Đề bài: Hóa thân vào nhân vật anh thanh niên để kể lại truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. (kết hợp đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm và nghị luận) Không chép y nguyên trên mạng, có thể tham khảo và lấy một số ý.

2 câu trả lời

Tôi là anh thanh niên sống và làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Đến năm nay, tôi tròn hai mươi bảy tuổi. Tôi làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu. Một mình sống trên đỉnh núi, nhưng tôi vẫn luôn giữ gìn nhà cửa của mình sạch sẽ gọn gàng. Ngoài công việc, thời gian rảnh rỗi, tôi thường đọc sách, trồng hoa và nuôi gà. Nhưng cũng có lúc tôi cảm thấy khá cô đơn, nên rất thèm được nói chuyện với con người. Chính vì vậy, tôi thường kiếm kế để những chiếc xe đi ngang qua đây dừng lại và có dịp trò chuyện với mọi người trên xe. Một lần nọ, tôi được bác lái xe - người bạn đã khá quen thuộc, giới thiệu gặp gỡ với bác họa sĩ và cô kỹ sư. Tôi mời họ lên thăm quan nhà mình, rồi xin phép về nhà trước. Khi họ lên đến nơi, tôi chạy đến và trao bó hoa đã cắt cho cô kỹ sư. Tôi nói với cô: - Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý. Cô cứ cắt một bó rõ to vào. Có thể cắt hết, nếu cô thích. Tôi không biết kỷ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Bác và cô là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ tết. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay. Tôi nhìn cô rồi, mỉm cười rồi hỏi: - Cô cũng là đoàn viên? Cô kỹ sư nhẹ nhàng trả lời tôi: - Vâng ạ! Tôi quyết định sẽ chấm dứt tiết mục hái hoa, rồi quay sang kể với bác họa sĩ về công việc của mình: Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có ảnh hưởng quyết định với gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cái thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân mà đo. Cái này là máy nhật quang ký, ánh sáng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy vết cháy mà định nắng. Đây là máy vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm không nhìn mây, cháu nhìn gió lay lá, hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được. Tôi nhìn bác họa sĩ và cô kĩ sư, họ đang chăm chú lắng nghe tôi nói. Bác họa sĩ giục tôi: - Anh nói nữa đi! Tôi nhanh nhẹn đáp: - Báo cáo, hết. Còn hai mươi phút nữa, mời bác và cô vào nhà uống chén trà. Bác họa sĩ và cô kỹ sư theo tôi vào nhà. Bác họa sĩ vừa uống trà vừa nói: - Chuyện dưới xuôi, khoảng mười ngày nữa tôi sẽ trở lại để kể cho anh. Bây giờ anh hãy kể cho tôi nghe tại sao người ta lại bảo anh là “người cô độc nhất thế gian”? Nghe vậy, tôi bật cười khanh khách: - Không đúng đâu bác ạ, cái từ ấy đều là của bác lái xe. Một mình thì anh bạn trên trạm đỉnh Phan-xi-păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu. Bác họa sĩ lại hỏi tôi: - Quê anh ở đâu vậy? Tôi liền đáp: - Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một - không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa… Vừa kể tôi vừa thấy bác họa sĩ đang hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Để khỏi vô lễ, tôi vẫn ngồi yên cho bác vẽ, nhưng lại nói: - Bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu sẽ giới thiệu cho bác những người xứng đáng hơn kìa. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau hay đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu. Tôi nhìn đồng hồ, kêu lên: - Trời ơi, chỉ còn năm phút. Tôi chạy vội ra nhà phía sau, rồi trở vào trên tay cầm một cái làn. Nhà họa sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô kĩ sư cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già.

Nguyễn Thành Long là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và bút kí. Truyện của ông rất giàu chất thơ hoạ. Tiêu biểu nhất là truyện ngắn “lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai vào mùa hè năm 1970. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, một con người có lòng yêu nghề, có lý tưởng có lối sống đẹp đã âm thầm lặng lẽ cống hiến sức mình cho đất nước.

Nhân vật chính của truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Anh không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa anh với bác lái xe, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ khi xe của họ dừng lại nghỉ. Mặc dù anh chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng cũng kịp để các nhân vật khác kịp ghi nhận một  cách ấn tượng, một kí hoạ chân dung thật đẹp về anh. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhân vật anh thanh niên hiện ra đủ để cho mọi người cảm nhận được rằng “Trong cái lặng im của SaPa … Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Hoàn cảnh sống và công việc gian khổ giúp ta nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của anh. Phẩm chất của anh thanh niên hiện ra qua góc nhìn, đánh giá của các nhân vật: Bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư. Qua cách nhìn nhận và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh niên hiện ra rõ nét hơn và đáng mến hơn bao giờ hết. 

           Trước tiên ta thấy, hoàn cảnh sống và làm việc của anh đặc biệt gian khổ. Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m so với mặt biển, xung quanh không hề có một bóng người “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Một ngày anh phải vào ốp bốn lần, nửa đêm đúng giờ ốp thì dù có mưa gió cũng phải trở dậy xách đèn ra ngoài trời làm công việc đã qui định. Những lúc ấy, anh cảm thấy “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Nhưng cái gian khổ nhất mà anh phải vượt qua chính là sự cô đơn buồn tẻ, quanh năm suốt tháng sống cô độc một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người. 

Anh thanh niên còn có những nét tính cách và phẩm chất đáng mến khác. Anh là người chân thành cởi mở, biết quý trọng tình cảm của mọi người, biết quan tâm đến mọi người và khao khát được gặp gỡ trò chuyện với mọi người. Anh đã từng lấy khúc gỗ chặn đường cho xe dừng lại để được gặp gỡ trò chuyện với mọi người, vui sướng hạnh phúc khi có khách đến thăm. Nghe nói vợ bác lái xe bị ốm, anh đi tìm đào củ tam thất biếu vợ bác lái xe ngâm rượu uống cho mau lại sức. Anh hái một bó hoa thật to để tặng cho cô kĩ sư và chu đáo chuẩn bị một làn trứng cho mọi người đi ăn đường.

Với tình huống truyện nhẹ nhàng, đơn giản, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất họa, truyện ngắn “lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với những phẩm chất, cách sống đẹp điển hình cho thế hệ trẻ trong thời kỳ mới. Anh thanh niên cùng với các nhân vật khác như cô kĩ sư, ông hoạ sĩ , ông kĩ sư vườn rau … đã tạo nên một tập thể những con người lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người. Với những thành công như thế, truyện được xem là một trong những truyện ngắn hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Hình ảnh anh thanh niên đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ bạn đọc. Để mỗi lần lần giở trang văn của Nguyễn Thành Long chúng ta cảm thấy rung lên cảm xúc yêu mến, cảm phục, tự hào để sống có ích hơn.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm