phân tích cảnh cho chữ trong chữ người tử tù

2 câu trả lời

Khi nhắc tới lối văn chương luôn khát khao hướng tới chân - thiện - mỹ, người ta thường nhắc tới Nguyễn Tuân - một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Quê ông ở Hà Nội , xuất thân trong một gia đình nhà nho . Ông được đánh giá là một trong những cây bút tài hoa nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong các sáng tác của Nguyễn Tuân, các nhân vật thường được miêu tả, nhìn nhận như một nghệ sĩ. Và tác phẩm “Chữ người tử tù” cũng được xây dựng bằng cách nhìn nhận như vậy. Bên cạnh đó, nhà văn đã khéo léo sáng tạo lên một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Đó là cảnh cho chữ trong nhà giam là phần đặc sắc nhất của thiên truyện này “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Đoạn cho chữ nằm ở phần cuối tác phẩm ở vị trí này tình huống truyện được đẩy lên đến đỉnh điểm vì viên quản ngục bỗng nhận được công văn về việc xử tử những tên phản loạn, trong đó có Huấn Cao. Do vậy cảnh cho chữ có ý nghĩa cởi nút, giải tỏa những băn khoăn, chờ đợi nơi người đọc, từ đó toát lên những giá trị lớn lao của tác phẩm.

Cảnh cho chữ đã diễn ra là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có . Viết chữ đẹp để tặng nhau là thú chơi thanh tao , là sự sáng tạo nghệ thuật cao quý , lẽ ra phải ở chốn thư phòng , nay điều ấy lại đang diễn ra trong nhà tù tối tăm , bẩn thỉu “ tường đầy mạng nhện , đất bừa bãi phân chuột phân gián ” , đó là nơi chỉ tồn tại cái xấu , cái ác , lừa lọc và giả dối hoàn toàn thù địch với cái đẹp . Thời gian cho chữ cũng là một điểm đặc biệt : thông thường người ta cho chữ khi tâm trạng thoải mái , thư thái , thanh thản , tâm tĩnh . Còn Huấn Cao cho chữ khi mà chỉ đến sáng mai sẽ phải đi chịu án tử hình . Ông đã dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời để vừa hoàn thành nguyện ước của quản ngục , vừa để lại những gì tinh tuý , đẹp đẽ nhất cho cuộc đời . Con người trong cảnh cho chữ càng đặc biệt hơn nữa . Người cho chữ là Huấn Cao – một tử tù nguy hiểm ; người nhận chữ là viên quản ngục , thơ lại – những kẻ đại diện cho trật tự xã hội đương thời .  Những con người đó đối nghịch nhau khi xét trên bình diện xã hội . Nhưng ở đây , họ đang xích lại gần nhau , cùng quây quần bên cái đẹp để đưa cái đẹp ra đời và toả sáng .

Nhà văn đã tạo ra sự tương phản gay gắt giữa một bên là gian nhà ngục “ một buồng tối chật hẹp , ẩm ướt , tường đầy mạng nhện , đất bừa bãi phân chuột phân gián “ và một bên là “ ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi trên ba đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ ” . Đó là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng , giữa cái xấu và cái đẹp , giữa cái thiện và ác , giữa cao thượng và thấp hèn … Những mặt đối lập nhau ấy tưởng như không thể tồn tại ở bên nhau , thì giữa nhà tù nó lại đang tồn tại . Giữa sự tương phản ấy có ba người thì cả ba người bị hút hồn vào tấm lụa bạch , nơi cái đẹp sẽ ra đời , không hề để ý gì đến sự hôi hám , bẩn thỉu xung quanh . Chỉ có cái đẹp mới thực sự tồn tại và có ý nghĩa . Cảnh cho chữ diễn tại nơi ngự trị của cái bóng và cái ác , những thứ thù địch với cái cái đẹp .

Hình tượng nhân vật Huấn Cao hiện lên thật uy nghi , rực rỡ “ Một người tù , cổ đeo gông , chân vướng xiềng , đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván ” . Mạnh hơn tất cả xiềng gông và nhà tù , mạnh hơn cả cái chết , cái đẹp vẫn sinh sôi , nảy nở , toả sáng , đẩy lùi bóng tối . Nhà tù , xiềng gông chỉ có thể giam hãm thân xác , không thể giam hãm được tâm hồn con người . Huấn Cao trong tư thế ung dung đĩnh đạc , đường hoàng , tự do sáng tạo cái đẹp , những con chữ tươi tắn ít khi ông viết cho ai , trừ chỗ tri kỉ , những con chữ không thể mua chuộc bằng vàng ngọc hay bị khuất phục bằng quyền uý giờ đây được ông viết ra một cách hoàn toàn tự nguyện và cảm động . Huấn Cao đang đi vào cõi bất tử ! Tâm hồn Huấn Cao như đang thăng hoa cùng cái đẹp . Mọi thứ bẩn thỉu của nhà tù bỗng nhiên bị xua tan , để chỉ còn hương thơm của chậu mực , hương thơm của cái tốt , cái đẹp và tình người : “ Thoi mực , thầy mua ở đâu mà tốt và thơm qua . Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không ? ” . Điều lạ lùng là Huấn Cao đang từng bước đi vào cõi chết , nhưng toàn bộ tâm trí ông vẫn hướng tới cái đẹp , cái thiện và sự cao thượng ở đời . Nếu người cho chữ ung dung , đĩnh đạc thì người xin chữ - viên quản ngục trong tư thế khúm núm , run run , lĩnh hội cái đẹp . Hình ảnh người tử tù cho chữ đã nổi bật uy nghi lồng lộn trong không gian cho chữ , còn những kẻ đại diện cho trật tự xã hội lại cúi rạp trước kẻ tử tù đang đeo gông xiềng .

Sau khi viết xong bức tranh chữ , Huấn Cao dành lời khuyên cho quản ngục : “ nên thay đổi chốn ở đi , … thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ . Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững ” . Nghe xong “ ngục quan cảm động , vái người tù một vái , chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miêng làm cho nghẹn ngào : “ kẻ mê muội này xin bái lĩnh ” . Hành động , thái độ của viên quản ngục là sự quy hàng , quy phục trước cái đẹp , mà hiện thân là ông Huấn Cao . Như vậy có nghĩa là cái đẹp , cái thiện có sức mạnh cảm hoá con người . Bằng con đường của trái tim , sức mạnh ấy càng được nhân lên gấp bội . Qua chi tiết này , Nguyễn Tuân thể hiện niềm tin vững chắc vào con người . Nhà văn khẳng định : Thiên lương là bản tính tự nhiên của con người . Dù trong hoàn cảnh nào , con người vẫn luôn khao khát hướng tới chân , thiện , mĩ . Đây chính là chiều sâu giá trị nhân văn của tác phẩm .

Để khắc hoạ cảnh cho chữ Nguyễn Tuân đã chủ yếu sử dụng nghệ thuật tả cảnh và tả người kết hợp hủ pháp tương phản đối lập . Nghệ thuật dựng ảnh , khắc hoạ tính cách nhân vật , tạo không khí cổ kính , trang trọng , ngôn ngữ giàu tính tạo hình . Đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ có nhịp điệu chậm rãi , câu văn giàu hình ảnh , gợi hình gợi cảm .

Cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục trong "Chữ người tử tù" được đánh giá là "cảnh tượng xưa nay hiếm". Thông qua cảnh cho chữ của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã ẩn chứa những ý niệm sâu sắc về sự chiến thắng của cái đẹp trước cái xấu, cái ác; từ đó cho thấy tài năng nghệ thuật của mình trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo, trong nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật và trong cả việc sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình .

Bài của mình hơi sơ sài b xem có gì thiếu thì tự thêm vào nha!!!

Câu hỏi trong lớp Xem thêm