Suy nghĩ của em về vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương và Kiều trong chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều.
Giúp em với ạ. (Xin đừng chép mạng, PLEASE!!)
1 câu trả lời
Thần thoại Hy Lạp kể rằng: “Thượng đế đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường uốn cong của loài dây leo, dáng run rẩy của các loài cỏ hoa, nét mềm mại của loài lau cói, màu rực rỡ của nhị hoa, điệu nhẹ nhàng của chiếc lá, cảm giác tinh vi của vòi voi, cái nhìn đăm chiêu của mắt hươu, cái xúm xít của đàn ong, ánh rực rỡ của mặt trời, nỗi xót xa của tầng mây, luồng biên động của cơn gió, tính nhút nhát của con hươu rừng, sắc lộng lẫy của con chim công, hình nhuần nhuyễn của con chim yểng, chất cứng rắn của ngọc kim cương, vị ngon ngọt của đường mật, khí lạnh lẽo của băng tuyết đức trung trinh của chim uyên ương đem mọi thứ ấy hỗn hợp lại, nặn thành người phụ nữ”. Có thể nói, người phụ nữ là biểu tượng của cái đẹp. Nhưng trong thời đại phong kiến trọng nam khinh nữ, đầy rẫy những sự bất công oan trái, người phụ nữ phải chịu nhiều đắng cay, oan trái nhất. Thế nhưng, những người phụ nữ ấy vẫn luôn xinh đẹp, nết na, giàu lòng thương yêu và nhân hậu. Ta có thể bắt gặp hình ảnh của họ qua nhiều tác phẩm văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam.
Trong xã hội phong kiến, dường như tất cả mọi thứ đều bất công với người phụ nữ. Tình yêu không, hạnh phúc không, tiếng nói cũng không. Nhưng, chính những áp bức đó đã làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng quý, đáng trân quý của người phụ nữ. Người phụ nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách. Đọc Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, ta thấy Vũ Nương đúng là một mẫu mực của phụ nữ phong kiến với những phẩm chất đáng quý. Không như Nguyễn Du miêu tả thật tinh tế nét đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của Thúy Kiều, Nguyễn Dữ chỉ điểm qua nhẹ nét đẹp của Vũ Nương: “tư dung tốt đẹp”. Nhưng chỉ bằng một chi tiết nhỏ ấy, tác giả đã phần nào khắc họa được hình ảnh một cô gái có nhan sắc xinh đẹp. Cũng bởi “mến vì dung hạnh” nên chàng Trương đã lấy nàng làm vợ. Nhưng chữ “dung” ấy, vẻ đẹp hình thức ấy, chẳng thể nào tỏa sáng ngàn đời như vẻ đẹp tâm hồn nàng. Vũ Nương “vốn con kẻ khó”, song rất mực tuân theo “tam tòng tứ đức”, giữ trọn lề lối gia phong và phẩm hạnh của chính mình. Thế nên, nàng rất “thùy mị, nết na”. Là chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam. Trong đạo vợ chồng, nàng hết sức khôn khéo, hết sức chú trọng “giữ gìn khuôn phép” để hy vọng có được một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Tục ngữ có câu "Gái có công thì chồng chẳng phụ" thế nhưng công lao của Vũ Nương chẳng những không được biết đến mà chính nàng còn phải hứng chịu những phũ phàng của số phận. Nàng phải một mình một bóng âm thầm nuôi già dạy trẻ, những nỗi khổ về vật chất đề nặng lên đôi vai của cô gái này. Thật là một thử thách quá khó khăn với một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhưng nàng vẫn vượt qua tất cả, một mình vò võ nuôi con khôn lớn, đợi chồng về. Không những thế, nàng còn hết lòng chăm lo cho mẹ chồng ốm nặng: “Nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Thời xưa, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu dường như chưa bao giờ êm đẹp và chứa đầy những định kiến khắt khe:
“Mẹ anh nghiệt lắm anh ơi
Biết rằng có được ở đời với nhau
Hay là vào trước ra sau
Cho cực lòng thiếp, cho đau lòng chàng”.
Nhưng nàng đã yêu thương mẹ chồng như chính cha mẹ ruột của mình. Mọi việc trong nhà đều được nàng chăm lo chu tất. Và lời trăn trối cuối cùng của mẹ chồng như một lời nhận xét, đánh giá, một phần thưởng xứng đáng với những công lao và sự hy sinh cao cả của nàng vì gia đình nhà chồng: “Xanh kia quyết chẳng phụ
con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Vậy là cả “công – dung – ngôn – hạnh” nàng đều vẹn toàn. Nàng chính là đỉnh cao của sự hoàn mỹ về cả vẻ đẹp hình thức lẫn tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam xưa dưới chế độ phong kiến.
Đến với Nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, một trang tuyệt sắc giai nhân, một người con có hiếu, một tấm lòng vị tha bao dung. Khi gia đình gặp tai biến, chúng ta chạnh lòng nhớ đến tình cảnh một Thúy Kiều khi phải bán mình chuộc cha:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.
Hy sinh mối tình riêng của mình để làm trọn chữ hiếu. Hành động đó khiến người đọc thật cảm phục:
“Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.”
Sống nơi đất khách quê người, nỗi nhớ về người yêu - biểu hiện của tình cảm chung thuỷ không hề vơi đi trong tâm hồn người con gái đáng thương này: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”. Kiều đã không giấu nỗi nhớ nhung da diết mãnh liệt của mình đối với chàng Kim. Vừa mới hôm nào cùng với Kim Trọng nặng lời ước hẹn trăm năm mà nay Kiều đã phải cắt đứt mối tình duyên ấy một cách đột ngột. Ngòi bút Tố Như thật tinh tế khi kể về tình cảm Thúy Kiều nhớ về người yêu cũng phù hợp với quy luật tâm lý và bộc lộ cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Chén rượu thề nguyền hôm nào dư vị còn đọng trên bờ môi, vầng trăng như vẫn còn kia, mà lại xa xôi cách trở. Kiều đau đớn nhớ tới người yêu, tưởng như lúc này chàng vẫn chưa hay biết việc nàng đã phải trầm luân trong gió bụi cuộc đời nên đang mong ngóng chờ đợi tin tức của nàng một cách uổng công vô ích!
Còn về phần nàng thì “Bên trời góc bể bơ vơ”, biết đến bao giờ mới phai được tấm lòng son mà nàng đã quyết định dành cho chàng từ cái buổi “thề non hẹn biển” hôm ấy. Câu thơ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” có thể hiểu là tấm lòng son sắt, nỗi nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi hoặc có thể hiểu là tấm lòng son sắt của Kiều đã bị dập vùi hoen ố biết bao giờ mới gột rửa được Kiều còn quên hết nỗi đau riêng của mình mà dành tất cả tình cảm thương nhớ cho cha mẹ, nàng thật là người có lòng vị tha:
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấm lạnh những ai đó giờ?”
Số phận con người – đó là điều day dứt khôn nguôi trong trái tim Nguyễn Du. Trái tim nhân ái bao la của nhà thơ đã dành cho kiếp người tài sắc bạc mệnh sự cảm thông và xót xa sâu sắc.
Thương thay cũng một kiếp người,
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.
Những là oan khổ lưu ly
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!...”
Câu thơ của Nguyễn Du như một tiếng nấc đến não lòng. Từng từ, từng chữ tựa như những giọt lệ chứa chan tình nhân đạo của tác giả khóc thương cho số đoạn trường.
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh vẫn là lời chung.
"Phận đàn bà" trong xã hội phong kiến cũ đau đớn, bạc mệnh, tủi nhục không kể xiết. Lễ giáo phong kiến khắt khe như sợi dây oan nghiệt trói chặt người phụ nữ. Và cũng như Vũ Nương, người phụ nữ trong xã hội suy tàn ngày ấy luôn tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình. Những tưởng khi giặc tan, chồng về, gia đình được sum vầy thì không ngờ giông bão đã ập đến, bóng đen của cơn ghen đã làm cho Trương Sinh lú lẫn, mù quáng. Chỉ nghe một đứa trẻ nói những lời ngây thơ mà anh đã tưởng vợ mình hư hỏng. Trương Sinh chẳng những không tra hỏi mà đánh đập phũ phàng rồi ruồng rẫy đuổi nàng đi, không cho nàng thanh minh. Bị dồn vào bước đường cùng, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để kết thúc một kiếp người.
Bên cạnh Vũ Nương, một hình ảnh nổi bật nữa là nhân vật Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngay từ đầu tác phẩm, nhận định của tác giả "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" đã dự báo cho điều đau đớn này. Thuý Kiều mang một vẻ đẹp đằm thắm, mảnh mai là thế, tài sắc lại vẹn toàn hiếu nghĩa, đáng ra nàng phải được sống hạnh phúc, êm ấm, vậy mà do một biến cố trong gia đình nàng đã phải bán mình chuộc cha. Bất hạnh này mở đầu cho hàng loạt bất hạnh khác mãi cho tới khi nàng tìm tới sông Tiền Đường để chấm dứt số kiếp trầm luân. Dẫu biết kết chuyện Thúy Kiều được về sum họp với gia đình nhưng cả một kiếp người trôi nổi truân chuyên ấy đã vùi dập cả một giai nhân tài sắc vẹn toàn. Độc giả đã khóc cho bao lần chia phôi vĩnh viễn, những tháng ngày sống không bằng chết trong lầu Ngưng Bích, những nỗi tủi nhục vò xé thân mình của Thuý Kiều. Số phận bi đát ấy. Bi kịch tình yêu của người con gái tài sắc đã khiến muôn đời sau phải thốt lên:
"Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”
(Tố Hữu)
Kết thúc của hai tác phẩm làm lòng ta chợt quặn lên thương xót. Thương xót bởi vì Vũ Nương đoan trang, tiết hạnh là thế, chung thủy là thế, vậy mà phải chịu vết nhục phải tự tử để rửa sạch và chỉ đến khi Trương Sinh hiểu được sự thật, lập đàn giải oan thì đã quá muộn màng. Thương xót bởi người con gái sắc nước hương trời trọn hiếu vẹn tình như Thúy Kiều lại bỏ mình nơi dòng sông lạnh lẽo. Phải chăng số phận của Vũ Nương và Thúy Kiều cũng chính là số phận bi đát của những người phụ nữ thời phong kiến. Số phận ấy mong manh như ngọn nến trước gió, sẵn sàng phụt tắt bất cứ lúc nào. Vũ Nương, Thúy Kiều… và biết bao số phân thật buồn thảm phụ nữ vẫn mãi đi vào ngõ tối.
Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cao cả, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã miêu tả chân thực và đầy xót xa số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Viết về những người đàn bà bất hạ, đẹp người đẹp nết này, các nhà văn, nhà thơ đã dành một sự ca ngợi, một sự nâng niu vô bờ bến. Chúng ta cảm nhận được điều đó và càng thương xót cho thân phận của họ hơn bao giờ hết.
Văn học nghệ thuật ngày nay vẫn tiếp tục lưu giữ những vẻ đẹp của người phụ nữ trong một phương diện mới, khía cạnh mới.Và xã hội ngày nay đã tạo mọi điều kiện để phụ nữ thể hiện mình và hơn hết họ còn được xã hội tôn vinh qua các ngày lễ dành riêng cho phái nữ. Chúng ta hãy dần loại bỏ những lễ giáo hà khắc, cổ hủ trong thơ xưa và thay thế nó bằng những khúc ca vui ngợi ca về người phụ nữ. Xin mượn lời nhà thơ Xuân Quỳnh để thêm một lần nữa khẳng định giá trị và vai trò của người phụ nữ trong xã hội:
Một buổi sớm mai ướm bước chân mình trên cát
Người mẹ cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học hay là ai đi nữa
Cũng là con của một người phụ nữ
Người đàn bà bình thường không ai biết tuổi tên.