Phân tích quá trình bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Mọi người làm hay lấy ở đâu cũng được nhưng bài phải có dẫn chứng("để trong ngoặc kép")

1 câu trả lời

Đại văn hào Andersen đã từng nói rằng:"không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra". Hiện thực cuộc sống được xem là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chấp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy bức tranh hiện thực cuộc sống, con người trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao đã gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng bạn đọc. Và Chí Phèo là một hình tượng trung tâm giàu ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm, đã khái quát số phận của một lớp người, bản chất của cả một xã hội, là hình ảnh ấm nồng về sự khát khao cho cuộc đời lương thiện. Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim mình dẫn dắt. Nam Cao đã để những con chữ nói lên tiếng lòng của mình, nói thay cho số phận bèo bọt của người nông dân trong xã hội phong kiến kia. Là một ngòi bút tài hoa, Nam Cao luôn có những quan niệm mới mẻ về cuộc đời, khơi sâu những nguồn xúc cảm từ cuộc sống. Mỗi câu văn là mỗi tiếng thở, là mỗi câu chuyện dài bằng máu và nước mắt để rồi nó chạm đến trái tim bạn đọc theo một cách chân thật nhất. "Chí Phèo" là thành công rực rỡ cho nghệ thuật điển hình hóa, là tác phẩm độc đáo được xây dựng bởi nhà văn luôn tìm kiếm cái mới "Khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có". Chính sự sáng tạo trong cách xây dựng nhân vật ấy đã đưa "Chí Phèo" trở thành một tác phẩm "vàng" mang giá trị sâu sắc cho truyện ngắn Việt Nam. "Chí Phèo" là sự ra đời của một kiếp người bị bần cùng hóa đến mức không còn lối thoát, đó cũng là đại diện chung cho số phận bi đát của một tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ. Nhắc đến Chí Phèo, dân làng Vũ Đại nhắc đến một tên lưu manh gớm ghiếc, một "con quỷ dữ của làng". Nhưng trước khi bị người đời gắn mác "quỷ dữ" thì Chí cũng là một con người lương thiện, cũng có những ước mơ của riêng mình:"Chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Hai vợ chồng sẽ nuôi một con lợn làm vốn. Nếu dư giả sẽ mua mấy sào ruộng làm ăn". Chí Phèo vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, được anh bắt lương nhặt về và được người dân nghèo làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi lớn. Dù lưu lạc qua tay nhiều người, nhưng dù sao tuổi thơ Chí Phèo cũng được đùm bọc yêu thương. Phải chăng, chính quãng thời gian đó đã nuôi cái chất lương thiện trong Chí Phèo để sau này có lúc chất người đó trỗi dậy? Sống bằng sức lao động của chính mình, Chí Phèo luôn cảm thấy hài lòng vui vẻ. Chí luôn siêng năng, cần cù để lo cho một cuộc sống tốt đẹp với những ước mơ nhỏ bé bên trong túp liều tranh. Trong tuổi đôi mươi, là lúc con người ta dạt dào cảm xúc yêu đương nhất. Ấy thế mà, với Chí Phèo mỗi lần bị bà Ba gọi lên bóp chân là mỗi lần nhục nhã nhất:"Tội nghiệp, mỗi lần bị bà Ba gọi lên bóp chân, tay hắn cứ run run". Không chỉ hiền lành, Chí còn có lòng tự trọng rất cao, luôn căm ghét những việc làm xấu xa đến như thế, không có chút rung động nào khi làm công việc tồi tệ ấy "người ta không thể thích những gì người ta khinh". Nhưng rồi một ngày, vì ghen tuông mù quáng, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào nhà tù thực dân Pháp. Đó cũng chính là lúc những bi kịch cuộc đời bắt đầu. Hai mươi năm sống trong lương thiện, nhưng chỉ vì một cú xô ngã của xã hội, cả quãng đời còn lại của Chí Phèo đều là một màu đen tăm tối. Bá Kiến là đại diện cho tầng lớp phong kiến, là những con người dựa vào "tiền" để đánh đổ, dồn người nông dân vào bước đường cùng nhất của cuộc sống. Và cũng chính nhà tù thực dân ấy đã tha hóa, tiếp tay cho Bá Kiến cắt đứt con đường trở về lương thiện của Chí Phèo. Rời khỏi nhà tù thực dân, cứ ngỡ Chí sẽ trở lại làm một anh canh điền hiền lành như ngày xưa. Nhưng không, làm sao có thể lương thiện khi sống trong một nhà tù quái ác đến như thế? Chí Phèo đã thay đổi về cả nhân hình lẫn nhân tính:"Cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen lại rất câng câng, hai con mắt gờm gờm trong gớm chết". Bằng cách miêu tả như thế, rõ ràng ai cũng thấy được đây là kẻ bất chấp tất cả, chỉ thích gây gổ, đâm chém. Nam Cao đã miêu tả "hiện thực nhìn thấy được" để giúp bạn đọc cảm nhận "hiện thực bên trong, không nhìn thấy được". Từng nét vẽ về con người hẳn đều toát lên nét đậm chất...Chí Phèo. Từ một kẻ bị Bá Kiến đẩy vào tù, giờ đây Chí Phèo lại trở thành tay sai cho Bá Kiến chỉ vì để thỏa mãn những cơn khát rượu của mình. Công việc đầu tiên của hắn là rạch mạch ăn vạ để đòi tiền, gây gổ với những kẻ làm chướng tai gai mắt. Nam Cao đã dẫn câu chuyện vào bằng tiếng chửi oái ăm của Chí Phèo "Hắn vừa đi vừa chửi". Nhưng sâu bên trong tiếng chửi ấy là một sự cô độc. Tiếng chửi ấy thể hiện sự vật vã dẫu là vô ý thức để tìm ra căn nguyên của sự đau khổ. Nhưng khốn khổ thay, Chí càng chửi lại càng bế tắc. Cả cuộc đời hắn chìm đắm trong cơn say "Hắn ăn trong lúc say, hắn đã phá tan bao nhiêu gia đình, đập vở bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện". Con người này đã thực sự trở thành con quỷ dữ, tàn phá tất cả không chút ghê tay. Nam Cao đã đặt nhân vật của mình lúc nào cũng triền miên trong cơn say, phải chăng đây là sự thương cảm cuối cùng mà Nam Cao đã dành cho Chí. Bởi lẽ người say không biết và kiểm soát được những hành động và lời nói của mình. Với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã có phát hiện mới trong đời sống người nông dân trước cách mạng. Nếu như chỉ dừng lại ở việc miêu tả đời sống khốn cùng, quẫn bách, nỗi cực nhọc bèo bọt của người nông dân đã có Tắt đèn, Bước đường cùng,...Nhưng cái mới của Nam Cao là chỉ ra con đường bị lưu manh hóa về bản chất người nông dân. Từ một người chất phát, thật thà và giàu lòng tự trọng lại trở thành một tên lưu manh gớm ghiếc. Nhưng lưu manh không phải là bản chất của con người đó đâu! Dưới ngòi bút sắc sảo của mình, Nam Cao đã vạch trần tội ác đứng sau con quỷ lương tâm của người nông dân. Đó là những thủ đoạn đê tiện của bọn cường hào, sự tàn bạo của chính quyền thực dân. Chính chúng đã nhào nặn những tâm hồn lương thiện ra thành những con quỷ dữ. Nhưng Chí Phèo không phải là nạn nhân duy nhất mà chỉ là đại diện cho cả một lớp người như thế. Trên ngưỡng cửa của những tội ác, Nam Cao đã cho Chí Phèo trở về làm người lương thiện. Đó là lúc gặp được Thị Nở. Cái tốt đẹp thuộc về bản chất xưa kia ở Chí Phèo như một tiềm thức sâu xa, nó giống như mặt trời có thể bị che mờ nhưng không bao giờ nguội tắt. Sau giấc ngủ dài miên man, nó cựa quậy, động đậy đòi tỉnh giấc. Nó thúc đẩy Chí Phèo trở thành người lương thiện. Chính cuộc gặp gỡ với Thị Nở đêm hôm ấy đã giúp cho Chí Phèo cảm nhận được mùi vị, âm thanh của cuộc sống "Tiếng chim hót, tiếng người thuyền chài gõ máy chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ lao xao trò chuyện". Lần đầu tiên hắn được tỉnh lại sau những ngày say sưa trong men rượu. Sự thức tỉnh này không chỉ đơn thuần là tỉnh dậy sau cơn say mà còn là sự thức tỉnh sâu bên trong con người Chí. Hắn bắt đầu sợ rượu, nghĩ ngợi về những ước mơ thời xa xưa và nhận ra rằng mình đã già rồi "Mình đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời". Chí nhìn về tuổi già sắp tới và run sợ trước cảnh "ốm đau, rét mướt, cô độc" nhất là sự cô độc. Đón nhận bát cháu hành của Thị Nở, Chí xúc động "Hắn thấy mắt mình như ươn ướt". Vị cháu hành lúc đó sao ngon đến lạ lùng. Hắn thấy "lòng mình như trẻ con, hắn muốn làm nũng vơi Thị như với mẹ". Quả thật, chỉ có nhân tính mới gọi được nhân tính quay về. Trong nỗi khát khao cuộc đời lương thiện, đối với Chí Phèo Thị Nở sẽ là cầu nối đưa hắn về cuộc đời "Thị Nở có thể chung sống với chúng, tại sao mọi người lại không?". Nhưng không, mọi hy vọng lại chợp tắt. Một lần nữa Nam Cao lại đẩy nhân vật của mình vào ngõ cụt. Và có lẽ đây cũng là dấu chấm hết đối với cuộc đời Chí. Thị Nở nghe theo lời Bà cô của mình, không ở bên Chí Phèo nữa, không màng đến hắn nữa. Cuộc đời đã cướp đi của hắn ngay cả thứ tình cảm thô kệch của một người đàn bà không thể có ai xấu xí hơn. Đau khổ hơn, hắn lại nốc rượu. Nhưng trong đầu hắn lại thoang thoảng mùi cháo hành. Chí xách dao định giết Thị Nở, nhưng lương tri thức tỉnh sâu bên trong Chí Phèo mách bảo kẻ thù đích thực của đời mình. Chí cầm dao giết chết Bá Kiến và cũng tự kết liễu đời mình. Còn nỗi đau nào hơn khi bị cả xã hội ruồng bỏ, đã có thể quay về làm người lương thiện nhưng tại sao xã hội kia lại cắt đứt con đường ấy của Chí Phèo? Cuộc đời Chí chưa đủ bi kịch hay sao? Không ai mong muốn đánh ngã bản chất của mình mà chỉ vì cuộc đời xô đẩy mới bước vào đường cùng như thế. Có ai trong tất cả chúng ta chưa một lần trong đời thức dậy mà không biết hôm nay mình phải làm gì, nhìn mọi thứ xung quanh chỉ toàn màu tối và thấy mình đang lạc lối? Có ai sống trên trời mà chưa từng biết đến đau khổ, chưa từng bị chối bỏ bởi những người mình yêu thương, gia đình hay xã hội? Những nỗi đau trong câu chuyện đã kết nối người đọc với tác giả, kết nối người đọc với nhau cà làm nên thành công của bộ truyện. Hình ảnh cuối cùng của Chí Phèo vừa thể hiện sự bi thảm, đau đớn, vừa ấm nóng khát khao. Cái chết đó là khao khát về sự lương thiện "ai cho tao lương thiện". Đó cũng là sự giải thoát và cũng là lựa chọn cuối cùng mà Chí giải tỏa của mình. Những oán hận, lo lắng, giày vò, buồn khổ trong quá khứ kết thúc, đồng nghĩa với nhiều ước mơ trong tương lai bị xóa sổ và hiện tại thì vỡ vụn. Hình tượng Chí Phèo có sức tố cáo rất lớn, trở thành một hình tượng giàu ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm. Nam Cao đã vạch ra Chí Phèo không là hiện tượng cá biệt ngẫu nhiên mà là sản phẩm của xã hội độc ác kia, một xã hội biến người ta thành quỷ nhưng lại ngăn chặn những con quỷ trở lại làm người. Mặc dù vậy, chất người trong Chí Phèo vẫn vùng vẫy mạnh liệt dù có bị bế tắc đến đâu ngọn lửa ấm nồng về sự khát khao làm người lương thiện. Đồng thời, đó cũng là sự trân trọng cho giá trị nhân đạo bên trong con người Chí Phèo. Giọt nước mắt cứ như thấm qua mỗi trang văn, không có bi kịch nào đau đớn hơn bi kịch bị tha hóa về tâm hồn lẫn thể xác. Chí Phèo ra đời là thành công cho nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao, là khao khát ấm nồng cho cuộc đời lương thiện. Dòng chảy văn học vẫn cứ trôi, bụi thời gian có thể làm mờ đi tất cả. Nhưng những gì là văn, là nghệ thuật đích thực vẫn sống mãi trong trái tim bao bạn đọc.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm