Nghị luận xã hội: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích
2 câu trả lời
- Giới thiệu ý kiến của đề bài: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.
- Giải thích:
Người nổi tiếng là người có tiếng tăm được nhiều người biết đến.
Người có ích là người có cuộc sống có ích, có ý nghĩa, cũng cần thiết và có giá trị đối với người khác, gia đình, xã hội.
Ý kiến là một lời khuyên về một trong những mục đích sống của con người: Hãy sống với một mục đích sống chân chính đừng cố gắng theo đuổi tiếng tăm, danh vọng mà hãy quan tâm đến giá trị của cuộc sống, nhất là với mọi người.
- Phân tích chứng minh:
+ Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng:
Tiếng tăm, danh vọng thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống.
Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi.
Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương cách xấu xa. Do đó, nổi tiếng như thế chỉ là vô nghĩa.
+ Trước hết, hãy là người có ích:
Người sống có ích mang lại nhiều ích lợi cho người khác trong cuộc sống.
Sống có ích sẽ làm thăng hoa giá trị con người, thăng hoa giá trị cuộc sống.
Người có ích dù không được nổi tiếng nhưng cuộc sống của họ là cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa đối với người khác, gia đình, xã hội. Ngay cả trong quan niệm của người xưa về “chí nam nhi”, chữ “danh” (Phải có danh gì với núi sông) luôn gắn với thực chất của hành động (Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ).
- Bình luận:
Nổi tiếng cũng có mặt tốt, có tác dụng tốt. Tiếng nói của người nổi tiếng thường có tác động nhiều hơn, lớn hơn đối với người khác, xã hội.
Nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách vì điều đó mang lại nhiều tác hại. Hãy để cho tiếng tăm được đến một cách tự nhiên bằng hành động có thực chất: hữu xạ tự nhiên hương.
+ Làm sao để là người có ícH:
Hãy sống có lý tưởng;
Hãy sống có đạo đức, có trách nhiệm;
Hãy sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng;
+ Ý kiến này là một biểu hiện cụ thể của vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người. Giải quyết tốt mối quan hệ của vấn đề nổi tiếng và có ích, của danh và thực, người ta sẽ dễ có cuộc sống bình an, hạnh phúc, chân chính.
Đây là một ý kiến có giá trị đúng đắn. Đồng thời nó cũng là một lời khuyên rất có tính thời sự, nhất là trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang có xu hướng tìm sự nổi tiếng bằng mọi giá.
Phải sống như thế nào cho hợp lòng người, cho đúng đạo lí, để trở thành người nổi tiếng hay người có ích?
Đây là một ý kiến khá xác đáng, từng được nhiều người nhắc đến để làm phương châm ứng xử, hành động trong suốt cuộc đời: "Đừng cố gắng trở thành người nổi tiến ạ mà trước hết hãy là người có ích".
Vậy, thế nào là người nổi tiếng? là người có ích?
Người nổi tiếng là người có tiếng đồn xa, được rất nhiều người nhắc đến, biết đến. Đồng nghĩa với nổi tiếng là nổi danh, lừng danh, nức danh, nức tiếng. Người nổi tiếng có thể là người được cộng đồng tôn vinh về tài đức, cũng có thể là người ''cộm cán", bị tai tiếng.
Ví dụ, thầy giáo Nguyền Ngọc Kí bị tàn tật bẩm sinh mà dùng đôi chân để viết, vẽ ... nổi tiếng gần xa, được hàng triệu học sinh Tiểu học yêu quý. Trần Đăng Khoa là nhà thơ thần đồng nổi tiếng từ năm lên 9 - 10 tuổi. Trái lại, tướng cướp Năm Cam "nổi tiếng" đâm chém, giết người cướp của một thời! Nhân vật Sở Khanh cũng là người "nổi tiếng":
"Bạc tình nôi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung".
(Truyện Kiều)
Còn người có ích là người đem lại điều có lợi, đem lại hiệu quả tốt cho gia đình hoặc xã hội trên tinh thần phục vụ và cống hiến. Nhân dân lao động là những người có ích, được xã hội ghi nhớ công ơn: "Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?". Đồng nghĩa với người có ích là /Igười hữu ích', trái nghĩa , vô tích sự.
Câu nói trên đây nhắc nhở mỗi chúng ta phải sống thiết thực, phải tùy theo tài, đức của mình để phấn đấu: "trước hết là người có ích", coi việc hiến dâng, phục vụ gia đình, Đất nước là nghĩa vụ, là niềm vui hạnh phúc trong suốt cuộc đời.
Muốn trở thành người nổi tiếng thì phải có đức trọng tài cao, làm nên công danh sự nghiệp. Nếu chỉ là người bình thường, "một phó thường dân" thì làm sao mà thành người nổi tiếng được? "Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng" vì chỉ là mơ hồ, hão huyền. Câu tục ngữ: "Liệu cơm gắp mắm" nhắc nhở mọi người phải có đầu óc thực tế, phải sống thiết thực! Thành ngữ “hữu danh vô thực" châm biếm, mỉa mai những kẻ “có danh" mà vô tích sự đầy rẫy trong xã hội, nhan nhản trong đời!
Vị thế xã hội của mỗi người có thể khác nhau, người lãnh đạo/ thường dân; giàu sang phú quý/ nghèo khổ; trí thức/ lao động chân tay; trẻ con/ người lớn,... ai cũng cần học tập, lao động, tu dưỡng thành người có ích. Người có ích là người cao quý, là người vẻ vang vì đã làm nên bao thành quả ích nước, lợi nhà. Đúng vậy, "người hoàn thiện nhất là người hữu ích nhất cho xã hội" (Kinh Coran).
Thiếu niên, nhi đồng "tuổi nhỏ làm việc nhỏ...", chăm ngoan, học giỏi. Các cụ già: "Sống khỏe, sống vui, sống có ích". Công nhân, nông dân ra sức sản xuất vì dân giàu, nước mạnh. Thầy cô giáo, kĩ sư, bác sĩ... đem tài năng hiến dâng cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Anh bộ đội nắm chắc tay súng, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ, giữ vững hòa bình của đất nước.
Sống phải có ước mơ, luôn luôn có ý thức vươn lên xây dựng cho bản thân một sự nghiệp. Không được mơ mộng hão huyền, nhưng cũng không nên an phận thủ thường.
Câu khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó cố thanh niên” luôn luôn nhắc nhở tuổi trẻ chúng ta biết sống đẹp, phấn đấu trở thành người có ích, có ích cho gia đình, có ích cho Tổ quốc.