Hãy kể lại một sự việc em lỡ gây ra khiến bố, mẹ buồn phiền.

2 câu trả lời

Ông bà, bố mẹ thường khuyên em muốn gì, cần gì thì cứ nói thật, không nên nói dối. Đường đi hay tối, nói dối hay cùng, bà bảo thế và chứng minh cho em hiểu bằng những câu chuyện cổ hay những sự việc có thật mà bà biết. Em thấm thía và tự nhủ hãy cố gắng sống cho trung thực. Nhưng rồi có một lần, chỉ vì không kiềm chế được ý thích của mình mà em đã trở thành kẻ nói dối đáng ghét. Nhớ lại, giờ đây em vẫn thấy xấu hổ. Chuyện xảy ra cách đây khoảng nửa năm, đầu đuôi là thế này:

Em rất thích trò chơi điện tử, nhưng vì nhà không có máy tính nên thỉnh thoảng vào cuối tuần, em tranh thủ đến tụ điểm chơi độ một tiếng cho đỡ thèm rồi về. Bọn con trai chúng em khi đã ngồi trước màn hình lấp lánh đủ màu là thích thú, say sưa, quên hết mọi sự.

Hôm ấy mới là thứ năm. Buổi tối, ngồi làm bài tập Toán mà đầu óc em cứ mải nghĩ về việc mình đã thua điểm Hùng trong trò chơi tấn công vào thành. Càng nghĩ càng tức vì em cho rằng mình chơi giỏi hơn bạn ấy. Không ! Phải tập dượt cho thành thạo để chiến thắng, để "dằn mặt" cho Hùng "đỡ kiêu". Trong óc em chợt nảy ra một ý. Em đứng lên, gấp sách lại rồi nói với mẹ:

- Mẹ ơi ! Bài Toán này khó quá ! Mẹ cho con sang nhà Hùng để hỏi, mẹ nhé!

Mẹ đồng ý và dặn em về sớm. Như con chim sổ lồng, em chạy vụt đi. Nhà Hùng ở cuối phố, cách nhà em chỉ vài trăm mét. Qua mấy điểm chơi điện tử, chỗ nào cũng lố nhố người. Lấm lét nhìn quanh, không thấy ai quen, em rẽ vội vào.

Em chơi lại trò tấn công vào thành. Một lần, hai lần, ba lần,… Số điểm cứ tăng dần, tăng dần cho tới lúc hơn được điểm của Hùng mới thôi. Em say sưa và phấn chấn lạ lùng, quên cả thời gian. Chợt một bàn tay vỗ nhẹ vào vai khiến em giật mình:

- Nghỉ thôi cháu ! Khuya rồi!

Bác chủ nhà nhắc nhở rồi chỉ tay lên đồng hồ. Đã hơn mười giờ rồi ư?! Nguy quá!

Em vội vàng bảo:

- Bác tính tiền cho cháu!

- Sáu ngàn. Cháu đã chơi hai tiếng rồi đấy!

Lục hết các túi chỉ có bốn ngàn, em bối rối không biết làm sao, đành năn nỉ:

- Bác cho cháu nợ hai nghìn, mai cháu trả!

- Lần sau có tiền thì chơi, không tiền thì thôi, đừng thế nữa nghe cu cậu!

Em nóng bừng cả mặt vì ngượng nhưng đành chịu. Bác ấy đâu có nói sai. Bước xuống lòng đường, cơn gió đêm mát lạnh làm cho em tỉnh hẳn. Niềm phấn khích lúc nãy chợt tan biến và nỗi lo ập đến. Trời ơi! Biết nói với bố mẹ thế nào đây?!

Đầu ốc rối bời, em vừa đi vừa tìm cách đối phó nhưng nghĩ mãi không ra, bất chợt, có tiếng xe máy dừng ngay bên cạnh và giọng nói nghiêm túc của bố em cất lên:

- Toàn ! Lên xe mau!

Hai đầu gối bủn rủn, em đứng như trời trồng, miệng lắp bắp:

- Bố ! Bố ... đi tìm con ư ?!

- Phải ! Mẹ bảo là con đến nhà Hùng làm Toán và bố đã đến đó để đón con.

Giọng bố bình thản nhưng em biết là bố đang kìm nén cơn giận dữ. Một nỗi sợ hãi ghê gớm khiến em choáng váng. Như một cái máy, em leo lên xe để bố chở về nhà. Biết không thể nào biện bạch cho hành động dại dột của mình, em đã nói thật mọi chuyện cho ông bà, bố mẹ nghe. Ông gọi em đến gần và nhẹ nhàng khuyên nhủ:

- Tuổi trẻ thường hiếu thắng nhưng cháu đừng cay cú hơn thua với bạn như thế ! Chơi để giải trí thì được, chứ đam mê đến xao nhãng học hành thì không nên cháu ạ!

Em xin lỗi gia đình và hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Thời gian qua, em cố gắng giữ lời hứa, tập trung vào việc học hành. Do đó mà kết quả học tập khá lên nhiều. Bố mẹ em vui vẻ cho phép em mỗi sáng chủ nhật được chơi trò chơi điện tử hai tiếng đồng hồ. Tất nhiên là em không quên rủ Hùng- người bạn thân nhất cùng đi.

Câu chuyện ấy đã cho em một bài học nhớ đời: Sự dối trá chỉ đem lại những hậu quả xấu mà thôi.

Tình thương yêu của ông bà, cha mẹ đối với con cháu là vô bờ bến. Đó là những người đã có thể yêu thương, tha thứ, bảo vệ tôi, giúp đỡ tôi những lúc tôi gặp khó khăn nhất. Vậy mà tôi nỡ gây ra một việc khiến bố mẹ buồn lòng. Tôi rất hối hận mặc dù câu chuyện xảy ra đã lâu rồi…

Tôi là con út trong gia đình nên rất được cưng chiều, và dĩ nhiên từ nhỏ tôi đã có ngay ý nghĩ: “Tôi sinh ra đương nhiên phải được cưng chiều, được phục vụ”. Vào một ngày nọ, tôi vừa đi học về thì gặp ngay một bà cụ ngồi trong nhà đang nói chuyện với bố mẹ tôi. Người cụ toát ra một vẻ gì đó rất nhà quê, cổ hủ, áo quần cũ kĩ, thô kệch với giỏ xách chứa toàn trái cây. Nhìn qua tôi cũng biết là mới ở quê lên và có ngay ý coi thường. Nhưng tôi giật mình, bố mẹ đã gọi tôi ra chào bà nội. Thật lòng tôi không ngờ đây lại là bà nội của tôi. Tôi lý nhí chào bà rồi lên lầu, không ngoái nhìn lại.

Từ khi bà lên ở nhà tôi, mọi hoạt động trong nhà đều bị xáo trộn, thường là ngày nào cũng phải nghe ba mẹ “mở máy hát”: “Con phải nhường cái này cho bà, không được mở nhạc để bà ngủ, con phải…, con phải…”. Tôi chán lắm rồi, ở nhà như bị giam. Vì thế tôi ghét cay ghét đắng bà.

Một buổi chiều, trời nắng đẹp, con nhỏ bạn gọi diện cho tôi bảo: “Ê, Thi, đi ăn kem không, tao vừa biết chỗ này ngon lắm.”, sẵn lúc không có gì làm ở nhà, tôi liền đồng ý ngay. Nhưng thật đau lòng, ba mẹ không ở nhà, làm sao có tiền đi chơi, chẳng lẽ phải xin “bà già nhà quê” đó. Không, tôi kiên quyết không chịu. Ngay lúc đó, tôi nảy ra ý hay là lấy tiền của ba mẹ vậy, chắc họ không biết đâu. Cũng may, khi vào phòng, ở trước mặt tôi, trên cái bàn còn nguyên một tờ giấy năm chục ngàn mới tinh. Tôi liền lấy ngay số tiền đó đi chơi. Cuối cùng, tôi cũng có một buổi đi chơi tuyệt vời với đám bạn.

Khi về, vừa bước vào cửa, tôi đã nghe thấy tiếng mẹ hỏi: “Anh có thấy tờ năm chục để ở bàn không?”. Tôi hoảng hốt, nhưng vẫn cứ thản nhiên bước vào như không có chuyện gì xảy ra. Khi mẹ hỏi, tôi liền nói: “Con không biết mẹ mất tiền, con không lấy vì từ chiều tới giờ, con đi chơi với bạn. À hình như ở nhà còn bà nội và cô giúp việc…”. Nhưng bố mẹ tôi mắng át: “Im! Con chớ có lộn xộn!”.

Bà từ trong buồng bước ra và lên tiếng: “Thôi đừng trách cứ nhau nữa, đúng là mẹ lấy đó”. Bỗng nhiên cô giúp việc lên tiếng: “Từ chiều tới giờ, bà đau lưng nằm trong buồng, con xoa bóp cho bà, chỉ thấy em Thi từ trong phòng cô cậu bước ra”. Tôi lạnh xương sống. Bố tôi lạnh lùng quay lại hỏi: “Thi, hôm nay ba mẹ đi hết, không hề cho con tiền, lấy đâu tiền mà con đi chơi với bạn!”. Tôi giật mình ấp úng không nói nên lời. Bấy giờ mẹ tôi mới lên tiếng: “Thôi rồi, là con rồi, mẹ thất vọng về con quá, chính mình lấy mà không tự nhận, mẹ buồn vì con đã gian dối, buồn vì con đã nói hỗn với bà…”.

Đôi chân tôi run run rồi quỵ xuống, mắt tôi rưng rưng, nước mắt chảy dài. Tôi không khóc cho kẻ bị phát hiện mà tôi khóc vì lời mẹ nói, nó như hàng trăm mũi kim đâm chích vào tim tôi. Đến khi tôi nhận ra thì thật muộn màng, tôi đã bán rẻ lòng tin của mình chỉ trong một phút lầm lỡ.

Bỗng có một bàn tay dịu dàng, ấm áp ôm lấy tôi và giọng nói nhẹ nhàng, thiết tha của bà: “Thôi đừng khóc nữa, cháu biết lỗi là tốt rồi”. Rồi bà quay lại nói: “Thi à, bà tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng tự trọng. Bà rất yêu cháu, yêu rất nhiều”. Lần này, tôi òa khóc thật sự, cứ như một người vừa lạc trong rừng giờ mới thấy ánh mặt trời. Ôi, đôi mắt bà sao nhân từ thế, lòng bà sao nhân hậu thế. Người bà của tôi đây sao, người thật hiền hậu và bao dung. Tôi yêu bà biết bao nhiêu! Vừa ôm bà, tôi vừa khóc: “Bà ơi, cháu có lỗi với bà”.

Sau đó vòng tay của ba mẹ ấm áp đến nao lòng. Có lẽ, ba mẹ đã tha thứ cho tôi. Tình thương bây giờ đầy ắp cả căn nhà khiến cô giúp việc cũng bật khóc.

Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy rất hối hận. Đừng nên làm những điều dại dột với những người thân yêu của mình, các bạn nhé!

Câu hỏi trong lớp Xem thêm