cảm nghĩ của e về câu tục ngữ "học ăn,học nói, học gói mang về
1 câu trả lời
Khi mới lớn lên tôi cũng vô tư không để ý gì tới những giá trị tưởng chừng nhỏ bé trong cuộc sống như câu nói trên. Hồi đó tôi luôn quan niệm “Mình thích làm gì thì làm, ai nói gì mặc kệ”. Không có gì xảy ra nếu những chuyện tôi làm đúng và được mọi người ủng hộ. Nhưng một ngày kia tôi phát hiện ra rằng, cái vô tư hồn nhiên của mình đã làm cho nhiều người khó chịu và có lời ra tiếng vào. Tôi suy nghĩ rất thoáng và hiện đại, không muốn gò bó mình trong một khuôn khổ ràng buộc nào cả, chính vì vậy tôi thường không để ý tới phản ứng của mọi người xung quanh. Và điều đó đã gây bất lợi cho tôi. Mọi người sẽ thích sự hồn nhiên, vô tư của tôi nếu họ có suy nghĩ thoáng nhưng họ sẽ không hài lòng nếu họ giữ cho mình những tính truyền thống.
Vì vậy, học ăn học nói rất cần thiết. Ông bà ta có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Đúng vậy, tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà chúng ta nói chuyện, cư xử khác nhau. Với bạn bè, ta có thể hồn nhiên cười đùa vô tư, nói có hơi quá đáng một tí cũng chẳng ai trách vì họ hiểu mình đang đùa. Nhưng khi đi làm nếu nói kiểu đó bạn sẽ mất điểm trong mắt của sếp và nguy cơ mất việc là rất cao. Rồi với người lớn hơn, các tầng lớp khác nhau cũng phải có cách hành xử riêng. Đừng để một người nghèo buồn vì cách hành xử khinh người của bạn, hay cũng đừng để người có chức có quyền xem bạn là một kẻ nịnh hót. Nói thì dễ làm mới khó. Nhưng nếu để ý một chút, để ý từ việc nhỏ như cách giao tiếp của những người chúng ta quen biết với nhau chúng ta sẽ học được nhiều điều rất hay.
Kỹ năng sống không đâu xa mà nằm ngay trong những việc hàng ngày. Nói năng cho lịch sự, đàng hoàng, đem lại sự tin tưởng cho người khác cũng là một bài học cho chúng ta. Khi đi học, bạn có thể hồn nhiên vui đùa với bạn bè nhưng bạn không được áp dụng hoàn toàn cái đó vào môi trường làm việc của mình. Môi trường làm việc nhiều tiếng cười sẽ vui vẻ, thoải mái nhưng nó sẽ khác với môi trường học tập.
Đi chơi bạn có thể hồn nhiên, cười đùa hết cỡ nhưng đi làm bạn phải kiềm chế lại bớt cái tính trẻ con của mình. Sắp tốt nghiệp ra trường tôi có rất nhiều điều cần phải trang bị cho mình về cách giao tiếp xã hội. Một anh bạn tôi đã khuyên như thế này: “Em bớt giỡn lại một tí, làm tốt công việc được giao để người khác thấy em đã trưởng thành, đã lớn có thể tin tưởng giao việc cho em”. Cái ấy tưởng chừng nhỏ nhặt lắm nhưng thực sự nếu không chú ý chúng ta có thể bị mất điểm trong mắt mọi người.
Hay một người bạn khác khuyên tôi một cách chân thành: “Lần này về phải làm một cô gái xinh đẹp, không được làm cô gái xấu xí nữa nghe chưa”. Anh vừa đùa vừa thật nhưng tôi hiểu anh muốn nói gì. Anh đang khuyên tôi nên chú ý tới bề ngoài một tí, điều đó sẽ tốt hơn cho tôi trong công việc. Hay việc bạn mặc một chiếc áo sơ mi hơi ngắn, khi cúi người xuống để lộ một phần lưng hay với tay lên hở một phần bụng điều đó là bình thường nếu đi học nhưng nếu đi làm bạn sẽ bị nhiều người chú ý. Hơn nữa việc giao tiếp khi đến các cơ quan chức năng ăn mặc như vậy có phần không được lịch sự cho lắm.
Sống thành thật, không dối trá nhưng khéo léo trong cách giao tiếp. Hay ít ra cũng biết phải làm gì khi có tình huống xảy ra. Một bạn nam thấy một bạn nữ bị đánh mà thờ ơ không lên tiếng cứ lẳng lặng đi một cách vô cảm thì không thể chấp nhận được. Như vừa rồi một chàng trai đã lạnh lùng bỏ đi khi người yêu mình nhảy xuống sông Sài Gòn tự vẫn trong dòng nước xiết. Cô ấy không biết bơi, vẫy vùng trong dòng nước thế mà anh ta mang tiếng là người yêu lại cứ thế bỏ đi. Mà chẳng cần gì tới người yêu, nếu là một trang nam tử thì dù không quen biết khi thấy người khác như vậy cũng phải nhảy xuống cứu nếu biết bơi hoặc đi tìm người giúp. Thế mà anh ta lạnh lùng bỏ đi. Liệu có phải giới trẻ hiện nay quá thờ ơ vô cảm với những chuyện trước mắt mình? Hay việc tự tay giết người yêu cũ của mình rồi vứt xuống sông, thật dã man. Mà sao dạo này nhiều vụ bạo hành xảy ra đến vậy. Không lẽ hiện nay ngưới trẻ thích bạo lực, đâm chém? Giá trị đạo đức nhân văn hay lòng trắc ẩn của con người đâu mất rồi?
Có lẽ giáo dục nên đưa môn đạo đức là một môn học chính dạy cho học sinh những giá trị sống ngay từ khi còn trên ghế nhà trường để các em vững vàng hơn trong cuộc sống và biết hành xử cho tốt.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở” câu này của ông bà ta đã có cách đây rất lâu rồi nhưng đến ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Ở đâu, thời điểm nào nó cũng có ý nghĩa và giúp con người ta ứng xử tốt hơn trong xã hội.