Thơ bắt rễ tự lòng người, nở hoa nơi từ ngữ. Em hiểu gì về ý kiến trên? Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải để làm sáng tỏ.
2 câu trả lời
Bài làm
A, Em hiểu ý kiến trên rằng Giải thích - Thơ ca: trước hết là một loại hình văn học, sau nữa có thể hiểu là chỉ văn học nghệ thuật nói chung. - Thơ ca bắt rễ từ lòng người: Thơ ca là tiếng nói chân thực của tình cảm. Nó được khơi nguồn, bắt rễ từ tư tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ. Vế thứ nhất của nhận định đề cập đến khởi nguồn của thơ, vai trò của yếu tố tình cảm, xúc cảm trong sáng tác thơ, đến nội dung của tác phẩm văn học. - Nở hoa nơi từ ngữ: Từ ngữ hiểu rộng là ngôn từ nghệ thuật, là giá trị nghệ thuật, là vẻ đẹp ngôn ngữ của tác phẩm văn học. Như vậy, nhận định của đề bài bàn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tac phẩm nghệ thuật; về đặc trưng của văn học, đặc trưng của thơ; đề cao vai trò của yếu tố tình cảm, cảm xúc Tổng hợp đề thi học sinh giỏi môn Văn học 10 của một số trường trên toàn quốc có đáp án trong thơ, đồng thời yêu cầu tình cảm ấy phải được diễn tả bằng ngôn từ đẹp đẽ, giàu tính thẩm mĩ. Đây là một qui luật, cũng là một yêu cầu trong sáng tạo nghệ thuật.
b,Thanh Hải là một nhà thơ của xứ Huế mộng mơ, có công xây dựng nền cách mạng miền Nam ngay từ những ngày đầu “Mùa xuân nho nhỏ” sáng tác năm 1980 khi ông đang nằm trên giường bệnh và không lâu sau ông qua đời. Bài thơ là tiếng lòng là ước nguyện cống hiến chân thành, tha tiết của ông. Đồng thời tác phẩm thể hiện niềm tha thiết mến yêu cuộc đời yêu quê hương đất nước của một trái tim dạt dào cảm xúc trữ tình.
Mỗi tác giả luôn gửi vào tranh thơ của mình những cảm xúc riêng mang đậm cách cảm cách nghĩ về đề tài đã lựa chọn. Với Thanh Hải ông đã lựa chọn hình ảnh mùa xuân xứ Huế, mùa xuân đất nước đang đi lên và phát triển để nói lên tiếng lòng, ước nguyện cống hiến của mình.
Trước hết là bức tranh xuân xứ Huế trong cảm nhận của Thanh Hải:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiền
Hót chi mà vang trời"
Bức tranh xuân xứ Huế mở ra với những dấu hiệu đặc trưng: dòng sông xanh, bông hoa tím, tiếng chim chiền chiện hót. Tác giả đặt từ “ mọc” lên trước giúp cho cảnh vật trở nên sinh động có hồn. Bông hoa tím phải chăng là bông hoa súng hay bông hoa lục bình đang từ từ xoè nở trên mặt nước sông Hương. Sự phối sắc hài hoà giữa hai gam màu tím và xanh tạo nên một bức tranh xuân mang vẻ đẹp đằm thắm nhẹ nhàng. Bức tranh ấy không chỉ có hoạ mà còn có nhạc. Âm thanh tiếng chim chiền chiền ngân vang ngân cao, ngân xa giúp cho không khí trở nên vui tươi rộn ràng. Chỉ bằng bốn câu thơ Thanh Hải đã vẽ nên bức tranh xuân đằm thắm trầm mộc, mang cả tiếng lòng đắm say của nhà thơ.
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng"
Giọt long lanh phải chăng là giọt mưa xuân, nắng xuân, sương xuân còn đọng lại trên cành cây kẽ lá. Nhưng trong lời thơ này, đây phải chăng là giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện. Tác giả trân trọng đón nhận từng giọt âm thanh, những vẻ đẹp tinh tuý của đất trời.
Trước thiên nhiên đất trời thơ mộng, Thanh Hải mở rộng lòng mình cảm nhận hình ảnh mùa xuân đất nước:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Điệp từ “mùa xuân” gắn với hai hình ảnh người cầm súng, người ra đồng – biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng của đất nước ta trong những thập niên tám mươi của thế kỉ hai mươi là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc và lao động sản xuất xây dựng đất nước. Mùa xuân tới thanh niên lên đường đi nhập ngũ còn người chiến sĩ trên thao trường tích cực rèn luyện. Họ dắt trên lưng vành lá ngụy trang như mang cả mùa xuân ra trận địa. Mùa xuân tới người nông dân ra đồng trồng cây họ như mang cả mùa xuân ra cánh đồng bằng bàn tay bằng sức lao động. Điệp từ “ lộc” cùng từ láy “ hối hả, xôn xao”diễn tả khí thế của cả dân tộc khi bước vào mùa xuân mới tưng bừng khởi sắc.
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước"
Thanh Hải lắng lại lòng mình để nghĩ về đất nước trong lịch sử hiện tại và tương lai. Nhân dân ta đã trải qua bao thời kì lúc hưng thịnh, lúc suy vong của các thời đại phong kiến và gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đất nước lấp lánh những chiến công trong lịch sử đẹp như những vì sao tinh tú trên bầu trời. Đất nước đang thẳng tiến tới tương lai bằng sức mạnh bằng bề dày lịch sử bốn nghìn năm. Cụm từ “cứ đi lên” như một mệnh đề thẳng tiến mà không một thế lực nào có thể ngăn cản.
Trong sắc xuân tươi đẹp của đất trời, Thanh Hải cảm nhận được một mùa xuân đang trỗi dậy từ chính tâm hồn - xuân của lòng người, của sự cống hiến, hi sinh.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến"
Đoạn thơ thể hiện khát vọng được hoà nhập, được cống hiến những điều tốt đẹp cho cuộc đời chung. Niềm mong ước của ông thật giản dị trân thành được thể hiện qua những hình ảnh “con chim, cành hoa, nốt trầm”. Đây là những hình ảnh gần gũi, nhỏ bé giữa thiên nhiên, cuộc sống. Hình ảnh ẩn dụ đặc sắc cho thấy mong ước của tác giả dược cống hiến một phần công sức nhỏ của mình để làm vui, làm đẹp, điểm tô cho cuộc sống, cho thế giới tâm hồn mỗi người. Đại từ nhân xưng “ta” mang thông điệp của tác giả. Ta ở đây là Thanh Hải là mọi người. Ông nói thay tiếng lòng của bao người dân Việt Nam về ước mong giản dị nhẹ nhàng được cống hiến cho cuộc đời chunh những nét đẹp riêng :
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Hình ảnh ẩn dụ đặc sắc đầy sáng tạo “ một mùa xuân nho nhỏ” mang tâm niệm của tác giả: mỗi người hãy là một mùa xuân nhỏ góp phần làm nên mùa xuân lớn của đất nước. Cống hiến một cách trân thành tha thiết không phô trương, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ khiến ta càng trân trọng hơn một tâm hồn thơ tha thiết mến yêu cuộc đời yêu cuộc sống.
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam Bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Điệu Nam ai hò sáu nhịp tiếng ai oán bi thương, điệu Nam Bình hò ba nhịp tiếng ca dịu dàng, trìu mến. Đây chính là nét đặc trưng của làn điệu xứ Huế. Thanh Hải như muốn sống mãi với điệu hò quê hương.
Bài thơ mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải được viết theo thể thơ năm chữ nhạc điệu trong sáng gần gũi gợi hình gợi cảm qua đó nói lên tiếng lòng trân thành tha thiết của nhà thơ, mong muốn được cống hiến một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Đặt trong hoàn cảnh khi ông đang nằm trên giường bệnh ta càng cảm thấy trân trọng một tâm hồn thơ tha thiết mến yêu cuộc đời yêu quê hương đất nước.
Thanh Hải là một trong những nhà tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Thơ ông dung dị, tự nhiên mà dạt dào những cảm xúc yêu thương và khát vọng sống mãnh liệt. Có lẽ vì vậy mà những vần thơ của Thanh Hải luôn để lại niềm tin yêu cho những ai từng thưởng thức nó. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết năm 1980 là một thành công lớn trong sự nghiệp của ông, bài thơ rất giàu giá trị tư tưởng, có người từng mến mộ và nhận xét về tác phẩm văn học này rất chính xác: “Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời.”
” Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”
Mùa xuân đã về, không khí mùa xuân tràn ngập khắp muôn nẻo đường của Huế, dòng sông mùa xuân cũng đẹp hơn, dịu dàng hơn. Bức tranh mùa xuân được nhà thơ Thanh Hải phác họa có sự hài hoà giữa thanh và sắc, giữa vẻ đẹp lộng lẫy, rộn rã của thiên nhiên với tấm lòng yêu thương, trân trọng của con người. Trong không gian ấy, tiếng chim chiền chiện hót vang, cất tiếng ca như chào đón xuân về giữa bầu trời rộng lớn, tự do. Dưới khoảng không là dòng sông xanh nhấp nhô từng gợn sóng, giữa làn nước mênh mông mọc lên một bông hoa tím biếc, một bông hoa thôi, một bông hoa duy nhất và rực rỡ nhất. Bông hoa ấy bằng sức sống mãnh liệt của mình mọc giữa dòng , khoe sắc, toả hương cho đời. Bầu không gian xuân mở thật đẹp, thật khoáng đạt và đậm chất thơ. Người ta thường nhắc đến vẻ đẹp của “tím Huế” phải chăng, bông hoa tím biếc ấy là đại diện cho vẻ đẹp của những người con trên mảnh đất Huế thân thương, giàu tình cảm và yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên.
Tiếng xuân bắt đầu hoà vào lòng Huế, tàn chảy vào lòng người những thành âm tuyệt diệu:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Đó là tiếng chim hót đang kết tinh thành từng giọt yêu thương hay đó là giọt xuân đang rơi trên từ kẽ tay rồi từ từ len lỏi vào lòng người. Nhà thơ trân trọng nâng đôi tay lên hứng, nâng niu tất cả vẻ đẹp trong ngần ấy của mùa xuân. Có ai đứng trước một vẻ đẹp mà không rung động, không thích thú đâu cơ chứ? Dường như, ta cảm nhận được nhà thơ đang say mê, đắm đuối trước vẻ đẹp của thiên nhiên khi xuân về:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
Xuân vẫn vậy, vẫn theo con người đi qua bao năm tháng, xuân qua rồi xuân đến, xuân đã cùng người trải qua bao cuộc chiến rồi lại đồng hành cùng con người sống những ngày tháng hòa bình, khi đất nước đã được giải phóng. Từ những ngày giặc còn trên đất nước, xuân chiến đấu cùng người, xuân mang lộc tới mang theo cả những hy vọng về một ngày mai đất nước thống nhất. Khi Tổ quốc yên bình, xuân cùng người bảo vệ và dựng xây đất nước, xuân cùng người lao động, những mầm xuân tiếp tục được gieo trồng và phát triển, những mầm xuân mang cả bao ước mơ của người lao động, của nhân dân về một tương lai đất nước giàu mạnh. Dù là với ai, dù là khi nào, dù là nơi đâu, xuân vẫn ngập tràn năng lượng, vẫn rạo rực một sức sống mãnh liệt nhất:
” Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Xuân đến khiến cho vạn vật, vạn người rạo rực, hối hả, xôn xao. Đứng trước xuân nhiệm màu như thế, lung linh nhiều thế làm sao người có thể thờ ơ với nó được cơ chứ. Ai ai cũng đều hứng khởi, cùng nhau ra sức làm việc để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, mỗi người chính là một mùa xuân góp phần dựng xây nên mùa xuân đất nước.
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Mùa xuân gợi nhắc ta nhớ về những tháng năm oanh liệt hào hùng và quá trình tồn tại và phát triển của nước nhà. Bốn nghìn năm trôi qua bao gian lao vất vả cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi hôm nay đây ta được là ta, được cùng với nhân dân đất Việt sống trong tự do hoà bình. Dù biết vẫn còn những khó khăn, thách thức phía trước nhưng có sá gì đâu khi ta có bản lĩnh, có trí tuệ và một trái tim đẹp đẽ, đất nước ta là những vì sao lấp lánh và đầy kiêu hãnh, dẫm đạp những chông gai, tăm tối để đi lên, tiến bước về những mùa xuân phía trước.
Những câu thơ sao chất chứa niềm tin mãnh liệt đến như thế. Phải chăng, lúc này đây, trái tim người thi sĩ cũng đáng sống trong những giây phút tự hào về quê hương, đất nước mình đầy anh dũng.
Càng tự hào trước quê hương, đất nước, tác giả càng ý thức được trách nhiệm của mình trước cuộc đời, trước dân tộc. Những ước mong được nguyện cầu bằng lời thơ thật giản dị và tha thiết:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hoa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Đâu có ước mơ giàu sang, phú quý chỉ, chỉ ước làm nhành hoa dại giữa đời, làm chú chim nhỏ cất tiếng hót, làm nốt trầm trong khúc nhạc yên vui.
Tuy bình dị và nhỏ bé thế thôi, nhưng đều mang lại cho đời những vẻ đẹp riêng, đều góp phần làm nên mùa xuân rực rỡ, thắm tươi. Tác giả mong muốn được cống hiến một cách thầm lặng cuộc đời mình cho quê hương, Tổ quốc. Một ước muốn riêng mà nói lên ước muốn của muôn vạn người, là tiếng lòng của muôn triệu con tim thiết tha với dân tộc, với đất nước quê hương.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Một mùa xuân nhỏ bé góp sức mình tạo nên một mùa xuân lớn, mùa xuân của dân tộc. Dẫu năm tháng cuộc đời có khiến con người dần già nua thì nhiệt huyết trong trái tim vẫn còn mãi. Vẫn hằng mong đang dâng hiến cho những đẹp đẽ nhất của mình. Khổ thơ như một lời nhắn nhủ cho chúng ta về lẽ sống trong hành trình cuộc đời mình, hy sinh thầm lặng, cống hiến thầm lặng dẫu mình là ai, dẫu mình đang làm gì và dẫu mình còn thành xuân hay khi đã về già, hãy cứ sống thật có ích cho hôm nay, cho mai sau và cho mãi mãi.
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Mùa xuân mang đến cho ta lời ca tiếng hát, mùa xuân cũng khiến ta rạo rực mà buông lời ca, tiếng hát chào đón. Khúc hát cất lên nghe sao thân thương đến lạ, khúc hát mang bao tâm tình, bao nỗi thương mến dành cho Huế, cho quê hương, cho non nước hôm nay. Một tình yêu dành trọn cho đất nước luôn luôn là điều cao đẹp, luôn luôn là điều đáng ngợi ca, trân trọng luôn luôn trường tồn, vĩnh hằng theo thời gian.
Có những bài thơ viết lên đi cùng năm tháng, khi ra đời vốn lẽ nó đã là một điều quý giá cho cuộc đời. ” Mùa xuân nho nhỏ” cũng mang chính điều quý giá ấy. Bài thơ được kết tinh từ những hình ảnh đẹp, hồn thơ đẹp, giọng điệu đẹp và hơn hết được viết nên bởi một trái tim đẹp, một trái tim mang lý tưởng sống của thời đại, khao khát của thời đại.