“Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn, rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui lại vừa buồn. Và một cái gì nữa, giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo? […] Bát cháo húp xong rồi, thị Nở đỡ lấy bát cháo và múc thêm bát nữa. Hắn thấy mình vã bao nhiêu mồ hôi. Mồ hôi chảy ra trên đầu, trên mặt, những giọt to như giọt nước. Hắn đưa tay áo quệt ngang một cái, quệt mũi cười rồi lại ăn. Hắn càng ăn, mồ hôi lại càng nhiều. Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu thương hại. Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người? Ðó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi. Hay trận ốm thay đổi hẳn về sinh lý, cũng thay đổi cả tâm lý nữa? Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Ðã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện...” (Trích “Chí Phèo”, Nam Cao, sách Ngữ văn 11 tập 1, NXB Giáo dục, trang 150, 151) Anh, chị hãy phân tích tâm trạng nhân vật Chí Phèo qua đoạn trích trên.
1 câu trả lời
Bát cháo hành thị Nở nấu cho làm Chí hết sức ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp, hắn làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Bát cháo hành đã làm Chí tỉnh thức sau cơn say dài triền miên, sau những tháng ngày ngập chìm trong bóng tối. Lúc này, Chí không còn ngật ngưỡng vừa đi vừa chửi với chai rượu ôm trong tay nữa. Tình người đang nhen nhóm trong Chí. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Lần đầu tiên Chí được săn sóc bởi một bàn tay "đàn bà". Dẫu thị có là người dở hơi, xấu xí tới mức ma chê quỷ hờn nhưng không ai có thể phủ nhận tấm lòng của thị khi tình nguyện nấu cho Chí một bát cháo hành ngon lành đến thế. Chí bắt đầu cảm nhận được những hương vị của cuộc sống xung quanh.
Bát cháo ấy còn là hiện thân của lòng đồng cảm và sự xót thương của Nam Cao dành cho nhân vật của mình. Đồng thời đó cũng là tình cảm dành cho những người nông dân đang chịu bao tù túng dưới xã hội thực dân đầy bất công. Giữa xã hội ấy, họ phải dành lấy mà ăn, kẻ nào mạnh sẽ sống, kẻ yếu sẽ chết dần chết mòn. Và trong lúc Chí đang dần đi vào cõi chết một cách tội lỗi thì bát cháo hành của thị đã làm Chí bừng tỉnh, khiến Chí muốn làm lại cuộc đời. Bát cháo hành đã thể hiện tinh thần nhân đạo, thể hiện tình người cao quý thiêng liêng, làm thay đổi cái nhìn của người khác về kẻ tưởng như đã mất hết cả nhân hình nhân tính.
Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở chỉ rất ngắn ngủi nhưng đã làm thay đổi cỏa con người hắn. Chí đã có nhận thức về thời gian, hắn đã cảm thấy buổi sáng rực rỡ hơn: "Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời chắc đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài là đủ biết." Hắn cũng đã sự thay đổi trong suy nghĩ, tư tưởng: “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn.” Một người nghiện rượu như hắn mà sợ rượu cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong tâm hồn. Hắn cũng bắt đầu sợ cô đơn, sợ chết. Hắn đang khao khát sống, khao khát mãnh liệt. Hôm nay hắn mới nghe thấy và lòng thấy buồn nôn nao. Hắn buồn vì hắn muốn được trở lại làm người và liệu có thể được làm người hay không. Hắn dần nhận biết ra bi kịch của cuộc đời mình, đó là đói rét, già nua và ốm đau cô độc. Hắn đã thức tỉnh thật sự, thức tỉnh phần lương tri con người và có cảm xúc đời thường. Một con người tưởng chừng đã mất hết nhân hình và nhân tính nhưng đã thức tỉnh, đồng thời cho thấy giá trị nhân đạo trong sáng tác của Nam Cao.