Tại sao văn học thế kỉ 18 đầu 19 là tiếng nói cảm thương cho số phận con người vừa là tiếng nói tự thương

2 câu trả lời

Văn học Việt Nam trước thế kỷ XVIII thể hiện rõ nét những ảnh hưởng sâu sắc quan niệm về cái chết từ các tư tưởng văn hóa lớn, đặc biệt là từ Nho giáo và Phật giáo. Với lực lượng sáng tác văn học chủ lực từ các Thiền sư, quý tộc rồi chuyển sang sự thắng thế của tầng lớp nho sĩ, tất thảy đều thấm nhuần những giá trị đạo đức, những phẩm chất để vươn tới mục đích trở thành con người lý tưởng, mà điểm chung là không sợ hãi trước cái chết. Các tác phẩm văn học giai đoạn này vì thế cũng thể hiện thái độ của họ, trực tiếp hay gián tiếp khi nhận thức và viết về cái chết.

Nói tới văn học Việt Nam trước thế kỷ XVIII thì văn học Lý – Trần là một dấu son trong lịch sử văn học thời trung đại. Dấu ấn để lại là dòng thơ Thiền Lý – Trần với các sáng tác của các thiền sư, quý tộc theo Thiền học. Sau đó là sự tiếp nối, thay thế của các nhà nho trong sự thắng thế của Nho học ở các thế kỷ sau. Ở chương này, chúng tôi chỉ nhằm khái lược lại được những nét chung nhất, rõ nét nhất của văn học giai đoạn trước thế kỷ XVIII về vấn đề cái chết, để từ đó có được sự so sánh đối chiếu với các sáng tác văn học giai đoạn XVIII – đầu XIX.

Cái chết đối với con người luôn là một điều bí mật, không thể trải nghiệm. Con người tìm kiếm câu trả lời cho sự tồn tại của mình, cho một thực tế không thể thay đổi: phải chứng kiến hàng ngày những đứa trẻ được sinh ra, và cũng có những người chấm dứt sự sống của mình. Cũng từ đó mà nảy sinh ra những quan niệm về ý nghĩa của sự sống và sự chết. Những tôn giáo, học thuyết, tư tưởng lớn của nhân loại đều có cách luận giải của mình.

Con người là một thực thể sống có thể xác và tinh thần, tình cảm; mà người xưa gọi là Thân và Tâm. Con người hiện diện trong cuộc đời này, biểu lộ Tâm của mình không cách gì khác chính là bằng thân xác. Thân xác là hữu thể cho phép con người có mặt trên đời đích thực và hiển nhiên với tư cách là “con người” theo đúng nghĩa. Bằng thân xác của mình, con người “dự định, ước muốn, hành động, và bày tỏ, biểu lộ ý nghĩ, tình cảm, thực hiện những quan hệ với thế giới sinh vật và những quan hệ giao ngộ với người khác” [1]. Thân biểu hiện phần bản năng của con người, mà trong đó sống – chết là một trong những bản năng mạnh mẽ nhất.

Những học thuyết, tư tưởng lớn ở phương Đông như Nho – Phật – Đạo đều hướng tới xây dựng mẫu hình con người lý tưởng. Hòng đạt tới những mẫu hình lý tưởng đó, thân xác với tư cách là phần biểu hiện bản năng của con người, trong quan niệm của các tư tưởng cổ trung đại, cần phải bị kiểm soát tối đa. Trí thức Việt Nam thời trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của những quan niệm khắc kỉ với thân xác trong những học thuyết này. Cùng với sự đối xử khắc nghiệt với thân xác, Tâm được hết thảy các học thuyết đề cao, được coi như là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người, cũng quyết định thái độ của con người trước cái chết.

Nho giáo và tư tưởng “sát thân thành nhân” – “xả thân thủ nghĩa”.

Nho giáo là một trong những tư tưởng, học thuyết có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong lịch sử trung đại khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam. Mẫu hình lý tưởng của các nhà Nho là bậc “thánh nhân - quân tử”. Để đạt tới mẫu hình đó, nhà nho cũng như tất cả mọi người trong xã hội “từ thiên tử tới thứ dân, ai cũng phải lấy tu thân làm gốc” (Đại học). “Tu thân”, “tu kỉ trị nhân” chính là rèn luyện bản thân, mà theo quan niệm của Nho gia thì phải thực hiện với những hình thức rất nghiêm khắc, trước nhất chính là đòi hỏi sự khắc kỉ đối với thân xác: “tồn thiên lý, khử nhân dục” (bảo tồn thiên lí, diệt dục vọng bản năng). Để làm được điều đó, nhà nho phải rèn cách “dĩ tâm khống thân” (dùng ý chí khống chế dục vọng bản năng). Cho nên Khổng Tử mới nói: quân tử ăn không cầu ngon, ở không cầu yên vui (Quân tử, thực vô cầu bão, cư vô cầu an – Luận ngữ, Học nhi). Được như vậy rồi thì: “Phạn sơ tự, ẩm thủy, khúc quãng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hĩ. Bất nghĩa như phú thả quý, ư ngã như phù vân” (Ăn gạo xấu, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, trong cảnh đó cũng có cái vui. Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang thì ta coi như mây nổi – Luận ngữ, Thuật nhi). Sự khổ ải của thể xác ở đây không có ý nghĩa gì so với việc bảo vệ đạo lý, thực hành điều nhân nghĩa.

Cũng xuất phát từ quan niệm đạo đức làm người của nho giáo, coi hiếu đạo là nền tảng đạo đức của một người có “nhân”, Nho giáo dạy người ta phải biết trọng thân, quý thân mình vì thân xác đó là do cha mẹ ban cho. Trong sách Hiếu kinh có ghi: “ (…) thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân, kế đến là việc vua tôi, sau cùng mới đến việc lập thân” – cũng cho thấy một sự thực rằng nho gia quan niệm việc gìn giữ thân thể, trân trọng thân thể của mình cũng chính là để bảo toàn đạo hiếu, giữ gìn nền tảng đạo đức của người quân tử, lập thân hành đạo chứ không xuất phát từ nguyên giá trị của thân xác. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu được một phần quan niệm về cái chết toàn thây của nho gia. Chuyện Tăng Tử trước khi chết bảo học trò xem thân thể của mình, thấy nguyên vẹn thì thanh thản vì đã tránh được tội bất hiếu, là một dẫn chứng cho thấy mối quan tâm của nhà nho trước khi chết. Đó không phải là nỗi băn khoăn chỗ chết rồi sẽ đi về đâu, cuộc sống sau khi chết sẽ ra sao, mà là cuộc đời đã trải qua có tỳ vết gì không, có tội lỗi gì không, có toàn vẹn để gặp cha mẹ tổ tiên hay không?. Lúc này ta không bắt gặp được tâm thế của một con người thông thường trước cái chết, vốn là nỗi sợ hãi và bi thương sẽ không còn được sống trên cõi đời này nữa. Tâm thế của nhà nho trước cái chết là nỗi lo lắng về việc mình có giữ được đạo nghĩa, có làm tròn được trách nhiệm của mình hay không. Chính vì thế, cái chết không toàn thây là hình phạt đau đớn và khổ nhục nhất đối với nhà nho. Các hình phạt thời trung đại đều nhằm vào thân thể kẻ có tội, được giới cầm quyền sử dụng như cách thức chế ngự và củng cố lòng trung thành của kẻ dưới. Tàn khốc nhất là những hình thức tra tấn đến chết làm thể xác không còn nguyên vẹn như tùng xẻo, ngũ mã phanh thây, chặt đầu… trở thành nỗi răn đe đầy ám ảnh đối với nhà nho.

Quan niệm trọng tâm nhất trong học thuyết Nho giáo chính là chữ Nhân. Đối với nhà nho, đạo Nhân phải được đặt lên trên chuyện giàu nghèo, đặt lên trên những cám dỗ của tình ái, và đặc biệt, phải được đặt lên trên chuyện sống chết của bản thân. Ý nghĩa căn bản nhất của chữ Nhân là hy sinh cái tôi nhỏ để hoàn thiện cái tôi lớn hơn, để đạt tới hình mẫu con người mẫu mực của Nho giáo: “là con người vô kỷ, vị tha, lúc cần thiết có thể chịu đựng và phải chịu đựng được mọi sự ma chiết của hoàn cảnh, đến mức cao nhất, hoặc do tình huống đòi hỏi, phải sát thân thành nhân, xả thân thủ nghĩa”[2]. Khổng Tử nhấn mạnh: “Chí sĩ nhân nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân, vô cầu sinh dĩ hại thân” (Luận ngữ, Vệ linh công). Nghĩa là: bậc chí sĩ người có đạo Nhân là những người không ham sống mà sợ chết, khi cần thiết, phải tự mình chết để bảo toàn đạo Nhân. Kế thừa những học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử tiếp tục nói rõ thêm về “chết vì đạo đức nhân nghĩa”, đó là “xả thân thủ nghĩa” (xả thân để bảo vệ nghĩa lớn). Mạnh Tử nói: “Sinh diệc ngã sở cầu dã, nghĩa diệc ngã sở cầu dã, nhị giả bất khả đắc kiêm, xả thân nhi cử nghĩa giả dã”, nghĩa là: sinh mệnh là cái bản thân ta muốn gìn giữ; chính nghĩa cũng là điều bản thân ta muốn gìn giữ, nhưng trong trường hợp sinh mệnh và chính nghĩa không thể đồng thời được bảo toàn, phải hy sinh sinh mệnh của mình để bảo toàn chính nghĩa. Quan niệm này của Nho gia có thể khái quát trong câu “Sát thân thành nhân” – dù tính mệnh là quý nhất, nhưng vì đại nghĩa mà hy sinh nó thì mới là nhân vậy. Nho gia có tư tưởng “trọng thân”, coi thân là gốc (thân vi bản) nhưng lại mang nghĩa là coi trọng tu thân, đề cao vai trò của tâm - ý chí chứ không có ý đề cao thân xác bản năng của con người. Đúng như NNC Trần Nho Thìn đã nhận định: “Khắc kỉ và sẵn sàng chết khi cần thiết để bảo vệ đạo Nhân, đặt các giá trị luân lí đạo đức cao hơn giá trị của thân xác là mô hình lí tưởng của nhà nho” [3].

Cái chết vì nhân nghĩa được các nhà Nho đề cao, những tấm gương xả thân vì nghĩa lớn theo quan niệm của Nho giáo được lưu truyền trong sử sách. Chết vì đạo nghĩa đã trở thành những câu cách ngôn trong sự nghiệp lập thân của các nhà nho, cũng như là lời cảnh tỉnh với người khác khi đối diện với cái chết. Coi “sát thân thành nhân”, “xả thân thủ nghĩa” là điều tâm niệm, Nho gia đánh giá nhân cách người quân tử nhận trọng trách trong lúc nguy nan cũng giống nhân cách người quân tử tranh đấu cho đến lúc chết, liều chết mà can gián. Nhân cách người quân tử có giá trị hơn giá trị của sinh mệnh nhiều lần. Có vô số nhân sĩ chết vì điều nhân và xả thân vì đại nghĩa, được nhắc tới như những tấm gương sáng cho muôn đời. Như ba nhân sĩ thời Ân: Bỉ Cán bị xử tội chết vì dám can gián, Vi Tử dở điên dở dại trôi giạt nơi nhân gian, Cơ Tử bị giam cầm rồi trở thành nô lệ - đều được Khổng Tử khen là bậc nhân (Xem Luận ngữ, Vi tử). Đối với nho gia, nỗi đau đớn của thể xác không có gì đáng kể, cái chết của thân nhục thể không có gì đáng tiếc nếu đó là sự hy sinh vì đạo nghĩa, khi đó thân danh tiết mới để lại tiếng thơm cho muôn đời sau. Lập công danh, bảo tồn đạo lý chính nghĩa là mục đích của đời người. Cho nên kẻ nho sĩ mới có câu “sĩ khả sát, bất khả nhục” – kẻ sĩ có thể chết chứ không thể chịu nhục, cũng là ý nghĩa đó.

Chính bởi quan niệm đề cao nhân cách lý tưởng, đề cao đạo lý, Nho giáo đã xác lập nên mô hình của một cuộc sống ý nghĩa không nằm ở chỗ thỏa mãn những nhu cầu dù là bản năng nhất của con người, thậm chí còn coi những nhu cầu đó là dục vọng thấp kém, hạ nhân cách của kẻ sĩ quân tử. Lịch sử của Nho giáo là lịch sử của những tấm gương trung thần tiết liệt được ngợi ca truyền tụng, cũng là lịch sử lưu truyền tiếng xấu muôn đời của những kẻ “ham sống sợ chết”. Cho nên: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (vua xử thần chết, thần không chết là bất trung; cha xử con chết, con không chết là bất hiếu – Phù Tô) đã dần trở thành tâm niệm ăn sâu của kẻ làm tôi, bậc làm con của con người trong thời đại Nho học.

Những quan niệm, tư tưởng của Nho giáo đối với bậc nam nhân quân tử thì khắc kỉ với bản thân, theo đòi nghĩa lớn như vậy; đối với người phụ nữ thì càng trở nên khắt khe hơn, đặc biệt là quan niệm nghiệt ngã về trinh tiết. “Chồng có thể tái thú, vợ không tiếng hai chồng”, đàn ông có thể năm thê bảy thiếp, nhưng phụ nữ trung trinh chỉ thờ một chồng, người đó được gọi là tiết phụ. Nho giáo đề cao những tấm gương phụ nữ thờ chồng nuôi con, được phong gương “tiết liệt phu nhân”; đề cao những người phụ nữ thủ tiết, tuẫn tiết theo chồng, coi đó là vì đạo nghĩa… còn lưu truyền lại đời sau qua kiểu truyện về liệt nữ. Đặc biệt là Tống Nho có cái nhìn cực kì khắc nghiệt bởi chủ trương “tồn thiên lý, diệt nhân dục” của Trình – Chu. Từ triều Tống trở về sau, phụ nữ cải giá bị coi như "thất tiết", không được xã hội đương thời dung thứ. Những truyện như "Quả phụ đoạn tý" (gái góa chặt cánh tay sau khi tình cờ bị một người đàn ông chạm phải), "Nhũ thương bất y" (Ngực bị thương bỏ mặc không chữa, vì phụ nữ để phô ngực ra cho thầy thuốc nhìn còn tệ hơn là chết) được dùng làm gương mẫu và tuyên dương rộng rãi. Câu nói của Trình Di: "Nga tử sự tiểu, thất tiết sự đại" (Chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn) đã trở thành quan niệm đạo đức không chỉ ăn sâu vào tư tưởng của các bậc nam nhân, mà nặng nề hơn ở chính đầu óc của những người phụ nữ. Thân xác người phụ nữ không được nhìn nhận và đánh giá như một giá trị, đó chỉ là công cụ để đánh giá đạo đức, ý chí; khi cần có thể hy sinh để bảo vệ trinh tiết – cái được coi là danh dự sống còn của người phụ nữ trong xã hội. Quả phụ thờ chồng, thờ con hay chết theo chồng được phong bảng vàng, là niềm tự hào của cả làng, cả trấn. Tấm thân không giữ được trinh tiết là tấm thân nhục nhã, dơ bẩn - người phụ nữ không tìm đến cái chết nếu bị thất tiết bị cả xã hội lên án. Những người phụ nữ ấy sống vì người khác, chứ không sống vì mình với những khao khát bình thường nhất của một người phụ nữ. Những quan niệm khắc nghiệt, thậm chí có thể nói là “bất cận nhân tình” này đã được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm văn học thời trung đại không chỉ ở Trung Quốc, mà hẳn nhiên là cả ở Việt Nam. Nặng nề hơn là tư tưởng “chết để bảo toàn danh tiết” vẫn còn ám ảnh và ăn sâu vào tâm trí của không ít người phụ nữ ở tận thế kỷ XXI này.

Chính bởi sự đề cao tuyệt đối giá trị đạo lý, những ràng buộc của “tam cương ngũ thường”, kẻ nam quân tử chết vì vua, vì nước, vì danh tiết; phận nữ nhi cũng sẵn sàng hy sinh tính mạng, thân mạng của mình để bảo toàn trinh tiết. Đó đều là những cách ứng xử với thân xác đầy khắc nghiệt, thậm chí phản nhân tình khi mà sự sống không còn là mục đích tối thượng của con người.

Nho giáo chủ trương kiểm soát thân xác bản năng, cũng chủ trương kiểm soát cả tình cảm của con người. NNC Trần Nho Thìn phân tích khái niệm “tâm” trong quan điểm của nho gia gồm có hai trạng thái cần phân biệt là “tính” và “tình”[4]. Trong đó, nhà nho bàn về tâm ở trạng thái tính – là bản tính, thiên tính của con người là cái cần được bảo vệ và khẳng định; tình là những cung bậc cảm xúc, tình cảm của con người khi tiếp xúc với ngoại vật mới chính là cái cần phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Các nhà nho thừa nhận con người có tình, nhưng chủ trương tiết chế tình cảm theo đạo trung hòa. Khổng Tử khen Quan thư, Kinh thi vì “lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” (vui mà không dâm dật, buồn mà không bi thương) cũng chính là bởi tình ở trong đó đạt tới trung hòa, không thái quá, không bất cập. Chu Hi cũng viết: “Tính chi sở cảm, ư vật nhi động, tắc vị chi tình. Thị tam giả, nhân giai hữu chi, bất dĩ thánh phàm vi hữu vô dã…Học giả tắc đương tồn tâm dĩ dưỡng tính nhi tiết kì tình dã” (Cái mà tính cảm được, do tiếp xúc với vật mà động thì gọi là tình. Ba điều này người ta ai cũng có, không phải là chuyện có không của bậc thánh nhân hay kẻ phàm tục…Học giả nên bảo tồn tâm, nuôi dưỡng bản tính mà tiết chế tình – Đáp Từ Cảnh Quang)[5]. Sự đòi hỏi tồn tâm dưỡng tính tiết tình này thực chất chính cũng là để phù hợp với đạo đức, nhân nghĩa theo quan niệm của nho gia, không gì khác là dùng lý trí để chế ngự cảm xúc. Vì thế trước cái chết, vốn là “ác mộng to lớn của đời người” (Lễ vận, Kinh lễ) nho giáo vẫn chủ trương tiết chế tình cảm. Nhà nho vì đại nghĩa có thể hy sinh thân mình, tâm thế vì vậy hoặc luôn ở trạng thái hiên ngang lẫm liệt đối mặt với cái chết, hoặc thanh thản mãn nguyện khi đã thỏa được chí làm trai, có công danh sự nghiệp. Còn đối với cái chết của người thân, nho gia tuân thủ những quy tắc đã được điển chế hóa trong Kinh Lễ. Kinh Lễ quy định cách tang ma, tang phục…, thậm chí cả cách bày tỏ tình cảm bi thương trước cái chết, những cảm xúc tự nhiên nhất của con người cũng phải hợp lễ, đúng thời điểm. Thế nên trước sự mất mát, người ta phải làm rất nhiều điều theo lễ chế chứ không được thuận theo cảm xúc tự nhiên: “khi cư tang thì sắc diện phải buồn bã, phải khóc lóc bi ai”, phải để tang cha mẹ ba năm, phải mặc áo xô gai, chống gậy, ăn đồ ăn nhạt… Lễ nghĩa như vậy, cũng có thể thấy, ứng xử với thân xác, tình cảm của chính mình, nhà nho cũng phải tuân theo quy định, phải hợp với lễ giáo. Có thể nói, từ lúc sống đến khi chết, còn sinh hoạt đời sống hay đến lúc tang ma, thế ứng xử với thân xác của nhà nho đều chú vào sự thanh đạm, khắc kỉ.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm