Thay lời nhân vật ông hai kể lại truyện “ Làng” của nhà văn Kim lân ( làm giúp em mở bài thôi ạ không lấy trên gg)
1 câu trả lời
Vậy là đã thấm thoát mấy tháng trôi qua kể từ ngày gia đình tôi rời làng Chợ Dầu lên vùng tạm cư này để lánh giặc. Nỗi nhớ làng, nhớ quê không lúc nào ngơi trong lòng tôi. Nhớ ngày ấy, làng tôi bước vào kháng chiến với một tinh thần quật cường rất đáng tự hào. Những anh em du kích hăng hái đào hào, dựng công sự, chòi canh, lại còn xây cả đường hầm phục kích giặc. Không khí kháng chiến sôi nổi lắm.
Giờ đây, ở nơi vùng tạm cư, ngày ngày tôi vẫn hay ra phòng thông tin, may ra thì nghe được ai đó hay chữ đọc tin tức cho nghe. Thế mà nghe được khối chuyện hay, nào là chuyện các chị du kích bắt được giặc, rồi bọn trẻ trèo ra Tháp Rùa treo cờ đỏ sao vàng… Ôi, sao mà toàn tin thắng trận, nghe thích cái bụng làm sao!
Đúng lúc ấy, tôi nghe loáng thoáng có ai nói gì về làng Chợ Dầu thân thương. Tôi vội quay lại, thì thấy có một nhóm người gánh gồng lũ lượt kéo nhau đi. Thì ra là những người tản cư dưới xuôi lên, họ có đi ngang qua làng Chợ Dầu. Tôi liền vội ra hỏi thăm xem chuyện quê nhà thế nào, chắc là đánh Tây ghê gớm lắm đây. Nhưng hỡi ôi, câu trả lời của họ khiến tôi điếng người: làng tôi theo Tây! Chính mắt họ thấy thằng Chánh Bệu đem cả nhà ra ở với Tây rồi. Cái tin sét đánh ấy khiến tôi sững sờ hồi lâu, rồi tìm cách đánh trống lảng về nhà. Vừa đi, tôi vừa tìm lí do để tin làng tôi không thể nào theo Tây được, nhưng họ đã nói rõ ràng thế kia, thì làm sao mà sai được. Ôi nhục nhã biết chừng nào, tôi tự hào về làng bao nhiêu thì bây giờ nhục nhã bấy nhiêu. Làm sao mà ngẩng mặt lên với người đời, ai mà người ta chứa dân làng Việt gian!
Quả đúng vậy, chẳng mấy chốc, cả vùng người ta đã xì xào râm ran về cái việc đáng xấu hổ ấy. Bà chủ nhà đã mấy lần đánh tiếng đuổi khéo vợ chồng con cái chúng tôi đi. Nhưng mà đi đâu bây giờ, còn những đứa con của tôi thì sao? Chúng nó nào có tội tình gì đâu, từ nhỏ đến lớn, chúng chỉ biết có làng Chợ Dầu, chỉ biết có Cụ Hồ, sao lại phải chịu cái tiếng xấu này. Không, tôi không tin người ta lại cứ hiểu lầm chúng tôi mãi thế. Đứa nào bán nước đáng chết, chứ bố con tôi thì có đời nào chống lại Cụ Hồ!
U uất trong nhà mấy ngày liền không dám ra ngoài, kể cả gian nhà bác Thứ tôi cũng không dám mó chân sang. Đến một ngày, có ông khách đặc biệt tìm đến tôi: ông chủ tịch làng. Chao ôi, cuộc nói chuyện khiến tôi sung sướng quá! Thì ra là ông lên cải chính cái tin làng Chợ Dầu theo Tây. Có ai theo giặc đâu, thằng Chánh Bệu nó chỉ lo của cải nhà nó nên ra tỉnh từ lâu rồi, còn cả làng tôi thì kiên cường chiến đấu, giặc bị cầm chân cả tuần lễ liền. Các anh em du kích vì bảo toàn lực lượng nên rút sâu vào rừng. Giặc đến làng thì đã chẳng còn gì cho chúng, vậy là chúng đốt nhẵn. Ông chủ tịch nói nhà tôi bị đốt đầu tiên. Ôi, nghe tin nhà bị đốt mà sao vui thế này! Đó chính là bằng chứng cho việc nhà tôi trung thành với Cách mạng, con cái tôi một lòng với kháng chiến. Mất một cái nhà, mà có được cái danh dự, thế là được rồi.
Ông chủ tịch ở một lát, rồi lại tất tả lên đường đến vùng khác đính chính, để người ta không hiểu lầm người làng Chợ Dầu nữa. Tôi cũng vui vẻ ra đường, tranh thủ khoe với mọi người cái tin nhà bị đốt ấy, rồi mua cho đám trẻ ít bánh kẹo ăn mừng. Thế là từ nay, chúng sẽ mãi mãi là những đứa trẻ làng Chợ Dầu anh hùng. Tôi hi vọng trong tương lai, chính chúng sẽ là những người lính thực thụ bảo vệ non sông này.