Viết 1 bài văn nghị luận,giải thích câu: “Thương em anh để trong lòng,việc quan anh cứ phép công anh làm”

1 câu trả lời

nhăm 1922, khi biết Thành ủy Mát-xcơ-va đã nhiều lần bao che, giảm nhẹ kỷ luật cho người cộng sản có khuyết điểm, Lê-nin đã gửi thư cho đồng chí Mô-lô-tốp để chuyển cho các Ủy viên Bộ Chính trị, phân tích tác hại to lớn của việc làm đó và đề nghị: "Cảnh cáo nghiêm khắc Thành ủy Mát-xcơ-va"; Khẳng định cho tất cả các tỉnh ủy biết rằng Trung ương sẽ khai trừ khỏi Ðảng những kẻ gây "thế lực" dù chỉ là chút ít đối với tòa án nhằm "rút bớt" trách nhiệm của những người cộng sản; ra thông tri cho Bộ Dân ủy phụ trách luật pháp biết rằng phải trừng trị những người cộng sản nghiêm khắc hơn những người ngoài Ðảng. Nếu không chấp hành việc đó thì các thẩm phán nhân dân và các ủy viên trong ban lãnh đạo Bộ Dân ủy phụ trách luật pháp sẽ bị cách chức; Ủy nhiệm Ðoàn chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga khiển trách Ðoàn chủ tịch Xô-viết Mát-xcơ-va bằng cách cảnh báo trên báo chí".

Lê-nin còn viết thêm trong phần "tái bút": "Thật là nhục nhã và tệ hại quá chừng: Ðảng cầm quyền mà lại biện hộ cho những tên đốn mạt "của mình"!".

Chúng ta nghĩ gì trước thái độ hết sức nghiêm khắc đó của Lê-nin? Phải chăng Lê-nin không có lòng nhân đạo, không có tình thương yêu đồng chí? Phải chăng việc làm của Lê-nin như vậy là quá đáng?

Không. Lê-nin là người rất nhân đạo và hết mực thương yêu đồng chí. Người không hề quá đáng. Ở đây chỉ toát lên một tinh thần: Lê-nin là người kiên quyết giữ vững nguyên tắc, rất nghiêm khắc với sai lầm, khuyết điểm của đảng viên, nhất là trong điều kiện đảng cầm quyền; Người muốn giữ nghiêm kỷ luật của Ðảng, một vũ khí sắc bén quyết định sự thắng lợi của giai cấp vô sản. Như Lê-nin đã nhiều lần khẳng định, giai cấp vô sản sẽ không thể nào giữ vững được chính quyền "nếu Ðảng ta không có kỷ luật nghiêm minh nhất, một thứ kỷ luật sắt thật sự"; rằng "không thể nào chiến thắng được giai cấp tư sản nếu không có một cuộc chiến đấu lâu dài, kiên trì, quyết liệt", nếu không có một "sự kiên định, kỷ luật, quyết tâm, một ý chí thống nhất và không gì lay chuyển nổi". Người còn nói: "Kẻ nào làm yếu - dù chỉ là chút ít - kỷ luật sắt trong đảng của giai cấp vô sản (nhất là trong thời kỳ chuyên chính của nó) là thực tế đã giúp cho giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản". Người yêu cầu: "Cần phải đuổi ra khỏi Ðảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược và những người men-sê-vích".

Người Việt Nam ta có câu "Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm". Nếu tước đi những gì là mầu sắc phong kiến, câu này có ý nghĩa sâu sắc. Anh thương em lắm đấy, thương em da diết, thiết tha như bất cứ tình thương của đôi trai gái nào yêu nhau mãnh liệt nhất, nhưng khi giải quyết "việc quan", anh không thể để tình cảm riêng tư chi phối, mà phải chiếu theo pháp luật của Nhà nước.

Những người cộng sản là những người phấn đấu hy sinh vì lợi ích chung, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, cho nên lại càng tôn trọng và giữ vững nguyên tắc khi giải quyết các công việc. Trong việc xử lý những người vi phạm kỷ luật của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, những người cộng sản có thái độ phải trái rất phân minh, không dung túng, bao che đối với những sai lầm, khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Phải đề cao tinh thần kỷ luật, tinh thần nguyên tắc, tinh thần Ðảng của mỗi đảng viên", "Ðảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới". Người phê phán gay gắt những hiện tượng nể nang, bao che, không nghiêm minh trong khi thi hành kỷ luật của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Người yêu cầu "phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc" những đảng viên và cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu, mệnh lệnh nặng, hoặc phạm những sai lầm nghiêm trọng, cũng như "phải phê bình nghiêm khắc" những chi bộ không làm đúng các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, những đảng viên không gương mẫu. Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Việt Nam quy định: "Những đảng viên vi phạm pháp luật của Nhà nước, không ai được dung túng, bao che"; "kỷ luật của Ðảng phải công minh, không cho phép đảng viên nào có đặc quyền đặc lợi".

Những điều sơ đẳng trên đây mọi cán bộ, đảng viên ta đều đã biết. Nhưng trong thực tế hiện nay, vẫn còn không ít trường hợp xử lý kỷ luật đảng viên chưa nghiêm, chưa theo đúng tinh thần và nguyên tắc của Ðảng. Tình trạng nể nang, che giấu khuyết điểm, giảm bớt kỷ luật cho nhau nhiều lúc vẫn xảy ra. Có đồng chí đáng bị kỷ luật nhưng không kỷ luật, có đồng chí đáng phải xử phạt nặng thì chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa. Có cán bộ vừa bị kỷ luật ở nơi này lại được chuyển sang giữ cương vị quan trọng ở nơi khác, có khi còn được lên chức, lên lương.

Vì sao như vậy? Vì sao biết nguyên tắc, hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn kỷ luật của Ðảng, nhưng một số người vẫn cứ không nghiêm trong việc thi hành kỷ luật, bao che cho một số cán bộ, đảng viên? Ở đây có thể có ba trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Ðó là do tư tưởng nể nang "dĩ hòa vi quý". Với lý lẽ "phải thể tất nhân tình", "phải thương yêu đồng chí", những người này thường xuê xoa, che giấu khuyết điểm, quá dễ dãi trong việc xem xét kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những người thân thiết hoặc "ăn cánh" với họ. Họ tưởng như thế là đoàn kết, là sống có nghĩa, có tình. Dù có thương nhau bao nhiêu cũng không thể vì tình cảm riêng tư mà vứt bỏ nguyên tắc, buông lỏng kỷ luật; việc xử lý nghiêm minh những người vi phạm kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đâu có trái với tình thương yêu đồng chí. Trái lại, chính vì để bảo vệ tình thương, đoàn kết mà phải có những hình thức kỷ luật nghiêm minh để đồng chí mình khỏi mắc lại sai lầm, khuyết điểm ấy và từ đó mà ngăn ngừa những sai lầm, khuyết điểm khác. Chỉ có như vậy thì tình thương mới thật sự có ý nghĩa, mới là tình thương chân chính. Nếu bao che sai lầm, khuyết điểm của nhau, thì tức là tạo điều kiện cho nhau tiếp tục phạm sai lầm, coi thường kỷ luật của Ðảng và như thế không phải là tình thương mà là một tội lỗi.

Trường hợp thứ hai: Ðó là do tư tưởng cục bộ, bản vị, thành tích chủ nghĩa. Sợ mất cán bộ, sợ không có người làm việc, sợ ảnh hưởng đến thành tích, uy tín của đơn vị, họ rất ngại phải thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên trong đơn vị họ, nhất là khi phải đụng chạm đến những người đã từng có "công lao" với đơn vị. Họ quên mất rằng che giấu khuyết điểm, giảm nhẹ kỷ luật cho cán bộ, đảng viên là làm hại cán bộ, đảng viên ấy chứ không phải là bảo vệ cán bộ, đảng viên; là làm tổn thương thành tích và uy tín của đơn vị chứ không phải là giữ gìn thành tích, uy tín của đơn vị. Ðối với những người đã từng có cống hiến, Ðảng ta, nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ công lao của họ nhưng không phải vì thế mà dung túng, bao che, không dám xử lý nghiêm khắc khi những người đó phạm pháp. Xta-lin đã nói một cách dứt khoát rằng, đối với những người trước đây đã có công lao "thì phải hết sức kính trọng", còn bây giờ các đồng chí ấy đã phạm sai lầm, muốn đặt mình lên trên tổ chức, ra ngoài kỷ luật của Ðảng và pháp luật của Nhà nước thì cần "phải giáng chức họ xuống và công bố việc đó lên báo chí", "trả họ về chỗ của họ". Ðừng ngại ngần gì cả. "Cần phải làm như thế để củng cố kỷ luật của Ðảng và Nhà nước Xô-viết trong toàn bộ công tác của chúng ta".

Trường hợp thứ ba: Ðó là do sự tính toán ích kỷ, sợ bị đụng chạm đến cá nhân, đến lợi ích riêng. Trong thực tế không phải họ bênh che, dung túng cho tất cả mọi người phạm sai lầm, khuyết điểm mà chỉ bênh che cho những ai có quan hệ trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ, hoặc những người biết "cái tổ con chuồn chuồn" của họ mà nếu làm găng có khi họ "há miệng mắc quai", thậm chí có thể bị "đối phương" "quật" lại. Họ né tránh những trường hợp "hóc búa", gượng nhẹ đối với những người có chức, có quyền, mặc dù biết rằng những người này phạm sai lầm thì gây tác hại lớn hơn nhiều so với đảng viên thường. Trong khi đó đối với những người mà họ xét thấy có thể "bắt nạt" được thì họ lại rất nghiêm; họ phê bình, đấu tranh thẳng cánh, để tỏ ra là công minh, chính trực, có khi việc bé họ còn xé ra to, không kể gì đến tình thương yêu đồng chí. Họ không biết rằng chính "tình trạng không công bằng trong việc thi hành kỷ luật, buông lỏng kỷ luật của Ðảng đối với đảng viên, đặc biệt đối với những đảng viên giữ cương vị phụ trách, là một nguyên nhân quan trọng làm cho kỷ luật sắt của Ðảng bị xem nhẹ và rất lỏng lẻo ở nhiều nơi".

Cả ba trường hợp nói trên, dù mang tính chất thế nào cũng đều dẫn đến tác hại làm cho kỷ luật của Ðảng không nghiêm. Nó phá hoại tính chặt chẽ và sự thống nhất về tổ chức của Ðảng, làm yếu sức chiến đấu của Ðảng, làm rạn nứt lòng tin của quần chúng, làm giảm hiệu lực của hệ thống pháp luật và góp phần làm trầm trọng thêm những hiện tượng trì trệ và tiêu cực trong đời sống xã hội.

Không biết những người bênh che cho những đảng viên phạm sai lầm, khuyết điểm có hình dung hết những hậu quả tai hại do họ gây ra hay không và có thấm thía hay không cái điều mà Lê-nin nói rằng hành động bao che, giảm tội cho những người cộng sản (nhất là trong điều kiện Ðảng cầm quyền) là hành động tệ hại và nhục nhã?.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm