùng nắm tay nhau bước tới.
Câu 9 (trang 65, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Câu văn nào khẳng định tác hại của những suy nghĩ lạc hậu?
Phương pháp giải:
- Đọc những đoạn văn tiếp theo thuộc phần 3.
- Đánh dấu câu văn khẳng định tác hại của những suy nghĩ lạc hậu.
Lời giải chi tiết:
Câu văn khẳng định tác hại của những suy nghĩ lạc hậu: Nếu người lớn để lại một lớp sau giống mình, y như mình, bản sao chép của mình, thì đó cũng là dấu hiệu của một đất nước, một dân tộc không phát triển.
Câu 10 (trang 65, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Kiểu câu nào được lặp lại trong phần 3? Tác dụng của cách viết này là gì?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 3.
- Chú ý những câu được lặp lại.
Lời giải chi tiết:
- Kiểu câu được lặp lại trong phần 3 là câu cầu khiến.
- Tác dụng của cách viết này nhằm đưa ra những việc cấp bách, cần phải thực hiện của người lớn và lớp trẻ nhằm đưa đất nước phát triển.
Câu 11 (trang 65, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Nội dung của phần 4 khẳng định điều gì?
Phương pháp giải:
Đọc phần 4.
Lời giải chi tiết:
Nội dung của phần 4 khẳng định: Để Việt Nam có được một dân tộc và đất nước phát triển thì cần giáo dục lớp trẻ một cách tốt và sáng tạo nhất – một lớp trẻ có thể nghĩ mới hơn, nghĩ khác và làm khác người lớn hôm nay.
Trả lời câu hỏi
Câu 1 (trang 66, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Nhan đề “Con phải hơn cha để nhà có phúc” có gì giống và khác với câu nói của người xưa: “Con hơn cha là nhà có phúc”? Nhan đề này cho em biết vấn đề tác giả bản luận trong văn bản là gì?
Phương pháp giải:
- Nêu cách hiểu của bản thân về nhan đề và câu nói của người xưa.
- Đọc kĩ văn bản để thấy được vấn đề được tác giả bàn luận.
Lời giải chi tiết:
* Điểm giống và khác giữa nhan đề “Con phải hơn cha để nhà có phúc” và với câu nói của người xưa: “Con hơn cha là nhà có phúc”:
- Giống nhau: đều nhằm chỉ thế hệ mai sau nếu tốt hơn, giỏi hơn thế hệ đi trước thì đó là điều may mắn, vui mừng.
- Khác nhau: Nhan đề “Con phải hơn cha để nhà có phúc” dường như mang ý nghĩa bắt buộc hơn (thể hiện qua từ “phải”) so với câu nói của người xưa: “Con hơn cha là nhà có phúc”.
* Nhan đề này cho em biết vấn đề được tác giả bàn luận trong văn bản là lớp trẻ cần đổi mới hơn, tiến bộ hơn trong cách nghĩ và cách làm để “nhà có phúc”, tức dân tộc và đất nước được phát triển.
Câu 2 (trang 66, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Dựa vào bốn phần của văn bản, em hãy nêu hệ thống luận điểm của bài viết theo gợi ý sau:
Hình ảnh (trang 66, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ văn bản.
- Đánh dấu những ý chính có trong từng phần.
Lời giải chi tiết:
Phần 1 | “Con hơn cha là nhà có phúc” qua phương diện liên quan đến nước nhà, dân tộc và truyền thống yêu nước, không bị đồng hóa của dân tộc ta. |
Phần 2 | Việt Nam có truyền thống rất đáng tự hào nhưng cũng còn những hạn chế cần khắc phục. |
Phần 3 | Tầm quan trọng của con người và những việc người lớn cùng lớp trẻ cần phải thực hiện để phát triển dân tộc, đất nước. |
Phần 4 | Tầm quan trọng của một lớp trẻ nghĩ mới hơn, nghĩ khác và làm khác người lớn hôm nay. |
Câu 3 (trang 66, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Phân tích các điểm mạnh đáng tự hào và các điểm hạn chế cần khắc phục của người Việt Nam hiện nay được nêu trong văn bản Con phải hơn cha để nhà có phúc.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 3.
- Chú ý các điểm mạnh đáng tự hào và các điểm hạn chế cần khắc phục của người Việt Nam hiện nay.
Lời giải chi tiết:
- Các điểm mạnh đáng tự hào:
+ Một nghìn năm bị đô hộ trực tiếp mà không bị đồng hóa => dân tộc phi thường, kì diệu và bất diệt.
+ Văn hóa dân tộc, dòng máu yêu nước ngấm sâu vào từng thế hệ, từng con người Việt Nam => sức mạnh bất tử trong công cuộc giữ nước bền bỉ và can trường.
+ Những thời đại lịch sử vẻ vang: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, ...
=> Tất cả những điểm mạnh ấy đã vẽ nên những trang lịch sử đầy hào hùng, tự hào và tươi đẹp.
- Điểm hạn chế cần khắc phục:
+ Cho đến nay, ta vẫn chưa có được một Việt Nam phát triển, dù lịch sử dân tộc không chỉ có chiến tranh mà còn có nhiều thời kì dài trong hòa bình, xây dựng.
=> Tác giả đưa ra những điểm mạnh và điểm hạn chế nhằm giúp người đọc có những cái nhìn bao quát nhất về những điều chúng ta đã làm được và tự mình chung tay cùng cộng đồng để khắc phục những điều còn hạn chế nhằm đi đến sự phát triển của đất nước.
Câu 4 (trang 66, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Nêu và phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ nổi bật được tác giả sử dụng nhiều lần trong văn bản.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ văn bản.
- Đánh dấu những biện pháp tu từ nổi bật được tác giả sử dụng nhiều lần trong văn bản.
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp tu từ liệt kê:
+ Liệt kê những thời đại, vị anh hùng dân tộc lừng lẫy: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, ...
=> Giúp người đọc hồi tưởng về một thời quá khứ hào hùng, về công lao to lớn của những người hi sinh thầm lặng cho Tổ quốc.
+ Liệt kê những việc người lớn cần làm để giáo dục lớp trẻ.
+ Trách nhiệm của lớp trẻ.
=> Liệt kê, nhấn mạnh những công việc cần thiết cần được thực hiện nhằm giúp đất nước phát triển hơn.
Câu 5 (trang 66, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Nhận xét thái độ của tác giả đối với lớp trẻ thể hiện ở phần 3. Dẫn ra một số câu văn, đoạn văn thể hiện rõ thái độ ấy.
Phương pháp giải:
- Đọc phần 3.
- Chú ý đoạn nêu lên thái độ của tác giả đối với lớp trẻ.
Lời giải chi tiết:
- Thái độ của tác giả đối với lớp trẻ thể hiện ở phần 3: niềm hy vọng, mong muốn đan xen sự nghiêm khắc, đưa ra những lời khuyên thiết thực.
- Một số câu văn, đoạn văn thể hiện rõ thái độ ấy:
+ “Lớp trẻ thì phải hết sức khiêm tốn, chịu khó tự học không ngừng... tâm huyết góp phần xây dựng đất nước” (đoạn văn cuối thuộc phần 3).
Câu 6 (trang 66, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Đề bài: Vấn đề đặt ra từ văn bản Con phải hơn cha để nhà có phúc có ý nghĩa gì đối với cuộc sống hiện nay? Vấn đề ấy có tác động đến nhận thức và tình cảm của em như thế nào?
Phương pháp giải:
Nêu lên cảm nhận của bản thân.
Lời giải chi tiết:
- Theo em, vấn đề đặt ra từ văn bản Con phải hơn cha để nhà có phúc vẫn mang một ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Bởi xã hội, đất nước qua mỗi năm một khác, phát triển hơn, hiện đại hơn và buộc con người cần thay đổi tích cực theo những xu hướng đó, đặc biệt là lớp trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa, những điều mới mẻ, hiện đại cũng cần biết chọn lọc những điều phù hợp với văn hóa Việt Nam và giữ vững những truyền thống, tính cách tốt đẹp mà ông cha ta đã để lại.
- Vấn đề đặt ra trong văn bản có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của bản thân, đặc biệt là những lời khuyên tác giả dành cho lớp trẻ. Bởi theo em, đó là những lời khuyên vô cùng bổ ích, thích đáng mà mọi giới trẻ có thể áp dụng được ở bất cứ thời đại nào để hoàn thiện và phát triển bản thân mình tốt hơn. Từ đó, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.