2 câu trả lời
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về thể thơ lục bát (do người Việt sáng tạo, dễ bộc lộ cảm xúc).
2. Thân bài
a. Các đặc điểm của thể thơ lục bát
* Lục bát chỉnh thể - (tuân đúng những quy định)
- Số câu, số tiếng:
- Số dòng: Một câu gồm hai dòng (một cặp) gồm: Một dòng có sáu tiếng và một dòng có tám tiếng.
- Số câu: Không giới hạn nhưng khi kết thúc phải dừng lại ở câu tám tiếng.
=> Một bài thơ lục bát: Có thể có một câu, hai câu, ba câu hay có thể có nhiều câu nối dài.
- Cách gieo vần:
- Âm tiết cuối của dòng sáu hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng tám theo từng cặp. Âm tiết cuối của dòng tám lại hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng sáu nối tiếp. Cứ thế luân chuyển như vậy cho đến hết bài.
- Vần cuối dòng là vần chân, vần ở giữa dòng là vần lưng.
- Phối thanh:
- Chỉ bắt buộc: các tiếng thứ tư phải là trắc; các tiếng thứ hai, sáu, thứ tám phải là bằng.
- Những câu tám tiếng thì tiếng thứ sáu và tiếng thứ tám phải khác dấu (nếu tiếng trước là dấu huyền thì tiếng sau phải không có dấu và ngược lại).
- Các tiếng thứ một, ba, năm, bảy của cả hai câu sáu tiếng, tám tiếng và âm tiết thứ hai (của cả hai câu) có thể linh động tuỳ ý về bằng trắc
- Nhịp và đối trong thơ lục bát:
- Cách ngắt nhịp: thường là nhịp chẵn.
- Đối: Thơ lục bát không nhất thiết phải sử dụng phép đối. Nhưng đôi khi để làm nổi bật một ý nào đó, người làm thơ có thể sử dụng tiểu đối trong từng cặp hoặc từng câu thơ.
* Lục bát biến thể (không tuân thủ quy tắc)
- Số chữ tăng lên: Vần lưng tất nhiên cũng xê dịch theo.
- Thanh: Tiếng thứ hai có thể là thanh trắc:
- Gieo vần: Có thể gieo vần trắc.
b. Tác dụng của thơ lục bát
- Phản ánh và cô kết trung thành những phẩm chất thẩm mĩ của Tiếng Việt.
- Cách gieo vần và phối thanh, ngắt nhịp giản dị mà biến hoá vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng làm cho thơ lục bát dồi dào khả năng diễn tả.
3. Kết bài
- Nêu vị trí của thơ lục bát trong nền văn học Việt Nam.
- Bắt nguồn từ ca dao, dân ca, được phát triển qua các truyện thơ Nôm, các kịch bản ca kịch dân tộc và đạt đến mức hoàn thiện với các thiên tài như Nguyễn Du …
- Được tiếp tục phát huy qua các thế hệ sau như Tố Hữu …
=> Thơ lục bát có sức sống mãnh liệt trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Thuyết minh về thể thơ lục bát - Mẫu 1
Có thể nói rằng không người Việt Nam nào mà lại không biết đến thơ lục bát, một thể thơ thuần túy dân tộc, xuất hiện đã hàng ngàn năm nay. Từ thuở nằm nôi, nằm võng, theo lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, thơ lục bát đã ngấm vào tim óc, làm nên đời sống tâm hồn phong phú của mỗi con người.
Thể lục bát bắt nguồn từ những bài ca dao, dân ca và được phát triển qua các truyện thơ Nôm thơ lục bát đã đạt đến sự hoàn thiện hoàn mỹ với Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du. Trong thơ ca hiện đại, thơ lục bát vẫn được tiếp tục phát huy qua thơ Nguyễn Bính, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa… và nhiều nhà thơ khác, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong lòng người đọc.
Đơn vị cơ bản của thơ lục bát gồm một cặp câu: Câu lục (sáu tiếng) và câu bát (tám tiếng). Số câu trong bài không hạn định, ít nhất là hai, nhiều có thể lên tới hàng ngàn, vài ngàn câu như các truyện thơ Nôm mà tiêu biểu nhất là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Trong ca dao, có những bài chỉ vẻn vẹn hai câu mà đủ sức thể hiện, khái quát một nội dung, một vấn đề nào đó của xã hội, hay một trạng thái tình cảm của con người. Bên cạnh đó là những truyện thơ lục bát trường thiên kể về bao biến cố trong suốt cuộc đời dài dằng dặc của nhân vật. Điều đó chứng tỏ độ dài ngắn của thơ lục bát là hoàn toàn phụ thuộc vào chủ định của người sáng tác.
Vần trong thơ lục bát có hai loại: Vần lưng và vần chân. Hai dòng lục bát hiệp theo vần lưng có nghĩa là tiếng thứ sáu của câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát. Nếu tiếp tục kéo dài thì tiếng thứ tám của câu bát lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục bên dưới, đó là vần chân. Ví dụ:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
(Việt Bắc, Tố Hữu)
Ngoài dạng lục bát nguyên thể như trên, còn có dạng lục bát biến thể đôi chút bằng cách thêm bớt một số tiếng hoặc xê dịch về cách hiệp vần hay phối thanh.
Ví dụ:
“Cơm ăn mỗi bữa lưng lưng,
Uống nước cầm chừng, để dạ thương em”
(Ca dao)
Tiếng thứ sáu của câu lục lại vần với tiếng thứ tư của câu bát, tuy vậy đọc lên vẫn thấy du dương. Trường hợp thêm chữ như câu ca dao sau đây:
“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”
(Ca dao)
Câu lục đã được thêm vào hai tiếng (gió đẩy). Nếu bớt đi hai tiếng này thì hai câu lục bát trên sẽ trở lại dạng nguyên thể về vần, nó vẫn tuân thủ theo cách hiệp vần lưng.
Quy luật phối thanh của thơ lục bát khá linh hoạt, uyển chuyển. Thường thường thì các tiếng ở vị trí thứ hai, bốn, sáu, tám là thanh bằng, vị trí thứ tư là thanh trắc. Còn các tiếng ở vị trí lẻ một, ba, năm, bảy thì có thể là bằng hay trắc đều được cả. Tiếng thứ hai thanh trắc, tiếng thứ tư thanh bằng, khác với cách phối thanh của câu lục bình thường.
Nhịp trong thơ lục bát phần lớn là nhịp chẵn, tạo nên âm điệu êm đềm, thong thả, thích hợp làm lời hát ru, hát ngâm.
Ví dụ:
"Vì mây/cho núi/lên trời,
Vì chưng/gió thổi/hoa cười/với trăng"
Hay:
"Gió sao/gió mát/sau lưng
Dạ sao/dạ nhớ/người dưng/thế này?"
(Ca dao)
Nhưng khi cần biểu đạt một nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định nào đó, người ta có thể biến đổi nhịp thơ cho thích hợp. Ví dụ như lời Thúy Kiều nói với Hoạn Thư trong cảnh Kiều báo ân báo oán:
“Dễ dàng/là thói/hồng nhan,
Càng/cay nghiệt lắm/càng/oan trái nhiều”
Rõ ràng là giọng đay nghiến, chì chiết khi Thúy Kiều nhắc tới máu ghen đáo để có một không hai của tiểu thư họ Hoạn.
Thơ lục bát đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Cái hay, cái đẹp của nó là kết tinh hoa ngôn ngữ tiếng Việt. Với những ưu điểm trong cách gieo vần, phối thanh, ngắt nhịp… biến hóa linh hoạt, uyển chuyển, thơ lục bát dễ nhớ, dễ đi sâu vào tâm hồn.
I, Dàn ý tham khảo
1, Mở bài
- Giới thiệu về vấn đề cần thuyết minh: Thể thơ Lục bát
2, Thân bài
a, Nguồn gốc
b, Đặc điểm
- Cách gieo vần
- Cách ngắt nhịp
c, Các tác phẩm tiêu biểu có sử dụng thể thơ này.
- Truyện Kiều
3, Kết bài
- Đánh giá, nhận xét về thể thơ
II, Bài văn tham khảo
Văn học Việt Nam có rất nhiều thể thơ, từ đó có thể thỏa mãn được niềm thỏa thích sáng tạo của các nhà thơ. Một trong những thể thơ đó là thể thơ lục bát.
Lục bát là một thể thơ của dân tộc ta nhưng thời điểm chính xác thơ lục bát ra đời từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên các nghiên cứu tới thời điểm hiện tại thường nghiêng theo hướng lục bát bắt nguồn từ văn học dân gian.
Thơ lục bát ngay từ tên gọi đã cho ta biết số tiếng trong mỗi câu. Thơ gồm các cặp, mỗi cặp lục bát sẽ bao gồm hai câu, một câu sáu chữ (tiếng) và một câu tám chữ (tiếng). Về cách gieo vần, thơ lục bát vừa gieo vần chân cũng vừa gieo vần lưng. Tiếng cuối của lục sẽ vẫn với đến thứ sáu của bát và tiếng cuối của câu bát sẽ vần với tiếng cuối của câu lục bên dưới. Một bài thơ lục bát thường sẽ có số câu chẵn. Thơ lục bát có tuân thủ theo luật bằng trắc, tức có sự quy định về thanh. Giữa các tiếng 2, 4, 6 của câu lục sẽ lần lượt mang thanh (bằng – trắc- bằng), còn đối với các tiếng thứ 2, 4, 6, 8 của câu bát thường sẽ là (bằng - trắc - bằng -bằng):
“Đầu lòng (B) hai ả (T) tố nga (B)
Thúy Kiều (B) là chị (T) em là (B) Thúy Vân (B)”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Thơ lục bát có cách ngắt nhịp hết sức linh hoạt, nhưng thường sẽ ngắt nhịp chẵn, có nhiều bài thơ ngắt nhịp 2/2/2. Khi diễn tả tình cảm đau thương, buồn bã, lục bát sẽ được ngắt theo nhịp 4/4. Đôi lúc để nhấn mạnh, người ta cũng có thể đưa lục bát theo cách ngắt nhịp 3/3 đối với câu sáu chữ và 3/5 đối với câu tám chữ. Có thể thấy, đây là một thể thơ tương đối tự do và linh hoạt trong cách ngắt nhịp.
Bên cạnh những thể thơ lục bát truyền thống còn có những thể thơ lục bát biến thể, tức có sự biến đổi nhất định về âm tiết hay về cách hiệp vần. Thơ lục bát là một thể thơ giản dị và dễ tiếp nhận đối với mỗi người, đây cũng là một thể thơ diễn đạt được hầu hết những cung bậc cảm xúc của con người. Những tác phẩm lớn của dân tộc đều được làm bằng thể thơ này như Truyện Kiều hay truyện Lục Vân Tiên. Một số tác giả văn học hiện đại cũng rất ưa chuộng thể thơ này như Tố Hữu, Nguyễn Bính,...
Những bài thơ được làm theo thể thơ lục bát rất gần gũi và gắn bó với nhân dân, dễ dàng tiếp cận, rất dễ để thuộc, để nhớ đối với những tầng lớp nhân dân có trình độ học vấn chưa cao. Chính vì vậy, đây là một thể thơ phổ biến trong đời sống nhân dân lao động.
Dù có sự ra đời cũng như du nhập của rất nhiều những thể loại văn học khác, nhưng thơ lục bát sẽ vẫn sẽ giữ được vị trí quan trọng của nó trong lòng mỗi người. Điều đó được khẳng định là bởi mỗi dịp lễ tết, thông thường chúng ta sẽ luôn được nghe rất nhiều những bài thơ tự sáng tác bởi những người dân làm theo thể thơ này. Mỗi chúng ta cần trân quý, gìn giữ, phát huy thể thơ này bởi đó là một thể thơ mang bản sắc và dấu ấn của dân tộc Việt Nam.