Đề 2. Phân tích nhân vật Chí Phèo để làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

2 câu trả lời

Nếu như Thúy Kiều của Nguyễn Du gặp phải bị kịch đớn đau về tình yêu và Hộ gặp phải bi kịch éo le về nghệ thuật đương thời thì Chí Phèo của Nam Cao lại gặp một loại bi kịch vô cùng lạ lùng. Đó là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.

Chí Phèo bước ra từng tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao với một loạt những khổ đau, những bất hạnh. Và cũng không phải vô tình mà Nam Cao lại dành hết những gì là đớn đau nhất cho “đứa con đẻ” của mình. Ngòi bút sắc sảo và tấm lòng giàu yêu thương của ông đã gửi gắm biết bao nhiêu tình cảm cùng với sự cảm thông sâu sắc tới những con người cùng khổ như Chí. Chí chỉ là một đứa trẻ mồ côi chưa một lần được biết đến hơi mẹ.

Chí ở cho nhà Bá Kiến nhưng lại bị bà ba dâm dục hãm hại khiến Bá Kiến ghen tuông đẩy Chí vào tù. Năm tháng của tù đày đã cùng Chí nuôi lòng thù hận ngày một lớn dần lên. Cho đến khi ra tù Chí trở thành một con quỷ dữ khiến cả làng Vũ Đại khiếp sợ. Còn Nam Cao chỉ tả chỉ với hai từ ngắn gọn “ghê tởm”. Nhưng khi gặp được Thị Nở – cuộc đời Chí ít nhất cũng đã được biết đến bàn tay chăm sóc của một người đàn bà thực sự. Nhưng thị lại nghe lời bà cô cự tuyệt mối tình ấy, khiến Chí một lần nữa trở thành con quỷ dữ. Trong cơn uất hận, Chí đến giết Bá Kiến và tự vẫn để đòi quyền làm người lương thiện.

Câu chuyện kết thúc nhưng bi kịch về cuộc đời Chí vẫn làm người đọc không khỏi xót xa. Được sinh ra làm người nhưng lại bị chính những con người xung quanh mình cự tuyệt quyền làm người. Hay nói đúng hơn là không ai nhìn nhận Chí là một con người nữa. Thay vào đó là một con quỷ dữ không hơn không kém. Con quỷ ấy trước đây đã từng là một con người lương thiện, hiền lành chịu khó. Nhưng giờ đây lại ôm hận trở về làng với những cơn say triền miên. Say lại chửi. Chửi cho quên đời, cho bõ tức, cho hả lòng hả dạ. Nhưng càng chửi, càng bực. Bởi ai cũng “chừa mình ra” thì Chí chửi ai bây giờ? Đến ngay cả tiếng chửi xúc phạm đến người khác Chí cũng chẳng được ai để ý. Bởi nếu là một người bình thường khi tung ra những lời lẽ chua ngoa ấy kiểu gì cũng bị dân làng xúm vào chửi lại, thậm chí là đánh đập. Nhưng Chí thì lại khác. Chỉ có lũ chó chạy theo sủa ầm ĩ. Chẳng ai hiểu rằng đằng sau những tiếng chửi ấy là một nỗi niềm khát khao đến cháy bỏng được quay trở về làm người. Chỉ cần có ai đó chửi lại thôi cũng đủ để Chí thấy rằng mình vẫn được công nhận làm người. Nếu sống một cách bình thường, có thể không ai để ý đến Chí. Có lẽ Chí nghĩ rằng phải chửi thật xúc phạm, thật nhiều để xem có ai chửi lại không, để Chí biết rằng mình vẫn còn được nhìn nhận. Nhưng buồn thay, tiếng chửi của Chí chỉ có tiếng chó sủa đáp lại.

Cho tới khi gặp được Thị Nở, cuộc đời Chí bước sang một trang mới. Chí ý thức được bản thân mình. Lần đầu tiên Chí tỉnh, tỉnh rượu và tỉnh cả những dòng suy nghĩ đau đáu về lòng thù hận. Không ngờ sự chăm sóc ân cần của một người đàn bà dở hơi lại có sức mạnh tác động lớn đến Chí như vậy. Tỉnh táo, Chí cũng chẳng mảy may nghĩ rằng thị chỉ là một người dở hơi, xấu xí. Vì rằng điều mà Chí khát khao bấy lâu nay là được nhìn nhận là người đã đạt được. Thậm chí thị còn dành cho Chí những hành động, cử chỉ của một “người yêu” thực sự. Chính thị – một con người chỉ hơn Chí ở cái là được mọi người nhìn nhận là người – đã đánh thức phần người trong Chí. Có lẽ cũng vì thị dở hơi nên thị không ý thức được về hiện trạng của Chí lúc này nên thị mới ngã vào lòng Chí. Nhưng dù sao điều đó cũng đã là một ân huệ lớn lao cho cuộc đời Chí.

Lần đầu tiên Chí tỉnh rượu sau những cơn say. Chí bắt đầu cảm nhận hương vị của cuộc sống từ những điều bình dị nhất, giản đơn nhất: tiếng mái chèo, tiếng chim hót, tiếng người đi chợ qua lại… Và rồi, ước mơ trong sáng đến thánh thiện ngày nào trở về trong Chí. Chí ước có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn kiếm tiền, vợ thêu thùa chăm lo việc gia đình. Hạnh phúc nhỏ nhưng cuộc sống êm đềm ý nghĩa biết bao. Nghĩ vậy, Chí càng quyết tâm quay trở lại làm người lương thiện. Sẽ bỏ rượu. Sẽ không đi rạch mặt ăn vạ nữa. Từ nay sẽ thay đổi. Nhưng. Than ôi! Hạnh phúc đang phất lên thì lại bị hất văng ra khỏi bàn tay yếu ớt của Chí khi thị trở về nghe lời bà cô cự tuyệt Chí. Như vậy, đến ngay cả con người cuối cùng của xã hội này mà Chí đặt niềm tin vào cũng không thể kéo Chí dậy được. Thậm Chí còn đẩy Chí vào bờ vực thẳm sâu hơn, đớn đau hơn. Lúc này đây, hương cháo hành lại làm Chí xôn xao trong người. Niềm khát khao được làm người chưa bao giờ cháy bỏng và mạnh mẽ đến thế. Nhưng ai sẽ cho Chí được làm người đây? Và lại là một người lương thiện thì càng khó. Ước mơ giản đơn ngày nào của Chí chẳng lẽ bị vùi dập nhanh chóng như thế này sao? Hạnh phúc tưởng chừng như đã ở trong tầm tay nhưng lại bỗng dưng vụt mất. Chí hụt hẫng, khổ đau.

Như vậy, tất cả mọi người, không một ai còn nhìn nhận Chí là một con người nữa. Có thể sẽ có người nói rằng: Chí hoàn toàn có thể tự mình làm người lương thiện bằng cách sống tốt hơn, không chửi bới, không say xỉn và xin đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Rồi dần dần mọi người sẽ lại quý mến Chí, cho Chí những cơ hội tốt hơn để tiến thân. Nhưng cuộc sống đâu phải dễ dàng đến vậy. Nhất là trong xã hội ấy, giai cấp cầm quyền là đại diện cho những điều gian ác nhất, bất nhân nhất. Liệu rằng Bá Kiến có để cho Chí được sống một cuộc sống êm đềm không khi hắn đã từng có thù hằn với Chí? Hơn nữa, khi đã mang trong mình lòng thù hận quá sâu sắc, liệu rằng ai có thể bình thản mà sống được. Có thể do Chí chưa mạnh mẽ, chưa đi đúng hướng nên đã để xảy ra những bi kịch đớn đau trong cuộc đời mình. Nhưng khi nhìn bằng cái nhìn khách quan, Chí chính là kết quả của một xã hội phong kiến thối nát, tàn nhẫn. Chí là đại diện cho những người nông dân bần cùng bị xã hội dồn ép đến mức đánh mất cả nhân tính, để đến khi muốn quay trở lại làm một con người bình thường cũng chẳng được nữa. Đây là một loại bi kịch lạ lùng nhất trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn học hiện thực nói riêng.

Qua tấn bi kịch ấy, nhà văn đã chĩa thẳng ngòi bút của mình đến thế lực phong kiến độc ác đã lấy đi nhân tính của biết bao nhiêu người nông dân lương thiện. Đồng thời ông cũng bênh vực và cổ vũ mọi người hãy cùng nhau đứng lên giành lấy quyền sống, quyền tự do cho chính mình để không ai phải tìm đến cái chết một cách thương tâm giống như Chí Phèo ở cuối tác phẩm.

- Nguyên nhân: do bà cô Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo - > định kiến của xã hội.

- Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:

  • Lúc đầu: Chí ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở
  • Sau Chí hiểu ra mọi việc: Tuyệt vọng, Chí uống rượu rồi xách dao đến nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự sát.

- Ý nghĩa hành động đâm chết Bá Kiến và tự sát của Chí:

  • Đâm chết Bá Kiến là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống.
  • Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống làm người.

=> Chí Phèo là tiêu biểu cho số phận người nông dân trong xã hội cũ bị chèn ép, đẩy vào bước đường cùng.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm