Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo trong đoạn trích sau để làm rõ bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo: “…Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu. Hắn bỗng nhiên ngẩn người. Thoáng một cái, hắn lại như hít hít thấy cái hơi cháo hành. Hắn cứ ngồi ngẩn mặt không nói gì. Thị trút giận xong rồi. Cái mũi đỏ dị xuống rồi lại bạnh ra. Thị hả hê lắm lắm. Thị ngoay ngoáy cái mông đít ra về. Hắn sửng sốt đứng lên gọi lại. Ai mà thèm lại! Còn muốn lôi thôi cái gì? Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay thị. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân. Ðã lăn ra thì hắn phải kêu: bao giờ chả thế. Hắn nhặt một hòn gạch toan đập đầu. Nhưng hình như hắn chưa thật say. Vì hắn nghĩ đập đầu ở đây chỉ thiệt; đập đầu ở đây để mà ăn vạ ai? Hắn phải tự đến cái nhà con đĩ Nở kia. Ðến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó. Nếu không đâm được, lúc ấy hãy đập đầu kêu làng. Muốn đập đầu, phải uống thật say. Không có rượu, lấy gì làm cho máu nó chảy? Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa. Hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Rồi lại uống. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng. Hắn lảm nhảm: “Tao phải đâm chết nó!”. Nhưng hắn lại cứ thẳng đường mà đi. Cái gì đã làm hắn quên rẽ vào nhà thị Nở? Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm.…”
1 câu trả lời
Thị Nở đã thức tỉnh con người vốn ngủ sâu trong hình hài "con quỷ dữ" của Chí Phèo. Chí Phèo đã thức tỉnh lương tri, đã khao khát sống cuộc đời lương thiện, nhưng nghiệt ngã thay, điều ấy không ai biết. Khi nghe cháu gái nhắc đến Chí Phèo thì bà cô Thị Nở đã xỉa xói ngay vào mặt cháu gái rằng lấy ai không lấy lại đi lấy thằng Chí Phèo, một thằng "không cha, suốt ngày chỉ có một việc là rạch mặt ăn vạ". Thị Nở uất ức lắm. Bao nhiêu uất giận ấy Thị trút cả vào Chí, từ chối sự níu kéo của Chí, vùng vằng bỏ về. Những lời nói và hành động của Thị Nở cắt đứt hy vọng mới chớm nở lại của Chí Phèo, khiến hắn nhận ra bi kịch đời mình. Hắn không còn cái cơ hội được trở lại làm con người nữa, hắn mãi mãi là con quỷ của làng Vũ Đại. Người duy nhất mà xem hắn là người, gần gũi với hắn, cũng quyết từ chối hắn. Tuyệt vọng, hắn uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh và thoang thoảng cứ thấy “hơi cháo hành". Hắn tìmđến men say để lại sống cuộc đời khi trước, nhưng "hơi cháo hành", hay tiếng gọi của tình người, của lương tri cứ ám ảnh lấy hắn, không cho phép hắn bỏ quên con người đã thức tỉnh. Hắn đi đòi lương thiện. Nhưng còn ai trả lại cho hắn được sự lương thiện ngày xưa nữa? Nhân hình và nhân tính hắn đã đánh mất từ lâu rồi: những vết sẹo trên mặt đã khiến gương mặt hắn không rõ hình hài là mặt người hay mặt thú. Hắn muốn tìm đến cái chết. Câu hỏi "Ai cho tao lương thiện?" vang lên trong tức tưởi, phản ánh "bước đường cùng" của người nông dân bị tha hóa thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám.