Tại sao mĩ la tinh giàu có về tài nguyên thiên nhiên mà nhân dân lại sống trong khó khăn???
1 câu trả lời
Trả lời : Bất chấp những khó khăn kinh tế và dự báo tăng trưởng không mấy khả quan từ đầu năm 2015 đến nay, Mỹ la-tinh tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về thành tích trong công cuộc xóa đói nghèo và bảo đảm bình đẳng xã hội. Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ghi nhận thành tích của Vê-nê-xu-ê-la trong việc đối phó và thu hẹp khoảng cách giàu -nghèo. Theo đó, nhờ áp dụng hợp lý chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, chương trình bình ổn giá, bảo đảm an ninh lương thực, quốc gia này về cơ bản đã thanh toán nạn đói và xếp thứ ba khu vực với nguồn cung lương thực phù hợp. Trong khi đó, tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ tại Ê-cu-a-đo giảm xuống còn 7,6% so mức 16,4% cách đây tám năm và hiện tỷ lệ nghèo tại quốc gia này chỉ chiếm 22,5% dân số, giảm 15% so năm 2007. Ê-cu-a-đo được đánh giá có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất Mỹ la-tinh thời gian qua, nhờ các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo việc làm cho người dân kịp thời từ phía chính phủ.
Bên cạnh đầu tư kinh tế, đầu tư giáo dục cũng là mục tiêu lớn mà các quốc gia nhắm tới khi đối mặt "cuộc chiến" bất bình đẳng thu nhập xã hội. Nhiều năm qua, Cu-ba được xem như ngọn cờ đầu của khu vực Mỹ la-tinh và thế giới nhờ mức đầu tư cao cho giáo dục. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, mức đầu tư giáo dục của quốc đảo chiếm 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt qua các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp... để đứng đầu thế giới, bất chấp các khó khăn kinh tế - xã hội. Các nước Bra-xin, Mê-hi-cô, Ác-henti-na, Cô-xta Ri-ca,... đều cam kết nỗ lực hết sức đẩy lùi nạn đói và thu hẹp khoảng cách giàu -nghèo, đóng góp tích cực vào các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của khu vực.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, con đường tiến đến mục tiêu xã hội bền vững và bình đẳng của Mỹ la-tinh còn không ít gập ghềnh. Một bản khảo sát về bất bình đẳng thu nhập trong xã hội Mỹ la-tinh do tổ chức phi Chính phủ Oxfam thực hiện gần đây cho thấy, hiện khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có khoảng 167 triệu người nghèo, 69 triệu người trong số đó sống dưới mức nghèo đói.
Một số thể chế quốc tế như Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ủy ban kinh tế Mỹ la-tinh và vùng Ca-ri-bê của Liên hợp quốc (ECLAC) và Ngân hàng phát triển Mỹ la-tinh (BID) cũng lo ngại thực trạng 40% của cải xã hội thuộc về tầng lớp giàu có và phần lớn người dân chỉ giữ 16% số tài sản. Dù đánh giá cao thành tựu của Mỹ la-tinh trong "cuộc chiến" chống "giặc đói" với thành tích giảm 16% số dân nghèo trong một thập kỷ qua, song Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết, có tới 20% dân số Mỹ la-tinh phải chịu cảnh "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc" đến suốt đời. Những người này buộc phải sinh sống tại các khu ổ chuột. Trong đó, phụ nữ, người già, trẻ em, người nhập cư và cộng đồng thổ dân là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng phân hóa giai tầng này.
Bất bình đẳng xã hội đã trở thành đề tài "nóng" nhiều năm trở lại đây đối với các nhà lãnh đạo khu vực Mỹ la-tinh. Giới phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến "hố giàu - nghèo" ngày càng bị nới rộng, đó là xu hướng toàn cầu hóa đi kèm tốc độ đô thị hóa cao tại nhiều quốc gia trong khu vực này. Cụ thể, "làn sóng" người từ nhiều vùng nông thôn ồ ạt đổ về thành phố dẫn đến việc hình thành các trung tâm đô thị khổng lồ, song lại cộng với năng lực quản lý, quy hoạch còn hạn chế của chính quyền đã khiến chất lượng cuộc sống người dân không được bảo đảm, từ đó càng "khoét sâu" thêm khoảng cách giàu - nghèo. Mặt khác, mức tăng trưởng kinh tế toàn khu vực Mỹ la-tinh thời gian qua chưa đủ mạnh để "đánh bật" tỷ lệ đói nghèo, cùng triển vọng không mấy sáng sủa của các nền kinh tế lớn trong khu vực như Bra-xin, Mê-hi-cô, Vê-nê-xu-ê-la... Một hệ quả tất yếu của cuộc sống khó khăn là sự gia tăng nhanh chóng tình trạng tội phạm. BID cho biết, các hoạt động tội phạm gây thiệt hại ít nhất 6% GDP hằng năm, đồng thời khiến 24% dân số Mỹ la-tinh "nơm nớp" lo sợ.
Dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong thời gian qua, song bất bình đẳng thu nhập vẫn là một trong những thách thức kinh tế, xã hội lớn nhất đối với Mỹ la-tinh trong thế kỷ 21. Các chuyên gia nhận định, tập trung chăm sóc sức khỏe và nâng cao trình độ, ý thức xã hội, tạo việc làm cho người dân, nhất là các đối tượng nghèo, mới chính là "vũ khí" hiệu quả cho cuộc chiến chống "giặc đói, giặc dốt", đồng thời sớm tìm ra lời giải cho bài toán thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo tại khu vực này.