Viết đoạn văn cảm nhận hai câu đầu bài cảnh khuya

2 câu trả lời

Đây là bài làm của mình (yên tâm mình không chép mạng đâu)


“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.”

Hai câu thơ đầu của bài “Cảnh khuya” mà vị lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng tác
mang đến người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Biện pháp tu từ được sử dụng ngay
trong câu đầu, so sánh tiếng suối như tiếng hát xa. Khác với cách so sánh trong
bài “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi: “Côn Sơn suối chảy rì rầm/Ta nghe như
tiếng đàn cầm bên tai”, Bác Hồ đã lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp,
khiến hai sự vật tưởng chừng không có quan hệ mật thiết nhưng bây giờ lại gần
gũi hơn bao giờ. Âm thanh của dòng suối róc rách qua từng khe đá đã bao quát
được màn đêm ở chiến khu Việt Bắc tĩnh lặng, không còn thanh âm của con
người. Nếu ở câu đầu ta cảm nhận được cảnh khuya qua âm thanh thì ở câu hai
ta được nhìn thấy hình ảnh của cảnh khuya. Ba sự vật trăng, cổ thụ và hoa đều ở
một tầng lớp khác biệt nhưng tác giả đã sử dụng điệp từ “lồng”, khiến dù chúng
có khác nhau về hình khối, đường nét vẫn tạo nên được một bức tranh thơ
mộng. Một bức tranh tuyệt đẹp hiếm khi thấy được ở những đô thị thành phố
hiện đại ngày nay. Qua hai câu đầu của bài thơ, người đọc cảm nhận được sự
bình yên, yên ả và tươi đẹp của buổi đêm ở chiến khu Việt Bắc, từ đó càng thêm
trân quý những món quà mà thiên nhiên ban tặng nhiều hơn.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

“Tiếng suối” được ví von với “tiếng hát xa” gợi cho ta một cảm giác thanh bình. Có lẽ không gian đó yên ắng lắm, mọi người, mọi vật đã chìm vào giấc ngủ, thì Bác mới có thể lắng nghe được tiếng suối từ sau khe núi vọng về. Nhưng dưới ngòi bút và tâm hồn lãng mạn của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì nó nghe như tiếng hát, lời hát ngọt ngào, quen thuộc gần gũi như ở quê nhà. Bất chợt Bác nhìn lên bầu trời và nhìn thấy được một cảnh tượng thật đẹp.

Trăng “lồng” cổ thụ, bóng “lồng” hoa

Hình ảnh “trăng” xuất hiện không ít ở trong văn thơ, và ngay trong nhiều sáng tác của Hồ Chủ Tịch thì vẫn đã có bóng dáng của trăng, tuy nhiên ở bài thơ này, trăng hiện lên đẹp biết bao. Ánh trăng sáng luồn qua tầng cây cổ thụ, rồi sau đó chiếu xuống mặt đất trông như những bông hoa. Tâm hồn của Bác thật quá đỗi nên thơ, một hình ảnh mà chúng ta nghĩ rằng nó vô cùng quen thuộc, nhưng dưới ngòi bút của thi sĩ, nó được nâng lên một tầm mới, là vẻ đẹp nghệ thuật.

Chỉ mới hai câu thơ thôi, nhưng Bác Hồ kính yêu đã vẽ nên một bức tranh thơ mộng hữu tình giữa núi rừng hoang vu của Việt Bắc, điều này vừa cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, tinh thần lạc quan yêu đời của Bác, vừa thể hiện được sự tinh tế, những rung cảm tuyệt vời không phải ai cũng có. Điều đáng nói ở đây là Bác đã dùng những từ ngữ giàu hình ảnh cùng lối gieo vần, chữ như đang tự sự, rất giản đơn, ngắn gọn mà súc tích, ai trong chúng ta đọc lên cũng có thể tưởng tượng ra ngay khung cảnh Tây Bắc lúc đó như thế nào