Qua bài thơ tự tình cho ta thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương.em hãy trình bày tài năng sử dụng ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương
2 câu trả lời
Ở bài thơ Tự tình II, về cơ bản Hồ Xuân Hương vẫn giữ phong cách ngôn ngữ nghệ thuật giản dị, tự nhiên giống như bài thơ Bánh trôi nước để thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn bã, nhưng vẫn tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống của mình.
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Câu thứ nhất chỉ thời điểm diễn ra tâm trạng. Đó là lúc đêm khuya thanh vắng, lâu lâu lại văng vẳng tiếng trống canh. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh ở đây đã tỏ ra đắc dụng. Tiếng trống canh vang lên bức bối trong màn đêm thăm thẳm, mịt mùng khiến cho sự vắng lặng càng tăng lên gấp bội. Thời gian trôi qua mới chậm chạp làm sao! Chậm chạp, nặng nề nhưng nó vẫn đi. Còn tâm trạng con người trong khung cảnh ấy thì như lắng đọng lại và thỉnh thoảng lại như dồn; như thúc, như chồng chất thêm lên khiến cho lòng càng đau đớn, dằn vặt khôn nguôi.
Câu thứ hai: Trơ cái hồng nhan với nước non có sự kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ văn chương bác học. Hồng nhan có nghĩa là gương mặt đẹp của người con gái, thường được dùng để chỉ phụ nữ nói chung. Nhưng Hồ Xuân Hương đã cố tình sự vật hóa nó bằng cách gọi là cái hồng nhan, lại đặt tính từ Trơ lên đầu câu khiến cho vẻ đẹp mà Tạo hóa ưu ái ban cho riêng phái nữ giống như một sự vật vô tri vô giác nào đó. Vẻ đẹp là tinh hoa của trời đất, rất đáng nâng niu, trân trọng. Ấy vậy mà nó bẽ bàng Trơ ra trước con mắt lạnh lùng vô cảm của người đời, chứ không phải chỉ là trơ trọi trước cảnh thiên nhiên, non nước luôn dào dạt sức sống, sức yêu. Hồ Xuân Hương đã đặc tả một cách thần tình nỗi đau âm ỉ, nung nấu và thiêu đốt tâm can mình bấy lâu bằng câu thơ giản dị mà có sức lay động, ám ảnh lạ lùng, Đó là tình cảnh và tâm trạng bi đát của nữ sĩ trong thời điểm đặc biệt này. Tưởng chừng như nỗi cô đơn, sầu tủi đến mức đắng cay, chua chát đã biến con người thành gỗ đá.
Nhưng không phải vậy. Trái tim còn đập nên ý thức vẫn còn, nữ sĩ đành mượn rượu giải sầu, muốn say cho quên hết. Khổ nỗi:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Hết say lại tỉnh, có nghĩa là đã nhiều lần say và những cơn say nối tiếp nhau. Cố say, cố quên, vậy mà lúc tỉnh rượu thì thấy bao nhiêu dối trá, hững hờ của người đời vẫn còn sờ sờ ra đó và nỗi đau khổ, bẽ bàng của mình cũng cứ còn nguyên. Nỗi cô đơn lại càng tăng lên gấp bội. Ước mong một mảy may bù đắp, một chút tròn đầy mà không sao có được. Giống như hình ảnh vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn, cuộc đời mình cũng đã ngả chiều và chờ đợi cũng đã mỏi mòn mà không biết bao giờ ước nguyện mới thành hiện thực?! Sự lựa chọn từ ngữ của Hồ Xuân Hương quả là đã đạt tới mức tài tình, chuẩn xác nhưng vẫn tự nhiên, dung dị mà chứa chất tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, khai thác mãi không vơi cạn..
Mạch suy tư của nữ sĩ bất chợt rẽ sang một hướng khác. Với tính cách vốn mạnh mẽ, bà không thể đắm chìm mãi trong cảm xúc thương thân tủi phận. Cố say để quên nhưng không sao quên được. Tỉnh thì đau khổ nhưng mình vẫn còn được là mình. Trăng khuyết chưa tròn thì không đến nỗi tuyệt vọng. Ngọn lửa niềm tin trong lòng vẫn cháy, nữ sĩ tin vào tình yêu chân thành, tha thiết của mình đối với con người và cuộc đời, tin vào nghị lực của bản thân. Nhìn rộng ra xung quanh, thấy lời dạy của đất trời sâu kín mà rành rành trước mắt, ngụ ở trong từng ngọn rêu, tảng đá. Hình ảnh trong bài thơ không có gì là cao xa, khó hiểu mà vô cùng gần gũi nhưng vẫn chứa đựng ý nghĩa hàm súc và thâm thúy. Rêu nhỏ bé, yếu ớt là thế mà vẫn cố hết sức Xiên ngang mặt đất, vươn lên đầy sức sống. Đá lầm lì là vậy mà Đâm toạc chân mây để khẳng định sự hiện diện của mình. Hồ Xuân Hương tỏ ra rất táo bạo và sáng tạo trong việc đảo ngược cấu trúc thông thường của câu thơ, nhằm thể hiện tới mức cao nhất ý mình muốn nói. Tính ẩn dụ của hình ảnh vì thế mà có khả năng gợi liên tưởng rất mạnh và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nó như nhắc nhở, thúc giục nữ sĩ nói riêng và phụ nữ nói chung hãy xiên ngang, đâm toạc tất cả những gì phi lí ràng buộc, vây bủa con người để hướng tới một cuộc sống thật sự tự do, thật sự hạnh phúc.
Tự tình là mình nói với mình, mình tâm sự, bày tỏ nỗi lòng với chính mình, nhưng không phải vì thế mà tính khái quát của bài thơ bị hạn chế. Hồ Xuân Hương đã giãi bày rất chân thực tâm trạng cô đơn, tiếc nuối, xót xa, cay đắng, chán chường nhưng không tuyệt vọng, vẫn âm ỉ, le lói ước mong được chia sẻ, yêu thương:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Bạn tham khảo nhé
Tài năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc của Hồ Xuân Hương qua một bài thơ Nôm (Bánh trôi nước hoặc Tự tình II).
a. Tìm hiểu đề
- Vấn đề nghị luận: tài năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc của HXH.
- Kiểu bài: nghị luận văn học.
- Thao tác lập luận: phân tích, chứng minh, bình luận.
- Phạm vi tư liệu: chọn 1 bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương.
b. Lập dàn ý
Mở bài: Dẫn dắt vào vấn đề tài năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc của Hồ Xuân Hương.
Thân bài:
- Giải thích: thế nào là ngôn ngữ dân tộc.
- Biểu hiện của tài năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc qua bài thơ Tự tình II:
+ Sử dụng văn tự Nôm.
+ Sử dụng các từ ngữ thuần Việt đắc dụng.
+ Sử dụng hình thức đảo trật tự từ trong câu.
Kết bài: Khẳng định tài năng và vị trí của HXH trong văn học trung đại.