Viết bài văn PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ về người thầy/cô mà em yêu quý nhất. Đg gấp lắm ạ, ai lm nhanh đc ctlhn
2 câu trả lời
@danggiabao0
Từ xưa đến nay ông cha ta thường có câu "Không thầy đố mày làm nên" cho thấy được tầm quan trọng của một người thầy giáo. Ngoài bố mẹ luôn bên cạnh chăm sóc, dạy dỗ chúng ta thì những người thầy, cô giáo chính là những người cha mẹ thứ hai dìu dắt, dạy cho ta những điều hay lẽ, hành trang những kiến thức trước khi bước vào đời. Vì thế, trong cuộc đời mỗi bạn chắc chắn sẽ có một người thầy mà ta kính yêu.
Giống như mọi ngày bước đến trường nhưng khác hơn là năm đó tôi lên cấp hai một môi trường học tập rất mới mẻ, có bỡ ngỡ, hồi hộp, lo lắng. Vào lớp học gặp lại được những bạn cũ học cùng lớp một cảm giác vui sướng biết bao. Thầy dạy văn chính là một người thầy tôi kính mến bởi vì thầy hướng dẫn chúng tôi làm những bài tập một cách cẩn thận, cũng có thể vì là môn khá khó nên rất chăm chú nghe giảng, những bài giảng của thầy đều phù hợp với từng học sinh.
Giọng thầy hơi khàn chắc do phải nói nhiều trên lớp, nhưng thầy vẫn cố gắng nói thật to để cả lớp nghe rõ. Những kỷ niệm lúc đó tôi không bao giờ quên được, ngoài giờ lên lớp thầy còn dạy cho cả lớp những điều hay trong cuộc sống, có những điều trong sách không thể dạy cho chúng ta được.
Thầy đeo chiếc kính cận nên nhìn rất giống một nhà bác học uyên thâm, dáng người hơi gầy gầy, thầy lúc nào cũng mặc chiếc áo trắng với quần âu đen, tóc thì điểm chút hoa râm có thể do thầy thức khuya nhiều để soạn bài nên vậy, với nước da hơi ngăm ngăm đen, bù lại thầy có một nụ cười rất duyên.
Nhắc đến kỷ niệm cũ tôi buồn cười nhất đó là lúc vào buổi tan trường, hôm đó lớp tôi phải ở lại để tổng vệ sinh nhưng cả lớp đều lẻn trốn về hết, thế là hôm sau cả lớp bị phạt, lúc đó trong đầu tôi nghĩ kỳ này chắc bị hạ hạnh kiểm mất, khi thầy bắt đầu hỏi chúng tôi, không đứa nào trả lời cả, mà cả lớp đều im lặng khiến cho thầy tức không làm gì được bắt cả lớp xếp thành hàng nhảy cóc và hôm sau đâu vẫn vào đó, lớp tôi vẫn không dọn vệ sinh. Có rất nhiều kỷ niệm mà thời đó làm tôi muốn quay trở lại.
Môn thầy dạy là một môn hầu hết học sinh không thích lắm, nó rất khô khan, chán ngán, nhiều lúc chỉ muốn ngủ cho nhanh, đặc biệt là số điểm của tôi với môn đó thật sự là khá tệ một chút. Nhưng có thầy từng nói một câu của Hoài Thanh như sau: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có", nhưng đối với tôi thì có cảm nhận được đâu, nó rất nhạt nhẽo, không cảm xúc. Tôi chán nản không muốn học bộ môn này, may nhờ có thầy một người luôn sáng tạo những bài học nhàm chán, vô vị đó trở nên hài hước, khiến tôi muốn nghe và một phần nào đó một chút thơ văn của tôi cũng đã tiến bộ lên khá nhiều.
Lần đầu tiên trong thời học sinh lúc đó tôi được 7 điểm môn văn, cảm giác thật vui sướng, tuy là một số điểm chưa cao lắm nhưng đã làm cho tôi một cách nhìn khác về môn văn này. Tôi phải cảm ơn thầy, nhờ những bài giảng của thầy mà tôi, một học dốt đặc văn mà có sự tiến bộ lên rất nhiều.
Thầy giáo chính là người lái đò thầm lặng, đưa chúng tôi qua sông, trang bị cho chúng tôi bao điều hay, đạo đức để có những kiến thức cơ bản, vững chắc để bước vào đời. Các cụ ngày xưa có câu ca dao như sau để thấy được vai trò quan trọng của người thầy:
"Ai người đánh thức đêm trường mộng
Ai soi đường lồng lộng từ ánh hào quang
Ai thắp lửa bồ đề tỏa sáng
Đạo vô vi sưởi ấm cả trần gian"
Qua những câu ca dao ta phần nào hiểu được tấm lòng của thầy giáo dành cho học sinh của mình. Mỗi học sinh cần nhớ công ơn mà những người thầy cô đã dìu dắt chúng ta từng nét chữ đầu tiên, dạy cho ta nhiều kiến thức, những điều mà ta chưa biết.
Tình cảm giữa thầy và trò là một thứ tình cảm rất thiêng liêng, trong sáng và đẹp nhất. Một người thầy tôi không bao giờ quên được, thầy cho đi và không cần nhận lại, chỉ cần nhìn những học trò của mình thi đua, học tập tốt đã khiến thầy cảm thấy hạnh phúc và viên mãn rồi. Đã biết bao thế hệ được thầy đưa qua sông, mỗi thế hệ mong sao lớn khôn và làm những điều có ích.
Tôi rất buồn vì hiện tại thầy đã chuyển công tác về gần quê dạy, một cảm xúc khó tả, buồn và muốn thầy dạy cho thêm nhiều bài hơn, trong lòng cảm thấy nặng trĩu, buồn miên man, sâu lắng. Ngày chia tay với lớp, thầy đã tâm sự rất nhiều, thầy kể về cảm giác lần đầu tiên lên lớp chúng tôi, một lớp rất nghịch ngợm, kể về những điều mà thầy chưa bao giờ kể. Thầy mong chúng tôi học tập thật tốt, chăm ngoan, vâng lời ông bà, bố mẹ, thầy cô.
Cỗ máy thời gian cứ thế chạy và không quay trở lại, giờ nhớ lại những kỷ niệm giữa thầy và trò sao mà lúc đó vui thế. Dẫu thời gian có chạy xa thì thầy vẫn mãi là người mà tôi kính mến, mai sau lớn lên em hứa với thầy là một công dân tốt có ích cho xã hội, chăm sóc và phụng dưỡng ông bà và cha mẹ.
Ai nâng cánh ước mơ cho em?
Là thầy cô không quản ngày đêm
Ai dạy dỗ cho chúng em nên người?
Là thầy cô em ghi nhớ suốt đời….
Bài hát quen thuộc văng vẳng những góc trường đã dần đi sâu vào tâm trí em mỗi ngày đến lớp từ thời lên 5, lên 6 và có lẽ nó sẽ không bao giờ mờ đi cho đến suốt quãng đời còn lại. Ai cũng từng cắp sách đến trường, tuổi học trò là khoảng thời gian đẹp nhất và ở tuổi mộng mơ đó, thầy cô luôn là người dìu dắt chúng em, dạy dỗ chúng em nên người. Em sẽ không bao giờ quên cô Liên – người cô cũng như người mẹ đã yêu thương và nâng bước cho em những ngày đầu bước vào ngưỡng cửa trung học cơ sở.
Ngày đầu tiên đến trường, niềm vui háo hức hiện rõ trên gương mặt của tất cả mọi người. Em còn nhớ như in lần đầu tiên em bắt gặp ánh mắt của cô khi cô đang đứng trên bục sân khấu khai giảng và điều hành buổi lễ chào cờ. Một ánh mắt thật oai phong nhưng cũng rất nghiêm nghị bên cạnh cặp long mi sắc sảo, ấn tượng ban đầu của em ngay từ giây phút đó. Và thật may mắn thay khi lần thứ 2 gặp cô tại lớp học với tin cô Liên sẽ là giáo viên chủ nhiệm lớp 7A.
Vậy là hằng ngày hình bóng của cô dần đi vào tâm trí em với một mái tóc suôn mượt dài nửa lưng, sẽ đẹp hơn khi ngắm mái tóc ấy trong buổi sáng tập nghi thức với nắng nhẹ và gió làm tóc cũng bồng bềnh. Một khuôn mặt tròn với đôi mắt sắc sảo, ánh mắt đăm chiêu làm điểm nhấn, gương mặt cô vẫn rạng ngời ở tuổi gần 40.
Dáng người cao, cô trông thon thả hơn khi mang trong mình bộ áo dài đồng phục của nhà trường vào mỗi buổi sáng thứ 2. Có lẽ, gương mặt ấy, hình dáng ấy sẽ luôn định hình sẵn trong trong tâm trí em một người cô giáo em yêu quý khi em không còn ngồi trên chiếc ghế của nhà trường nữa.
Cô Liên đã từng là giáo viên tổng phụ trách Đội, ngày khai giảng đó là ngày cuối cùng cô giữ chức vụ này và để giáo viên trẻ khác đảm đương. Thay vào đó, cô đã ngay lập tức trở thành một giáo viên chủ nhiệm mẫu mực và luôn đưa lớp dẫn đầu trong mọi hoạt động tập thể. Em đã rất may mắn khi đã được sinh hoạt trong lớp của cô trong những ngày đầu khó khăn vì phải thích nghi với môi trường học mới.
Cô rất cầu toàn, làm việc gì cô cũng muốn nó được thật hoàn hảo và đối với công tác nhiệm cũng vậy, cô rất nghiêm khắc nhưng ở một góc cạnh nào đó trong từng câu nói của cô đều chất chứa những yêu thương và tâm huyết, cô luôn cố gắng răn dạy cho cái tuổi học trò ngỗ nghịch của chúng em không đi sai đường.
Cô đã truyền cho em rất nhiều động lực, cho em sự tự tin và kinh nghiệm, dạy chúng em những lẽ sống hay, những gì nên làm, những gì không nên làm vào những buổi sinh hoạt lớp. Đằng sau gương mặt nghiêm nghị ấy luôn là những nụ cười, lời lẽ động viên chúng em khi mùa thi đến.
Đối với riêng em, cô là một người mẹ giúp em ngộ ra những lẽ sống và cũng là người huấn luyện viên đưa em đến vinh quang. Đến bây giờ khi không còn là học sinh của lớp cô chủ nhiệm nữa nhưng em vẫn luôn biết ơn cô đã cho em cơ hội đến gần với đam mê thể thao của mình qua các cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng. Cô không chỉ huấn luyện em như 1 giáo viên thể dục đơn thuần, cô còn là người phát hiện và khơi nguồn niềm yêu thích của em với bộ môn đá cầu, em thực sự biết ơn vì điều đó.
“Cha mẹ cho con 1 hình hài, thầy cô cho em cả kiến thức”. Tình mẫu tử và tình thầy trò thật quá thiêng liêng và em luôn thực sự biết ơn vì điều đó. Em đã học được rất nhiều điều hay từ cô Liên, cô sẽ luôn là người giáo viên em yêu quý!